Bộ sưu tập nghệ thuật đương đại và hậu chiến của chị em người Thụy Sĩ — một trong những bộ sưu tập đẹp nhất từng đến với thị trường
Từ khởi đầu khiêm tốn tại một làng chài ở đông bắc Thụy Sĩ, Thomas và Doris Ammann đã trở thành hai trong số những nhà kinh doanh nghệ thuật được kính trọng nhất thế giới. Làm việc thay mặt cho một nhóm khách hàng quốc tế trung thành, họ là nhân vật cố định tại các sự kiện nghệ thuật lớn trong nhiều thập kỷ.
Song song với hoạt động kinh doanh nhưng hoàn toàn tách biệt, chị em nhà Ammann cũng xây dựng một bộ sưu tập ngoạn mục của riêng họ — nghệ thuật hậu chiến và đương đại, bao gồm những tác phẩm của Andy Warhol, Cy Twombly, Robert Ryman, Brice Marden và Sigmar Polke — cũng như nhiều tài năng tiềm ẩn hơn, chẳng hạn như Francesco Clemente, Ann Craven và Klaudia Schifferle.
Khi Thomas qua đời năm 1993, một cáo phó nói rằng chỉ riêng các tác phẩm của Warhol, Ryman và Clemente đã có thể lấp đầy một viện bảo tàng. Doris tiếp tục thực hiện các thương vụ mua lại hạng nhất cho đến khi bà qua đời vào năm 2021.
Sturtevant (1924-2014) ‘Warhol Gold Marilyn’ 1973. Andy Warhol (1928-1987) ‘Shot Sage Blue Marilyn’ 1968; Cy Twombly (1928-2011) ‘Venere Sopra Gaeta’ 1988 trong dinh thự nhà Ammann, New York.
“Cả hai chị em đều tin tưởng vào cách đánh giá nghệ thuật của riêng mình hơn là quan điểm được chấp thuận bởi số đông”, Georg Frei, chủ tịch của Quỹ Thomas và Doris Ammann cho biết. “Họ sưu tập bằng mắt chứ không phải bằng tai” — và kết quả thật đặc biệt.
Doris và Thomas Ammann sinh ra ở làng Ermatingen, bên Hồ Constance, lần lượt vào năm 1944 và 1950. Bà là con thứ hai và ông là con út trong một gia đình có bốn người con.
Cha mẹ của họ kinh doanh vận tải và không có niềm yêu thích nghệ thuật. Tuy nhiên, Thomas đã sớm phát triển niềm đam mê này và đến năm tám tuổi, ông đã thường xuyên sao chép các bức tranh của Van Gogh.
Ông đã thể hiện những dấu hiệu đầu tiên của bản năng sưu tập ở tuổi thiếu niên. Ông bị mê hoặc bởi tranh dân gian từ vùng Appenzell. Đặc biệt là các tác phẩm nhỏ của các nghệ sĩ lưu động, mà những người nông dân thế kỷ 19 thường mang theo đến túp lều của họ ở đồng cỏ trên núi, nơi họ nghỉ hè.
Thomas bắt đầu mua những tác phẩm này từ những người nông dân đương thời, những người mà phần lớn đã thừa kế các tác phẩm và cảm thấy ít gắn bó với chúng. Ông yêu thích điều này nhiều hơn so với việc đi học, và ở tuổi 18, điều đó đã giúp ông có một bước ngoặt lớn: một công việc tại phòng trưng bày của nhà buôn đáng kính Bruno Bischofberger ở Zurich.
Bischofberger có hai không gian, một dành riêng cho nghệ thuật dân gian, một cho nghệ thuật đương đại — và mặc dù ban đầu Thomas làm việc ở công ty cũ, nhưng không lâu sau ông chuyển đến công ty thứ hai.
Ông được giao một số trách nhiệm đáng kể, thường xuyên đi công tác ở New York, nơi ông gặp gỡ một số nhân vật nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật, nổi bật nhất là Andy Warhol, đã trở thành một người bạn suốt đời của ông.
Thomas Ammann và tác phẩm của Vincent van Gogh ‘Chân dung Joseph Roulin’ từ 1989. Ảnh chụp bởi David Seidner 1989 © 2022 Thomas and Doris Ammann Foundation, Zurich.
Doris Ammann, Pestana Palace Lisboa, Bồ Đào Nha, Tháng hai 2018. © 2022 Thomas and Doris Ammann Foundation, Zurich
Về Doris, bà theo học trường kinh doanh trước khi thực tập tại những khách sạn hạng nhất (bao gồm cả Badrutt’s Palace ở St. Moritz). Sau đó, bà nhận công việc quản lý tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Những kỹ năng phát triển sớm — trong kinh doanh, tổ chức và tương tác với khách hàng — sẽ phục vụ tốt trong cuộc sống của bà sau này.
Vào giữa những năm 1970, bà được Thomas (vừa mới thân ái chia tay Bischofberger) đề nghị tham gia cùng ông tại một phòng trưng bày mà ông thành lập ở Zurich. “Họ đã tạo nên một đội xuất sắc,” Frei nói, “Thomas là người chịu trách nhiệm trong khi Doris làm về mảng kế toán và hành chính.”
Robert Ryman (1930-2019) ‘Vô đề’ 1961 và Cy Twombly (1928-2011) ‘Vô đề’ 1955 trong dinh thự nhà Ammann, Zurich.
Năm 1977, phòng trưng bày Thomas Ammann Fine Art AG khai trương, trong khung cảnh sườn đồi xinh đẹp của Zürichberg, chuyên về nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại từ năm 1870 đến năm 1960.
Làm việc với các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng trên toàn thế giới, chị em Ammann đã môi giới tất cả những cách thức mua lại quan trọng — bao gồm cả bức tranh Chân dung Joseph Roulin của Van Gogh cho Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại [MoMA] của New York vào năm 1989.
Cùng với hoạt động kinh doanh, hai chị em cũng bắt đầu sưu tập một cách nghiêm túc. Ban đầu, việc này được thực hiện với sự hợp tác của người bạn thời thơ ấu của Thomas, cũng là người ủng hộ tài chính, Alexander Schmidheiny.
Tác phẩm đầu tiên họ mua là của các bậc thầy trừu tượng người Mỹ, Robert Ryman và Brice Marden.
Brice Marden (sn. 1938) ‘For Otis’ 1967-68. Sơn dầu và sáp trên toan. 69 × 45 in (175.4 × 114.3 cm).
Robert Ryman (1930-2019) ‘Vô đề’ 1961. Sơn dầu trên lanh. 66½ × 66¾ in (169 × 169.5 cm).
Để duy trì một ranh giới rõ ràng giữa những gì họ làm với tư cách là người buôn bán và nhà sưu tập, Thomas và Doris chỉ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật được thực hiện sau năm 1960.
Như đã giải thích, “bạn không thể sưu tập những gì bạn muốn bán — bởi vì sau đó hoặc bạn bán tất cả những thứ tốt, điều đó chẳng có gì vui cả; hoặc bạn giữ tất cả, và bạn sẽ phá sản”. (Bức tranh năm 1955 của Cy Twombly, Untitled (New York City) [Vô đề (Thành phố New York)] là một ngoại lệ hiếm hoi đối với quy tắc sau năm 1960 của hai chị em.)
Một lợi ích khác của việc không kinh doanh các tác phẩm đương đại mà chỉ sưu tập chúng, là có thể xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nghệ sĩ. Khi đến thăm studio của Eric Fischl, Philip Taaffe và Francesco Clemente ở New York — những nơi mà ông lui tới thường xuyên với sự quan tâm — Thomas không chỉ mua hàng mà còn kết bạn.
Cy Twombly (1928-2011) ‘Vô đề’ 1955. Sơn gia dụng gốc dầu, bút sáp, bút chì màu và bút chì trên toan. 50 × 57⅞ in (127 × 147 cm).
Ông đầu tư vào các sự nghiệp hơn là những tác phẩm đơn thuần. “Tôi không thích thú khi sưu tập một tác phẩm của một nghệ sĩ này, một tác phẩm của nghệ sĩ khác,” Thomas nói, “Những người bạn nghĩ là quan trọng, bạn mua theo chiều sâu. Một tác phẩm của Robert Ryman thật tuyệt vời, nhưng khi bạn mua tới năm tác phẩm…”
Trong nhiều trường hợp — chẳng hạn như Clemente và Taaffe, cũng như Ross Bleckner — Thomas đã hỗ trợ các nghệ sĩ từ những ngày đầu trong sự nghiệp của họ và thực sự giúp đưa họ ra sân khấu quốc tế. Gần đây, Doris đã làm điều tương tự với những nghệ sĩ như Ann Craven (một họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh về các loài chim) và nghệ sĩ khái niệm người Thụy Sĩ, Urs Fischer.
Như Thomas đã nói vào năm 1988, “điều thực sự khiến tôi thích thú khi sưu tập là nhìn thấy những gì đang xảy ra ngày nay. Tôi thích mua của những người trẻ tuổi, và tôi mua từ rất sớm”.
Một người mà chị em Ammann chắc chắn đã mua tác phẩm là Warhol. Họ có những tác phẩm được thực hiện trong cả ba thập kỷ sự nghiệp của ông (1960, 1970 và 1980).
Có lẽ nổi tiếng nhất là Shot Sage Blue Marilyn (1964), một bức chân dung silkscreen của Marilyn Monroe được chuyển thể từ bức ảnh đen trắng một thập kỷ, quảng cáo cho bộ phim Niagara của cô. Warhol đã biến nữ diễn viên quá cố thành một biểu tượng Pop Art, bằng cách tạo cho cô một khuôn mặt hồng phấn, đôi môi màu hồng ngọc và mái tóc vàng — cũng như bóng mắt màu xanh xô thơm, để phù hợp với màu nền.
Andy Warhol (1928-1987) ‘Những bông hoa’ 1964. Acrylic và mực silkscreen trên lanh. 81¾ × 81½ in (207.6 × 207 cm).
Andy Warhol (1928-1987) ‘Hộp Tương cà chua Heinz’ 1964. Mực silkscreen và sơn gia dụng trên ván gỗ. 8½ × 15½ × 10½ in (21.6 × 39.4 × 26.7 cm).
Warhol đã để Thomas sử dụng tầng hai của ngôi nhà trên Phố 66 của mình vào đầu những năm 1980, khi Thomas cần một không gian để làm văn phòng ở New York. Họa sĩ người Mỹ cũng ủy nhiệm cho nhà kinh doanh người Thụy Sĩ sản xuất catalogue raisonné [danh mục lý luận] của mình (một nhiệm vụ quan trọng đến nỗi, 35 năm sau cái chết của Warhol, nó vẫn chưa hoàn thành, mới phát hành năm trong số bảy tập hoặc hơn).
Trong những năm 1980, Thomas nhận lấy danh tiếng là một nhân vật hợp mốt nhất trong thế giới nghệ thuật. Profile của ông trên A Vanity Fair 1988 có đầu đề ‘Ammann của Phong cách’ đề cập rằng ông “trượt tuyết với Valentino, ăn tối với Audrey Hepburn, Elizabeth Taylor… và sống trên chiếc Concorde”.
Thời gian tuyệt đẹp đó bị phá vỡ, vào năm 1992, khi Alexander Schmidheiny qua đời. Bộ sưu tập nghệ thuật được chia đôi: gia đình Alexander được di chúc để lại một nửa (định hình cốt lõi của bộ sưu tập tự phụ Daros ngày nay), chị em Ammann giữ nửa còn lại.
Cái chết của Thomas đến vào năm sau, khi ông 43 tuổi, gây một cú sốc lớn. Giám đốc bảo tàng Jean-Christophe Ammann (không phải họ hàng), viết trong Frankfurter Allgemeine Zeitung, một tờ báo của Đức: “Cái chết của Thomas Ammann là một tổn thất không thể bù đắp. Ông để lại một khoảng trống mà trong thế hệ này, không thể lấp đầy một lần nữa.”
Francesco Clemente (sn. 1952) ‘Mười bốn thân phận’ No. XI, 1981-82. Sơn dầu và sáp trên lanh. 78 × 93¾ in (198 × 238.1 cm).
Jean-Christophe từng là giám đốc của Kunsthalle Basel vào năm 1985, nơi tổ chức From Twombly to Clemente [Từ Twombly đến Clemente], một cuộc triển lãm bao gồm 100 tác phẩm từ bộ sưu tập của chị em Ammann.
Điều thú vị là tại thời điểm diễn ra triển lãm, không có bất kỳ đề cập nào được đưa ra về việc tác phẩm nghệ thuật thuộc về ai. Thomas và Doris đồng nghĩa với quyền riêng tư và toàn quyền quyết định, cả khi giao dịch và sưu tập.
Thật vậy, khi nắm quyền kiểm soát duy nhất tại Thomas Ammann Fine Art AG sau cái chết của em trai, Doris đã được trích dẫn trên tạp chí Art & Auction: “Tôi dự định tiếp tục… để tưởng nhớ Thomas, chính xác như trước đây… Nó là một người đàn ông cực kỳ riêng biệt [và] tôi muốn tuân thủ điều này.”
Tại phòng trưng bày, chính sách của Doris nói chung là liên tục, mặc dù có một sự đổi mới quan trọng — theo lời khuyên của người bạn đồng thời là đồng nghiệp Thụy Sĩ, Ernst Beyeler — là quyết định bắt đầu tham gia Art Basel. Ngày nay nó là hội chợ nghệ thuật lớn nhất hành tinh, nhưng vào giữa những năm 1990, nó vẫn còn tương đối thấp. Việc triển lãm ở đó đã cho phép phòng trưng bày mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của nó.
Về sưu tập, Doris cũng không đi lệch nhiều so với mô hình cũ — ngoài việc giới thiệu những cái tên quốc tế hơn một chút (nơi mà vào thời của Thomas, sự tập trung vào các nghệ sĩ ở Hoa Kỳ có lẽ nhiều hơn). Bà đảm bảo rằng bộ sưu tập sẽ luôn có sự mới mẻ, thu được rất nhiều tác phẩm được thực hiện trong thế kỷ 21.
Mike Bidlo (sn. 1953) ‘Không phải Picasso (Người tắm và bóng bãi biển, 1932), 1987. Sơn dầu trên lanh. 57¾ × 45¼ in (146.7 × 114.9 cm).
Sturtevant (1924-2014) ‘Lichtenstein nhưng thật vô vọng’ 1969-70. Sơn dầu và acrylic trên toan. 43½ × 44 in (110.5 × 111.8 cm).
Cách nào tốt nhất để phân loại toàn bộ bộ sưu tập? Điều đáng nói là sự chia sẻ công bằng của nghệ thuật Tiếp dụng. Ví dụ là tác phẩm năm 1987 của Mike Bidlo, Not Picasso (Bather with Beachball, 1932) [Không phải Picasso (Người tắm và bóng bãi biển, 1932)], một trong những bản sao của một nghệ sĩ Hoa Kỳ về tác phẩm của Picasso — Bather with Beach Ball, từ bộ sưu tập của MoMA.
Tuy nhiên, Frei nói rằng chúng ta nên thận trọng với việc đưa ra kết luận về bộ sưu tập — và với tư cách là một đối tác lâu năm tại Thomas Ammann Fine Art AG (một vai trò song sinh với công việc ở Quỹ Thomas và Doris Ammann), ông đã hiểu. “Thomas và Doris không bao giờ thích nói về việc sưu tập của họ, hay nói rằng một bức tranh đẹp vì lý do này hay lý do khác.”
Trên thực tế, bộ sưu tập thật sự choáng ngợp về sự đa dạng của nó. Chị em Ammann không mua tác phẩm vì họ thích một phong cách, phong trào hoặc mức giá cụ thể; họ có được các tác phẩm tùy theo mức độ niềm tin của họ vào một nghệ sĩ.
“Điều tôi cho là chúng ta có thể nói,” Frei nói thêm: “là bộ sưu tập của họ giống như một dòng sông — với bờ này được bồi đắp nhiều hơn bờ còn lại. Đó là sự kết hợp của những tên tuổi lớn và những tên tuổi ít được biết đến hơn… Họ có đôi mắt đại bàng.”
Thomas và Doris đã đóng góp cho nhiều hoạt động từ thiện. Họ đã tổ chức một số sự kiện gây quỹ ủng hộ các tổ chức từ thiện về bệnh AIDS — bao gồm buổi dạ tiệc khai mạc hội chợ Art Basel năm 1991, nơi Elizabeth Taylor và Audrey Hepburn có mặt trong số 500 khách mời.
Doris đã hỗ trợ từ thiện lâu dài cho các tổ chức như Pestalozzi Children’s Foundation [Quỹ Trẻ em Pestalozzi].
Hai phiên đấu giá tại Christie’s diễn ra hơn một năm sau khi Doris qua đời, vào tháng 3 năm 2021 ở tuổi 76. Thông qua Quỹ Thomas và Doris Ammann, tất cả số tiền thu được sẽ được chuyển đến các tổ chức từ thiện. Hầu hết trong số này được dành để cứu hoặc cải thiện cuộc sống của trẻ em kém may mắn.
Quỹ mong muốn hỗ trợ nghiên cứu về các bệnh ung thư và rối loạn miễn dịch ở những người trẻ tuổi, đồng thời cung cấp các suất trợ cấp và học bổng tại các cơ sở giáo dục.
Trẻ em bị ốm trên toàn thế giới không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cũng sẽ được đưa đến Thụy Sĩ cùng gia đình và được điều trị tại bệnh viện Zurich.
“Bộ sưu tập nghệ thuật của chị em Ammann rất bền vững và có ảnh hưởng lớn,” Frei nói: “đó là một lựa chọn hiển nhiên nếu Doris để chúng ở bảo tàng. Nhưng bà không bao giờ muốn điều đó. Bà muốn di sản của gia đình sẽ giúp ích cho những người khác.”
Nguồn: Christie’s
Lược dịch bởi Viet Art View