Logo loading

BÊN TRONG THẾ GIỚI NHỮNG BÀ MẸ VÀ EM BÉ CỦA MARY CASSATT

Mary Cassatt, Mẹ và con (Cái hôn của mẹ), 1896. Nhờ sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia. Sẽ là không phù hợp khi ứng xử trong một bảo tàng, nhưng có thể bạn sẽ được tha thứ, nếu muốn áp mình vào một trong những bức tranh mềm mại này của Mary Cassatt. […]
|Viet Art View

Mary Cassatt, Mẹ và con (Cái hôn của mẹ), 1896. Nhờ sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Sẽ là không phù hợp khi ứng xử trong một bảo tàng, nhưng có thể bạn sẽ được tha thứ, nếu muốn áp mình vào một trong những bức tranh mềm mại này của Mary Cassatt. Mẹ và con (Cái hôn của mẹ) là một tác phẩm trên giấy từ năm 1896, một ví dụ đặc biệt hấp dẫn. Đôi má phúng phính của em bé áp vào má của mẹ, những lọn tóc óng mượt, những vệt phấn màu kẹo kéo dài trên mặt giấy.

Trong trí tưởng tượng của đa phần mọi người, đây là nơi tác phẩm của Cassatt bắt đầu và kết thúc – bên trong cái kén của gia đình, hay điều mà nhà sử học nghệ thuật Edgar Richardson từng mô tả là “bữa trà chiều vĩnh cửu”. Mẹ và con (Cái hôn của mẹ) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia (PMA), nơi một triển lãm khảo sát mới về tác phẩm của họa sĩ Ấn tượng Mỹ sẽ được trưng bày đến hết ngày 8 tháng 9. “Mary Cassatt at Work” [tên triển lãm, “Mary Cassatt và tác phẩm”] bắt đầu làm đảo lộn quan niệm về Cassatt như một họa sĩ vẽ những khung cảnh mẹ con bình dị. Nó xuất phát từ mong muốn “đưa vào những câu hỏi và đối thoại đương đại”, như đồng giám tuyển triển lãm Laurel Garber đã nói trong một cuộc phỏng vấn. “Có nhiều cách để nhìn lại những khung cảnh của cô ấy, những khung cảnh mà đã từng được nhìn nhận một cách cứng nhắc, như tôi nghĩ, là những bài đọc nhàm chán.”

Mary Cassatt, Cô bé trong chiếc ghế bành màu xanh, 1877–78. Nhờ sự cho phép của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc Gia, Washington, D.C.

“Mary Cassatt at Work” được củng cố bởi sự nhạy cảm nữ quyền đương đại đối với hiểu biết chưa đầy đủ về tác phẩm “của phụ nữ”. Nội trợ là lao động cần thiết một cách cơ bản. Khi Cassatt vẽ ngôi nhà, cô cũng vẽ một nơi làm việc. Hơn nữa, bởi những phụ nữ có địa vị kinh tế xã hội như Cassatt thường được coi là những họa sĩ nghiệp dư, nên tính chuyên nghiệp của cô cũng làm tăng thêm quan điểm về nữ quyền. Khi Cassatt vẽ ngôi nhà như một nơi làm việc, bản thân cô ấy đang làm việc – không chỉ đơn thuần là tham gia vào một sở thích tư sản, một công việc được xã hội thừa nhận hơn.

Chắc chắn, Cassatt là một phụ nữ đi trước thời đại và tác phẩm của cô đã được nghiên cứu qua lăng kính lịch sử nghệ thuật trong nhiều thập kỷ. Ngày nay, chủ nghĩa nữ quyền phổ biến với tất cả sự háo hức coi các cá nhân là biểu tượng, có thể bị cám dỗ biến cô thành một áp phích. Triển lãm này có mục tiêu khiêm tốn hơn; nó phần lớn tránh tuyên bố rằng Cassatt là một người lên tiếng cho nữ quyền. Tuy nhiên, nó chiếu sáng các khía cạnh trong cuộc sống và công việc của cô, phù hợp với những ý tưởng đương đại về trao quyền cho phụ nữ, ở cấp độ cá nhân và tập thể.

Mary Cassatt, hình ảnh triển lãm “Mary Cassatt at Work” tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, 2024. Ảnh chụp bởi Timothy Tiebout.
Nhờ sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Thước phim về cuộc sống của Cassatt thật đáng chú ý. Sinh ra ở Pennsylvania vào năm 1844, cô học tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania ở Philadelphia trước khi chuyển ra nước ngoài để tiếp tục học nghệ thuật. Ở Paris, cô kết bạn với Edgar Degas và được mời đến triển lãm với những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng, không phải một mà là bốn lần. Trong trường hợp đó, cô là người Mỹ duy nhất. Năm 1904, Cassatt trở thành nữ nghệ sĩ thứ hai giành được huy chương danh dự từ chính phủ Pháp. Theo cách nói ngày nay, cô ấy đã “phá vỡ trần kính” [một thành ngữ chỉ việc gỡ bỏ những rào cản vô hình, tạo cảm hứng cho những người gặp phải trở ngại tương tự].

Chủ nghĩa Ấn tượng là bức tranh về cuộc sống hiện đại, và cuộc sống của Cassatt cũng hoàn toàn hiện đại. Mặc dù thường xuyên miêu tả những em bé nhưng bản thân họa sĩ chưa bao giờ kết hôn hoặc có con. Triển lãm đã nỗ lực nhấn mạnh cam kết không khoan nhượng của cô đối với nghề nghiệp – được thúc đẩy bởi sự kiên quyết của gia đình cô, bắt đầu từ năm 1878, rằng thực hành nghệ thuật của cô phải tự duy trì về mặt tài chính. “Tôi độc lập!” Cassatt đã từng viết, câu trích dẫn hiện được hiển thị trên tường phòng trưng bày tại PMA. “Tôi có thể sống một mình và tôi yêu công việc của mình.”

Tái tạo tác phẩm của Mary Cassatt, Phụ nữ hiện đại, 1892–93. Nhờ sự cho phép của Thư viện công New York.

Một tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Cassatt, Phụ nữ hiện đại (1892–93), được nhà sử học nghệ thuật Nicole Georgopoulos mô tả trong danh mục triển lãm là “tác phẩm vĩ đại về giải phóng phụ nữ”. Đó là một bức tranh tường đặt hàng cho Tòa nhà của Phụ nữ tại Hội chợ Thế giới năm 1893, Chicago. Tác phẩm miêu tả một vườn địa đàng, với những người phụ nữ đang làm việc cùng nhau, họ thu hoạch trái của Cây Tri thức và truyền giao chúng. Phụ nữ hiện đại chỉ còn được lưu giữ nhờ các bức ảnh, nhưng trong quan điểm mang tính ngụ ngôn về giáo dục phụ nữ, chúng ta thoáng thấy mối quan tâm của Cassatt đối với các mô hình tập thể và mạng lưới của kiến ​​thức.

Những chủ đề này xuất hiện với kích thước nhỏ hơn trong Gathering fruit [Thu hoạch quả], một bản in cùng năm với Hội chợ Thế giới. Được thể hiện với các họa tiết thực vật, nó là hình ảnh một người phụ nữ trên thang chuyền những quả nho vừa hái cho một đứa bé đang được người phụ nữ thứ hai bế. Ở đây, Cassatt lấy lại hình tượng của Eva và tái định vị kiến ​​thức như một nguồn sức mạnh chứ không phải tội lỗi của phụ nữ.

Mary Cassatt, Trong xe buýt, 1890–91. Nhờ sự cho phép của
Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland.

 

Mary Cassatt, Tắm, 1890–91. Nhờ sự cho phép của
Viện Nghệ thuật Chicago.

Thế giới của Mary Cassatt là những người mẹ và những cử chỉ săn sóc của họ, nhưng trong nhiều trường hợp, hình ảnh của cô là hư cấu. Những bà mẹ của Cassatt thường là người mẫu và cô cũng thường xuyên miêu tả những lao động cổ cồn hồng, chẳng hạn như những vú em và người chăm sóc.

“Mary Cassatt at Work” gợi ý rằng danh tính của các đối tượng của Cassatt, cùng với sự lựa chọn bố cục của cô ấy, đã làm giảm đi cảm xúc của những hình ảnh này. Như vậy, chúng đạt đến thực tế của việc làm mẹ, dù đích thực hay được thực hiện: Đó là công việc. Trong Sự vuốt ve của người mẹ (1896), Cassatt nhấn mạnh tính chất thể chất của việc chăm sóc trẻ em. Đối tượng xinh xắn ngây thơ của nó, một đứa bé với đôi má hồng hào và những lọn tóc xoăn màu dâu, dường như đang đưa ngón tay cái vào miệng người chăm sóc, người này đã nắm cánh tay nó trong một cử chỉ kiềm chế. “Câu hỏi mà chúng tôi phải vật lộn là, ‘Đó có phải là tiêu đề phù hợp không?’”, Jennifer Thompson, đồng giám tuyển của Garber, đã lưu ý về bức tranh trong suốt chuyến tham quan. “Có sự vuốt ve nào xảy ra không?”

Mary Cassatt, Sự vuốt ve của người mẹ, 1896. Nhờ sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Mặc dù đúng là Cassatt, do giới tính và đẳng cấp của mình, sẽ không thể tiếp cận nhiều không gian mà các đồng nghiệp nam theo trường phái Ấn tượng của cô thường vẽ – cảnh đường phố, hộp đêm ở Paris… Garber lưu ý rằng Cassatt không chỉ đơn thuần là vẽ những gì có sẵn. Những cảnh sinh hoạt này không chỉ được quan sát mà còn được dàn dựng một cách chủ động. Điều này thể hiện trong một bức thư mà Cassatt viết cho người bạn Louisine Havemeyer của cô, trong đó cô mô tả “khó khăn khi tạo dáng cho người mẫu, chọn cách phối màu, thể hiện tình cảm và kể câu chuyện của mình!”

“Cô ấy đưa ra lựa chọn theo cách các cảnh được cắt thực sự thú vị hoặc [cách] cô ấy mở rộng và hình tượng hóa các nhân vật trong khung hình,” Garber chia sẻ. “Tôi thấy điều đó thực sự đang nói về thách thức mà cô ấy gặp phải trong việc nắm bắt cường độ, thể chất và sự căng thẳng của những cảnh này.”

Mary Cassatt, Người phụ nữ với bông hoa hướng dương, khoảng 1905. Nhờ sự cho phép của
Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C.

 

Mary Cassatt, Trên ban công, 1878–79. Nhờ sự cho phép của
Viện Nghệ thuật Chicago.

Mặc dù tác phẩm và tiểu sử của Cassatt cho thấy sự quan tâm đến tiến bộ của phụ nữ, nhưng có rất ít bằng chứng ràng buộc cô với các nhà tư tưởng nữ quyền thời kỳ đầu hoặc các phong trào phụ nữ có tổ chức ở Pháp, nơi cô sống phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình. Tuy nhiên, cô đã tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử xuyên Đại Tây Dương. Viết thư cho Havemeyer vào năm 1914, cô khuyên bạn mình “hành động vì quyền bầu cử. Nếu thế giới cần được cứu thì phụ nữ sẽ là người làm việc đó.” Cassatt đã cung cấp 29 tác phẩm cho triển lãm năm 1915 do Havemeyer tổ chức tại một phòng trưng bày ở New York để gây quỹ cho chiến dịch quyền bầu cử.

Không có mặt trong triển lãm PMA nhưng được đưa vào danh mục của nó là một tác phẩm nhấn mạnh hơn nữa cam kết của Cassatt đối với mục tiêu. Người phụ nữ với bông hoa hướng dương (khoảng năm 1905) ghi lại một khung cảnh quen thuộc trong tác phẩm của Cassatt – một người phụ nữ ngồi với một đứa trẻ trên đùi. Nổi bật là bông hoa hướng dương to rạng rỡ được đính trên váy người phụ nữ. Bông hoa đã được sử dụng làm biểu tượng chính thức của Hiệp hội Quốc gia về Quyền bầu cử của Phụ nữ Hoa Kỳ vào năm 1896, và như nhà sử học Georgopulos lập luận, biểu tượng ủng hộ quyền bầu cử của nó lẽ ra đã được công nhận rộng rãi vào thời điểm đó.

Người xem hiện đại có thể dễ dàng coi bông hoa chỉ là vật trang trí. Nhưng – cũng như phần lớn tác phẩm của Cassatt – bức tranh ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa đằng sau bề mặt mềm mại, đẹp đẽ của mình.

Bài viết của Olivia Horn
Nguồn: Artsy
Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top