“Anh có thể sơn cho em cái xe đạp được không?”
Đó là câu hỏi đã gắn kết ông bà tôi cả cuộc đời. Đó là vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp giữa núi rừng Việt Bắc nơi danh họa Tô Ngọc Vân tổ chức khoá Mỹ thuật Kháng chiến đầu tiên trong mưa bom bão đạn. Ông tôi, họa sĩ Mai Long là một trong những học sinh đầu tiên của thầy. Hai mươi tuổi với đầy hoài bão, ước mơ, ông học tập cùng những người bạn là họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Trần Lưu Hậu, họa sĩ Trần Đông Lương, họa sĩ Trọng Kiệm cùng với nhiều danh họa khác của Việt Nam sau này.
Bà tôi, bà Lê Minh Châu là con gái Tuyên Quang theo lên chiến khu học về y dược và gặp ông tôi ở nơi đó. Tôi nghĩ rằng ở thời điểm đấy bà là người con gái rất “bạo” nên mới chủ động như vậy và cũng chắc chắc là họa sĩ Mai Long lại có phần “nhút nhát” hơn nên mới thế. Người ta có câu “chè Thái, gái Tuyên” ý là chè Thái Nguyên không đâu ngon hơn, con gái Tuyên Quang không nơi nào đẹp bằng, với sự nhanh nhạy thông minh cùng nét xinh xắn hiền dịu của mình bà đã khiến chàng trai trẻ Mai Long ngay lập tức “xiêu lòng”. Không biết lúc đó chiếc xe đạp có được sơn ngay hay không? Nhưng một đám cưới đơn sơ, mộc mạc được tổ chức trong núi rừng Tây Bắc cùng khách mời là các thầy và bạn bè thân thiết đã được diễn ra không lâu sau đó. Tuổi trẻ của ông bà gắn liền với gió mây, với tiếng suối róc rách, trong những căn nhà gỗ nhỏ nép mình bên bìa rừng, của tiếng chim ca mỗi sáng, của con gà cục tác gọi con lên chuồng khi hoàng hôn buông xuống, của cách mạng vĩ đại mong chờ ngày thành công cho đất nước được hoà bình, con người nước Việt được tự do. Tình cảm của ông bà được vun đắp mỗi ngày bằng những điều giản dị như vậy. Mẹ tôi, cậu tôi và cô tôi được sinh ra với tình yêu thương của ông bà trong những năm tháng tươi đẹp như vậy.
Cũng bởi trong những năm tháng tuổi trẻ của mình với biết bao yêu thương, tình cảm tươi đẹp được hình thành nơi núi rừng Việt Bắc nên họa sĩ Mai Long đặc biệt thành công với đề tài vùng cao, từng cái cây, ngọn cỏ, con người nơi đây qua tranh ông như sáng bừng lên, lung linh lộng lẫy và đong đầy tình cảm của người nghệ sĩ được sống thật cuộc đời mình nơi đây. Tình cảm này của ông chưa bao giờ phai nhạt cho tới tận ngày hôm nay. Dù ông đi rất nhiều, bước chân ông đã tới hầu khắp các nơi trên đất Việt, ông tới Lào, Campuchia ngay trong mưa bom bão đạn. Khi đất nước còn bị chia cắt, bị cấm vận, bị đóng cửa với thế giới, ông cũng đã tới các nước Châu Âu, Đông Âu, Liên Xô cũ v.v… Ông đi để cảm nhận thế giới, tìm hiểu các nền văn hoá khác nhau, gặp gỡ bạn bè, nghệ sĩ trên thế giới và cũng để thế giới cảm nhận vẻ đẹp Việt qua các tác phẩm đầy thơ mộng của mình. Dù ông đi nhiều nơi nhưng trái tim ông vẫn luôn hướng về đất Việt, con người Việt và đặc biệt là nơi núi rừng Việt Bắc, nơi của mây khói bảng lảng, của căn nhà nhỏ bên suối, nơi người vợ hiền cùng đàn con thơ của mình sinh ra và lớn lên.
Nay ông, họa sĩ Mai Long đã ngoài chín mươi tuổi và mỗi khi nói chuyện về những đề tài này với ông, dường như ngay lập tức ngọn lửa đam mê trong ông lại bùng lên mạnh mẽ và mỗi lần một câu chuyện mới lại được ông kể về với chan chứa tình cảm yêu thương của chàng trai trẻ Mai Long.
Bài viết của tác giả Khúc Ngọc Minh
Mai Long (sinh năm 1930), “Chân dung bà Lê Minh Châu”.
Tác phẩm thuộc sưu tập gia đình họa sĩ.
Trọng Kiệm (1934-1991), “Chân dung họa sĩ Mai Long”.
Tác phẩm thuộc sưu tập gia đình họa sĩ Mai Long.
Mai Long (sinh năm 1930), “Chiều chợ phiên”, thập niên 1970, lụa, 81×115cm.
Tác phẩm thuộc sưu tập gia đình họa sĩ.
Mai Long (sinh năm 1930), “Giấc mộng vùng cao”, thập niên 1960, lụa, 81×61cm.
Tác phẩm thuộc sưu tập gia đình họa sĩ.
Mai Long (sinh năm 1930), “Thiếu nữ”, thập niên 2000,
sơn mài trên vóc gỗ, 100×80cm.
Tác phẩm thuộc sưu tập gia đình họa sĩ.
Ảnh chụp họa sĩ Mai Long và vợ của ông, bà Lê Minh Châu.