Tại tầng 1, Nhà B – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, màu sắc, không gian của triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật Tạo hình” đang chậm rãi kể câu chuyện về một con người đã sống trọn vẹn cho dân tộc.
Triển lãm là một sự kiện nghệ thuật đặc biệt, được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Triển lãm khai mạc và mở cửa miễn phí đón khách tham quan từ ngày 16/5/2025 đến hết ngày 30/5/2025.
TỪ LỊCH SỬ ĐẾN NGHỆ THUẬT
Điểm đáng chú ý của triển lãm không chỉ nằm ở sự phong phú về chất liệu, mà còn ở cách các họa sĩ, nghệ sĩ đã khắc họa lại lịch sử bằng cảm xúc cá nhân. 60 tác phẩm trưng bày đều là những chọn lọc ấn tượng, đặc sắc từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật được thể hiện bằng các loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc… trên các chất liệu như thêu, khắc gỗ, trổ giấy… Những tác phẩm không chỉ tái hiện những dấu mốc trọng đại của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn dẫn người xem khám phá ký ức – nơi nghệ thuật không chỉ là công cụ ghi chép, mà trở thành lời tri ân chân thành, giàu chất thơ và đầy tính biểu cảm.
Từ thời niên thiếu, hình tượng Bác hiện lên trong “Cậu Cung học khai tâm” của Nguyễn Văn Giáo; tiếp nối qua “Mùa xuân Bác về Pắc Bó” của Dương Tuấn, sẽ khiến công chúng nhớ lại quãng thời gian lịch sử quan trọng, ngày Bác Hồ qua cột mốc biên giới trở về Cao Bằng (28/1/1941), sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tác phẩm không chỉ là một hình ảnh minh họa, mà là cảm nhận riêng của người họa sĩ về một mùa xuân cách mạng – mùa xuân của hy vọng, của sự tái sinh đất nước.
NGUYỄN VĂN GIÁO (1916 – 1996). CẬU CUNG HỌC KHAI TÂM. 1971. BỘT MÀU
DƯƠNG TUẤN (1935-1990). MÙA XUÂN BÁC VỀ PẮC BÓ. BỘT MÀU
Trong khi đó, tác phẩm “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn” của Nguyễn Dương lại khơi gợi sự trang nghiêm, xúc động, ngập tràn màu chiến thắng của thảm cờ đỏ sao vàng vào buổi sáng mùa thu lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945. Cờ hoa rực rỡ tung bay là thế nhưng cảm giác cả không gian đang nín lặng để lắng nghe từng lời Bác nói.
NGUYỄN DƯƠNG. BÁC HỒ ĐỌC TUYÊN NGÔN. 1979. BỘT MÀU
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với chiến khu, đồng hành cùng cách mạng và xông pha trận tuyến cũng được khắc họa sinh động qua các tác phẩm: “Hồ Chủ tịch làm việc ở Chiến khu Việt Bắc” của Phan Kế An, “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc” của Nguyễn Văn Tỵ, “Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân” của Trọng Kiệm, “Bác đi công tác” của Trần Đình Thọ, “Bác Hồ đi chiến dịch” của Nguyễn Đức Dụ và tác phẩm điêu khắc cùng tên của Nguyễn Phú Cường.
Đời sống thường nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thể hiện qua nhiều góc nhìn nghệ thuật dung dị và sâu sắc. Tiêu biểu là “Bác Hồ câu cá” của Nguyễn Nghĩa Duyện, “Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch” của Lương Xuân Nhị, “Bàn đá Bác ngồi làm việc” của Phạm Đức Cường và “Nhà Bác ở Kim Liên – Nghệ An” của Trần Văn Cẩn – những tác phẩm cho thấy sự gần gũi, giản dị trong sinh hoạt thường ngày của vị lãnh tụ vĩ đại.
LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914 – 2006). NHÀ BÁC Ở PHỦ CHỦ TỊCH. 1970. SƠN DẦU
ĐỖ HỮU HUỀ (1935 – 2022). BÁC HỒ THĂM LỚP VỠ LÒNG. 1976. SƠN DẦU
Tình cảm sâu sắc giữa Bác Hồ và nhân dân cũng là một trong những chủ đề nổi bật của triển lãm, được thể hiện qua loạt tác phẩm như “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của Đỗ Hữu Huề, “Bác Hồ thăm vườn trẻ” của Hoàng Đạo Khánh, “Bác Hồ với nông dân” của Văn Thơ, “Bác Hồ với thầy thuốc” của Trọng Kiệm.
NGUYỄN QUANG PHÒNG (1925 – 2013). ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ. 1969. BỘT MÀU
HUỲNH VĂN GẤM (1922 – 1987). CỤ HỒ CHÍ MINH. 1953. PHỤ BẢN MÀU
Trong số các tác phẩm được trưng bày, không ít bức đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, bởi chúng không chỉ được lưu giữ trong bảo tàng, mà còn xuất hiện trong sách giáo khoa, phim tài liệu, các ấn phẩm văn hóa. Nhưng khi được nhìn thấy trong không gian triển lãm này, với ánh sáng, bối cảnh và dòng chảy lịch sử được kết nối, các tác phẩm nghệ thuật lại như bừng lên một sức sống mới.
TÁC PHẨM VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CỦA 2 TÁC GIẢ DAVID THOMAS (NĂM 1946) VÀ LEE SANG PHIL (NĂM 1961)
Đáng chú ý trong triển lãm là một số tác phẩm được các họa sĩ sử dụng phong cách tạo hình hiện đại hơn nhưng luôn chú trọng trong việc thể hiện chân dung lãnh tụ. Điều này cho thấy, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nghệ sĩ tìm những thủ pháp nghệ thuật tạo hình giàu tính biểu tượng mới để xây dựng chân dung Người. Chính sự tiếp nối ấy là minh chứng cho việc: Dù thời gian có trôi qua, dù xã hội đổi thay, thì hình ảnh của Bác Hồ vẫn sống mãi trong tâm thức nghệ thuật nước nhà – như một nguồn cảm hứng bất tận.
Có thể nói, không cần lời giới thiệu hoa mỹ, mỗi tác phẩm đều mang trong mình một câu chuyện về Bác, về nhân dân, về cách mạng, và về chính người nghệ sĩ đã dành trái tim của mình cho hình tượng thiêng liêng ấy. Đó là một Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng bình dị, cao cả nhưng không xa cách, một con người luôn ở trong tâm thức người Việt Nam.
KHI NGHỆ THUẬT TRỞ THÀNH HÀNH TRÌNH CỦA CỘNG ĐỒNG
Qua bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, hình ảnh Bác hiện lên với sự giản dị, gần gũi nhưng cũng đầy uy nghiêm và trí tuệ. Triển lãm không chỉ giúp công chúng hiểu hơn về Bác Hồ mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
KHÁCH QUỐC TẾ THAM QUAN TRIỂN LÃM
Triển lãm không chỉ thu hút giới chuyên môn hay những người làm nghệ thuật, mà còn chào đón đông đảo công chúng – từ học sinh, sinh viên, đến các gia đình, khách quốc tế… Không đơn thuần là một sự kiện văn hóa, triển lãm “Hồ Chí Minh trong Nghệ thuật Tạo hình” chính là một biểu hiện sống động cho cách mà nghệ thuật có thể trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa lịch sử và tương lai.
Bởi lẽ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Và trong mặt trận ấy, những người nghệ sĩ – chiến sĩ đã góp phần giữ gìn và lan tỏa hình tượng một lãnh tụ vĩ đại – hình tượng Hồ Chí Minh trong trái tim nghệ thuật Việt Nam.
BÀI VIẾT CỦA VIET ART VIEW
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ VIET ART VIEW