Bài viết của Elaine W. Ng từ Tháng 5/6 2014
Adrian Jones chụp ảnh trong địa đạo Củ Chi, Việt Nam, ảnh của Stephan Memmen. Được sự cho phép của Adrian Jones.
Adrian Jones không phải là cái tên quen thuộc trong giới sưu tập nghệ thuật quốc tế. Người đàn ông Anh 48 tuổi này sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kuala Lumpur, Bangkok và có một hồ sơ khiêm tốn — mặc dù đã viết một cuốn sách thành công về trò chơi điện tử ở tuổi 17 vào năm 1983 và phát triển một hệ thống email dựa trên Windows thời kỳ đầu, được gọi là WinMail, cấp phép bởi IBM. Trong cuộc sống, cũng như trong sưu tập, ông luôn có ý thức tự chủ.
Vào tháng 3, tôi đến thăm Jones tại văn phòng ở Kuala Lumpur, trụ sở chính của tổ chức phi lợi nhuận Asiarta của ông. Nằm trong một tòa nhà có mái che — giống như vô số những thành phố khác ở châu Á — trung tâm thủ đô Malaysia, tổ chức bảo tồn và lưu trữ “Witness Collection”, Bộ sưu tập Nhân chứng, cách Jones gọi kho tàng nghệ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam của mình. Trong một chuyến tham quan, Jones cho tôi thấy một tuyển chọn đáng kinh ngạc của nghệ thuật dân gian, hàn lâm và tuyên truyền, theo các phong cách khác nhau, từ Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đến Lập thể, Biểu hiện và Trừu tượng, tất cả tiết lộ sự tường thuật xã hội, chính trị và lịch sử đa dạng.
Một bức sơn mài hiện đại vẽ một phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam mang súng trường, một bức khác là bức chân dung sơn dầu nhỏ nhắn, tinh tế về một nông dân xã hội chủ nghĩa — cả hai đều là của Nguyễn Thế Vinh (1926–97). Trên bàn là một loạt các bức vẽ — nhật ký bằng hình ảnh của các họa sĩ chính thức thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, mô tả những người lính Mỹ bị thương đang hồi phục trong các bệnh viện miền Bắc Việt Nam, và chân dung của các nhân vật của nền văn học hoạt động tại Sài Gòn trong thời kỳ chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam. Những tác phẩm như vậy thể hiện tài năng đa dạng của các họa sĩ Việt Nam- nhiều người trong số họ đã được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ban đầu do người Pháp thành lập và điều hành năm 1925.
Bắt đầu từ năm 2002, Bộ sưu tập Nhân chứng ra đời từ niềm đam mê ban đầu đã thu hút Jones, khi đó mới ra trường Đại học Cambridge, đến Việt Nam. Ông muốn làm một bộ phim tài liệu về tình trạng đất nước sau chiến tranh, và lần đầu tiên ông xin thị thực vào năm 1984. Ông nhớ lại, “Thật tình cờ vì năm 1986 Đại hội Đảng VI của Đảng Cộng sản vừa diễn ra, và họ quyết định mở cửa đất nước để cho phép người nước ngoài đến thăm và buôn bán, chứ không chỉ thương nhân từ các nước cộng sản khác.”
Jones thừa nhận rằng ông đã không chuẩn bị cho cảm quan về Hà Nội khi ông đến. “Mọi người đều mặc quần áo quân đội xám xịt. Không có nhiều thứ để làm tươi sáng một ngày của bạn. Khi đang đi dạo ở trung tâm Hà Nội, tôi tình cờ gặp phòng triển lãm của Hội Mỹ thuật Hà Nội”. Tại đây, ông gặp các nghệ sĩ nói tiếng Pháp, người đầu tiên là Nguyễn, một nghệ sĩ thời chiến quan trọng, người đã tỏ ra sẵn sàng tham gia với một người nước ngoài vào thời điểm vẫn còn nhạy cảm, giới thiệu cho Jones một bối cảnh nghệ thuật bất ngờ ở Hà Nội.
“Tôi cảm thấy có một mối gắn bó thực sự với các nghệ sĩ,” Jones nhớ lại, “và ngoài mối quan hệ cá nhân với Việt Nam, tôi đã hỏi liệu tôi có thể mua một số tác phẩm từ họ không. Họ không đồng ý ngay, nhưng khi rời Hà Nội, tôi đã mua 20 bức tranh màu nước, lụa, tranh khắc gỗ và các bức vẽ về làng quê và cảnh Hà Nội”. Ông đã không hoàn thành bộ phim của mình vì một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng mắc phải sau khi ngã xuống một cái ao ở Lào sau đó, khiến ông mất một năm để hồi phục. Ông về Việt Nam trong những khoảng thời gian không liên tục cho đến năm 1990, khi ông tiếp tục gặp gỡ nhiều nghệ sĩ hơn và mua nhiều tác phẩm hơn.
Đến năm 2002, Jones đã sưu tập được vài trăm tác phẩm. Tại thời điểm đó, ông phải đưa ra quyết định. “Tôi phải trở nên kỷ luật hơn về việc sưu tập của mình, với một mục đích rõ ràng hơn, hoặc dừng lại, bởi vì tôi có quá nhiều tác phẩm để treo trong nhà.” Sau khi cân nhắc vấn đề này trong một năm, ông quyết định thành lập Bộ sưu tập Nhân chứng, một nền tảng để kể câu chuyện lịch sử của đất nước qua con mắt của các nghệ sĩ. Jones giải thích, “Lịch sử Việt Nam được ghi lại bởi rất nhiều người khác ngoài người Việt Nam — Hollywood có phiên bản của nó, phương tiện truyền thông phương Tây có phiên bản, trong khi các nước xã hội chủ nghĩa cũng có phiên bản. Vì phim ảnh, truyền hình và nhiếp ảnh còn rất hạn chế ở Việt Nam trong thế kỷ 20, nên người Việt Nam đã kể câu chuyện của họ thông qua nghệ thuật và văn học.”
Trong hơn một thập kỷ, Jones và nhóm của ông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã theo dõi một cách có phương pháp các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật để ghép lại câu chuyện này. “Mười ba năm trước, có rất ít điện thoại và không có internet. Tôi cử một đội người đi xe máy, cố gắng tìm kiếm những nghệ sĩ này một cách có hệ thống.” Đôi khi cuộc tìm kiếm kéo dài đến hai tuần. Cuối cùng, ông đã tìm kiếm được hơn 500 nghệ sĩ từ một danh sách do ông tự tay biên soạn về các nghệ sĩ của quân đội chính quy. Một danh sách khác sau đó được tạo ra bằng cách hỏi những nghệ sĩ về những người mà họ cho là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam qua từng thế hệ. Từ đó, nhóm nghiên cứu của Jones đã thực hiện hàng trăm giờ phỏng vấn về cách thức thực hành, nghệ thuật của họ và nơi có thể có các tác phẩm của họ. Đôi khi tác phẩm vẫn thuộc quyền sở hữu của họ, hoặc đã bán, nhưng nhiều khi nó đã bị đốt cháy hoặc phá hủy, đặc biệt là sau khi Sài Gòn thất thủ. Với những ghi chép này, nhóm các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam của ông, do cố nhà sử học nghệ thuật Huỳnh Bội Trân, Boitran Huynh-Beattie dẫn đầu, sẽ ghi chép lại các cuộc phỏng vấn. Trong quá trình đan xen những tư liệu lịch sử phức tạp này, họ đã sử dụng một phần của những lời chứng để giúp truy tìm và có được các tác phẩm.
Nhóm của Jones xem xét tất cả các vụ mua lại. Các tác phẩm — chủ yếu là tranh và bản vẽ — trải qua cuộc kiểm tra ban đầu về tình trạng của chúng và nếu công việc khôi phục là cần thiết, nó sẽ được thực hiện dưới sự bảo đảm của người phục chế chính- Bettina Ebert, tốt nghiệp chương trình bảo tồn của Đại học Northumbria. Jones giải thích: “Nếu chúng tôi công bố những hình ảnh về các tác phẩm bám bụi, chưa qua xử lý, thì điều đó sẽ không mang lại sự đại diện công bằng cho các nghệ sĩ của Việt Nam. Chúng tôi đang đóng vai trò ghi lại lịch sử nghệ thuật của Việt Nam.”
Nền tảng kỹ thuật của Jones, với trọng tâm là tạo ra các phương pháp luận và phân tích dữ liệu, đã phục vụ tốt cho việc sưu tập. Hơn 2.000 tác phẩm — được tìm thấy ở Việt Nam, cũng như ở Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Ý, Úc và Hoa Kỳ — được chia thành ba thời kỳ: “Thời kỳ thuộc địa và thời kỳ Giành độc lập” (1925–45), “Đất nước bị chia cắt và thống nhất” (1945–75 và 1975–86) và “Toàn cầu hóa, hay Hậu đổi mới” (1986 trở đi). Dù đã tài trợ toàn bộ hoạt động, Jones ghi nhận công sức của những người khác ở Việt Nam, từ những gallery đến các giáo sư tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Không giống như những nhà sưu tập khác trong khu vực, Jones giải thích rằng ông không quan tâm đến việc tạo ra một bảo tàng tư nhân: “Tôi không có đủ nguồn lực để điều hành một bảo tàng cùng với cơ sở bảo tồn mà tôi đang tài trợ.” Sách cũng như các cuộc triển lãm tham quan Bộ sưu tập Nhân chứng hiện đang được hoàn thiện. Nhưng ngoài việc xây dựng và bảo vệ bộ sưu tập của riêng mình, mục đích cuối cùng của Jones là tạo ra bộ phim tài liệu mà ông đã bắt đầu từ ba thập kỷ trước. Tuy nhiên, lần này, nó sẽ ở dạng một kho lưu trữ, và, không giống như tầm nhìn ban đầu của ông và của nhiều người khác trước ông, nó sẽ thể hiện tiếng nói và quan điểm thực sự của những nghệ sĩ đã trải qua những khó khăn của Việt Nam thế kỷ 20.
XU MAN, Vô đề (trích đoạn), 1960, sơn mài, 73.5 × 44.8 cm. Được phép của Adrian Jones.
Nguồn: ArtAsiaPacific
Lược dịch bởi Viet Art View