Logo loading

23.000 tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập của cố chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee

|Tổng hợp

Cha của Lee Kun-hee là người sáng lập tập đoàn công nghệ Samsung vào những năm 1930. Đến năm 1987, Lee Kun-hee kế thừa Samsung và đã biến nó thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và bộ nhớ bán dẫn lớn nhất thế giới. Ông qua đời vào tháng 10 năm 2020 ở tuổi 78 với khối tài sản ước tính khoảng 26 nghìn tỷ won. Theo Forbes, Lee là người giàu nhất Hàn Quốc, ông đã giữ vị trí này trong 12 năm. Tháng 4 năm 2021, gia đình Lee Kun-hee đã thông báo về việc trả hơn một nửa giá trị tài sản của ông cho thuế thừa kế trong thời hạn 5 năm.

Hàn Quốc là quốc gia có mức thuế thừa kế thuộc hàng cao nhất thế giới, đánh 50% giá trị tài sản, tăng lên 60% đối với cổ phiếu công ty do cổ đông lớn thừa kế. Để so sánh, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tính thuế thừa kế ở mức 40% (trên ngưỡng miễn thuế là 325.000 bảng ở Anh). Trong thông báo về việc nộp thuế thừa kế, gia đình của Lee Kun-hee cho biết họ sẽ trả hơn 12 nghìn tỷ won tiền thuế thừa kế và tặng phần lớn bộ sưu tập gồm hơn 23.000 tác phẩm nghệ thuật của ông, trong đó có các tác phẩm của Salvador Dalí, Pablo Picasso và Jean-Michel Basquiat và một trong những bức tranh hoa súng của Claude Monet, đến các bảo tàng quốc gia Hàn Quốc. Vợ và ba người con của ông Lee cho biết họ rất vui khi trả khoản thuế khổng lồ. Họ nói trong một tuyên bố công khai hiếm hoi: “Nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của chúng tôi là nộp tất cả các loại thuế”, đồng thời lưu ý rằng “khoản nộp thuế thừa kế này là một trong những khoản lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc và trên toàn thế giới.”

Tổng giá trị bộ sưu tập của Lee Kun-hee, bao gồm ‘Cô dâu và Chú rể với bó hoa’ của Chagall và ‘Gia đình nhân mã có túi’ của Dalí, ước tính khoảng 2 nghìn tỷ won (khoảng hơn 1,6 tỷ USD). Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia của Hàn Quốc cho biết 1.488 tác phẩm mà họ nhận được từ gia đình ông Lee là khoản quyên tặng tư nhân lớn nhất từ trước đến nay. Gia đình cũng thông báo họ đã quyên góp 1 nghìn tỷ won để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm 500 tỷ won để xây dựng bệnh viện chuyên khoa đầu tiên của Hàn Quốc về bệnh truyền nhiễm. Gia đình cho biết họ hy vọng số tiền quyên góp sẽ “bảo vệ di sản của ông và góp phần tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.”

Vài tháng sau tuyên bố quyên tặng từ gia đình ông Lee, hai triển lãm đã diễn ra tại Seoul, ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia (MMCA) của Hàn Quốc, bao gồm đồ cổ với niên đại hàng thế kỷ cùng những tác phẩm nghệ thuật đương đại của Hàn Quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã thông báo trước đó về việc gia đình ông Lee quyên tặng tác phẩm nghệ thuật cho các bộ sưu tập công cộng. Trong một thông cáo báo chí vào thời điểm đó, Bộ cho biết việc có được những tác phẩm này sẽ giúp hai bảo tàng “cạnh tranh với những bảo tàng nổi tiếng của nước ngoài.” Bộ cũng tiết lộ rằng họ đang lên kế hoạch xây dựng một bảo tàng mới dành riêng cho bộ sưu tập của ông Lee.

Theo curator cấp cao của MMCA, Park Mihwa, bộ sưu tập tranh, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc thể hiện sự đóng góp lớn nhất mà bảo tàng nhận được “cả về giá trị và quy mô”. Cô Park chia sẻ với CNN: “Các tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và quan trọng của đầu thế kỷ 20 cũng như các tác phẩm ở nước ngoài đã nâng cao đáng kể chất lượng và số lượng của bảo tàng”, đồng thời mô tả việc có được các tác phẩm là “cơ hội để mở rộng tầm nhìn nghiên cứu lịch sử nghệ thuật.” “Chúng tôi đã có được những kiệt tác khó có thể mua được với ngân sách sưu tập hàng năm là 5 tỷ won (4,35 triệu USD),” cô nói thêm. “Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng bộ sưu tập này sẽ giúp ích cho du lịch nghệ thuật cũng như giúp Hàn Quốc trở thành cường quốc về văn hóa nghệ thuật trong tương lai.” Trong số các hiện vật được tặng cho MMCA có 119 tác phẩm của các nghệ sĩ phương Tây, bao gồm Paul Gauguin, Pierre-Auguste Renoir, Camille Pissarro, Marc Chagall, Salvador Dalí và Joan Miró. Nhưng hơn 90% tác phẩm là của các nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc, bao gồm hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Lee Jungseop và gần 70 tác phẩm của nghệ nhân nổi tiếng Yoo Kangyul.

Một năm sau sự kiện quyên tặng, hai bảo tàng quốc gia – Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia, Hàn Quốc – đã chọn các tác phẩm từ bộ sưu tập quyên tặng thể hiện bản sắc văn hóa Hàn Quốc để tổ chức một triển lãm với tiêu đề “Lời mời của nhà sưu tập”. Curator Lee Su-kyung chia sẻ: “Nhiều người thắc mắc ông Lee có loại tác phẩm nghệ thuật nào và cho rằng ông có rất nhiều báu vật và những thứ tương tự. Trên thực tế, ông đã lưu giữ rất nhiều hiện vật văn hóa Hàn Quốc rất quý giá. Với bộ sưu tập của ông Lee, chúng tôi muốn người xem tìm hiểu về trí tuệ của tổ tiên chúng ta và con đường họ đã đi qua”, cô nói thêm.

Tại lối ra của triển lãm là câu nói của Lee Kun-hee từ bài phát biểu lễ khai mạc của Bảo tàng Nghệ thuật Leeum vào tháng 10 năm 2004: “Việc sưu tập và bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề sống còn cho tương lai văn hóa nhân loại. Đó là nghĩa vụ bắt buộc của chúng ta vào thời điểm hiện tại.”

NGUỒN: TBS NEWS, THE GUARDIAN, THE KOREA HERALD
LƯỢC DỊCH BỞI VIET ART VIEW

Một số tác phẩm trong triển lãm bộ sưu tập Lee Kun-hee tại Bảo tàng nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia, Hàn Quốc (từ trang web của bảo tàng):

PAUL GAUGUIN, ‘MÁY TRỤC TRÊN BỜ SÔNG SEINE’ 1875, SƠN DẦU TRÊN TOAN, 77.2×119.8 CM

 

CAMILLE PISSARRO, ‘CHỢ NGŨ CỐC Ở PONTOISE’ 1893,
SƠN DẦU TRÊN TOAN, 46.5×39 CM

 

CLAUDE MONET, ‘AO HOA SÚNG’ 1917-1920, SƠN DẦU TRÊN TOAN, 100×200.5 CM

 

PIERRE-AUGUSTE RENOIR, ‘ANDRÉE VỚI CHIẾC MŨ VÀNG VÀ VÁY ĐỎ
(ĐANG ĐỌC)’ 1917-1918, SƠN DẦU TRÊN TOAN

 

JOAN MIRÓ, ‘BỨC TRANH’ 1953, SƠN DẦU TRÊN TOAN, 96×376 CM © SUCCESSIÓ MIRÓ/ ADAGP, PARIS – SACK, SEOUL, 2022

 

PABLO PICASSO, ‘JACQUELINE BÊN GIÁ VẼ’ 1956, © 2022 –
SUCCESSION PABLO PICASSO – SACK (HÀN QUỐC)

Chia sẻ:
Back to top