Logo loading

“CÔ GÁI VÓT CHÔNG” CỦA PHẠM MƯỜI (1935)

Phạm Mười (1935). Cô gái vót chông. 1969. Thạch cao. H= 75 cm Năm 1973, Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ nhất mang nội dung tổng kết các phong cách điêu khắc trong mười năm 1963 – 1973. Cũng từ đó đến cuộc triển lãm thứ năm 2003 – 2013, điêu khắc Việt […]
|Viet Art View

Phạm Mười (1935). Cô gái vót chông. 1969. Thạch cao. H= 75 cm

Năm 1973, Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ nhất mang nội dung tổng kết các phong cách điêu khắc trong mười năm 1963 – 1973. Cũng từ đó đến cuộc triển lãm thứ năm 2003 – 2013, điêu khắc Việt Nam đã đi một chặng đường dài với sự đóng góp của nhiều thế hệ điêu khắc gia Việt Nam ở hai trung tâm đào tạo là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Tác phẩm Cô gái vót chông của nhà điêu khắc Phạm Mười tham gia trưng bày ở Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ nhất (1963 – 1973) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh tác phẩm của các điêu khắc gia Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim, Phước Sanh, Phạm Gia Giang, Nguyễn Hải, Lê Công Thành.

Khởi cảm từ hình ảnh của các nữ chiến sĩ thông tin giao liên, các bà má miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn ác liệt nhất (1965 – 1975), nhà điêu khắc Phạm Mười đã sáng tác tượng tròn Cô gái vót chông (1969), một hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày tại chiến khu Nam Bộ.

Bằng ngôn ngữ tạo hình không gian ba chiều, Phạm Mười xây dựng hình ảnh một thiếu nữ trong cử chỉ vót chông gần gũi với điêu khắc truyền thống hiện thực. Dáng người cô gái vươn về phía trước mỏng đi nhưng hình khối vẫn căng đầy tròn trịa. Những đường lượn trên cơ thể, từ hai cánh tay buông thả mềm mại trong động tác vót chông đến trang phục tấm áo bà ba, nếp quần dài tuy đơn giản nhưng đã làm mềm khối điêu khắc. Nét mặt nhân vật thanh tú, kiểu chải tóc và trang phục điển hình cho hình ảnh thiếu nữ Nam Bộ thời xưa. Điểm nhìn từ ánh mắt đến bàn tay vót chông kết nối tình cảm nhân vật trong một công việc thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm.

Nhân vật ở trạng thái tĩnh, trung dung yên bình với cử chỉ từ tốn trong một hài hoà nhường nhịn, không mấy xung động trong tạo hình tác phẩm. Khái niệm nghệ thuật là sự miêu tả thế giới đã trở nên không còn đầy đủ và chính xác trong Cô gái vót chông. Phạm Mười quan niệm, nghệ thuật không miêu tả mà là nói lên một điều gì đó trong suy cảm.

Phạm Mười muốn tác phẩm cần vượt khỏi giới hạn vật chất của nó. Sự miêu tả ngoại hình có thể thực hiện bằng bất cứ đề tài, kỹ thuật, chất liệu hay kích thước nào. Ngôn ngữ điêu khắc Phạm Mười có chính luận xã hội lịch sử, chắt lọc khoảnh khắc một đi không trở lại của ký ức về cả chiến tranh và cuộc sống. Khối tượng của ông là tuyên ngôn cho một nội dung hàm xúc tư tưởng thời đại.

Khi sáng tác Cô gái vót chông, chắc chắc Phạm Mười đứng trước hai lựa chọn sẽ theo khuynh hướng điêu khắc nào, Baroque hay Tân cổ điển. Cả hai đều là những khuynh hướng nghệ thuật khổng lồ của châu Âu cùng trong thế kỷ XVII mà sinh viên Phạm Mười đã miệt mài tu nghiệp tại Liên Xô những năm 60.

Theo khuynh hướng Baroque, đại diện là điêu khắc gia người Italy Lorenzo Bernini từng phá vỡ cấu trúc cột khô cứng trang nghiêm của kiến trúc Hy Lạp cổ đại để thay vào đó thân cột vặn xoáy, uốn lượn tạo cảm giác mạnh mẽ sôi động. Nghệ thuật điêu khắc của Lorenzo Bernini cũng theo phong cách này, đặc trưng bởi những hình góc cạnh, sôi động, quằn quại cốt tạo cảm giác bồn chồn lo lắng như trong tác phẩm Thánh Teresa (1640).

Theo khuynh hướng Tân cổ điển, đại diện là điêu khắc gia người Pháp Antonio Canova lại tôn trọng mẫu mực Hy Lạp qua các thân tượng Venus tạc từ đá cẩm thạch nõn nà gợi cảm, tiêu biểu với tác phẩm Ba vẻ đẹp (1813) tôn lên đường nét hài hoà, mềm mại, duyên dáng của người thiếu nữ.

Và Cô gái vót chông nằm trong khuynh hướng thứ hai: cổ điển. Đó là sự lựa chọn hợp với tạng chất Á Đông của người Việt. Trong tác phẩm này, Phạm Mười đã kết hợp vẻ đẹp của các đường nét mẫu mực trên thân tượng cẩm thạch các nữ thần, thiếu nữ cùng đường nét thẩm mỹ tôn giáo trên thân tượng đá xanh A Di Đà chùa Phật Tích nổi tiếng từ thời Lý (thế kỷ XI – XII).

Trở lại với tác phẩm Cô gái vót chông, trọng tâm điểm nhìn của bức tượng này là khuôn mặt, đôi tay, dáng ngồi thanh thoát cùng tấm áo bó sát người làm nổi bật bầu ngực thanh tân thiếu nữ. Dáng ngồi ngả về trước nhưng không tạo cảm giác chông chênh mà tự tin điềm tĩnh. Nét mặt cô gái bình thản, với đôi mắt nhìn xuống sống mũi thẳng vừa thanh vừa trầm tư toát lên vẻ đẹp ngây thơ thánh thiện. Tác giả đi thẳng vào chủ đề chiến tranh, giản lược hình tượng mạnh mẽ nhưng vẫn tạo nét khác biệt cho nhân vật. Người phụ nữ ấy không phải một tiểu thư khuê các, y phục rườm rà trong từng chi tiết tỉ mỉ, cũng không phải là một bà má Nam Bộ với khuôn mặt khô đanh đầy khí thế chống giặc.

Từ hình tượng nhân vật, tác giả mô tả gương mặt con người cũng là gương mặt lịch sử. Đó là gương mặt một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong hình hài thiếu nữ dịu dàng thanh tân, trên tay cô là một vũ khí tre trúc trong truyền thống chống giặc của Việt Nam hàng nghìn năm. Ngôn ngữ tạo khối trong Cô gái vót chông không rườm rà những chuyển động mạnh mẽ quyết liệt, khúc triết khô khan như Baroque mà dịu dàng trong đường nét cổ điển trau chuốt trên chất liệu thạch cao trắng dịu mềm. Tác giả đã bỏ qua mọi nguyên lý cứng nhắc nhàm chán khi làm tượng về đề tài chiến tranh cách mạng.

Từ không gian tĩnh êm đềm của việc vót chông mà thấy rõ danh dự niềm tin tình yêu tổ quốc. Mặt đối lập giữa nhân vật thiếu nữ và công việc vót chông càng đẩy mạnh chủ đề chiến tranh – cách mạng, là một biểu trưng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm bởi sự đối lập sinh ra cái đẹp, một cái đẹp ẩn giấu bên trong từ hình hài đến ngôn ngữ thể hiện. Một khối tượng tràn đầy thi tứ đến từ vẻ đẹp người thiếu nữ trẻ trung đầy khát vọng sống, dâng hiến cho đất nước bằng một công việc tuy nhẹ nhàng nhưng chất chứa bao ý nghĩa về trách nhiệm công dân.

Nếu bỏ hình ảnh cây chông trong bố cục, lập tức hiện lên trước mắt người xem là hình tượng một cô gái bình dị hàng ngày đang băm bèo thái khoai, rửa rau cầu ao, một bà mẹ chăm sóc con bên nôi ấm những chiều đông… Bố cục điêu khắc giản dị cô đọng được suy cảm từ một bàn tay điêu khắc hăng hái sáng tạo trong tạo hình không gian ba chiều, thân hình nhân vật uyển chuyển sinh động có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau từ một dáng ngồi đã quen thuộc tự ngàn xưa.

Tác phẩm Cô gái vót chông hiện trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nguyên bản là thạch cao, sau đó bảo tàng đã chuyển sang chất liệu đồng khiến hiệu quả nghệ thuật kém đi một chút, bởi nét óng chuốt mềm mại nõn nà trên chất liệu thạch cao trắng đã tạo nên hiệu quả cho tác phẩm trong thẩm mỹ thị giác của người thưởng ngoạn. Nhưng dù ở chất liệu nào, tác phẩm Cô gái vót chông của nhà điêu khắc Phạm Mười đã ghi nhận một thời chống Mỹ ở Nam Bộ Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.

Hình ảnh hiện lên trên tượng là đất nước, là hình dáng trong ký ức đồng thời cũng là truyền thống muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng

Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến 

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top