Một bài phỏng vấn đăng trên Tạp chí Mỹ thuật cách đây đúng 25 năm, trong số kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1977-1997).
LTS: Ngày 20/5/1997, họa sĩ Phạm Tăng rời Việt Nam trở về Paris, nơi ông sống và làm việc, trên chuyến bay đêm của Hãng hàng không Pháp, cất cánh tại Nội Bài hồi 18h30’.
Sau “một tháng mười bảy ngày” (chính xác theo như cách đếm của ông) – Phạm Tăng đã kết thúc cuộc lữ hành tìm lại ký ức về “cây đa, giếng nước, bờ ao”, về “người xưa, bạn cũ” cách nay hơn nửa thế kỷ, về “những khoảng thời gian chìm sâu trong dĩ vãng”… Một cuộc lữ hành đầy ắp chiêm nghiệm của người nghệ sĩ 73 tuổi có mái đầu phơ phơ bạc.
Tại ngôi nhà của cháu ông (ngõ 2, dốc Ngọc Hà, Hà Nội), buổi sáng ngày 14/5, họa sĩ Phạm Tăng đã dành cho nhà báo Quang Việt – phóng viên Tạp chí Mỹ thuật Thời nay – một cuộc trao đổi thân tình chung quanh các “vấn đề nóng’ của hội họa Việt Nam.
Trần Tuy – Ký họa Phạm Tăng. 1997 Lời trong sách: Họa sĩ Phạm Tăng. Là họa sĩ Việt Kiều xa quê lâu năm. Tranh sơn dầu của ông thường diễn tả sự chuyển động không cùng của vũ trụ mênh mông. Tôi vẽ ông khi ông đến Hội nhân đợt về thăm đất nước
Phạm Tăng (PT): Người phương Tây bao giờ cũng hoạch định trước, ít nhất phải vài ba năm, các chương trình nghệ thuật của họ (ông lập tức mở đầu).
Tôi không rõ ở Việt Nam thế nào, chứ các “galerie” phương Tây đều “kén chọn” nghệ sĩ. Và ngược lại, nghệ sĩ cũng “lọc” cả “galerie”.
Quang Việt (QV): Điều này có ý nghĩa gì trong câu chuyện sắp tới, thưa ông?
PT: Nó là lời dẫn cho một ý kiến của tôi. Rằng số họa sĩ từ Việt Nam sang triển lãm hội họa tại phương Tây hơn 10 năm gần đây, chưa chiếm được các vị trí tốt, như là ở Pháp, chẳng hạn khu Beaubourg hoặc Petit Palais.
Tuy nhiên, vẫn có những “sự tự cao, tự đại” nào đấy, của ai đấy, cái mà không phải chỉ ít người biết. Đó là “sự tự cao, tự đại” còn thiếu cơ sở thực tế.
QV: Còn ngay tại Việt Nam, trong thời gian ông về thăm vừa qua?
PT: Tôi có đi xem tranh ở một vài “salon” và “galerie” Hà Nội. Hầu hết là tranh làm nhanh để bán, giá rẻ, cho “bọn du lịch”. Cũng kiếm khá, hình như thế. Nên thông cảm, vì phải sống (cười).
QV: Không có vấn đề gì sao, thưa ông?
PT: Sao lại không? Xoay chiều? Mở cửa? Xoay mở như thế nào? Đấy!
Hãy nhớ: có “information” (thông tin) thì có cả “déformation” (bóp méo).
QV: Và những thông tin ông lưu ý?
PT: Ở Pháp, tôi luôn theo dõi tình hình bên nhà. Có bận, tôi trông thấy ảnh chụp một tấm “toile” của Việt Nam mà mặt phía sau lộ rõ hình ông Karl Marx. Lâu rồi nên tôi không còn nhớ bức ảnh đó đăng trên tạp chí nào.
Lại có những kẻ mua khá nhiều tranh “petit” (nhỏ) của Bùi Xuân Phái, cũng rẻ thôi, chủ yếu vẽ đèn và điếu, rồi chọn ra in thành sách nhằm thổi phồng cái gọi là “sự giải phóng khỏi tinh thần lập thể”.
QV: Vậy thái độ của cá nhân ông?
PT: Nhẽ ra tôi viết một cái gì đó. Song, viết cho ai? Và ai đăng? (hút thuốc lào).
QV: Xin ông trở lại đôi chút với chữ “phải sống”.
PT: Là thế này (cười), người già thì thường không dám tự hạ giá mình. Tưởng là bảo thủ, nhưng không!
Họ có vốn liếng nghiêm chỉnh, không phải hạng bá láp. Họ ở vào cái thế không thể “vơ bèo vạt tép” (nhún vai).
Tuổi trẻ thì gặp nhiều khó khăn riêng. Còn phải “cày” chứ. Nghệ thuật là phải lăn lóc, làm ẩu đâu có được.
QV: Theo ông, giữa “già” và “trẻ” là gì?
PT: … Vấn đề là nên động viên lẫn nhau. Là xây dựng cho tương lai của nghệ thuật.
Không thể nói ông nào “cổ” và ông nào “trẻ”!
QV: Thế thì sự đánh giá chung về một nghệ sĩ ở chỗ nào?
PT: Chớ có nhìn đến “bằng này cấp nọ”, cái ấy chẳng khác gì “chứng minh thư” vào nghề.
Người “artiste” phải đối mặt với thế hệ của chính mình, với người đi trước, và với cả người đi sau.
Đỉnh cao nghệ thuật có vô kể con đường để tới. Chọn đường nào? Đấy!
QV: “Đấy” nghĩa là thế nào, thưa ông?
PT: Người Việt Nam ta từng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa, sau mới đến Pháp… Nói nặng thì đó là hai “cái xích”. Nói nhẹ thì là hai “chiếc kính” đi mượn. Hãy thử bỏ tất cả chúng ra xem có loạng choạng không nào?!
Hội họa Việt Nam phải tự tìm cho chính mình một “đường quyền”. Tại sao cứ phân vân theo Tàu hay theo Tây mãi. Vẫn còn biết bao nhiêu là “chiếu” để ngồi đấy chứ!
Phạm Tăng – Một nét “Càn khôn”. 1978. Chất liệu hỗn hợp
QV: Trong cái nhìn riêng của ông, những gì là đã có được của hội họa Việt Nam?
PT: Nền hội họa Việt Nam đã làm tốt bổn phận đấu tranh cứu nước, phục vụ “công nông binh”… Các họa sĩ tham gia kháng chiến đều vẽ “bàn tay đủ năm ngón, đầu chỉ đội một mũ”…
Tôi nhớ có thời kỳ Bùi Xuân Phái sống tại nhà tôi. Ông ấy không vẽ được “memoire”, nên phải nhờ “Phạm Tăng” tìm giúp cho hai anh bộ đội “bằng xương bằng thịt” đứng mẫu.
Dạo đó, tôi gặp Bùi Xuân Phái ở Chợ Đại, định làm chung triển lãm trên đất Yên Mô, Ninh Bình, tiếc là không thực hiện được.
Sau 1975, hội họa Việt Nam cũng gieo thêm một số “hoa mới”. Chúng ta đã học và đang cố vượt ra “cái đầu óc duy lý” của phương Tây để dần quay về với nguồn gốc phương Đông của mình. Hoặc kết hợp cả hai, song phải nhuần nhuyễn.
Không được phép quên thành tựu của vật liệu – chất liệu cũng như thành quả của khoa học hiện đại.
QV: Ông có thể cho biết ấn tượng chung nhất về hội họa Việt Nam vào đúng thời điểm bây giờ?
PT: Cũng giống y như giao thông của ta mà thôi (dùng hai tay diễn tả sự chen chúc va chạm).
QV: Liệu có một giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
PT: Nếu về kinh tế đã có người phải đứng ra “bóp đầu bóp trán”, vậy thì nghệ thuật thuộc lĩnh vực tâm linh còn khó hơn rất nhiều. Cần sắp xếp hội họa vào hàng lối hẳn hoi. Phải có “đèn xanh đèn đỏ” chứ?
QV: Một sáng kiến cụ thể hơn của ông?
PT: Tôi sẵn sàng làm “cố vấn không công”, tất nhiên, thuộc phạm vi mỹ thuật. Khi về nước, nhạc sĩ Trần Hoàn giới thiệu tôi với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, những mong tưởng bàn bạc một dự án mỹ thuật cho thành phố. Đúng hẹn, người ta đến đón khá chu đáo. Xe cộ và văn phòng của họ mới thực sang trọng. Song điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là ngay từ đầu buổi gặp mặt, một vị quan chức đã nói rằng họ chỉ có thể tiếp tôi chừng 20 phút!!! (hút thuốc lào)
QV: Thưa ông, sự việc này có thể coi như dấu chấm lửng kết thúc các vấn đề chung. Bây giờ, ông cho biết chút ít về “họa sĩ Phạm Tăng”?
PT: Tôi đã đi bày tranh ở Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan và từ Bắc đến Nam Mỹ. Ở Pháp, Galerie de France, Paris, thuộc loại lớn nhất, họ có mời tôi, nhưng đến nay tôi vẫn chưa đáp lại được thịnh tình của họ. Galerie này từng bày những Bernard Buffet, Hartung, Zao Wou-ki…
Nhà phê bình Giolio Carlo Argan, Chủ tịch Hội phê bình nghệ thuật quốc tế (AICA) đã giới thiệu và cổ vũ cho các tác phẩm của tôi. Ông Giolio còn là thị trưởng Roma, đảng viên cộng sản Ý. Phải khẳng định rằng: không ai có thể “mua” được những con người như ông ấy.
QV: Còn thơ?
PT: Tôi làm thơ, ban đầu cốt để ôn luyện luôn luôn tiếng mẹ đẻ. Cũng chút ít tựa như mấy chục năm nay, tôi vẫn hút thuốc lào đều đều, để hình dung và nhớ về “cây đa, giếng nước, bờ ao” vậy (cười).
QV: Nếu có thể xin phép ông được hỏi lý do nào ông quyết định sống ở nước ngoài?
PT: Câu trả lời nằm ở khổ 4 bài thơ Mây ngũ sắc của tôi. Còn “mục đích – hoài bão” của tôi thì được đặt ở khổ 6 (nói rồi ông tìm cuốn Thơ Phạm Tăng, NXB Văn học, 1994, trang 40 và 41, đọc luôn cả bài thơ này).
QV: Vài kỷ niệm sâu sắc của ông về “những ngày xưa” ở quê hương Việt Nam?
PT: Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh về một sự thực: Rằng ít nơi nào nhiều triển lãm mỹ thuật như Khu III thời kỳ đầu chống Pháp. Ủy ban kháng chiến Nam Định có nhờ tôi mở triển lãm bán tranh lấy tiền ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Tôi ngược xuôi Hà Nội tìm tranh Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung… Lại lùng Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu xuống vẽ chân dung nhưng các anh mắc bận. Chúng tôi tổ chức cả bán đấu giá…
Đến mãi tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái lần tôi nhận được giải thưởng 2000 đồng cho một bức tranh cổ động vẽ trên tường, do một người cán bộ xa lạ không hề quen biết, thậm chí không hề gặp mặt, đi tạt qua tự nguyện trao. Hồi đó, nhà thơ Lưu Quyên (từng sinh hoạt cùng cấp bộ Đảng với Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu ở nhà tù Sơn La) làm giám đốc thông tin tuyên truyền. Ông là người cộng sản tuyệt vời mà tôi được biết và hết lòng kính trọng. Khi Lưu Quyên mất, tôi có làm một bài thơ để khóc ông!
QV: Trong chuyến về thăm này, ông có vào Thành phố Hồ Chí Minh?
PT: Trước khi sang nước ngoài, Sài Gòn là nơi tôi dừng chân vài năm. Tôi cũng có nhiều “vui buồn” ở đấy, nhưng chưa có ý định trở lại.
QV: Về mối quan hệ của ông với họa sĩ Nguyễn Gia Trí?
PT: Vào những năm 1950, tôi là người thuê giúp Nguyễn Gia Trí ngôi nhà mà bây giờ gia đình ông vẫn sử dụng. Thời đó ông Trí chưa lấy vợ và sống rất nghèo túng. Sau này, hồi tôi ở Roma, tôi với ông vẫn thường viết thư thăm nhau.
QV: Thế còn những điều đến nay vẫn chưa dứt lưu truyền về Nguyễn Gia Trí?
PT: Cũng vào cái hồi tôi ở Roma gặp ông Mai Thọ Truyền – Quốc vụ khanh văn hóa, tôi có lưu ý “chính quyền cũ” về tài năng hội họa Nguyễn Gia Trí.
Phần vì thế mà ông Trí đã thỏa thuận được với ông Nguyễn Lương Viên một hợp đồng bảo đảm thực hiện các bức tranh sơn mài khổ lớn, giá đến mấy triệu đồng. Rốt cuộc thì chính quyền dự định gửi những bức tranh này sang tham dự Hội chợ hàng mỹ nghệ Osaka, Nhật Bản.
Ông Trí thì lại dứt khoát không bằng lòng bày tác phẩm của ông như một món hàng mỹ nghệ.
Bất đồng nảy sinh là dĩ nhiên thôi.
Ngay bản thân tôi cũng từng phải ngồi bót Catinat năm 1956-1957 về tội danh: “phá hoại trật tự trị an có lợi cho cộng sản”.
Chuyện chung quanh Nguyễn Gia Trí còn nhiều, nay ông Trí mất rồi, cứ để chúng được yên nghỉ cùng với ông (họa sĩ kết thúc).
À này, nhớ tìm hộ tôi người trao giải thưởng năm xưa nhé.
Phạm Tăng – Vũ trụ. 1975. Chất liệu hỗn hợp
Họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1924 ở Yên Mô, Ninh Bình. Học hội họa và kiến trúc ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội, năm 1943-1945).
Mười lăm năm sau, lưu lạc sang châu Âu. Đi sâu vào tất cả các môn dạy ở Viện Mỹ thuật La Mã (Accademia di belle arti di Roma). Tốt nghiệp môn hội họa và môn trang trí, sau đó theo học thêm môn điêu khắc và môn nghệ thuật trần thiết sân khấu.
Năm 1967 đoạt giải nhất của UNESCO về mỹ thuật. Hiện sống và làm việc tại Paris.
Bài viết của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt
[Tạp chí Mỹ thuật Thời nay, số 15 (7) 1997. Số kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật]