Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006)
Họa sĩ Lương Xuân Nhị đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Ông sinh ở Hà Nội, nguyên quán huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
1932-1937, ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa VIII (đỗ đầu cả kỳ thi tuyển và kỳ thi tốt nghiệp). Ngay từ 1935, ông đã tham gia các cuộc triển lãm của SADEAI (huy chương vàng Salon 1936, giải ngoại hạng Salon 1937). Toàn bộ tranh lụa sáng tác vào 1937 của ông đã được chọn tham dự Đấu xảo Paris cùng năm.
1938-1944, sau khi ra trường, ông sống tự do bằng hội họa và nghề ảnh, đồng thời hoạt động như một diễn viên “ciné” tài tử.
Từng là ủy viên Hội đồng Giám khảo SADEAI, ông tiếp tục tham gia các triển lãm SADEAI, Salon Unique và FARTA. Ông là thành viên sáng lập FARTA. 1943, ông cùng hai họa sĩ Nam Sơn và Nguyễn Văn Tỵ thực hiện chuyến đi giao lưu văn hóa và sáng tác tại Nhật Bản.
1945-1946, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch lâm thời khu phố Cửa Nam (Hà Nội) một thời gian rồi tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam.
1947-1948, họa sĩ Lương Xuân Nhị là chủ tịch Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Hưng Yên, tham gia mở các lớp đào tạo hội họa ngắn hạn, vẽ nhiều tranh địch vận cho Phòng chính trị Quân đội Liên khu 3, góp phần tích cực đấu tranh làm tan rã quân địch.
1949-1951, ông là Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Liên khu 3.
Từ hòa bình lập lại (1954), ông giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục vẽ tranh địch vận phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ (1965-1972).
Họa sĩ Lương Xuân Nhị có học hàm phó giáo sư, danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955- 1977); Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội (1966-1976); Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1983) và khóa II (1983-1989).
“… Lương Xuân Nhị là họa sĩ nổi tiếng về nghệ thuật trau chuốt mượt mà nhất một thời. Tranh sơn dầu của ông thể hiện những thân hình mảnh mai, yểu điệu của người phụ nữ trung lưu Hà Nội, với các ‘pâte’ nhẹ và mịn, hiệu quả nhanh theo phết bút chìm trịnh trọng. Ngoài ra ông còn vẽ rất nhiều phong cảnh ruộng đồng nên thơ (hoặc tĩnh vật) – với con mắt tài hoa tao nhã của người trí thức thành thị. Ông thuộc loại họa sĩ mà người Pháp thường gọi là ‘peintre char-mant’, họa sĩ có cái đẹp thú vị, tỏa hương thơm” (Quang Phòng, “Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1996).
Trong hội họa lụa, ngoài hình tượng người thiếu nữ Hà Nội và phong cảnh, ông còn đi vào những đề tài sinh hoạt bình dân: Quán nước bên đường (1937), Gia đình thuyền chài (1939), Mùa hạ (1941) “với lối thể hiện rộng rãi toàn mảng lớn, bóng phớt nhẹ trên các hình giản lược”.
Ông là một trong những họa sĩ đã tìm ra nhiều phối sắc, hòa sắc tươi tắn, đặc biệt đáng chú ý ở màu xanh lục (điển hình qua hai bức sơn dầu: “Đồi cọ”, 1955 (BTMTVN) và “Bên bờ giếng”, 1956 (BTMTVN).
Chuyên sâu vào hai chất liệu: Sơn dầu và lụa – mà trên thực tế, với ông, chúng hẳn như một cặp phương tiện bổ túc – nghệ thuật ông đã đạt đến một sự hài hòa giữa tĩnh tính khoa học phương Tây và tâm lý cảm thụ Việt Nam – Á Đông, qua hàng loạt tác phẩm bậc thầy, “giữ được bản sắc – như ông nói – bởi vì không chịu ảnh hưởng của nghệ thuật ngoại lai”.
Ông cũng là tác giả cuốn sách “Giải phẫu tạo hình” (Nhà xuất bản Văn hóa, 1978).
Lương Xuân Nhị, “Thiếu nữ Thủ đô đi kháng chiến”, khoảng 1948, lụa
A&V Collection, Hà Nội
Lương Xuân Nhị, “Nghỉ ngơi”, khoảng 1936, lụa
Lương Xuân Nhị, “Gia đình thuyền chài”, khoảng 1940, lụa
Lương Xuân Nhị, “Phong cảnh Đông Dương”, khoảng 1935, sơn dầu
Lương Xuân Nhị, “Bên bờ giếng”, 1984, sơn dầu
Bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bài viết của Nhà Nghiên cứu Quang Việt (Từ điển họa sĩ Việt Nam, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2008)