Họa sĩ Inguimberty (1896-1971), cái tên quen thuộc với người yêu hội họa Việt Nam. Nếu họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937), Nguyễn Nam Sơn (1890-1973) – hai họa sĩ được nhận định trong nhiều tư liệu với tư cách đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì Inguimberty luôn được nhắc đến như một trong những người thầy dạy trang trí tận tâm, có nhiều đóng góp đào tạo, xây dựng nhân lực cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước cách mạng tháng 8.
Joseph Inguimberty sinh ngày 18 tháng 1 năm 1896 tại thành phố cảng Marseille xinh đẹp, thuộc Địa Trung Hải, miền Nam nước Pháp.
Ông đỗ vào trường L’Ecole des Beaux-Art Marseille – Trường Mỹ thuật ở Marseille năm 1910, theo học song song khóa học chuyên về kiến trúc.
Năm 1913, Inguimberty được nhận vào École Nationale Supérieure des Arts – Trường Nghệ thuật trang trí Quốc gia.
Năm 1915-1918, trong Thế chiến thứ nhất, ông nhập ngũ, chiến đấu trong một đơn vị bộ binh
Chiến tranh kết thúc, ông trở lại trường Nghệ thuật và giành được học bổng du học tại Hà Lan vào năm 1920. Khi ở Hà Lan và Bỉ, ông sáng tác chủ đề về cuộc sống của công nhân ở các mỏ than ở đó.
Ông giành giải Prix Blumenthal vào năm 1922 và giải Prix Quốc gia về hội họa năm 1924.
Cơ duyên gắn bó với Việt Nam của ông vào ngày 13 tháng 8 năm 1925, khi ông đặt bút ký bản hợp đồng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội theo lời mời của họa sĩ Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của trường…
Chắc hẳn ông cũng không thể ngờ tới, ông sẽ gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm, từ 1925 đến 1946. Nơi đây, ông cũng đã gặp gỡ người vợ của mình là Jeanne Bensa. Hai người kết hôn năm 1942.
Trong suốt những năm tháng sống, làm việc, dạy học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đi thăm thú nhiều nơi ở Việt Nam. Phong cảnh trong sáng tác của ông trải khắp hầu hết các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc như Hạ Long – Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng, Đường Lâm – Sơn Tây, Chợ Bờ – Hòa Bình, Sapa – Lào Cai…
Inguimberty rất yêu thích vùng nông thôn Việt Nam. Ông thường đạp xe, đi khám phá khắp các con đường làng quanh ngoại thành Hà Nội, Ông say mê cấu trúc địa lý bằng phẳng của Bắc Bộ với các ao hồ trong lành cùng vô số cây xanh dưới ánh nắng vàng rực rỡ của làng quê.
Bộ tranh được giới thiệu ở đây bao gồm 10 bức tranh giấy, chất liệu sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì có kích thước đa dạng. Bức lớn nhất, chiều ngang đến gần 100cm. Những bức còn lại khuôn khổ mỗi chiều dao động từ 22cm đến 60cm.
10 bức tranh này đều là bản nghiên cứu để xây dựng những tác phẩm lớn. Đặc biệt, bức “Chuyện trò dưới tán cây”; “Nông dân trên cánh đồng mùa vụ”; “Cô gái Việt đang ngồi”…là bản phác thảo của những bức tranh có chủ đề tiêu biểu trong các sáng tác của Inguimberty.
Bức thứ nhất
Tên tác phẩm: Dans les riziès, travail préparatoire – Nông dân cánh đồng mùa vụ, khoảng 1930-1935
Chất liệu tổng hợp: Sơn dầu, màu nước trên giấy, 37x97cm
Đây chính là bản tranh nghiên cứu cho bức tranh có khuôn khổ rất lớn “Dans les riziè en bas à droite – Nông dân trên cánh đồng vào mùa vụ”, khoảng 1925-1946, sơn dầu, 95×344,5cm. So với bức “Chợ Bờ”, kích thước 125x395cm, thì đây có lẽ là một trong những bức tranh có khuôn khổ gần như lớn nhất của Inguimberty.
Bức tranh miêu tả một nhóm phụ nữ nông thôn Bắc bộ tóc vấn khăn, đầu đội chiếc nón thúng quai thao hoặc nón lá truyền thống, trong bộ cánh nâu sồng. Tất cả đều gánh gồng nặng trĩu trên vai những sản phẩm của nhà nông như lúa, gạo, mạ non… Sau lưng là cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay với dãy núi Ba Vì ẩn hiện phía xa.
Bức thứ hai
Travaileurs des rizières, travail préparatoire – Nông dân trên cánh đồng mùa vụ
Khoảng 1930. Chì trên giấy. 37×59,1cm
Đây là một trong nhiều bản nghiên cứu hình họa cơ bản nhất cho những nhân vật chủ đề phụ nữ nông thôn Bắc bộ với mùa vụ trong các sáng tác của Inguimberty. Bản hình họa nghiên cứu này xuất hiện trong hai bức tranh cùng tên “Travailleurs des rizières – Phụ nữ gánh lúa”, sơn dầu, kích thước 97x147cm.
– Một bức thuộc bộ sưu tập tư nhân
– Một bức thuộc bảo tàng Pasifika
Bản hình họa này cho thấy nền tảng tạo hình cổ điển Hàn lâm châu Âu vững chắc, sự công phu kỹ càng trong việc nghiên cứu hình để xây dựng tác phẩm của ông.
Năm 2004, tại NĐG Christie’s Hongkong, bản vẽ chì, màu nước đen trắng trên giấy có kích thước 49x68cm đã bán với giá đấu lúc đó là 53.775 HKD tương đương với 160 triệu đồng.
Điều này cho thấy sức hấp dẫn từ những tác phẩm mang tên Inguimberty.
Bức thứ ba
Tên tác phẩm: Réunion sous les arbres – Chuyện trò dưới tán cây
Màu nước trên giấy – triện dấu tác giả bên phải
32x42cm, Khoảng 1930-1940
Theo như ảnh chụp trong cuốn Joseph Inguimberty (1896-1971) chủ đề “Mares – Ao, hồ” có in rất nhiều tác phẩm mô tả khung cảnh đời sống sinh hoạt Việt những năm thập niên 30-40. Đây là một trong những chủ đề tiêu điểm mà Inguimberty thể hiện trong các bức tranh sáng tác về Đông Dương của ông. Những hoạt cảnh này thường mô tả một nhóm người có thể đang nghỉ ngơi, dạo chơi, đang bán hàng…bên một bờ ao (hồ) dưới rặng cây xanh rợp bóng mát. Bức tranh tiêu điểm của chủ đề này là Pecheurs au bord de la mare – Người đánh cá bên hồ”, 1933, sơn dầu, 144x236cm.
Inguimberty mê mẩn các sắc thái màu sắc xung quanh ông. Đó là màu vàng rực rỡ của nắng, của lúa, của rơm cùng vô số màu xanh lá cây các sắc độ; những con đường màu nâu đỏ, nền trời xanh ngát…tất cả soi bóng xuống những ao hồ có rất nhiều trong mỗi ngôi làng.
Ông đặc biệt yêu thích tạo hình những cô gái với tà áo dài tha thướt, dịu dàng lơ đãng đang gặp gỡ chuyện trò dưới những tán cây bên hồ. Những motif như vậy được thể hiện rất nhiều trong các bức tranh của ông.
Những người phụ nữ này không bận rộn, họ chỉ đơn giản là tạo dáng cho họa sĩ ghi chép, đôi khi nói chuyện với nhau hoặc chải mái tóc dài. Một số ăn mặc sang trọng, một số có thể khỏa thân.
Bức thứ tư
Tên tác phẩm: Jeune Vietnamienne assise – Cô gái Việt Nam đang ngồi
Bút chì trên giấy can, khoảng 1930 – 1940, 34x24cm
Tuy chỉ là một bức ký họa chì, nghiên cứu hình nhưng hình ảnh cô gái mặc chiếc áo dài này xuất hiện nhiều trong những bức tranh của Inguimberty, dưới tạo hình người phụ nữ mặc chiếc áo dài màu xanh ngọc bích. Mà nổi bật nhất phải kể đến dáng ngồi trung tâm ở giữa bức “Au bord de la mare – Bên bờ ao”, 1937, sơn dầu, 160x260cm.
Nhân vật nữ này cũng xuất hiện trong bức “Repos au jardin – Nghỉ ngơi trong vườn”; “Le repos – Nghỉ ngơi”; bức tranh cực kỳ nổi tiếng “Le hamac– Cái võng”…hoặc trong bức chân dung “Portrait de femme – Chân dung”, sơn dầu, 31,5x40cm.
Họa sĩ mà ông yêu mến và ngưỡng mộ nhất là Nicolas Poussin (1594-1665). Ông ảnh hưởng Poussin ở việc xây dựng một bức tranh theo lối bích họa cổ điển với những bức màn cây xanh và các nhân vật như nữ thần. Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ ở những bức tranh có chủ đề như thế này.
Bức thứ năm
“Jeune Vietnamiene – Cô gái trẻ”
Chì trên giấy, khoảng 1930-1940, 31×23,5cm
Cũng như nhân vật cô gái với chiếc áo dài xanh ngọc bích, người phụ nữ này cũng xuất hiện trong nhiều bức tranh của Inguimberty nhưng trong tạo hình thôn nữ. Trong bức “Portrait de jeune tonkinoise – Chân dung phụ nữ Bắc Bộ”, 55x46cm, thuộc sưu tập Witness Collection, Malaysia, Inguimberty đã khắc họa chân dung một người phụ nữ điển hình Bắc Bộ với chiếc khăn đen vấn trên đầu và bộ răng đen đặc trưng để nhai trầu.
Tạo hình người phụ nữ nông dân Bắc Bộ xuất hiện thường xuyên trong tất cả những bức tranh mô tả chủ đề làm việc trên cánh đồng của ông.
Bức thứ sáu
Lăng Minh Mạng, Huế. Khoảng 1930
Pastel trên giấy, 32×49,5cm
Trong những sáng tác phong cảnh Việt Nam thì có lẽ Huế là nơi xa nhất với Hà Nội được ông thể hiện.
Bức tranh pastel Lăng Minh Mạng, Huế ở đây có lẽ được vẽ vào thập niên 1930-1940. Tranh miêu tả cảnh quan kiến trúc lăng Minh Mạng nhìn từ phía tay phải. Cùng chủ đề này, ông cũng sáng tác bức sơn dầu “Temple”, 46x55cm với góc nhìn chính diện lăng đã cho thấy một bút pháp rất tương đồng cho dù vẽ ở chất liệu nào. Họa sĩ người Huế Tôn Thất Đào, học trò của Inguimberty, chuyên vẽ phong cảnh Huế với các kiến trúc cung đình, lăng, miếu nhưng lại có cái nhìn chi tiết theo kiểu Á đông khi sử dụng nhiều chi tiết gợi tính trang trí. Inguimberty thì lại khác, ông sử dụng các mảng màu lớn, dứt khoát, lược đi các chi tiết, thậm chí nhiều nhân vật còn không có chi tiết trên khuôn mặt.
Bức thứ bảy
Temple, éléphant – Đền thờ, con voi
Pastel trên giấy can. 32x49cm. Khoảng 1929
Ở bức tranh đền con voi này cũng vậy. Inguimberty phác họa, gợi nhấn sắc màu trên các chi tiết kiến trúc. Bản thân ông là người theo học kiến trúc nên với các bức tranh có cấu trúc kiến trúc của ông sẽ rất mạch lạc. Tuy không tìm quá kỹ các chi tiết về hình nhưng chỉ nhìn qua đã thấy sự chắc chắn trong tạo hình, xây dựng nét mạch lạc đủ để thấy kiểu thức vững vàng của kỹ thuật hình họa.
Bức thứ 8
Sapa
Tổng hợp sơn dầu, màu nước trên giấy can
28x22cm. Khoảng 1942
Những năm thập niên 30-40, Inguimberty sáng tác khá nhiều tranh về Sapa. Và cũng như ở các chủ đề tiêu biểu khác, ông đều vẽ những bức tranh có kích thước lớn làm tiêu điểm. Đáng kể nhất phải kể đến bức “Chapa – Sapa”, 1942, sơn dầu, 84,5x185cm.
Bức Sapa nhỏ xinh ở đây tuy có kích thước khiêm tốn vẽ trên bản giấy can với chất liệu sơn dầu, màu nước…nhưng lại khắc họa cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ, ruộng bậc thang uốn lượn, đoàn người dân tộc cùng những con ngựa thồ hàng rất đặc trưng ở Lào Cai. Inguimberty có khả năng thu phóng đặc biệt khung hình cho cùng một khoảng không gian, dù to hay nhỏ đều hợp lý mà không hề gây cảm giác bị khiên cưỡng.
Bức thứ 9
Vợ tôi, chì trên giấy
Bức thứ 10
Chân dung vợ chồng họa sĩ
Chì trên giấy
Hai bức ký họa chì ở đây là hình nghiên cứu cho bức “Autoportrait avec Jeannetter sur la terrasse – Chân dung tự họa với Jeanne Bensa trên sân thượng”, 1944-45, sơn dầu, 65x81cm và bức “Jeannetter sur la terrasse – Jeanne Bensa trên sân thượng”, 1944-45, sơn dầu, 57x71cm.
Jeanne Bensa – là vợ của Inguimberty, người phụ nữ ông đã gặp gỡ, kết hôn và chung sống hạnh phúc ở Việt Nam từ năm 1942.
Tuy chỉ là bản nghiên cứu chì nhưng chúng ta cũng thấy rõ ràng sự kỹ lưỡng, chỉn chu, khoa họa trong việc xây dựng tác phẩm.
Chính vì vậy, sau những bức tranh của Inguimberty là hàng trăm, hàng ngàn ký họa ghi chép từ thực tế. Chúng đòi hỏi người nghệ sĩ phải dành rất nhiều thời gian, sức lực, trí tuệ cho việc xây dựng, thực hiện những bức tranh đẹp, có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cho nhân loại.
Inguimberty là người họa sĩ người Pháp đến Việt Nam để làm việc và ông đã thực sự yêu mến con người nơi đây, gắn bó vởi mảnh đất này. Chính vì thế ông mới có thể sáng tác những bức tranh thấm đẫm bản sắc, tinh thần Việt như thế.
Để nói về con người của Inguimberty, xin chia sẻ nhận xét của họa sĩ – nhà nghiên cứu Quang Phòng (1924-2013) về ông: “Inguimberty giống hệt như một họa sĩ Việt Nam, người am hiểu và yêu mến quê hương mình”.
Trong video có sử dụng tư liệu:
– Cuốn “Joseph Inguimberty (1896-1971), xuất bản năm 2012 tại Pháp
– Một số ảnh tác phẩm từ Nhà đấu giá Christie’s Hongkong
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View