Logo loading

MỘT VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ “ RETOUR AU VILLAGE – VỀ LÀNG” CỦA NGUYỄN PHAN CHÁNH ĐƯỢC ĐẤU GIÁ TẠI BONHAMS HONGKONG

Chiều ngày 27.5.2023, trong phiên đấu Modern & Contemporary Art and Southeast Asian Art của Bonhams, lot 57 có tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984): Tên tranh: Retour au village – Về làng (thị trấn), 1955, ký tên Ng. Phan-chánh, ngày 8-1955; ghi ký tên và ngày 24-3-1959 ở mặt sau; mực và màu […]
|Viet Art View

Chiều ngày 27.5.2023, trong phiên đấu Modern & Contemporary Art and Southeast Asian Art của Bonhams, lot 57 có tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984):

Tên tranh: Retour au village – Về làng (thị trấn), 1955, ký tên Ng. Phan-chánh, ngày 8-1955; ghi ký tên và ngày 24-3-1959 ở mặt sau; mực và màu trên lụa; 85 x 63cm (33 1/2 x 24 3/4in). Nguồn gốc từ bộ sưu tập của Miklós Rév, mua trực tiếp từ nghệ sĩ năm 1959 tại Việt Nam.

Ảnh tác phẩm trên website Nhà đấu giá

Hiện nay, nhiều tác phẩm tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (và một vài họa sĩ khác) được chép lại (bản 1/1) bởi nhiều lý do. Vì vậy, mỗi khi có một tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh được đấu giá đều làm cho các nhà sưu tập phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu.

Tư liệu về bức tranh có đoạn: “… “Về làng” trước đây thuộc bộ sưu tập của Miklós Rév. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Hungary, sinh năm 1906 ở Sátoraljaújhely và qua đời ở Budapest vào năm 1998, Miklós Rév bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh gia vào năm 1923. Năm 1957, ông là chủ tịch Hội nhiếp ảnh gia Hungary, và đã có chuyến thăm Hà Nội vào năm 1959. Những bức ảnh của ông trong thời gian này cho thấy một góc nhìn chân thực về cuộc sống ở thủ đô hơn 60 năm trước. Trong chuyến đi của mình, ông đã gặp họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người mà ông rất quý trọng, được miêu tả là một người khiêm tốn, đeo kính và để râu (trong cuốn sách có tựa đề “Nghệ thuật Việt Nam” / L’Art du Viet-nam, đồng tác giả với nhà báo Imre Patkó).

Ảnh tác phẩm được chụp thực tế tại phòng trưng bày

“Về làng” được mua trực tiếp từ họa sĩ vào năm 1959, cùng một lúc với tác phẩm “Cấy lúa” (Cf. Sotheby’s ngày 31/3/2019), sau đó truyền đến con cháu trong dòng dõi, là sở hữu chủ hiện tại.

Ở mặt sau của bức tranh, chúng ta đọc được thủ bút và chữ ký của Nguyễn Phan Chánh, cũng như nơi chốn và ngày tháng : Hà Nội 24/3/1959…”.

Trên thực tế, bức tranh này đã được đã được bán tại Bonhams Paris vào ngày 14.12.2022 với giá 32k eur. Vì một vài lý do, bức tranh được bán lại trong phiên 27.5.2023 với giá gõ búa 271k usd (cả thuế, đổi sang usd tiện tính giá) tương đương 6,5 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 5 tháng, bức tranh đã đạt mức giá gấp gần 7 lần, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước phiên đấu, NST Hàn Ngọc Vũ, người bạn thân mến của Viet Art View rất quan tâm đến bức tranh này. Anh chia sẻ, anh rất thích thú với câu chuyện trong “Về làng”, một bức tranh mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp, hạnh phúc. Tính nhân văn thể hiện rất rõ từ tạo hình các hành vi nhân vật đến bối cảnh lịch sử thời kỳ đó…

Sau khi trao đổi với Viet Art View về tính chân bản, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị tạo hình của “Trở về làng”, NST Hàn Ngọc Vũ quyết tâm đấu giá. Anh và phu nhân trực tiếp bay sang Hongkong tham dự phiên đấu.

Sau khi tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, xem xét kỹ bề mặt bức tranh, NST Hàn Ngọc Vũ rất vui vì bức tranh đẹp, tình cảm, xúc động. Nhưng, anh băn khoăn bởi bề mặt lụa, sau gần 70 năm đã xuống cấp tương đối. Anh cân nhắc kỹ càng, hỏi tư vấn từ các chuyên gia, thấy cần phải phục chế tỉ mỉ và nhiều thời gian vào khôi phục hiện trạng. Và tất nhiên, sẽ thêm một khoản không nhỏ cho việc này.

Chính vì những băn khoăn trên, nên dù rất thích “Về làng”, khi trong phiên đấu, thấy giá lên cao, anh quyết định ngừng đấu để tâm trí, sức lực dành cho các tác phẩm khác.

Câu chuyện nho nhỏ, thú vị xung quanh bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh cho thấy việc để sở hữu một tác phẩm có giá trị không hề đơn giản. Cần phải có nhiều sự hiểu biết cùng trao đổi, chân thành, thẳng thắn…

NST Hàn Ngọc Vũ chưa có duyên sở hữu tác phẩm này, nhưng anh vẫn vui vì “Về làng” của Nguyễn Phan Chánh sẽ “về Việt Nam”…

Một số hình ảnh thực tế của bức tranh được chụp trực tiếp tại phòng trưng bày:

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top