Wassily Kandinsky thường được coi là người tiên phong của nghệ thuật trừu tượng. Tuy nhiên, một phụ nữ Thụy Điển tên là Hilma af Klint (1862–1944) có thể khẳng định danh hiệu đó.
Hilma af Klint, Mười tác phẩm lớn nhất, Số 3, Tuổi trẻ, 1907 © Stiftelsen Hilma af Klints Verk Ảnh: Albin Dahlström/Moderna Museet. Nguồn: Artpil.
Khi Wassily Kandinsky viết thư cho chủ phòng trưng bày ở New York của mình là Jerome Neumann vào tháng 12 năm 1935, rõ ràng ông rất nóng lòng muốn trấn an một lần nữa rằng ông đã vẽ bức tranh trừu tượng đầu tiên của mình vào năm 1911: ‘Quả thực, đây là bức tranh trừu tượng đầu tiên trên thế giới, bởi vì trở về trước không một họa sĩ nào vẽ tranh theo phong cách trừu tượng. Một “bức tranh lịch sử”, nói cách khác.’ Đáng buồn thay, bức tranh lịch sử này được cho là đã thất lạc. Họa sĩ đã quên mang theo nó khi rời Nga vào năm 1921 đến Đức, trước khi chuyển sang Pháp. Ông biết thế giới nghệ thuật đang tham gia vào một cuộc thi. Được công nhận là người đã tạo ra bức tranh trừu tượng đầu tiên là giải thưởng rất được thèm muốn. Các họa sĩ hiện đại vẫn đang tranh giành để nhận được giải thưởng đó. Các ứng cử viên hàng đầu khác là František Kupka, Robert Delaunay, Piet Mondrian và Kazimir Malevich. Điều mà Kandinsky không biết, một họa sĩ người Thụy Điển tên là Hilma af Klint đã tạo ra bức tranh trừu tượng đầu tiên của mình trong xưởng vẽ ở Stockholm vào năm 1906, trước ông 5 năm. Hơn nữa, cô đã đi theo con đường trừu tượng tương tự. Không hề biết đến sự tồn tại của nhau, hai họa sĩ dường như đã đi một chặng đường dài như hai đoàn tàu trên cùng một đường ray. Klint đến trước Kandinsky.
Hilma af Klint – Mười tác phẩm lớn nhất Số 8 – Trưởng thành – Nguồn: Wikimedia Commons
Hilma af Klint là ai? Cô đã trở thành một họa sĩ như thế nào? Có hai khía cạnh trong tiểu sử đã mang lại cho cô lợi thế. Thứ nhất, cô là con gái của một đô đốc sinh năm 1862 tại Thụy Điển, một quốc gia cho phép phụ nữ học nghệ thuật trước Pháp, Đức hay Ý. Cô đăng ký vào Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở Stockholm vào năm 1882. Khi đã tốt nghiệp 5 năm sau, cô thuê một xưởng vẽ trong khu nghệ sĩ của thành phố và dần dần được công nhận là một họa sĩ phong cảnh và chân dung. Cô cũng đam mê nghiên cứu về thực vật và động vật, và trong năm 1900/1901, cô đã làm việc với tư cách là người soạn thảo văn bản cho viện thú y.
Thứ hai, Klint sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành và sớm tiếp xúc với thuyết thần trí. Không cần là một người bạn của huyền bí mới thấy được những lợi thế mà thuyết thần trí có thể mang lại cho một nghệ sĩ trẻ. Vào thế kỷ 19, không ai nghi ngờ rằng những tác phẩm vĩ đại phụ thuộc vào nguồn cảm hứng vĩ đại như nhau. Tuy nhiên, hầu như không ai tin rằng khi phụ nữ vẽ tranh, các lực lượng cao hơn sẽ phát huy tác dụng. Thuyết thần trí, được thành lập bởi một phụ nữ (Helena Petrovna Blavatsky người Nga) đã nhìn mọi thứ khác đi. Phụ nữ được chào đón với tư cách là thành viên và giữ các vị trí cấp cao. Tóm lại, đây là tổ chức tôn giáo đầu tiên ở châu Âu không phân biệt đối xử với phụ nữ. Klint mười bảy tuổi khi cô tham gia buổi cầu hồn đầu tiên của mình.
Hilma af Klint. Mười tác phẩm lớn nhất, Số 7 1907. Sơn dầu và màu keo trên giấy. 328 × 240 cm.
Năm 1905, cô lưu ý rằng cô đã nghe thấy một giọng nói mang đến thông điệp sau: ‘Bạn phải tuyên bố một triết lý sống mới và chính bạn là một phần của vương quốc mới. Công sức của bạn sẽ đơm hoa kết trái.’ Trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 1906 đến tháng 3 năm 1907, cô đã vẽ một loạt tranh trừu tượng, khổ nhỏ trên toan có tựa đề Sự hỗn độn nguyên thủy. Một số trong số chúng gợi nhớ đến những phong cảnh, về một vùng biển đầy bão tố phía trên lấp lánh những ánh sáng bí ẩn. Những bức khác hoàn toàn thoát khỏi sự mô tả, kết hợp các hình dạng hình học như hình xoắn ốc với nét vẽ năng động, mẫu tự alphabet và ký hiệu. Tinh thần biểu cảm và giống với tinh thần của những bức vẽ mà cô thực hiện một cách vô thức trong các cuộc gọi hồn những năm 1890. Những người theo chủ nghĩa Siêu thực về sau gọi phương pháp này là ‘vẽ tự động’.
Tác phẩm của Hilma af Klint, “Cây tri thức, Số 1,” (1913-1915) / Được phép của David Zwirner. Nguồn: The New Yorker.
Series Sự hỗn độn nguyên thủy là hạt giống mà từ đó gần 200 bức tranh trừu tượng sẽ phát triển trong những năm tiếp theo. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1907, Klint đã tạo ra một loạt tác phẩm hoành tráng mang tên Mười tác phẩm lớn nhất, đặc trưng bởi các hình bầu dục, hình tròn và đường uốn lượn với màu sắc rực rỡ. Các hình thức hữu cơ của trừu tượng ban đầu đã nhường chỗ cho một chủ nghĩa hình học chặt chẽ. Năm 1914/1915, cô vẽ Thiên nga, bao gồm các hình tròn trên nền đỏ. Trước khi qua đời vào năm 1944, cô đã không trưng bày tác phẩm trừu tượng nào của mình trong bất kỳ cuộc triển lãm nào.
Hilma af Klint. Thiên nga, Số 17, Nhóm IX, Series SUW 1914-1915. Sơn dầu trên toan. 155 × 152 cm.
Điều gì đã dẫn Klint đến với trừu tượng? Mối quan tâm đến các thế lực vô hình đã được chấp nhận rộng rãi, thay vì chỉ giới hạn ở những người theo đuổi huyền học. Đến cuối thế kỷ 19, các ngành khoa học tự nhiên đã phát hiện ra nhiều lực vô hình, trong đó có tia hồng ngoại, tia X và trường điện từ. Những hiện tượng này đã đặt ra cho nghệ thuật cũng như khoa học những câu hỏi mới: liệu có thể vẽ không chỉ các sinh vật mà cả các lực quan trọng không? Không chỉ là một dàn nhạc, mà cả âm nhạc? Những lực, tia hoặc dao động nào vẫn chưa được khám phá? Giống như Kandinsky, Klint có lẽ đã quen thuộc với những nỗ lực của các tác giả thần học Annie Besant và Charles Leadbeater để dịch âm nhạc thành các hình thức trực quan. Một cuốn sách minh họa năm 1902, mô tả các đường uốn lượn màu đỏ và các vòng tròn màu đen, có tựa đề Cơn giận bùng nổ; một bản khác, ra đời từ năm 1905 và thể hiện sự bùng nổ đầy màu sắc về hình dạng, được gọi là Âm nhạc của Gounod. Một trong những văn bản thuyết thần trí thành công nhất đã được xuất bản vào năm 1904/1905. Nó được viết bởi Rudolf Steiner, người mà Kandinsky và Klint đã gặp, độc lập với nhau, vào năm 1908. Tựa đề của nó là: Làm thế nào để biết các thế giới cao hơn. Klint và Kandinsky đã vẽ nên câu trả lời: thông qua nghệ thuật.
Hilma af Klint, Thiên nga, Số 1, 1915 © Stiftelsen Hilma af Klints Verk Photo: Albin Dahlström/Moderna Museet. Nguồn: Artpil.
Tầm quan trọng mà trừu tượng đảm nhận trong lịch sử nghệ thuật chỉ trở nên rõ ràng vào một thời điểm sau này. Năm 1936, một cuộc triển lãm được mở tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York mang tên Chủ nghĩa Lập thể và Nghệ thuật Trừu tượng. Trong một sơ đồ do Alfred H Barr vẽ cho bìa danh mục, lịch sử nghệ thuật lên đến đỉnh điểm và kết thúc bằng nghệ thuật trừu tượng. Ngày nay quan điểm này có vẻ quá phiến diện. Chúng ta thưởng thức sự đa dạng của nghệ thuật thế kỷ 20, dù là tượng hình hay trừu tượng. Tuy nhiên, chúng ta coi trọng nghệ thuật trừu tượng như một quyền tự do ngôn luận mà chúng ta không muốn sống thiếu nó. Và Hilma af Klint đã phát hiện ra nó vào năm 1906.
Nguồn: Tate
Lược dịch bởi Viet Art View