Logo loading

MỘT “KHÚC VỌNG XƯA” RẤT RIÊNG CỦA HỌA SĨ NGUYỄN ĐÌNH HUỐNG

Ngày 01/10/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Khúc vọng xưa” của họa sĩ Nguyễn Đình Huống. Họa sĩ Nguyễn Đình Huống sinh năm 1936 tại Thái Bình, ông tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quần chúng Hà Nội (hệ Cao đẳng khóa 1) năm 1971, có […]
|Viet Art View

Ngày 01/10/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Khúc vọng xưa” của họa sĩ Nguyễn Đình Huống.

Họa sĩ Nguyễn Đình Huống sinh năm 1936 tại Thái Bình, ông tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quần chúng Hà Nội (hệ Cao đẳng khóa 1) năm 1971, có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông từng có tác phẩm giành giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1973 với bức sơn dầu “Công nhân xây dựng”; nhận Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

“Khúc vọng xưa” là triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ, trước đó ông đã có hai triển lãm khác Hương quê (năm 2022) và Về nguồn (năm 2009) mang đậm dấu ấn cá nhân, nhận được những ấn tượng đầy thiện cảm từ bạn yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đình Huống phát biểu tại buổi khai mạc Triển lãm

Chia sẻ tại buổi lễ khai mạc triển lãm, ông nói: “Tôi đặt tên triển lãm là ‘Khúc vọng xưa’ bởi tuổi già rồi, muốn nhìn lại những năm tháng xưa cũ. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, tâm sự của riêng tôi. Và tôi muốn trưng bày, như cách kể lại kỷ niệm cho bạn bè, công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Triển lãm “Khúc vọng xưa” trưng bày hơn 60 tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Đình Huống sáng tác trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình; gồm các chủ đề: phong cảnh, tĩnh vật, chân dung,… Các bức tranh được vẽ bằng nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu trên nhiều khuôn khổ khác nhau. Trong đó, bột màu là chất liệu được ông sử dụng nhiều nhất.

Trong suốt hơn 60 năm làm nghề Nguyễn Đình Huống gắn bó với chất liệu bột màu, ông vẽ rất nhiều tranh về làng quê Việt Nam, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp bằng chất liệu bột màu như “Cổng làng xưa, 1980, bột màu, sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”; “Cổng làng, 1980, bột màu, 40×60 cm”; “Đường ven làng, 1995, bột màu, 78,5×97,5 cm”; “Sắc thu, 1979, bột màu, 44×57 cm”; “Hồ Đại Lải, 1987, bột màu, 35×57 cm”… với hệ thống các gam màu cơ bản trên bảng màu ông đã tạo ra sức sống mới rất riêng cho từng tác phẩm của mình.

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Đường ven làng. 1995. Bột màu. 78,5×97,5 cm

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Hồ Đại Lải. 1987. Bột màu. 35×57 cm

Bột màu là một chất liệu được nhiều thế hệ các họa sĩ từ xưa tới nay ưa thích thể hiện bởi nhiều “ưu điểm”. Bột màu vừa có giá thành phải chăng lại rất dễ mang đi để vẽ trực họa, màu sắc cũng rất tươi sáng. Vẽ tranh bằng chất liệu bột màu rất dễ mà cũng rất khó. Dễ ở chỗ đây là chất liệu rất nhẹ nhàng, có yếu tố óng mượt, có độ xốp, có thể pha trộn không hạn chế để tạo được rất nhiều sắc màu khác nhau. Còn khó ở chỗ đòi hỏi tay nghề người nghệ sĩ một sự thuần thục, nhuần nhuyễn trong việc kết hợp bột màu với các chất phụ gia: nước cơm nguội, keo da trâu, nước theo tỉ lệ phù hợp để hòa sắc trong tranh được tươi sáng và không bị bạc, hay xỉn màu.

Họa sĩ Nguyễn Đình Huống là người có kỹ thuật sử dụng bột màu điêu luyện, tinh tế. Hòa sắc trong tranh ông luôn tươi sáng, rạng rỡ, nhưng cũng rất đằm thắm chứa chan tình cảm dung dị mà người nghệ sĩ gửi gắm vào trong mỗi tác phẩm. Chính điều đó đã làm cho tranh ông chiếm được nhiều cảm tình yêu mến của người xem.

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Làng hoa Ngọc Hà. 1992. Bột màu. 41×61 cm

Thiên nhiên, phong cảnh, con người trong tranh Nguyễn Đình Huống được ông khắc họa lại một cách rất nhẹ nhàng, trong trẻo, vui tươi, mang đậm tinh thần Việt. Đó là những khung cảnh làng quê thanh bình với lũy tre xanh mướt, cuộc sống sinh hoạt thường ngày rất đỗi bình dị của người dân: từ người mẹ dân tộc bế con đi làm nương làm rẫy, đến hình ảnh người dân làng chài cất vó kiếm cá, hay những địa danh du lịch quen thuộc của đất nước như: Sapa, Tam Đảo, Vũng Tàu, Chùa Hương Tích,… đều được ông diễn tả bằng ngôn ngữ hội họa, bằng nét, bằng mảng, vờn khối để tạo nhịp điệu liên kết giữa các sự vật, hình ảnh; kết hợp với những hòa sắc nhuần nhuyễn trong tranh để đạt được hiệu quả trong việc diễn tả ánh sáng và không gian xa gần. Hút mắt được người xem vào trong câu chuyện của mình qua mỗi tác phẩm.

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Hạnh phúc. 2013. Sơn dầu. 80×100 cm

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Kiếm cá. 2007. Sơn dầu. 80×100 cm

Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Phòng- người thầy giáo của họa sĩ Nguyễn Đình Huống đã từng nhận xét về ông như sau: “Nguyễn Đình Huống có biệt tài nắm bắt thiên nhiên qua ngọn bút tài hoa để thả ngay những sắc màu còn tươi rói tràn xuống mặt giấy, vải”.

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Tam Đảo mộng mơ. 2006. Sơn dầu. 120×120 cm

Ngắm nhìn các tác phẩm trưng bày trong triển lãm, đặc biệt là hòa sắc xanh lá trong các sáng tác về phong cảnh thiên nhiên của Nguyễn Đình Hướng gợi cho chúng ta liên tưởng đến các bức tranh bột màu với tông xanh chủ đạo của họa sĩ Văn Giáo (1916 – 2018): “Nắng sớm Sapa, 1959, bột màu, 51×65 cm” “Mường Chà – Điện Biên, 1962, bột màu, 52×65 cm”, “Đất nước mùa xuân, 1963, bột màu, 64×51 cm”, hay bức “Ngoại thành, 1959, bột màu, 64×50 cm”… như họa sĩ Trần Văn Cẩn đã từng nhận xét về ông: “một thứ màu xanh rừng rú dị biệt là của Văn Giáo”.

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Sắc thu. 1979. Bột màu. 44×57 cm

Mỗi một khung cảnh trong tranh Nguyễn Đình Huống là một kỷ niệm, một nỗi niềm tâm sự riêng của chính ông. Đó là tình yêu quê hương xứ sở, sự rung động mãnh liệt trước cảnh sắc hữu tình, đằm thắm của đất nước. Tác giả gửi gắm một tình yêu tha thiết đất nước mình trong các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Ở tuổi 86, họa sĩ Nguyễn Đình Huống vẫn lao động nghệ thuật say mê, ông vẫn vẽ. Nếu không có một tình yêu mãnh liệt với hội họa, không có một tâm hồn nghệ sĩ giàu rung động trước cái đẹp thì chắc hẳn ở độ tuổi đó khó có thể sáng tác được nhiều như ông. Với ông, tuổi tác không làm cho các sắc màu trong tranh trở nên trầm buồn mà trái lại càng thêm rực rỡ vui tươi…

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Chân dung họa sĩ Huy Oánh. 2020. Màu nước. 20×30 cm

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Kiểm tra chất lượng thuốc. 1980. 2020. Lụa. 44×54 cm

Nguyễn Đình Huống (sinh 1936). Khóm chuối bờ mương. 1999. Sơn dầu. 60×80 cm

Triển lãm sẽ được trưng bày đến hết ngày 5/10/2022 tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Thân mến mời bạn yêu nghệ thuật đón xem!

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top