Christie’s đánh giá di sản của nhà tiên phong lôi cuốn này trong nền nghệ thuật hiện đại Trung Quốc, thầy của cả Wu Guanzhong và Zao Wou-Ki
1. Ông có một ý thức xã hội mạnh mẽ
Sinh ra ở Quảng Đông những năm cuối cùng của chế độ đế quốc, Lin Fengmian (1900-91) là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nghệ thuật hiện đại Trung Quốc. Là một họa sĩ, một thầy giáo có ý thức xã hội mạnh mẽ và tầm nhìn quốc tế táo bạo, ông đã trở thành người của thời đại vào những năm 1930, khi ông đề xuất sự tổng hợp giữa nghệ thuật Trung Quốc và phương Tây.
2. Lin Fengmian đã kết hợp thành một thể thống nhất nghệ thuật phương Đông và phương Tây
Trước khi chủ nghĩa Cộng sản ra đời ở Trung Quốc, một khoảnh khắc ngắn ngủi của chủ nghĩa tự do mong manh trong những năm 1920 và 1930 đã chứng kiến sự khởi đầu của nghệ thuật hiện đại. Dẫn đầu là nhà cách mạng trẻ tuổi, Lin, người đang cố gắng hồi sinh một nền văn hóa nghệ thuật mà ông coi là ốm yếu bằng cách kích thích những ý tưởng mới của châu Âu về phối cảnh, tạo dáng và màu sắc. Ông đã thúc đẩy hệ tư tưởng Liên Á, khuyến khích các nghệ sĩ Trung Quốc khác hướng ngoại và áp dụng các phương pháp đổi mới.
Lin Fengmian (1900-1991), Các nhân vật trong vở kịch Bảo Liên Đăng. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 65.5 × 65.5 cm. (25 ¾ × 25 ¾ in.)
3. Lin chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Biểu hiện Đức
Thể hiện tài năng vẽ phi thường khi còn nhỏ, ông đã giành được học bổng do chính phủ tài trợ để du học tại Pháp vào năm 1919, nơi ông khám phá chủ nghĩa Hậu Ấn tượng, Dã thú và Nguyên thủy. Sau đó, ông đến Berlin, và chịu ảnh hưởng từ những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Đức Erich Heckel (1883-1970) và Emil Nolde (1867-1956), những người đã sử dụng tài năng của mình để phê phán các thế lực biến chất ở Cộng hòa Weimar.
Khi trở về Trung Quốc vào năm 1926, Lin bắt đầu giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh, nơi ông cố gắng dung hòa nghệ thuật truyền thống Trung Quốc và nghệ thuật châu Âu. Những bức tranh như Opera Figures [Các nhân vật trong vở kịch] cho thấy sự quan tâm đối với các bức chân dung của Matisse.
Lin Fengmian (1900-1991), Các nhân vật trong vở kịch. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 65 × 65 cm. (25 ⅝ × 25 ⅝ in.)
4. Ông bắt đầu một phong trào nghệ thuật hiện đại đã xuất bản tạp chí Apollo
Năm 1928, Lin thành lập Hiệp hội Phong trào Nghệ thuật cùng với các nghệ sĩ Lin Wenzheng (1903-89) và Li Puyuan (1901-56). Nhóm được “thành lập dựa trên tình bạn tuyệt đối và hợp nhất sức mạnh mới của thế giới nghệ thuật”. Họ đã xuất bản tạp chí nghệ thuật Apollo, trong đó họ quảng bá các bức tranh của mình và của những người tiên phong châu Âu.
Năm 1929, họ viết một bản tuyên ngôn ủng hộ hành động tập thể và ví các nghệ sĩ là “những người nông dân làm việc trên cánh đồng tinh thần cho toàn nhân loại.” Những bức tranh của ông vào thời điểm này phản ánh đúng mối quan tâm đó.
Lin Fengmian (1900-1991), Mùa thu ở làng. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 65.4 × 68.5 cm. (25 ¾ × 27 in.)
5. Ông đã dạy Wu Guanzhong và Zao Wou-Ki
Năm 1928, Lin trở thành giám đốc Học viện Nghệ thuật Quốc gia mới thành lập ở Hàng Châu, đưa Van Gogh và Cézanne vào chương trình giảng dạy. Trong số các học trò của ông có Wu Guanzhong (1919-2010) và Zao Wou-Ki (1920-2013) nổi tiếng thế giới.
Ông trở thành một trong Tứ đại Viện trưởng, một nhóm giáo viên tiên phong hiếm có tìm cách chuyển đổi nền giáo dục nghệ thuật Trung Quốc trong thời kỳ cộng hòa. Một thành viên khác của nhóm là họa sĩ Xu Beihong [Từ Bi Hồng] (1895-1953).
6. Lin Fengmian đã phải chịu đựng hai bi kịch nghiêm trọng
Trong khi học ở Đức, Lin bắt đầu quan tâm đến nhà tư tưởng Arthur Schopenhauer, người đã nghĩ ra khái niệm về chủ nghĩa bi quan triết học.
Schopenhauer là một trong những nhà tư tưởng châu Âu đầu tiên nhận ra những điểm tương đồng nhất định trong triết học phương Tây và phương Đông. Trong cuốn sách Trí tuệ cuộc sống, ông gợi ý rằng chiêm nghiệm nghệ thuật có thể là một lối thoát khỏi đau khổ của con người.
Điều này gây ấn tượng sâu sắc với Lin, người đã phải chịu hai bi kịch lớn trong cuộc đời mình. Khi ông bảy tuổi, mẹ ông bị bán, ông đã không bao giờ gặp được bà. Sau đó vào năm 1924, người vợ người Áo Elisa von Roda và đứa con mới sinh của ông đều qua đời. Những sự kiện này có tác động quan trọng đến kết quả sáng tạo của ông.
Lin Fengmian (1900-1991), Cô gái chơi đàn tỳ bà. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 33.5 × 33.5 cm. (13 ¼ × 13 ¼ in.)
Lin Fengmian (1900-1991), Cô gái thổi sáo. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 33.5 × 33.5 cm. (13 ¼ × 13 ¼ in.)
7. Ông từng bị bắt, tra tấn và bỏ tù
Khi chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai bùng nổ vào năm 1937, xưởng vẽ của Lin bị binh lính lục soát và nhiều bức tranh của ông bị công kích. Sau đó, trong Cách mạng Văn hóa, Lin đã quyết định tiêu hủy tất cả các bức tranh của mình để ngăn chúng được sử dụng để chống lại ông.
Ông đã bị bức hại và tra tấn. Một biểu ngữ được giăng trước nhà ông với nội dung: “Đả đảo bọn học giả tư sản phản động-bạo chúa”. Niềm đam mê của ông với kịch và các hoạt động theo đuổi ‘trí tuệ’ khác đã được sử dụng để chống lại ông, ông đã bị bỏ tù trong bốn năm rưỡi.
Năm 1992, Wu Guanzhong đã viết trong lời nói đầu của Những bức tranh của Lin Fengmian: “Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của ông đều được ngâm trong chậu nước hoặc bồn tắm và xả đi như bột giấy. Còn về tranh sơn dầu, sau khi Hàng Châu bị bao vây, quân đội Nhật Bản đã dùng chúng làm bạt che.”
Lin Fengmian (1900-1991), Người câu cá và chim cốc. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 66.5 × 66 cm. (26 ⅛ × 26 in.)
8. Tác phẩm của ông và những triển lãm về chúng rất hiếm
Tranh của Lin được đánh giá cao, có tác phẩm được bán đấu giá tới 5 triệu USD. Tuy nhiên, chúng rất hiếm, vì nhiều bức tranh đã bị phá hủy trong cuộc đời của ông. Một triển lãm hồi tưởng về tác phẩm của Lin tại Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông năm 2007 đã mất 10 năm để tổ chức, rất khó để tìm thấy các tác phẩm của ông.
9. Ông đã chuyển tới sống ở Hong Kong, triển lãm hồi tưởng đầu tiên của ông là ở Đài Loan
Khi các nghệ sĩ mới có thể thực hiện một số quyền tự do sáng tạo một lần nữa, những nhân vật chính của phong cách tiên phong ban đầu đã dần được phục hồi, vào năm 1977, Lin được phép rời Trung Quốc và chuyển đến Hồng Kông, nơi ông dành những năm còn lại của mình để tìm lại thời gian đã mất, vẽ những bức tranh mới và làm lại các tác phẩm đã tổn thất trong Cách mạng Văn hóa. Năm 1989, ở tuổi gần 90, Lin đã có triển lãm hồi tưởng đầu tiên ở Đài Loan tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Đài Bắc.
Lin Fengmian (1900-1991), Tĩnh vật. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy. 68 × 68.5 cm. (26 ¾ × 27 in.)
10. Một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của ông là gốm sứ thời Tống
Lin Fengmian đã gây sốc cho các họa sĩ truyền thống khi chọn vẽ trên khổ vuông thay vì cuộn dài. Mặc dù việc sử dụng màu sắc tươi sáng, nét vẽ và phối cảnh khác thường được cho là lấy cảm hứng từ thời gian học tập ở châu Âu, nhưng trên thực tế, Lin đã viết rằng nguồn cảm hứng lớn nhất của ông đến từ những hình vẽ trên gốm sứ thời nhà Tống và những bức tranh hang động nguyên thủy.
Ngày nay, có thể tìm thấy tranh của ông trong Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng nghệ thuật ở Hong Kong, Thượng Hải.
Nguồn: Christie’s
Lược dịch bởi Viet Art View