Mark Rothko. Hình ảnh được phép của Bridgeman images
1. Mark Rothkotên thật là Markus Yakovlevich Rothkowitz, sinh ra ở Dvinsk thuộc Đế quốc Nga (Latvia ngày nay), là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Cha mẹ ông đã do dự giữa chủ nghĩa vô thần và đức tin, cuối cùng gửi Markus đến một cheder, trường học truyền thống của người Do Thái dành cho trẻ em, từ năm 5 tuổi, nơi ông học tiếng Nga, tiếng Yiddish và tiếng Hebrew. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ tư của ông, ông đã học sau khi nhập cư Mỹ.
2. Đến Mỹ khi mới 10 tuổi, Rothko đã theo học bằng học bổng tại Đại học Yale từ năm 1921 đến năm 1923, và tham gia các lớp học vẽ với Max Weber tại Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật ở New York. Theo Rothko, thời gian tại Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật là bước khởi đầu của cuộc đời ông với tư cách một họa sĩ. Rothko đã rất xúc động khi nhiều năm sau, Weber tham dự một trong những triển lãm của ông và thể hiện mức độ tôn kính của mình đối với học trò cũ.
3. Khi học bổng của Yale không được gia hạn vào cuối năm thứ nhất, Rothko đã làm bồi bàn và giao hàng để trang trải cho việc học. Ông nổi dậy chống lại môi trường tư sản của Yale, chỉ trích chủ nghĩa tinh hoa và sự phân biệt chủng tộc của trường. Ông mở ra một tạp chí châm biếm, The Yale Saturday Evening Pest [Kẻ quấy rầy Yale chiều thứ bảy], miệt thị chủ nghĩa truyền thống của Yale.
4. Các tác phẩm ban đầu của ông mang tính tượng hình, tập trung vào cơ thể người trong cảnh quan thành phố bị bỏ hoang hoặc các câu chuyện thần thoại cổ điển, nhưng cuối cùng đã phát triển để tập trung vào màu sắc như một phương tiện truyền tải ý nghĩa chính.
5. Vào đầu những năm 1940, Rothko đã thử nghiệm chủ nghĩa tự động và thuyết sinh học Jungian. Các tác phẩm của ông đã kết hợp các dạng thực vật, động vật, con người và cá thành các sơ đồ trên nền sáng dịu nhẹ. Ông mô tả những tác phẩm ban đầu này là “thuyết phiếm thần trong đó người, chim, thú và cây cối – được biết đến cũng như không thể biết – hợp thành một ý tưởng bi kịch duy nhất”.
Mark Rothko ‘Vô đề’ 1969. Đã bán tại Sotheby’s New York, 18.9 triệu USD, tháng Năm 2018
6. Trước khi đạt được thành công cuối cùng, ông đã bổ sung thu nhập của mình bằng cách dạy vẽ tranh và điêu khắc bằng đất sét tại Học viện Trung tâm của Trung tâm Do Thái Brooklyn, nơi ông ở lại cho đến năm 1952. Ông cũng duy trì công việc với Cơ quan Quản lý Tiến độ Công việc, giống như những người cùng thời với ông là Arshile Gorky, Jackson Pollock và Willem de Kooning.
7. Rothko đã tham dự các cuộc họp của Công nhân các ngành công nghiệp Thế giới, và trở nên say mê hoạt động chính trị khi còn là một người nhập cư trẻ tuổi vào cuối tuổi thiếu niên và đầu những năm 1920. Được truyền cảm hứng và khích lệ sau khi nghe nhà hoạt động chính trị Emma Goldman phát biểu, ông hy vọng trở thành một nhà tổ chức liên đoàn lao động.
8. Đến cuối những năm 1940, ông mở rộng kích cỡ các bức sơn dầu của mình và bắt đầu làm việc với khuôn khổ hoành tráng. Các đường kẻ của ông chuyển thành những vệt màu mờ, cho đến khi cuối cùng được giảm xuống còn hai hoặc ba hình dạng gần như hình chữ nhật chồng nhau trên nền sáng. Ông mô tả phương pháp của mình là “những cuộc phiêu lưu không xác định trong không gian không xác định”, không có “mối liên hệ trực tiếp với bất kỳ điều gì đặc biệt hay niềm đam mê những cấu trúc”.
9. Rothko thường trưng bày nhiều bức tranh thành hàng để màu sắc tỏa ra từ các tấm toan thành những mảng lung linh.
Mark Rothko đứng trước một trong những tấm toan hoành tráng của ông. 1961. Hình ảnh được phép của Kate Rothko / Apic / Getty Images
10. Theo Rothko, màu sắc thể hiện “những cảm xúc cơ bản của con người — bi kịch, xuất thần, diệt vong… Những người khóc trước những bức tranh của tôi đều có cùng trải nghiệm tôn giáo mà tôi đã có khi vẽ chúng. Và nếu bạn, như bạn nói, chỉ bị rung động bởi các liên hệ màu sắc của chúng, thì bạn chưa hiểu chúng”.
11. Rothko nhập quốc tịch Mỹ vào ngày 21 tháng 2 năm 1938, để đối phó với mối đe dọa gia tăng của chủ nghĩa Quốc xã ở châu Âu. Tin đồn đã lan truyền về khả năng bị trục xuất đột ngột của những người Do Thái Mỹ, khiến ông đổi tên từ “Markus Rothkowitz” thành “Mark Rothko”, để có vẻ ít nhận dạng người Do Thái hơn.
12. Với cuộc khủng hoảng toàn cầu của Thế chiến thứ hai, Rothko cố gắng tiếp cận cả sự thay đổi xã hội và thực tế phổ quát thông qua sự quan tâm ngày càng tăng đối với hình dạng và màu sắc. Rothko giải thích “nghệ sĩ cổ xưa… nhận thấy cần phải tạo ra một nhóm trung gian, quái vật, con lai, thần thánh và á thần” theo cách tương tự như sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít ở thế kỷ 20. “Không có quái vật và thần thánh, nghệ thuật không thể tạo nên một vở kịch.”
13. Quan tâm đến các lý thuyết phân tâm học của Freud và Jung, Rothko tạm dừng vẽ tranh vào năm 1940 để tập trung hoàn toàn vào The Interpretation of Dreams [Giải thích về những giấc mơ] của Freud và Golden Bough [Cành cây vàng] của Ngài James Frazer, một nghiên cứu lớn về thần thoại.
Mark Rothko ‘No. 1 (Đỏ hoàng gia và xanh lam). 1954. Đã bán tại Sotheby’s New York, 75.1 triệu USD Tháng mười một 2012
14. Ông đã dung hòa các ý tưởng phân tâm học của Freud với bi kịch Hy Lạp làm trọng tâm chính trong tranh, tin rằng nghệ thuật phải giải phóng vô thức theo cách giống như các biểu tượng và nghi lễ thần thoại đã từng làm. “Trải nghiệm phấn khích bi kịch đối với tôi là nguồn duy nhất của nghệ thuật.”
15. Rothko nhìn chung là thù địch với các nhà phê bình, ông duy trì việc bảo vệ những ký ức và các bức tranh của mình. Các tác phẩm siêu thực của ông đã nhận được đánh giá tiêu cực từ New York Times sau khi chúng được trưng bày tại cửa hàng bách hóa Macy’s ở thành phố New York vào năm 1942. Cùng với họa sĩ Adolph Gottlieb, Rothko đã phản hồi lại những lời chỉ trích của họ, “chúng tôi ủng hộ cách diễn đạt đơn giản của tư tưởng phức tạp. Chúng tôi muốn xác nhận lại bình diện của hình ảnh. Chúng tôi chọn các hình thức phẳng bởi vì chúng phá hủy ảo tưởng và tiết lộ sự thật”. Ông tuyên bố tác phẩm của mình phải “xúc phạm bất cứ ai có tinh thần hài hòa với trang trí nội thất”.
16. Bắt đầu từ năm 1943, Rothko chuyển từ chủ nghĩa Siêu thực sang phong cách trừu tượng phong cảnh màu của Clyfford Still, người mà ông đã bắt đầu một tình bạn thân thiết. Ông nói rõ phần cuối của thử nghiệm siêu thực của mình với biểu tượng vô thức về hình dạng: “Tôi nhấn mạnh vào sự tồn tại bình đẳng của thế giới được tạo ra trong tâm trí và thế giới do Chúa tạo ra bên ngoài nó… Tôi chỉ cãi nhau với những người theo chủ nghĩa siêu thực và nghệ thuật trừu tượng khi một người tranh cãi với bố và mẹ của anh ta; công nhận tính tất yếu và chức năng của gốc rễ của tôi, nhưng nhấn mạnh về sự bất đồng quan điểm; Tôi, vừa là họ, vừa là một phần không thể thiếu hoàn toàn độc lập với họ.”
17. Rothko đã cung cấp các hướng dẫn chính xác để xem các bức tranh thời kỳ cuối của mình. Ông đề nghị người xem đứng cách khung tranh mười tám inch để bắt gặp sự thân mật, gần gũi, quyền năng của cá nhân và cảm giác về điều chưa biết. Ông giải thích rằng các tác phẩm của mình phải được treo tương đối thấp để chúng đối diện hoàn toàn với cơ thể của người xem; người xem phải chiếm lấy căn phòng mà trong đó các bức tranh chỉ được giữ một hoặc hai người tại một thời điểm, để có thể đắm chìm hoàn toàn vào nó.
18. Người nghệ sĩ ngày càng bảo vệ các bức tranh và các phương pháp của mình khi sự nghiệp phát triển. Ông thậm chí đã giấu kỹ thuật với các trợ lý trong studio. Sử dụng phân tích tia cực tím, các nhà bảo quản đã phát hiện ra trứng, keo, formaldehyde và resin acrylic trộn vào bột màu của ông.
19. Với thành công rực rỡ về mặt sinh lợi, tạp chí Fortune đã nhận định tranh của Rothko là một khoản đầu tư tốt vào năm 1955. Đáp lại, những người bạn Barnett Newman và Clyfford Still cáo buộc Rothko là phản bội, khiến ông tổn thương và rơi vào tình trạng trầm cảm. Ông sống cô lập và ẩn dật hơn nữa mặc dù đã đạt được thành công đáng kể về mặt thương mại và được làm cha với cuộc hôn nhân thứ hai cùng Mell Beistle.
20. Nhà nguyện Rothko là kết quả mối quan tâm của họa sĩ với bản chất tâm linh của nghệ thuật. Nhà nguyện phi giáo phái được thành lập bởi John và Dominique de Menil ở Houston Texas; họ đã ủy nhiệm cho Rothko không gian thiền định hình bát giác năm 1964. Ông đã lấp đầy không gian đó bằng mười bốn bức tranh, trong đó có ba bức tranh bộ ba, và năm bức tường trưng bày những bức tranh đơn. Vì những bức tranh vẽ cho nhà nguyện, Rothko đã tái tạo nội thất của studio ở Manhattan cho giống với không gian hình bát giác và ánh sáng của nhà nguyện, sử dụng một loạt ròng rọc kéo các bức tường trong không gian. Những bức tranh này nằm trong số những bức tranh trầm mặc và đáng suy ngẫm nhất của ông; ông không bao giờ nhìn thấy nhà nguyện hoàn thành, ông đã mất trước những lắp đặt sau cùng. Nhà nguyện là tác phẩm nghệ thuật lớn cuối cùng của ông.
21. Sự trầm cảm và tách biệt của Rothko càng trở nên trầm trọng hơn khi ông uống rượu. Năm 1970, Rothko tự sát, ông đã dùng quá liều thuốc an thần và có một vết cắt lớn vào động mạch ở cánh tay phải bằng một lưỡi dao cạo, không có thư tuyệt mệnh.
Nguồn: Sotheby’s
Lược dịch bởi Viet Art View