Trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật của họa sĩ, nhà báo Hoàng Hoa Mai, người ta không thể không nói đến tranh chân dung của các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc và nhất là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua. Những sáng tác về chân dung Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Lê Văn Hưu,… được công chúng xứ Thanh và trong nước trân trọng cảm thụ ghi nhận cả về nội dung tư tưởng đến nghệ thuật tạo hình. Ông đã có nhiều tác phẩm in ấn, xuất bản trên các báo, tạp chí và được trưng bày lưu giữ tại nhiều bảo tàng Trung ương, địa phương. Họa sĩ đã 7 lần có tác phẩm Triển lãm mỹ thuật Toàn quốc (5 năm một lần) trong đó có 4 tác phẩm về Bác Hồ. Ông là một trong số ít họa sĩ của cả nước vẽ nhiều tranh và thành công về chủ đề Bác Hồ. Những tác phẩm: “Bác Hồ với cây chì đỏ” (sơn dầu) triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990, “Bác Hồ viết tuyên ngôn độc lập” (sơn dầu) triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2009 về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội; tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc” (sơn dầu) triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và được trưng bày lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” (sơn dầu), triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010, “Bác Hồ tại buổi nói chuyện với cán bộ kháng chiến ở Thanh Hóa năm 1947” – Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2020; “Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ” – Trưng bầy và lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh; “Bác Hồ làm việc tại đền Cô Tiên, Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1960”; “Bác Hồ thăm đình Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa năm 1947)”,… Quan điểm nhất quán của họa sĩ Hoàng Hoa Mai khi sáng tác vẽ đề tài Bác Hồ là chỉ tái hiện những sự kiện mà ở đó không có ảnh chụp Bác đến ở và làm việc, tác giả chỉ căn cứ vào lịch sử, lời kể của nhân dân để xây dựng tác phẩm. Với tư duy cách thức miêu tả ấy, gần đây họa sĩ đã sáng tác tác phẩm “Bác Hồ tại buổi nói chuyện với cán bộ kháng chiến Thanh Hóa ở rừng Thông – Đông Sơn – Thanh Hóa năm 1947”.
Bác Hồ làm việc tại đền Cô Tiên, Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1960 – Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai
Tác phẩm: “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ kháng chiến tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn ngày 20 tháng 2 năm 1947”. Đây là tác phẩm tâm nguyện của tác giả mà ông đã dày công nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua để sáng tạo. Tác phẩm đó đã bắt đầu sáng tác từ những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước với nhiều phác họa bằng nhiều chất liệu khác nhau. Những phác họa mà tác giả thể hiện đều theo cách bố cục đông người, nhiều lớp, cấu trúc theo lối minh họa lịch sử, diễn giải, có chủ thể, khách thể tả thực. Cách miêu tả này tác giả đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các nhà sử học, mỹ thuật, văn hóa ở Trung ương cũng như ở địa phương,… Cuối cùng họa sĩ phải khái quát lại theo trường phái ấn tượng từ ý tưởng câu nói ân tình của Bác đối với nhân dân Thanh Hóa “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” (1). Đây là nội dung chủ đạo của tác phẩm mà được nhiều nhà khoa học xã hội cũng như công chúng yêu mỹ thuật rất đồng tình.
Vậy thì tác giả phải sáng tác như thế nào để có thể toát lên được tư tưởng tình cảm của Người đối với Thanh Hóa, một tỉnh đầu mối Bắc, Nam của cả nước trong cuộc kháng chiến với số dân đông, địa bàn đất đai, núi rừng rộng lớn, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống và có truyền thống cách mạng từ lâu đời để rồi tiếp tục đóng góp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Điều đó, đòi hỏi họa sĩ phải biểu đạt rõ nét về không gian, thời gian, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ trong điều kiện cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang trở nên quyết liệt hơn lúc nào hết. Mặt khác, họa sĩ phải nghiên cứu sâu rộng chủ điểm của tác phẩm về dung quang tư tưởng tình cảm của Người đối với cán bộ, nhân dân Thanh Hóa mà kết luận bài nói chuyện của Bác “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu” (2).
Bác Hồ tại buổi nói chuyện với cán bộ kháng chiến ở rừng Thông – Đông Sơn, Thanh Hóa năm 1947
Bác căn dặn nhiều vấn đề quan trọng để địa phương quyết tâm làm như tăng gia sản xuất, chiến đấu, nghĩa vụ chiến lược với cách mạng của cả nước, phấn đấu giảm đói nghèo, vươn lên làm giàu, góp nhân lực, tài lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn mới của dân tộc. Bác nói:
Mục đích cho người nghèo thì đủ ăn.
Người đủ ăn thì khá giàu.
Người khá giàu thì phải giàu thêm…
Người nào cũng biết chữ.
Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước (3).
Nói đến sức mạnh của đoàn kết, Bác lưu ý “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau nhưng không che đậy những điều dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh hiếu vị” (4). Về tổ chức điều hành vai trò của cán bộ, lãnh đạo trong cách mạng kháng chiến kiến quốc, Bác chỉ bảo: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông đất rộng của nhiều chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt…” (5). Tất cả những tư tưởng ấy của Người là điểm nhấn cho việc miêu tả chân dung Bác Hồ trong tranh.
Để tác phẩm có sức thuyết phục đúng với lịch sử, họa sĩ đã gặp nhiều nhân chứng thời đó và họ cho biết cụ thể là tháng 2 năm đó giữa mùa xuân nhưng tiết trời còn rất lạnh; Bác mặc bộ quần áo ka ky màu vàng nhạt, ngoài khoác áo ba đờ xuy, chân đi giày vải, ngồi trên một phiến đá dưới chân núi thông; Bác ân cần gọi các cô chú lại gần để nghe cho rõ và mọi người chăm chú nhìn Bác, lắng nghe ghi chép lời Bác căn dặn, chỉ bảo về mục đích ý nghĩa, trách nhiệm của cán bộ trong công cuộc kháng chiến kiến quốc,… Việc miêu tả thần thái, đôi mắt, dung mạo lúc bấy giờ, tác giả phải tìm lại nhiều hình ảnh về Bác từ thời kỳ năm 1945 đến năm 1948 để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Trong thư tịch, tài liệu lịch sử của Tỉnh Thanh Hóa và Trung ương không hề có một bức ảnh nào chụp Bác tại Rừng Thông (tháng 2 năm 1947), đây là vấn đề khó khăn cho tác giả sáng tác bức tranh này. Họa sĩ Hoàng Hoa Mai đã phác họa nhiều chân dung, nhiều dáng thế, trong nhiều năm từ năm 1976 cho đến đầu xuân năm 2016 mới định hình tác phẩm lần cuối. Trong tranh tác giả đã khái quát được gương mặt đôn hậu, đôi mắt tinh anh, vui tươi, ân tình khi nói chuyện và nhất là lúc Bác nhấn mạnh kết luận bài nói chuyện mà tác giả lấy đó làm cốt lõi tư tưởng xuyên suốt của bức tranh. Để truyền đạt đầy đủ dễ hiểu những vấn đề quan trọng cho cán bộ Thanh Hóa, Bác đã chuẩn bị sẵn nội dung trong quyển sổ mà Người thường dùng hằng ngày. Tác giả cho biết: Tôi đã ghi chép tư liệu có liên quan đến sự kiện này mấy thập kỷ qua, gặp nhiều người trong cuộc thời đó, họ kể lại: khi nói chuyện, Bác ngồi trên một phiến đá với tư thế thoải mái bình dị, tay đặt quyển sổ lên đầu gối chân, tay phải thỉnh thoảng giơ lên nhấn mạnh những vấn đề quan trọng để cán bộ dễ hiểu, dễ nhớ. Để bức tranh sinh động tác giả đã cấu trúc giữa chân dung, phong thái và cảnh vật thành một thể thống nhất, hài hòa, hoàn chỉnh. Qua đó người xem tranh cảm nhận được tình cảm trìu mến, giọng nói ấm áp, vui tươi, đầy lạc quan mà Bác đã dành cho Thanh Hóa.
Toàn bộ bức tranh được bố cục trong nền xanh của cây lá núi rừng, như báo hiệu một mùa xuân tươi sáng của cách mạng toàn thắng đang đến gần mà Bác Hồ là ngôi sao sáng dẫn đường cho dân tộc trong đó có nhân dân Thanh Hóa.
Và sự thật, trong tâm thức sâu thẳm của người xứ Thanh lời căn dặn cách đây 70 năm của Bác đã và đang chuyển mình quyết tâm đưa kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội ngày càng phát triển để thỏa lòng mong ước của Người.
Là một họa sĩ, hội viên chuyên ngành hội họa của hội Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng Hoa Mai đã sáng tác cho quê hương, đất nước nhiều tác phẩm mỹ thuật về danh nhân nổi tiếng mà trong đó đề tài Bác Hồ là tâm nguyện cả cuộc đời của ông.
Ghi chú: (1), (2), (3), (4), (5): Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 1995.
Bài viết bởi tác giả Nguyễn Hoàng