Triển lãm lấy lời mở đầu của một bài thơ năm 1973 — người lính nói về thế hệ mình — thế hệ chưa bao giờ ngủ yên. Mang nội hàm sâu sắc của những trải nghiệm chiến tranh, những ảnh hưởng dài lâu của nó trong tâm hồn con người, ‘thế hệ chưa bao giờ ngủ yên’ có thể là một điểm xuất phát để tiếp cận và đọc những tác phẩm trong triển lãm. Với trọng tâm là các tác phẩm của tám họa sĩ chủ chốt đã được chính quyền Hà Nội đưa ra mặt trận với nhiệm vụ của những họa sĩ chiến tranh, thuật ngữ ‘nghệ thuật thời chiến’ có thể gợi ra những góc nhìn với những trải nghiệm cụ thể về xung đột, nhưng bằng cách coi họa sĩ như một tác nhân độc lập, triển lãm gợi mở các câu hỏi về tính đại diện của các tác phẩm nghệ thuật và những câu chuyện liên quan đến chúng. Đi cùng các tác phẩm là những văn bản, đoạn trích các bài thơ và hồi ký. Chúng trải dài những khám phá về ý nghĩa của trải nghiệm cá nhân, gợi ý những mối quan tâm đan xen, ngay cả khi những chủ định và mục đích là khác nhau.
Về bộ sưu tập
Bộ sưu tập đáng quý gồm 1.208 tác phẩm nghệ thuật thời chiến là một trong những bộ sưu tập tư nhân lớn nhất được biết đến về thể loại này bên ngoài Việt Nam. Được sưu tập trong thời gian Đại sứ Dato’ N. Parameswaran làm Đại sứ Malaysia tại Việt Nam từ năm 1990 đến 1993 và chủ yếu được xây dựng dựa trên các nghệ sĩ có liên quan đến miền Bắc Việt Nam, bộ sưu tập bao gồm 858 bức vẽ trên các chất liệu khác nhau, 143 áp phích vẽ tay, 74 áp phích in, 74 tranh khắc gỗ , 46 bức ảnh và 13 bức tranh. Bộ sưu tập được xây dựng trong những năm đầu của công cuộc đổi mới kinh tế tại Việt Nam, đồng thời với sự quan tâm theo hướng mới về nghệ thuật Việt Nam, lịch sử và hướng đi của nó. Bất chấp thị trường nghệ thuật đương đại đang phát triển, Đại sứ Dato’ N. Parameswaran vẫn tập trung vào sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của những năm chiến tranh, đối với ông — thông qua các mô tả về phong cảnh, sự kiện, con người và truyền thuyết — đều quan trọng về mặt lịch sử và văn hóa, chúng là những di sản, thể hiện tinh thần Việt Nam, tinh thần một quốc gia đã được thử thách bởi các cuộc chiến.
‘Họa sĩ Việt Nam thời chiến’ sẽ là triển lãm thứ tư trong chuỗi các triển lãm từ bộ sưu tập này, được trao cho Bảo tàng NUS [Bảo tàng Đại học Quốc gia Singapore] mượn dài hạn từ năm 2015, trưng bày, nghiên cứu và giảng dạy. Các triển lãm trước đây tập trung vào góc nhìn lịch sử Việt Nam 1954-1975 (2015-2016), quá trình đào tạo nghệ thuật và làm chủ kỹ thuật của các nghệ sĩ [triển lãm] ‘LINES’ (2016-2017), và hồi ức sau chiến tranh ‘Ai Muốn Nhớ Một Cuộc Chiến?’ (2016-2018).
Triển lãm hiện được trưng bày đến 30 tháng 11.
Về hình ảnh: ‘Trên đường hành quân’ (1963), khắc axit trên giấy, Đường Ngọc Cảnh, 32 × 58 cm, Bản 4/10, Bộ sưu tập Dato’ N. Parameswaran.
Nguồn: Bảo tàng NUS [Đại học Quốc gia Singapore]
Lược dịch bởi Viet Art View