TRẦN BÌNH LỘC (1914-1941), “Bến thuyền Hạ Long”, 1941, Bột màu trên giấy, Ký và ghi năm ở góc dưới bên phải, 34 × 48,8 cm
Trần Bình Lộc, họa sĩ tài hoa nhưng tuổi thanh xuân của ông dừng lại sớm. Ông học khóa V (1929-1934) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng Nguyễn Đỗ Cung; sang Campuchia dạy học với họa sĩ Nguyễn Văn Quế (năm 1941) và mất tại Phnôm Pênh bởi một tai nạn hy hữu do lửa. Sự cố đáng tiếc này đã làm mỹ thuật Việt Nam mất đi một nghệ sĩ có tài. Do qua đời sớm, các sáng tác của Trần Bình Lộc còn lại không nhiều, nên hiếm quý.
Tác phẩm “Bến thuyền Hạ Long”, bột màu, 1941, thuộc Bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Lâm, để lại thừa kế cho con cháu. Trong một tư liệu riêng được gia đình ông Nguyễn Văn Lâm lưu giữ, tranh được mua từ Bộ sưu tập của Nhà sưu tập Đức Minh (sau khi ông Đức Minh qua đời năm 1983) cùng với một số bức tranh khác như “Cây dừa” của Bùi Xuân Phái; “Leo cột mỡ” của Văn Cao. Tranh mô tả một cảnh sắc chân thực, những con thuyền đang nghỉ ngơi trên bến với cánh buồm được cuộn chặt. Xa xa là những dãy núi nhấp nhô trên mặt biển – nét đặc trưng của núi biển Hạ Long. Dường như Trần Bình Lộc yêu thích sáng tác phong cảnh rộng lớn, có tầm mắt bao quát rộng như từ trên cao nhìn xuống với chủ đề liên quan đến con thuyền, phong cảnh trên các bến bao gồm kiến trúc, sinh hoạt trên thuyền của các gia đình ngư phủ.
Một số quan điểm cho rằng, chất liệu bột màu thường được dùng khi sáng tác tranh trực tiếp (khi vẽ ngoài trời) hoặc sử dụng vẽ phác thảo nên màu đôi khi “ít quý” hơn chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu, lụa. Nhưng trên thực tế, chất liệu bột màu rất phổ biến, được ưa chuộng vì tính tiện dụng của nó. Một tác phẩm có giá trị bởi bút pháp và tạo hình trên mặt tranh. Ngoài ra lịch sử, độ hiếm của tác phẩm cùng với tên tuổi của tác giả góp phần giá trị cộng thêm cho bức tranh. Bức tranh “Bến thuyền Hạ Long” sáng tác năm 1941, có lẽ là một trong số những tác phẩm cuối cùng của Trần Bình Lộc trước sự ra đi đột ngột. Và cũng khá lâu rồi chúng ta mới gặp tác phẩm của ông trên sàn đấu giá.