Họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên (đứng) trong buổi tiếp nhà văn John Steinbeck. Ảnh: Báo TGTD tập XVI số 1
Bức ảnh bên cạnh được chụp nửa thế kỷ trước, khoảng 1966. Trong ảnh, người ngồi thứ hai từ phải qua là nhà văn nổi tiếng thế giới, John Steinbeck, người đã đoạt giải Nobel với tác phẩm “Chùm nho nổi giận”. Người đứng bên trái bận complete đen với dáng dấp lịch lãm là họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên, còn có nghệ danh là Ngy Cao Uyên. Hôm đó, ông cùng những người trong giới nghệ thuật miền Nam tiếp nhà văn John Steinbeck tại Sài Gòn khi ông ta đến để tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam. Bức ảnh là một hoài niệm đẹp và là vinh dự cho người trong ảnh. Sau đó hơn một năm, John Steinbeck từ trần và có thể lần đến Sài Gòn đó là chuyến phiêu lưu cuối của ông.
Tấm ảnh nhắc nhớ cho họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên thời tuổi trẻ tươi đẹp và thời hoạt động nghệ thuật hăng say nhất của ông, ở những năm giữa thập niên 1960. Lúc đó, ông cùng bạn bè vừa mới thành lập Hội họa sĩ Trẻ vào tháng 11 năm 1966 và đã được bầu làm chủ tịch của hội này.
Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên tại Sài Gòn trong một buổi chiều nhiều nắng vào cuối tháng 10 và còn gặp vài lần sau đó nữa. Nay đã lớn tuổi, sống nhiều năm ở nước ngoài, dù dấu thời gian đã hằn sâu trên dáng vẻ của ông nhưng nét lịch lãm của một chàng trai Hà Nội xưa từng học trường Albert Sarraut vẫn còn. Ông vẫn vẽ tranh ở tuổi trên tám mươi, sử dụng kỹ thuật mới trên bàn vi tính hay tìm cách cải tiến kỹ thuật tranh màu nước để diễn tả cảm xúc trong sắc thái mới. Bây giờ ông đã lấy lại tên thật thay vì bút danh Ngy Cao Uyên như hồi xưa.
Họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên năm 2015 tại Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Đình
Câu chuyện có đi tới đâu cũng quay về chuyện thành lập Hội họa sĩ Trẻ, cho dù tuy là người gây dựng nên tổ chức này từ thuở ban đầu, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên không đi cùng các chặng đường hoạt động của Hội qua thời gian dài như các họa sĩ khác. Ông nhớ lại, giữa thập niên 1960 là khoảng thời gian có nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài đến thăm Sài Gòn. Cả thành phố lúc đó chưa có một hội đoàn mỹ thuật nào để ra tiếp đón họ cho ngang bằng. Sẵn thấy các họa sĩ có nhu cầu tập hợp với nhau để cùng thúc đẩy việc phát triển nghệ thuật, ông và bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, một người am hiểu hội họa tính đến chuyện thành lập một tổ chức riêng như là một sân chơi nghệ thuật cho giới họa sĩ trẻ Sài Gòn. Cả hai đã đứng ra thành lập dựa vào những mối quen biết và thanh thế hiện có. Buổi họp bàn việc chính thức thành lập hội tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng có nhiều họa sĩ và điêu khắc gia mà hầu hết đều thành danh sau này như Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng, Đinh Cường, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung cùng Ngy Cao Uyên và chủ nhà. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. Một ban lãnh đạo Hội được bầu ra và họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm Chủ tịch lâm thời, họa sĩ Nguyễn Trung và họa sĩ Mai Chững là phó chủ tịch, họa sĩ Trịnh Cung làm tổng thư ký.
Việc trước mắt là phải có trụ sở để làm việc. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng do mối quan hệ quen biết đã mượn được của chính quyền thời đó một khu đất để tạo dựng trụ sở ngay trung tâm thành phố tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Thánh Tôn. Tận dụng mối quan hệ quen biết của họa sĩ Ngy Cao Uyên, Hội tìm được một căn nhà phế thải trong sân bay của không quân và sau khi trao đổi với giới không quân vài bức tranh mang tính tượng trưng, căn nhà trên được dỡ ra để tận dụng vật liệu. Họa sĩ Hồ Thành Đức chủ trì thiết kế và xây dựng ngôi nhà này cùng sự góp sức của anh em họa sĩ. Họ dựng lên một căn nhà khá đẹp, hiện đại bằng gỗ thông và sơn trắng.
Có trụ sở khá đẹp lại ở trung tâm thành phố nên Hội trở thành nơi thu hút đông đảo giới nghệ sĩ, gần quán Văn phía đại học Văn khoa thường trình diễn ca khúc Trịnh Công Sơn nên các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An vẫn thường lui tới và ngủ lại. Thỉnh thoảng, có ca sĩ Khánh Ly ghé qua chơi. Trụ sở Hội đã là một nơi lý tưởng để tụ họp giới nghệ sĩ trẻ đang tưng bừng không khí sáng tác hội họa, âm nhạc. Đã có nhiều cuộc triển lãm tổ chức ở đây, những buổi trao đổi và đàn hát và có khi là bắt đầu một cuộc tình… Là chủ tịch Hội, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên đứng ra thay mặt anh em tiếp phái đoàn, tổ chức triển lãm. Thỉnh thoảng có những bức tranh được khách đến mua. Thời đó có tranh hầu hết là vẽ sơn dầu của Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, có tranh lụa của Nghiêu Đề, Lâm Triết, tranh dán giấy của Hồ Thành Đức.v.v… Có những cuộc tiếp khách quốc tế do chính phủ đưa đến. Hội có thêm các họa sĩ đến tham gia như Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyên Khai, Hoàng Ngọc Biên, Dương Văn Hùng, Nguyễn Đồng, Rừng, Lâm Triết…
Sau Tết Mậu Thân 1968 với các cuộc chiến tranh dữ dội trên đường phố, anh em họa sĩ Trẻ quay trở lại khi cuộc chiến yên ắng và nhận ra ngôi trụ sở màu trắng của họ đã bị san bằng. Không ai biết do ai và lý do nào nó đã bị như vậy. Ngôi nhà xinh đẹp đầy chất nghệ thuật đó chỉ tồn tại trong vòng hai năm, ngắn ngủi nhưng đủ để tạo dựng không khí sáng tạo của nhóm họa sĩ nổi tiếng nhất, hiện đại nhất và có nhiều thành tựu rực rỡ nhất của hội họa miền Nam hiện đại đã thăng hoa. Các hoạ sĩ thuở ban đầu sau này hầu như chói sáng, trở thành những họa sĩ có tên tuổi.
Tác phẩm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên triển lãm tại Sài Gòn năm 2015. Ảnh: Nguyễn Đình
Mùa hè năm nay, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên trở về Việt Nam với ý định nghỉ ngơi cùng gia đình. Nhưng từ duyên cơ ngẫu nhiên, ông tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ tranh màu nước thể loại trừu tượng với kỹ thuật thể hiện do ông sáng tạo, gọi là “âm họa” (negative painting). Cuộc triển lãm không quảng bá quá mạnh mẽ, cốt yếu lưu dấu để ghi nhớ những ngày tươi đẹp của tuổi trẻ nửa thế kỷ trước, khi ông cùng bạn bè cho ra đời một tổ chức của những họa sĩ dồi dào sức sáng tạo nhất của một thời Sài Gòn.
Bài viết của Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận
(trích trong cuốn “Sài Gòn chuyện đời của phố” tập 3 – công ty sách Phương Nam xuất bản 2016). Bài viết đã được tác giả cho phép đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Viet Art View