Logo loading

CÓ PHẢI MONET YÊU THÍCH MÙA ĐÔNG? DƯỚI ĐÂY LÀ 3 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ KIỆT TÁC TUYẾT CỦA ÔNG, ‘THE MAGPIE’

Artnet đã xem xét kỹ hơn bức phong cảnh mùa đông lớn nhất của Monet và tìm thấy những chi tiết đáng ngạc nhiên. Claude Monet, ‘The Magpie’ [Chim ác là] (1868–1869). Bộ sưu tập bảo tàng Orsay. “Tôi đã vẽ một khoảng thời gian trong ngày hôm nay, khi tuyết rơi không ngừng: bạn chắc sẽ […]
|Viet Art View

Artnet đã xem xét kỹ hơn bức phong cảnh mùa đông lớn nhất của Monet và tìm thấy những chi tiết đáng ngạc nhiên.

Claude Monet, ‘The Magpie’ [Chim ác là] (1868–1869). Bộ sưu tập bảo tàng Orsay.

“Tôi đã vẽ một khoảng thời gian trong ngày hôm nay, khi tuyết rơi không ngừng: bạn chắc sẽ cười khi thấy tôi trắng xóa, bộ râu phủ đầy những nhũ băng,” Claude Monet viết trong thư gửi một người bạn ở Paris, năm 1895.

Monet đã viết bức thư này ở Na Uy, vào một mùa đông lạnh giá, nơi ông đã đến với mục đích rõ ràng là vẽ những phong cảnh khắc nghiệt nhưng rực rỡ của Bjornegaard và Sandvika. Chuyến đi là đỉnh cao của niềm đam mê kéo dài hàng thập kỷ đối với Monet. Họa sĩ Ấn tượng nhận mình là người vẽ tranh ngoài trời, vui vẻ khi bắt lại được những phong cảnh khắc nghiệt. Ông đã vẽ tất cả 140 cảnh mùa đông—thử nghiệm những khung cảnh băng giá với bảng màu nhạt tỏa sáng, ca ngợi hiệu ứng biến đổi của ánh sáng với tuyết, sương mù, gió – những yếu tố thời tiết của mùa đông.

Claude Monet, ‘Một chiếc xe đẩy trên con đường đầy tuyết ở Honfleur’ (1865).
Bộ sưu tập bảo tàng Orsay, Paris.

Bức phong cảnh tuyết đầu tiên của ông, Một chiếc xe đẩy trên con đường đầy tuyết ở Honfleur, được vẽ từ năm 1865 đến năm 1867. Năm 1868, người bảo trợ của Monet, Louis Joachim Gaudibert, đã bảo đảm một ngôi nhà cho họa sĩ—cùng với người bạn gái Camille Doncieux và đứa con trai sơ sinh của họ—ở vùng nông thôn gần Etretat, Pháp, nơi Monet nuôi dưỡng niềm đam mê ghi lại những thay đổi tinh tế trong phong cảnh phủ đầy tuyết xung quanh mình.

Bức phong cảnh về mùa đông được biết đến là lớn nhất của Monet – The Magpie [Chim ác là] được vẽ ở đó vào mùa đông năm 1868 và 1869, mô tả một đồng quê phủ đầy tuyết. Bức tường đá chia ra tiền cảnh và hậu cảnh. Không có ai cả và khung cảnh dường như chìm trong tuyết mới rơi. Nhân vật chứng kiến khung cảnh là một con chim ác là đen đậu trên cánh cổng gỗ. Giữa sự tĩnh lặng băng giá, người ta có thể hình dung tiếng chim vang vọng khắp nơi.

Ngày nay, The Magpie nằm trong bộ sưu tập của Musée d’Orsay ở Paris, nó là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của bảo tàng. Khi bước vào mùa đông, chúng tôi [artnet] quyết định xem xét kỹ hơn một chút về những phong cảnh mùa đông nổi tiếng của Monet và tìm thấy ba sự thật mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại góc nhìn mới mẻ.

 

Những cảnh mùa đông của Courbet đã truyền cảm hứng cho Monet—Mặc dù Monet đã đánh đổi kịch tính của hiện thực để lấy cái đẹp trầm lặng

Gustave Courbet, ‘Con cáo trên tuyết’ (1860).
Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Dallas.

Từ giữa những năm 1850, họa sĩ hiện thực người Pháp Gustave Courbet bắt đầu vẽ một loạt tranh phong cảnh về vùng Franche-Comté quê hương ông, với tuyết phủ đầy. Courbet mô tả những bức tranh này là nghiên cứu về effet de neige—hay tác động của tuyết—vốn được coi là ánh sáng và màu sắc độc đáo của địa hình mùa đông. Là một người theo chủ nghĩa hiện thực có thiên hướng kịch tính, Courbet thường vẽ những cảnh săn bắn tràn đầy năng lượng. Những bức tranh sơn dầu đổi mới này đã chứng tỏ sức ảnh hưởng đối với một số họa sĩ, những người cuối cùng sẽ tiên phong cho trường phái Ấn tượng, bao gồm Alfred Sisley, Camille Pissarro, và tất nhiên, Monet.

Trích đoạn bức tranh ‘The Magpie’ (1868–69) của Claude Monet.

Nhưng trong khi các cảnh của Courbet mô tả mùa đông một cách kịch tính, thì những cảnh của Monet như The Magpie lại ẩn chứa sự tinh tế của trải nghiệm thị giác và mang tính chiêm nghiệm, thậm chí là vui tươi. Các nhà sử học lưu ý rằng Monet có thể đã chuyển đến Etretat với hy vọng hồi phục sau cơn trầm cảm. Sự thay đổi khung cảnh dường như đã phù hợp với ông. Ông viết cho người bạn của mình, họa sĩ Frédéric Bazille, “Tôi đi vào vùng nông thôn rất đẹp ở đây… tôi thấy [nó] có lẽ vào mùa đông vẫn quyến rũ hơn vào mùa hè và đương nhiên là tôi làm việc mọi lúc.”

 

Những chiếc bóng quan trọng

Trích đoạn ‘The Magpie’ (1868–69) của Claude Monet.

Hãy chú ý đến những cái bóng do bức tường đá và cánh cổng tạo ra trong The Magpie—Monet đã vẽ những cái bóng này bằng màu xanh xám nhạt. Màu trắng tuyết của ông cũng vậy, người ta nhận thấy có chút xanh lam. Đây là những lựa chọn màu sắc khác thường vào thời đó nhưng đúng với nhận thức cẩn thận của Monet về ánh sáng và màu sắc. Nhận thức thị giác của Monet được hình thành dưới sự hướng dẫn của Eugène Boudin, người cố vấn cho họa sĩ, người chịu ảnh hưởng của họa sĩ người Hà Lan Johan Barthold Jongkind. Jongkind được coi là tiền nhân của chủ nghĩa Ấn tượng và khuyến khích các họa sĩ vẽ trực tiếp từ thiên nhiên với nhận thức cao hơn về các điều kiện thay đổi của thiên nhiên và ánh sáng. Năm 1862 Monet gặp Jongkind ở Normandy. Dưới ảnh hưởng của họa sĩ người Hà Lan, Monet bắt đầu tập trung vào màu quang học thay vì màu cục bộ—nghĩa là màu sắc được cảm nhận trong điều kiện ánh sáng và thời tiết, thay vì màu bản chất của vật thể. Monet sau đó đã viết, “Bổ sung cho lời dạy mà tôi nhận được từ Boudin, Jongkind kể từ thời điểm đó đã là người thầy thực sự của tôi… Chính ông ấy là người đã hoàn thành việc đào tạo con mắt của tôi.”

Tuy nhiên những cái bóng xanh nhạt của The Magpie, mặc dù ngày nay không quá thu hút sự chú ý đối với người xem, đã có vẻ không tự nhiên và gây khó chịu cho những người cùng thời. “[Công chúng] đã quen với loại nước sốt do đầu bếp của các trường nghệ thuật và học viện nấu, rất kinh ngạc trước bức tranh nhạt màu này,” Felix Fénéon viết về phản ứng của công chúng đối với The Magpie. Ngày nay được coi là một khung cảnh mùa đông bình dị, nhưng The Magpie đã bị Salon 1869 từ chối vì cách tiếp cận mới lạ của nó.

 

Khung cảnh mùa đông trắng xóa này có thể đã được tạo cảm hứng từ những mùa đông đặc biệt khắc nghiệt

Claude Monet, ‘Tuyết ở Argenteuil’ (1874–1875).
Bộ sưu tập Phòng trưng bày Quốc gia, London.

Ngày nay, các nhà sử học nghệ thuật tôn vinh The Magpie vì sự điêu luyện trong màu sắc, bảng màu hạn chế và nét cọ gợi ý đến phong cách Ấn tượng đang phát triển của Monet. Nhà sử học nghệ thuật Michael Howard đã viết về bức tranh: “Màu xanh của những bóng dài tạo ra sự tương phản tinh tế với màu trắng kem của bầu trời và phong cảnh”.

Mặc dù có tính đổi mới về thị giác nhưng việc áp dụng màu trắng trên nền trắng của Monet có thể được thúc đẩy bởi thực tế hàng ngày—những mùa đông đặc biệt khắc nghiệt. Triển lãm năm 1998 “Những người theo trường phái Ấn tượng với Mùa đông: Effets de Neige” tại Bộ sưu tập Phillips ở Washington D.C.—curator Eliza Rathbone—tập hợp những phong cảnh mùa đông của 63 nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng (triển lãm sau đó được chuyển đến Bảo tàng Brooklyn và Trung tâm Nghệ thuật Yerba Buena ở San Francisco). Các nhà sử học nghệ thuật đóng góp cho triển lãm đã nhận định rằng rất nhiều cảnh mùa đông theo trường phái Ấn tượng là kết quả của một số mùa đông khắc nghiệt vào cuối những năm 1860 và đầu những năm 1870.

Bài viết của Katie White
Nguồn: artnet

Chia sẻ:
Back to top