Logo loading

KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 – 22/12/2024)

Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Lễ thành lập được tổ chức tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao […]
|Viet Art View

KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 – 22/12/2024)

Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Lễ thành lập được tổ chức tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ban đầu Đội gồm 34 chiến sĩ trong đó có 3 nữ với 19 khẩu súng các loại do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý.

Trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944.

Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Trong khoảng thời gian này, lực lượng Tuyên truyền Giải phóng quân đã giúp che chở và hỗ trợ lực lượng gián điệp của Cơ quan Tình báo chiến lược của Hoa Kỳ khi nhóm này lạc sang Việt Nam. Cùng thời điểm đó, Archimedes Patti, chỉ huy của lực lượng gián điệp này, tiếp xúc với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, và cùng với các điệp viên khác trong mặt trận chung chống Nhật, đóng vai trò lớn trong sự phát triển của lực lượng Giải phóng quân, khi đóng góp trực tiếp và gián tiếp trong việc xây dựng hậu cần, trang thiết bị, vũ khí, hạ tầng và mở rộng nhân lực cho lực lượng này.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong Cách mạng Tháng Tám, khi tiến đánh Thái Nguyên, quân số Giải phóng quân đã khoảng 450 người, biên chế thành một chi đội (tiểu đoàn), do Lâm Cẩm Như làm chi đội trưởng. Sau 7 ngày, quân Nhật ở Thái Nguyên mới chịu chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân. (Theo Wikipedia)

Để kỷ niệm dấu mốc liên quan đến ngày trọng đại này, nhiều tác phẩm văn học, tạo hình đã được các nghệ sĩ sáng tác. Ví dụ như họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã sáng tác “Du kích Bắc Sơn về bản Pình”; “Hai đội quân gặp nhau”; Họa sĩ Dương Hướng Minh vẽ “Mùa xuân về trên bản Quặng” ghi lại những sự kiện trước và sau ngày 22/12/1944.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ viết: “Về Hà Nội năm 1954, thì đến năm 1955 có công tác chuẩn bị thành lập khu tự trị Việt Bắc, tôi đi Võ Nhai, Đình Cả rồi đi Ngân Sơn, Pắc Bó để lần tìm vết chân du kích Bắc Sơn, những hình ảnh đầu tiên về đội “Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” và “Cứu quốc quân”. Hai đội quân này đã gặp nhau ở bản Pình, bản Pài. Vết chân người du kích lại gợi cho tôi những hình ảnh về truyền thống xa xưa của ông cha ta đánh giặc.”

Sau đó, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã sáng tác hai bức tranh lịch sử: Bức “Du kích Bắc Sơn về bản Pình” được hoàn thành năm 1957. Còn bức “Hai đội quân gặp nhau” phải tới hơn mười năm sau, năm 1968 mới hoàn thiện.

Bức tranh kể câu chuyện về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945. Đây là tổ chức quân sự cùng với Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy. Hai đội quân gặp nhau ở bản Pình, hợp nhất nhau, được xem là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 22 tháng 12, sau này đã được chọn làm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Viet Art View xin trân trọng giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật tác phẩm “Hai đội quân gặp nhau” do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992) sáng tác năm 1968 trên chất liệu sơn mài. Tranh hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bài viết được tổng hợp từ VIET ART VIEW
Bản quyền thuộc về VIET ART VIEW

Chia sẻ:
Back to top