Sỹ Ngọc (1919 – 1990). Cái bát. 1949. Sơn mài. 80×60 cm
Năm 1949 tại xưởng hoạ Quần Tín, tỉnh Thanh Hoá, khi nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim hoàn thành bức phù điêu phủ sơn Hạnh phúc thì hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc cũng công bố tác phẩm Cái bát. Đây là thành công của hai nghệ sĩ đồng học khoá XIII (1939 – 1944) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng từ giã thủ đô hoa lệ để lên đường đi kháng chiến.
Bức tranh làm xôn xao dư luận một thời bởi tính nhân văn của nó, với những cử chỉ đẹp đẽ hàng ngày của người Việt Nam hiện lên như giữa đời thường gắn bó.
Bà mẹ già trung du với váy xồi áo nâu, bộ mặt nhăn nheo trìu mến đứng quạt cho anh chiến sĩ trẻ măng bưng bát nước uống giữa cơn khát trên bước đường hành quân vội vã. Cảm giác như anh đang táp vào vội bên đường, khi súng còn ở trên vai, bao đạn còn giắt quanh lưng thì bà mẹ trung du đã chạy ra đón cái mũ ngụy trang đầy lá xanh, tay kia ân cần quạt mát.
Tương giao tình cảm giữa bà mẹ và chiến sĩ được thể hiện qua đôi mắt nhăn nheo sung sướng ngước nhìn người lính, trong khi ánh mắt anh mở to như hàm ý biết ơn.
Đây là bức sơn mài với chủ đề bình dị, quen thuộc về bà mẹ miền trung du nắng gió giúp đỡ bộ đội trong cuộc hành quân ra mặt trận, nhưng bằng cảm nhận nghệ thuật hiện thực tài năng, Sỹ Ngọc đã làm lắng đọng nhiều cảm xúc trong người xem.
Bức tranh tham dự triển lãm đại hội thanh niên và sinh viên thế giới ở Berlin (Đức) năm 1951 và được giải thưởng. Sau triển lãm, số phận bức tranh Cái bát không biết ở đâu? Cũng trong năm đó, hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã làm lại bức tranh, vẫn trên chất liệu sơn mài, lấy tên là Tình quân dân, hiện nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở bức Tình quân dân, tác giả sửa bộ mặt bà mẹ đỡ nhăn nheo và rạng rỡ hơn. Đôi mắt, chiếc mũi thẳng cao của anh chiến sĩ được nhấn mạnh làm toát vẻ trẻ trung hồn nhiên của người lính. Chủ đề Cái bát hay Bát nước năm 1949 đã hiện rõ hơn ở tranh này, được xác định bằng màu trắng duy nhất của vỏ trứng, đối lập với bàn tay thô nhám của người chiến sĩ đang bưng trọn bát nước giải khát.
Nhưng tại sao ngay từ khi ra đời năm 1949, Cái bát đã gây nhiều cảm xúc trong người xem và được giải thưởng quốc tế.
Hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã nghiên cứu mở rộng chủ đề cái bát để thể hiện một khái niệm trừu tượng: tình quân dân. Cái bát là một đồ vật bình thường trong đời sống hàng ngày của người Việt dùng để ăn cơm, uống nước, thậm chí uống rượu như đồng bào miền núi vẫn thường làm. Một vật vô tri ngày qua ngày yên ổn bình dị.
Chân dung họa sĩ Sỹ Ngọc (1919 – 1990)
Ở tranh này, Cái bát đã trở thành hình tượng nghệ thuật thể hiện chủ đề rộng lớn về Tình quân dân khi nó ở trong tay người chiến sĩ, do một bà mẹ trung du tận tình trao cho anh trên đường hành quân vội vã.
Hoạ sĩ Sỹ Ngọc đã khẳng định biến Cái bát thành một biểu trưng là hình ảnh ký hiệu một ý niệm trừu tượng (tình quân dân) giúp cho người xem liên tưởng đến ý niệm này khi nhìn thấy biểu trưng (cái bát). Trong quá trình sáng tác ông lưỡng lự khi lựa chọn tên đặt cho tác phẩm: Cái bát, bát nước, tình quân dân… Cuối cùng ông lựa chọn Cái bát.
Tên gọi tác phẩm đã đưa vị thế, tài năng Sỹ Ngọc khi sáng tác tác phẩm có ý nghĩa chính luận ngay từ khi tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh vệ quốc bước vào giai đoạn quyết định nhất. Trong hoàn cảnh đó, cái biểu trưng là bát nước giải lao và ý niệm được biểu trưng tình quân dân có một quan hệ ước lệ quen thuộc trong cuộc kháng chiến. Hình ảnh bà mẹ quê váy xồi áo nâu với bộ mặt già nua nhăn nheo trìu mến đứng quạt cho anh chiến sĩ trẻ tay cầm bát nước uống giữa cơn khát trên bước đường hành quân là hình ảnh quen thuộc hàng ngày trên mọi nẻo đường kháng chiến Việt Nam suốt chiều dài thế kỷ.
Để tìm được một biểu trưng cho hình tượng quen thuộc tình quân dân của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Sỹ Ngọc đã suy cảm từ thực tiễn cuộc sống, từ sinh hoạt bình dị của người nông dân sau luỹ tre làng sớm tối gặp nhau. Họ lấy bát nước chè tươi, cái điếu cày làm đầu câu chuyện. Cái bát, một vật nhỏ bé đã trở thành biểu trưng quen thuộc như khi ta nhìn thấy lá cờ là tổ quốc của mình, hay chim bồ câu là hoà bình của nhân loại.
Trong lịch sử hội hoạ hiện đại Việt Nam cũng chưa có tác giả nào như Sỹ Ngọc, tìm một vật thể giản dị, tầm thường, nhỏ bé làm chủ đề cho một hình tượng nghệ thuật rộng lớn, cao cả, mang ý nghĩa xã hội nhân văn. Cách đặt tên tác phẩm Cái bát cũng vô cùng giản dị, nôm na nhưng ẩn sau đó là cả một thủ pháp nghệ thuật trực giác của người nghệ sĩ với ngôn ngữ hình hoạ chứa đựng nhiều yếu tố của sự phản ánh hiện thực.
Chỉ có hai nhân vật là bà mẹ và anh chiến sĩ chiếm toàn bộ không gian tác phẩm, hình hoạ chi tiết đến từng nếp nhăn trên khuôn mặt già nua, vẻ hớn hở trẻ trung của anh chiến sĩ cho đến những trang phục giản dị trong đời sống thời chiến. Một tác phẩm hiện thực như bao tác phẩm hiện thực cuộc sống không có gì đặc biệt nhưng chính cách đặt tên tác phẩm cùng hình tượng cái bát làm từ những mảng vỏ trứng trắng nổi bật giữa sắc đỏ nâu mạnh khoẻ của chất sơn mài đã khái quát cao một biểu tượng thân quen, gần gũi.
Triết học quan niệm “những biểu tượng của con người thường được bọc bằng một lớp vỏ ngôn ngữ và chứa nhiều yếu tố của sự phản ánh. Biểu tượng là khâu trung gian giữa hai giai đoạn nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính”. Biểu tượng Cái bát của Sỹ Ngọc không ra ngoài quan niệm trên trong triết học.
Phòng triển lãm Mùa Xuân 1950 của xưởng hoạ Liên khu IV có một chủ đề duy nhất là Chiến tranh nhân dân. Tại đây, Nguyễn Sỹ Ngọc công bố những tác phẩm đầu tay trong chuyển biến sáng tác trên chất liệu sơn mài: Vác bom, Cái bát, Bộ đội nghỉ. Tác phẩm Cái bát ra đời khi ấy đạt được thành công, ấn tượng nhất và vang vọng đến nay là từ bước ngoặt đó, xưởng hoạ đó, bên những đồng nghiệp của một thời mỹ thuật Đông Dương. Ngôn ngữ sơn mài truyền thống về đề tài chiến tranh cách mạng đã thoát hẳn tinh thần trang trí vàng son lộng lẫy, biểu đạt được linh hoạt những tình cảm và tinh thần kháng chiến, tuyên truyền cái đẹp dựa trên hiện thực xã hội mà không xa rời lý tưởng cao đẹp của người nghệ sĩ.
Yếu tố trang trí duy nhất có tính mỹ nghệ của sơn mài bó gọn trong hình hài cái bát với hoà sắc trắng của vỏ trứng rất đắc địa. Đó là một sự lựa chọn chặt chẽ, tinh xảo, thông minh, nhấn mạnh chủ đề rộng lớn bao quát chỉ nằm gọn trong “cái bát” nhỏ nhoi trên tay người chiến sĩ.
Cái bát là giây phút thăng hoa của Sỹ Ngọc ở việc lựa chọn một hình thái xã hội lớn lao nhưng gần gũi đến không ngờ trong cảm xúc của người xem khi nhận ra tên gọi bình dị của tác phẩm lại mang một thông điệp sâu xa đến như thế trong nền nghệ thuật tạo hình của Việt Nam.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View