Logo loading

BRETT WHITELEY CÓ PHẢI HỌA SĨ GIỎI NHẤT AUSTRALIA?

Brett Whiteley qua đời năm 1992, danh tiếng toàn cầu của người họa sĩ lỗi lạc sinh ra ở Sydney đã phai mờ. Hiện tại – sau một bộ phim tài liệu năm 2017, ông trở thành tác giả Australia đắt giá nhất từng được đấu giá – di sản của ông đang được đánh […]
|Viet Art View

Brett Whiteley qua đời năm 1992, danh tiếng toàn cầu của người họa sĩ lỗi lạc sinh ra ở Sydney đã phai mờ. Hiện tại – sau một bộ phim tài liệu năm 2017, ông trở thành tác giả Australia đắt giá nhất từng được đấu giá – di sản của ông đang được đánh giá lại.

Năm 1961, một người đàn ông trẻ tuổi bước vào gallery Whitechapel ở London và xin được gặp người quản lý, Bryan Robertson. ‘Anh ta xoay tròn và bủa vây tôi bằng những câu hỏi và thách thức, một kẻ thích trêu chọc bẩm sinh với những ai không có uy tín chuyên môn,’ curator nhớ lại.

Tò mò, Robertson đồng ý đến studio của người họa sĩ ở Kensington, và những gì ông nhìn thấy đã làm ông kinh ngạc. ‘Những bức tranh làm tôi sửng sốt về độ chín của chúng, mạnh mẽ và có hồn, với sự đĩnh đạc không chê vào đâu được, từng chất liệu được xử lí điêu luyện và hoàn toàn nguyên bản. Thật khó mà tin được chúng được vẽ ra bởi một họa sĩ trẻ.’

‘Bức tranh vô đề màu đỏ’ 1960, Brett Whiteley (1939-1992)

Đó là Brett Whiteley, 21 tuổi, mới đến từ Australia, qua Ý, và bùng cháy một năng lượng liều lĩnh. Robertson đã đưa người họa sĩ vào triển lãm ‘Hội họa Australia gần đây’ năm 1961, tại đó, ‘Bức tranh vô đề màu đỏ’ vẽ năm 1960 của anh đã được mua bởi Tate, anh trở thành họa sĩ trẻ nhất có tác phẩm được mua bởi tổ chức này. Ba năm sau, anh được đưa vào vị trí nổi bật trong một triển lãm khác của Whitechapel ‘Thế hệ mới’ bên cạnh đó là Bridget Riley, Derek Boshier, Patrick Caulfield.

Đầu thập kỉ 1960 là những năm li kì trong đời sống London. Sự khắc nghiệt của chế độ phân phối nhường chỗ cho sự nở rộ của văn hóa trẻ, Whiteley và người vợ xinh đẹp Wendy Julius đã ở trung tâm của nó. Với mái tóc quăn bồng bềnh, trí thông minh sắc bén, Whiteley giống như Bob Dylan, trong khi Julius trông như một nữ thần tiền Raphael với quần jeans và áo phông.

Đời sống của họ xoay quanh một villa lớn từng thuộc về William Holman Hunt (1827-1910), trên đường Melbury, gần công viên Holland. Gia đình Whiteley sống trong studio trong vườn, còn lại một nhóm tham vọng khoảng 20 người Australia xa xứ sống trong những phòng đã gần đổ nát của tòa nhà chính.

Trong đó có tác giả và phát thanh viên Clive James, người trong hồi kí của mình đã miêu tả Brett Whiteley (được che một lớp màn mỏng với biệt hiệu Dibbs Buckley) là ‘tóc vàng, mũi gồ ghề và cứ bồn chồn như một người chơi lướt ván vào một ngày mưa’. Ông cũng ghi rằng trong khi anh bạn Sidney Nolan (1917-1992) của họ phải mất cả thập kỉ để bứt phá tại nước Anh, Whiteley đơn giản chỉ ‘tìm ra đường cũng qua một lối mở ấy với một cái túi Qantas trên vai’.

‘Vô đề’ 1961, Brett Whiteley (1939-1992)

Sự thăng tiến của người họa sĩ dĩ nhiên rất đáng chú ý. Một triển lãm trong năm 1962, khảo sát của anh trên những hình dạng erotic (thuộc về tính dục) của giới nữ như là vẻ đẹp của phong cảnh đã được thừa nhận, điều này đã mang tính dục vào nghệ thuật trừu tượng. ‘Libido giống như phần màu lam đậm trong tác phẩm của tôi’, anh tuyên bố (libido là thuật ngữ trong phân tâm học của Freud, chỉ mọi năng lượng thuộc về tính dục ẩn ức trong con người), với ý tán thành những đánh giá cho rằng anh đã mang bầu trời và mặt biển xanh của Australia đến với công chúng Anh.

Động lực không thể kiềm chế không bao giờ để anh ở yên một chỗ. Trong vòng một năm, anh trải nghiệm với nghệ thuật tượng hình, cho ra đời một loạt những chân dung tuyệt đẹp của Wendy trong bồn tắm, được anh mô tả là ‘mang camera vào tâm điểm’, sau những năm vẽ trừu tượng.

Whiteley không chỉ khó bảo mà còn rất cạnh tranh, trong khoảng thời gian này đối thủ trẻ tuổi đã quyết định chọn họa sĩ tượng hình nổi tiếng nhất nước Anh Francis Bacon (1909-1992) để thách thức, ‘Bạn không thể bước sang một bên, bạn phải ôm trọn lấy ông ấy.’

Một loạt các tác phẩm như thế đã được vẽ dựa trên vụ án giết người hàng loạt John Christie. Whiteley đã trưng bày chúng cùng với các bức tranh vẽ động vật trong lồng từ Sở thú London tại Phòng trưng bày Marlborough New London vào năm 1965. Bacon, khi xem triển lãm, cảm thấy mình như bị làm thịt.

Một bức tranh và một bức phác họa từ triển lãm năm 1965 được giới thiệu vào ngày 22 và 23 tháng 3 tại Christie’s London. Các tác phẩm là về sự đau khổ thể chất, bộc lộ tài năng của họa sĩ trong việc thể hiện kịch tính cao độ.

Whiteley sớm rời London sau cuộc triển lãm và năm 1967 giành một học bổng làm việc và học tại New York. Anh chuyển đến một căn penthouse trong khách sạn Chelsea, với những người cùng cư trú Jimi Hendrix và Janis Joplin.

‘Giấc mơ Mỹ’ 1968-69, Brett Whiteley (1939-1992)

Whiteley trở thành một phần của phong trào chống chiến tranh Việt Nam và tự đặt cho mình thách thức tạo ra một tác phẩm cạnh tranh với ‘Guernica’ 1937 của Picasso, kết quả là ‘Giấc mơ Mỹ’ dài 22 m, 1968-1969, nỗ lực khủng khiếp đã có thể giết chết anh. Làm việc quá sức, lạm dụng rượu và ma túy, anh đã rơi vào suy nhược thần kinh.

Năm 1970, sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi ở Fiji, Whiteley quay trở lại Australia, định cư tại khu của các nghệ sĩ Vịnh Lavender ở Sydney. Một bản phác họa sơ bộ từ cuộc triển lãm đầu tiên sau khi anh trở lại, có một con thú mỏ vịt, các loài chim và các tác phẩm điêu khắc totem khác nhau, cũng được giới thiệu.

Triển lãm là một khởi đầu mới cho Whiteley, anh đã cống hiến hết mình để tạo ra một ngôn ngữ nghệ thuật mới cho cảnh quan Australia, mang lại cảm giác Matisse cho cảng Sydney. Năm 1978, anh trở thành họa sĩ thành công nhất của đất nước, giành được cả ba giải thưởng nghệ thuật danh giá nhất.

Tuy nhiên, nguồn sinh lực cuồng nhiệt thúc đẩy Whiteley tới những hoạt động sáng tạo sâu sắc cũng khiến anh tự hủy hoại mình. Vào cuối những năm 1970, anh nghiện heroin.

Sử gia nghệ thuật Robert Hughes nhận xét, những bức tranh của Whiteley đòi hỏi rất nhiều quyết tâm hiện sinh, rất nhiều can đảm để có thể tạo ra. Người họa sĩ muốn cạnh tranh với tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, anh từng nói mình đã cố gắng làm việc ‘theo cách mà bạn đối đầu với tự nhiên, bạn cũng thách thức cả Chúa Trời’.

‘Phác họa sơ bộ cho triển lãm Sydney’ 1970, Brett Whiteley (1939-1992)

Whiteley tiếp tục những nỗ lực phi phàm này cho đến khi qua đời vì dùng thuốc quá liều vào năm 1992. Trong những thập kỉ sau đó ông trở thành nhân vật bị lãng quên ở bên ngoài Australia. Tuy nhiên, bộ phim tài liệu năm 2017 đã mang Whiteley đến với sự chú ý của đông đảo công chúng.

Năm 2020, ‘Ghế bành của Henri’ 1974 của Whiteley phá kỉ lục đấu giá cho một tác phẩm Australia khi nó được bán với giá 6,1 triệu AUD, tương đương khoảng 4,5 triệu USD.

‘Cây Orange palm và vịnh Lavender (phiên bản nhỏ)’ 1991, Brett Whiteley (1939-1992)

‘Ghế bành của Henri’ 1974, Brett Whiteley (1939-1992)

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top