Logo loading

HỌA SĨ MAI LONG VÀ TÁC PHẨM “MẪU TỬ MIỀN SƠN CƯỚC”

Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng. Năm 1948, cơ duyên nghệ thuật tới khi ông được theo học tại xưởng vẽ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau đó, ông tiếp tục được theo học “Khóa Kháng chiến” của họa sĩ Tô Ngọc Vân từ 1950-1953. Năm 1954, ông tốt nghiệp […]
|Viet Art View

Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng. Năm 1948, cơ duyên nghệ thuật tới khi ông được theo học tại xưởng vẽ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau đó, ông tiếp tục được theo học “Khóa Kháng chiến” của họa sĩ Tô Ngọc Vân từ 1950-1953. Năm 1954, ông tốt nghiệp cùng với 21 họa sĩ khác, trong đó có họa sĩ Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu… Năm 1961-1966, ông tiếp tục theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Họa sĩ Mai Long (sinh năm 1930)

Sau nhiều năm cống hiến, làm việc và sáng tác, năm 1998 ông được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Sự nghiệp của họa sĩ Mai Long được ghi nhận rất nhiều dấu ấn cho phim hoạt hình và sách với các nhân vật bước ra từ trong truyện cổ tích: Tấm Cám, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Khăm Pạ – Nàng Ngà, Ông Gióng, Âu Cơ – Lạc Long Quân.

Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân (người cầm gậy) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam khoá Kháng chiến (1950-1954)
Điều đáng quý ở trong cách tạo hình nhân vật của Mai Long chính là chất thơ, chất lãng mạn cho từng nhân vật tiêu biểu. Trẻ em khi xem những nhân vật có tạo hình đẹp, trong sáng, thân thiện sẽ tự nảy sinh những tâm lý tích cực và hướng thiện. Trong tranh cũng vậy, nhắc đến họa sĩ Mai Long, ta thường nhớ ngay những tác phẩm phủ đầy hình ảnh mềm mại, giàu chất thơ, mơ màng, dịu dàng, rất đỗi xúc động. Bất cứ đề tài nào, từ trẻ em, phụ nữ, phong cảnh, tĩnh vật đến cả các nhân vật huyền thoại trong cổ tích, đều được ông dành cho cái nhìn trìu mến. Đặc biệt, những gì liên quan đến miền núi, vùng cao đều được ông dành cho một sự ưu ái đặc biệt đầy trân trọng, yêu thương vì ông đã gắn bó gần một thập kỷ với Sơn La từ 1953 đến 1960.

Nhắc đến hội họa Mai Long, phải nhắc tới những sáng tác trên chất liệu lụa và giấy dó. Mai Long đã tạo ra sự kỳ diệu nên thơ của sắc màu êm ái, độ loang tuyệt đẹp của lụa, của giấy… tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng hoàn toàn là từ sự chủ động của nét bút nặng nhẹ trên tay người họa sĩ. Nó khiến người nghệ sĩ phải có đôi bàn tay điêu luyện, mềm mại và cái đầu điều khiển thật chuẩn xác.

Mai Long là một trong những họa sĩ hiếm có khi song hành trong con người của ông là một tư duy khúc chiết về ý tưởng nhưng lại cực kỳ mềm mại trong tạo hình, bay bổng trong nét vẽ…

Bức tranh “Mẫu tử miền sơn cước” của ông về đề tài mẫu tử, trên giấy dó đã được bồi cẩn thận có kích thước lạ – 103×48cm; không theo khuôn khổ thông thường 60×80, 80×100 mà ông thường sử dụng. Tranh được họa sĩ sáng tác vào thập niên 1980, khắc họa hình ảnh người mẹ dân tộc Dao, đội chiếc nón rộng chóp dài, nhọn (đặc trưng của vùng cao), đang địu con trên lưng; tung tăng đồng hành theo sát là chú nghé ngây thơ. Ngoài việc làm cân đối (đối xứng) bố cục, cành hoa (hoa ban, hoa lê) được buông hờ tạo điểm nhấn lãng mạn. Tác phẩm tựa như một bức tranh thủy mặc đầy đủ “thơ, thư, họa, ấn” có cảnh, có cây, có hoa, có người, có động vật… là bài thơ yêu thương trìu mến, phảng phất chút nhạc êm ái dịu dàng như vỗ về từ lời ru của người mẹ.

Mai Long (sinh năm 1930). “Mẫu tử miền sơn cước”. Thập niên 1980.
Màu nước trên giấy dó. 103×48cm
Sau hơn 40 năm, bức tranh giấy (khổ dài này) trở thành quý hiếm, khác biệt so với những tác phẩm kích thước phổ thông. Phác thảo nhỏ đầu tiên, màu nước trên giấy, được ông vẽ năm 1963 (chính xác là ngày 2 tháng 3), sau một đợt đi ký họa tại Sơn La. Bức phác thảo đó hiện thuộc sở hữu của Nhà Phê bình Mỹ thuật người Mỹ – Nora Taylor. Đặc biệt hơn, năm 1994, bức ký họa này được in lên bìa cuốn Tạp chí Southeast Asia Program của Mỹ. Bức thứ hai, sáng tác vào thập niên 1980 được Viet Art View giới thiệu trong video này hiện nay đang thuộc về một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội. Hiện nay, tại nhà riêng của họa sĩ Mai Long vẫn lưu giữ một tác phẩm trên chất liệu sơn dầu, được ông vẽ lại năm 2007. Ông chia sẻ “hình ảnh quá đỗi yêu thương trong tác phẩm ông yêu thích là bức giấy dó (khổ dài) cứ không nguôi trong tâm trí; nó khiến ông phải vẽ thêm một bức khác (bằng sơn dầu) để ông có thể ngắm nhìn mỗi ngày…”.

Điểm nổi bật của “Mẫu tử miền sơn cước” chính là “tổ hợp nét” với những chấm phá đậm – nhạt, dày – mỏng linh hoạt. Nét viền đen to, nhỏ được nhấn mạnh mẽ, dứt khoát, truyền đạt chuẩn xác ý niệm của cấu trúc tạo hình từ tư duy trong não nghệ sĩ đến đôi bàn tay.

Chia sẻ về kỹ thuật vẽ màu nước trên giấy, họa sĩ Mai Long cho biết “trước khi vẽ, ông luôn làm ướt giấy, vẽ mảng to, đi các nét chấm phá trước. Sau đó khi giấy khô ông mới định hình bằng nét mảnh một vài điểm tiếp nối để hoàn thiện khuôn hình”.

Trong tâm thức của Mai Long, tình mẫu tử là thiêng liêng, nhất là với người phụ nữ vùng cao. Do đặc thù cuộc sống của người dân tộc thiểu số nên mỗi em bé từ lúc sinh ra cho đến khi biết đi đều được mẹ địu sau lưng mọi lúc, mọi nơi. Khi thì lên rẫy làm nương, lúc đi kiếm củi trên rừng… Hình ảnh em bé má đỏ hồng phúng phính do thời tiết lạnh đặc trưng vùng cao đang ngủ ngon trên lưng mẹ đã đi vào văn, thơ, nhạc, họa tự bao đời. Với họa sĩ Mai Long, đề tài mẫu tử nói riêng và những gì thuộc về dân tộc thiểu số nói chung luôn là những gì ông yêu quý và dành nhiều thương mến.

Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top