Logo loading

‘KHÔNG VƯỢT QUA THẦY CỦA MÌNH ĐỒNG NGHĨA VỚI THẤT BẠI’ — LEONARDO DA VINCI

Lịch sử nghệ thuật đầy những câu chuyện về các học trò tài năng sánh ngang với thầy của họ.  Andrea del Verrocchio (1438-1488) và Leonardo da Vinci (1452-1519) Andrea del Verrocchio (1435-1488) thực sự đáng được biết đến nhiều hơn. Đồng nghiệp của ông ở Florentine, nhà thơ Ugolino Verino, đã tuyên bố “bất […]
|Viet Art View

Lịch sử nghệ thuật đầy những câu chuyện về các học trò tài năng sánh ngang với thầy của họ.

 Andrea del Verrocchio (1438-1488) và Leonardo da Vinci (1452-1519)

Andrea del Verrocchio (1435-1488) thực sự đáng được biết đến nhiều hơn. Đồng nghiệp của ông ở Florentine, nhà thơ Ugolino Verino, đã tuyên bố “bất cứ họa sĩ nào có gì đó hay ho, họ đều uống nó từ mùa xuân của Verrocchio”.

Là một nhà điêu khắc, họa sĩ và kiến trúc sư tài năng, Verrocchio cũng là một tác giả yêu thích của nhà Medici. Tuy nhiên, tên tuổi của ông đã bị lu mờ trong nhiều thế kỷ, bởi một người học trò: Leonardo da Vinci (1452-1519).

Andrea del Verrocchio (1435-1488), Leonardo da Vinci (1452–1519), ‘Lễ rửa tội của Giê-su’ khoảng 1470-1475. Màu keo và dầu trên ván. Galleria degli Uffizi, Florence.

Đến học tại xưởng của Verrocchio khi còn là một thiếu niên, Leonardo đã dành cả thập kỷ ở đây. Trong số các kỹ thuật mà ông học được là sfumato — kỹ thuật phủ mờ các đường nét của một hình dạng. Ông cũng học được sở trường của thầy đối với cách diễn tả vải vóc xếp nếp chảy rũ.

Sau này, Leonardo thừa nhận món nợ với Verrocchio, ông viết: “Không vượt qua được thầy của mình đồng nghĩa với thất bại”. Ông chắc chắn đã vượt qua thầy mình.

Những thành công của Leonardo hầu như không cần phải kể lại, nhưng một điều đáng kể ở đây là việc ông đã thử nghiệm và khai thác triệt để chất liệu sơn dầu lúc bấy giờ. Verrocchio từ chối thử nó, chỉ làm việc với màu keo trứng.

Không giống như người thầy của mình, Leonardo là một nhà tự nhiên học đỉnh cao, ngay từ nhỏ đã nhận thức sâu sắc về ánh sáng, không khí và chuyển động cũng như các tác động khác của tự nhiên. Tất cả điều này thể hiện trong nghệ thuật của ông.

Leonardo da Vinci (1452-1519), Salvator Mundi, khoảng 1500. Sơn dầu trên ván. 25⅞ × 18 in (65.7 × 45.7 cm). Đã bán với giá $450,312,500 vào 15 tháng 11, 2017 tại Christie’s New York.

Sử gia nghệ thuật thế kỷ 16, Giorgio Vasari, ca ngợi Leonardo là “được trời phú một vẻ đẹp, sự duyên dáng và tài năng tuyệt vời bỏ xa những người đàn ông khác”. Đó là một cách nhìn, ở một mức độ rộng lớn, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Vasari cũng kể câu chuyện về thời gian thầy trò Verrocchio cùng làm việc với một bức tranh — Lễ rửa tội của Giê-su — tại nhà thờ San Salvi ở Florence. Rõ ràng, Leonardo đã vẽ một thiên thần “đẹp hơn nhiều so với các phần khác của tác phẩm” đến nỗi Verrocchio đã “nhất định không bao giờ cầm cọ nữa”. Ông đã dành phần còn lại của sự nghiệp cho tất cả mọi thứ, trừ hội họa.

Albrecht Dürer (1471-1528) và Hans Baldung (1484-1585)

Albrecht Dürer (1471-1528) là một trong những bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật Phục hưng Đức. Thành công của ông một phần có được nhờ hai chuyến đi dài về phía nam của dãy Alps, nơi ông đã thấm nhuần nghệ thuật Phục hưng Ý. Những tác phẩm của ông, sau đó, được đánh dấu bởi sự hài hòa, tỷ lệ và sự duyên dáng đặc biệt.

Trong chuyến đi thứ hai, giữa năm 1505 và 1507, Dürer để xưởng vẽ của mình ở Nuremberg cho người học trò, Hans Baldung (1484-1585). Người sau này sẽ tiếp tục tạo ra một số tác phẩm quan trọng, bao gồm cả bệ thờ hoành tráng (vẫn còn nguyên tại chỗ) tại nhà thờ Freiburg im Breisgau.

Albrecht Dürer (1471-1528), Melencolia I, 1514. Tranh khắc. 243 × 190 mm.

Giống như thầy mình, Baldung rất linh hoạt, tạo ra các bức tranh, bản vẽ, tranh khắc và khắc gỗ, cũng như thiết kế thảm trang trí và kính màu. Tuy nhiên, khi các hình ảnh của Dürer được trau chuốt, Baldung’s tỏ ra một sắc thái u ảm hơn rõ rệt.

Ít có họa sĩ nào từng thể hiện một trí tưởng tượng ma mị với tài vẽ táo bạo như vậy. Phù thủy là một chủ đề lặp đi lặp lại, trong ngày sabbath và các cuộc truy hoan, cũng như các vị thánh tử đạo trong những nỗi đau thể xác không thể tưởng tượng được.

Hans Baldung (1484-1545), Bảy con ngựa, 1534. Khắc gỗ. 214 × 322 mm. Đã bán với giá £9,375 vào 10 tháng 12, 2019 tại Christie’s London.

Một so sánh phù hợp có thể được tìm thấy trong các bản in tương ứng của hai họa sĩ về Adam và Eve: Bản khắc của Dürer từ năm 1504 cho thấy một cặp đôi trong sáng, lý tưởng trong tư thế gần đối xứng ở hai bên của Cây tri thức. Ngược lại, bức tranh khắc gỗ của Baldung năm 1511 lại gợi tình quá mức, Eve hướng mắt về phía người xem, trong khi Adam chạm vào ngực cô từ phía sau và trông giống một satyr (thần rừng) hơn con người.

Albrecht Dürer, ‘Adam và Eve’ (B., M,. Holl. 1; S.M.S. 39) 1504. Tranh khắc. 252 × 195 mm. Đã bán với giá $662,500 vào 29 tháng 1, 2013 tại Christie’s New York.

Baldung (German, Schwäbisch Gmünd (?) 1484/85–1545 Strasbourg), ‘Adam và Eve’, 1511. Khắc gỗ. 37.6 × 25.8 cm.

Bất chấp sự khác biệt trong nghệ thuật, hai người vẫn là bạn của nhau suốt đời. Vào ngày Dürer qua đời, Baldung — lúc đó có trụ sở tại Strasbourg với xưởng vẽ của riêng mình — đã có một lọn tóc của người thầy gửi cho ông.

Johannes van Bronckhurst (1684-1727) và Herman Henstenburgh (1667-1726)

Họa sĩ người Hà Lan Herman Henstenburgh (1667-1726) có hai tài năng lớn. Đầu tiên là năng khiếu vẽ những hình ảnh sống động như thực vật, chim và bọ. Tiếp theo là món bánh nướng.

Johannes Bronckhorst (Leiden 1648-1726 Hoorn), ‘Nghiên cứu về côn trùng’. Màu nước, gôm Ả rập. 8¼ x 12½ in (20.8 × 31.5 cm). Đã bán với giá €18,750 vào 10 tháng 12, 2014 tại Christie’s Amsterdam.

Ông có được cả hai kỹ năng từ người thầy của mình, Johannes van Bronckhorst (1648-1727), người được họa sĩ người Hà Lan đồng nghiệp Arnold Houbraken mô tả là ‘làm nghệ thuật để giải trí và nướng bánh là nghề nghiệp cả đời của ông — một nghề có thể coi là một nghệ thuật vì cả hai đều tuyệt’.

Trên thực tế, Van Bronckhorst đã trở thành thợ làm bánh để tăng thu nhập gia đình sau cái chết của cha ông, khi ông mới 13 tuổi.

Herman Henstenburgh (Hoorn 1667-1726), ‘Tĩnh vật với một chú khỉ, một con bướm và một giỏ hoa bao gồm Cúc dại, Bìm bìm, Hoa hồng và Đậu ngọt’. Màu nước. 14 × 11¾ in (35.9 × 30.1 cm). Đã bán với giá $15,000 vào 30 tháng 1, 2018 tại Christie’s New York

Bên trong studio của van Bronckhorst, chàng trai trẻ Henstenburgh đã thể hiện tài năng với tranh tĩnh vật. Bằng các tông màu tươi sáng và chi tiết tinh tế, chúng sớm bắt đầu vượt trội hơn so với những tác phẩm của người thầy. Ông thậm chí còn được ghi nhận là người đã phát minh ra kỹ thuật vẽ tranh đặc biệt phong phú của riêng mình bằng màu nước trên giấy vellum.

Herman Henstenburgh (Hoorn 1667-1726), ‘Cái chậu cúc tây và hai vỏ hạt giống’. Phấn đen, màu nước, gôm Ả rập. 12⅝ × 9⅜ in (32.3 × 24 cm).

Tuy nhiên, giống như van Bronckhorst, Henstenburgh dành cả đời để nâng cao nghệ thuật làm bánh — một phần nhờ vào vị trí của quê hương Hoorn.

Người viết tiểu sử Johan van Grool đã mô tả trạng thái tiếc nuối của Henstenburgh: “Ở đó, ông ngồi ở thị trấn quê hương của mình, với các tác phẩm xung quanh, như thể trong quên lãng, vì hiếm khi ông nhận được một chuyến thăm từ một người yêu nghệ thuật.”

Edgar Degas (1834-1917) và Mary Cassatt (1844-1926)

Năm 1874, họa sĩ Ấn tượng Edgar Degas (1834-1917) bắt gặp một tác phẩm của một họa sĩ trẻ người Mỹ Mary Cassatt (1844-1926) tại Salon Paris.

Edgar Degas (1834-1917), ‘Mary Cassatt’ k. 1880-1884. Sơn dầu trên toan. Phòng trưng bày chân dung Quốc gia, Smithsonian.

Ông ngay lập tức bị cuốn hút. Nhưng phải ba năm nữa ông mới làm quen với cô, gọi điện đến xưởng vẽ của cô ở Montmartre để mời cô tham gia triển lãm hàng năm của những người theo trường phái Ấn tượng. Ông nói: “Hầu hết phụ nữ vẽ như thể họ đang trang trí những chiếc mũ. Nhưng cô thì không.”

 Cassatt, độc lập, quyết liệt và quyết tâm tìm kiếm một không gian cho mình trong thế giới nghệ thuật Paris toàn đàn ông, đã ngưỡng mộ các bức tranh của Degas kể từ khi nhìn thấy chúng trong cửa sổ trưng bày của ông trên Đại lộ Haussmann.

“Tôi đã từng đến và chúi mũi vào khung cửa đó và tiếp thu tất cả những gì tôi có thể về nghệ thuật của ông ấy. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi’, cô viết.

Mary Cassatt (1844-1926), Hai chị em, khoảng 1901–02. Sơn dầu trên toan. 13 × 16¼ in. (33 × 41.3 cm.).

Dưới sự giám sát của Degas, những bức tranh của Cassatt bắt đầu thay đổi. Ông đã ghé qua studio của cô và đưa ra lời khuyên về bối cảnh và tạo dáng, thậm chí có lần còn giúp hoàn thiện một cảnh nền. Đến triển lãm của trường phái Ấn tượng năm 1879, Cassatt đã thu hút được sự chú ý, cô được ví như họa sĩ của những vũ công.

Edgar Degas (1834-1917), Danseuses dans une salle d’exercice (Trois Danseuses), 1873. Sơn dầu trên toan. 10⅞ × 9 in (27.5 × 22.7 cm). Đã bán với giá £4,178,750 vào 27 tháng 2, 2019 tại Christie’s London.

Đầu tiên, Cassatt cảm thấy hài lòng trước sự so sánh này, nhưng khi sự tự tin của cô ngày càng tăng, cô đã bắt đầu chống lại những phán xét như vậy. Trong 40 năm sau đó, hai họa sĩ đã chia sẻ một tình bạn đầy sóng gió. Degas hay châm chọc và ích kỷ một cách khó chịu, Cassatt thì phán xét và phòng thủ. Tuy nhiên, sự tôn trọng lẫn nhau của họ đã chiến thắng.

Khi người bảo trợ và là bạn của Cassatt, Louisine Havemeyer (1855-1929) hỏi cô về việc cô đã chịu đựng sự tàn ác của Degas như thế nào, Cassatt trả lời, “Mặc dù ông ấy rất khủng khiếp, nhưng ông ấy luôn sống theo lý tưởng của mình.”

Lawrence Alma Tadema (1836-1912) và Anna Alma Tadema (1867-1943)

Anna Alma-Tadema (1867-1943) có tất cả những lợi thế để trở thành một họa sĩ thành công, ngoại trừ một điều: cô là phụ nữ.

Anna Alma-Tadema, (1867-1943), ‘Chân dung tự họa’. Sơn dầu trên ván. 28 × 23 cm. Bộ sưu tập cá nhân.

Là con gái nhỏ của họa sĩ tân cổ điển nổi tiếng Sir Lawrence Alma-Tadema (1836-1912), cô lớn lên trong một bầu không khí phóng túng, sùng bái.

Sir Lawrence Alma-Tadema, O.M., R.A. (1836-1912), ‘Đừng hỏi tôi nữa’. Sơn dầu trên toan. 31 × 44¾ in (78.8 × 113.6 cm). Đã bán với giá $2,210,500 vào 1 tháng 11, 2012 tại Christie’s New York.

Người cha gốc Hà Lan vui vẻ của cô đã tiếp đãi một nhóm các bản sắc văn hóa quốc tế bao gồm nhà soạn nhạc George Henschel và tiểu thuyết gia Henry James, trong khi mẹ kế của cô, họa sĩ Laura Epps (1852-1909), rất quen thuộc với giới Tiền Raphael.

Tại ngôi nhà của họ ở Townshend House, Regent’s Park, Anna và chị gái Laurense đã gặp gỡ những nhân vật chính của văn hóa đương thời và quan trọng nhất là một nhóm phụ nữ có tư duy độc lập, bao gồm các nhà phê bình nghệ thuật Alice Meynell, Helen Zimmern và Gertrude Campbell.

Anna Alma-Tadema (1867-1943), Studio vườn, 1886-87. Bút chì, màu nước. 18¼ × 13½ in (46.4 × 34.3 cm).

Được cha khuyến khích vẽ những gì cô thấy ‘nghiêm túc và trung thực’, Anna thời niên thiếu đã bắt tay vào vẽ một loạt các bức tranh màu nước về ngôi nhà của gia đình như một tác phẩm nghệ thuật tổng thể, bao gồm các studio, kiến trúc kiểu Pompeii và đồ tạo tác phương Đông.

Khi những bức tranh tuyệt đẹp này được trưng bày tại Phòng trưng bày Grosvenor (một trong số ít những không gian mà các nữ họa sĩ có thể lui tới), ‘Phòng khách’, năm 1885, được mô tả là ‘đáng kinh ngạc… vì độ tinh xảo của từng chi tiết, một tác phẩm công phu với màu sắc rực rỡ’.

Anna Alma-Tadema (1867-1943) ‘Phòng khách’

Tham gia các cuộc triển lãm tại Học viện Hoàng gia và nước ngoài ngay sau đó, nhưng tài năng của Anna luôn bị lu mờ bởi người cha lừng lẫy của cô. Ngay cả khi Thời Báo bình luận về việc ít thấy những tác phẩm của cô và mô tả ‘phẩm chất hiếm có’ của chúng, cô vẫn phải vật lộn để được công nhận. Một yêu cầu về các bức tranh của cô đã bị Phòng trưng bày Quốc gia từ chối một cách lịch sự.

Anna qua đời vào năm 1943, và gần đây mới được các nhà sử học nghệ thuật nữ quyền phát hiện lại.

 

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top