Logo loading

Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật

Trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú và Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn hóa 1979 là một tập hợp những bài viết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Các bài viết đều rất xúc động, thấm đẫm tình cảm. Viet Art View xin trích một bài nhỏ. Trân trọng giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật.
|Viet Art View

Câu chuyện thứ nhất

NÉT VẼ ĐẦU TIÊN: NHỮNG NỖI BẤT CÔNG

Một vạch cong xuống làm lưng cá. Một vạch cong lên làm bụng cá. Ba vạch xiên đi. Ba vạch xiên lại giữa mình cá làm vẩy. Thêm một vạch đầu miệng cá làm dây câu. Thế là xong.

Bàn tay nhỏ của em bé lên bốn nắm chặt miếng than đen nhặt ở bếp, đã vẽ lên trên bức tường vôi một con cá mắc câu. Rõ ràng ai cũng nhận ra được.

Bé Chánh bỏ hòn than xuống, ngắm nghía mãi con cá do tay mình vừa mới vạch lên nền vôi trắng. Con cá cha thường đi câu giật được. Con cá mẹ đi chợ về mua bỏ vẩy sáng loáng, cá nhẩy lách tách. Bé Chánh tưởng tượng rằng cá mắc câu ở đấy mãi mà vùng vẫy, không quẫy ra khỏi vách tường vôi trắng.

Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984). Nhóm trẻ hợp tác. 1959. Lụa. 51x72cm (Sách “Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh”. 1992. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Cha đi làm. Mẹ đi chợ vắng. Một mình bé Chánh chơi trong sân. Bao nhiêu cảnh lạ bày ra trước mắt. Những vết loang lổ trên tường, những dấu rêu bên bể nước, trông giống như hình núi, hình sông, hình chiếc cầu, cái quán mà bé Chánh đã trông thấy ở đâu rồi. Đúng, vết loang lổ ấy, chỉ cần vạch thêm mấy vạch, tô thêm mấy nét, là sẽ thành cảnh núi cây cao cao và có những người mặc áo đội mũ quan quân leo trèo trên núi… mà bé chánh được thấy trong lần cha bế đi xem diễn tuồng trong thành nội. Cổng thành Cửa Tiền Hà Tĩnh, bé Chánh theo cha đi vào, sao mà thấy vòm cổng cao lớn lạ thường. Lúc vào xem tuồng, nhìn thấy rất đông người vây vòng quanh một đám đất rộng. Bé Chánh nhớ rõ cảnh sông núi ấy trên sân tuồng, dưới ánh đèn sáng choang. Tiếc thay, lúc đang được cha bế chen vào, nhìn qua đám lưng người tối lờ mờ, cảnh núi sông khi phò Hoàng tử qua sông lại rõ bật hơn lúc được ngồi trong lòng cha, ở vòng trong cùng. Mắt bé Chánh cứ ngước lên mãi, nhưng trong đêm xem tuồng ấy chỉ còn thấy toàn ủng là ủng chạy qua chạy lại trên sân khấu…

Trên gian nhà khách, cha em treo bốn bức tranh dài trên vách. Em đứng bên bức tranh, đầu cao quá bộ phản đặt giữa nhà một chút, nhìn được quá nửa phần bức tranh. Sau này vẫn không biết đấy là tranh ai vẽ, nhưng bé Chánh thích nhìn ngắm mãi hình ảnh trong tranh: một em bé sợ hãi chạy núp vào lòng mẹ, ông bố cau mày đang giơ cao cành roi tre. Rõ ràng là tranh vẽ, không phải tranh in. Cành tre giơ cao còn mang cả chiếc lá nhỏ màu xanh tươi. Bức tranh đơn giản, nét bút tinh tế, màu sắc không sặc sỡ.

Dù cho những hình ảnh đồ đạc trong nhà khó mà hình dung lại được, nhưng ấn tượng về bức tranh ấy cứ in mãi trong trí bé Chánh. Người vẽ bức tranh sao khéo tô dáng giận của người cha và nét mặt hiền từ của người mẹ. Còn cậu bé trong tranh thì sao mà giống mình đến thế. Mới hôm trước đây thôi, cha cũng đã cầm cây roi mây giơ cao và hỏi bé, nét mặt cha rất bình thường nhưng giọng nói thì nghiêm trang:

– Nay có hai mâm cơm. Mâm ở giường trên thì mâm thau, đũa bít, nhưng chỉ có canh rau xoàng. Còn mâm ở giường dưới thời mâm bẩn, bát sứt nhưng lại có thịt lợn, cá khúc. Hỏi ngồi mâm nào?

Chẳng biết lúc đó bé Chánh vì sợ ngọn roi của cha hay thật hiểu rằng ngồi mâm trên là trọng, dù không được ăn thịt cá cũng không cần, nên liền thưa cha:

– Thưa cha, con ăn mâm trên ạ!

Cha tươi cười giảng giải thêm:

– Mâm dưới tuy có thịt ngon cá béo, nhưng là chỗ thấp hèn. Mâm trên tuy cơm rau xoàng. Nhưng lại là mâm cao trọng. Con không nên vì thèm thịt cá, hư ăn mà quên chỗ cao quý, bát đũa sạch sẽ.

Bé Chánh năm tuổi chưa hiểu gì về bài học thanh cao lúc đó, nhưng sau này nghĩ lại thấy rằng mình trả lời cha thế là phải. Bé chỉ mỗi băn khoăn: cậu bé trong tranh kia có bị bố giơ roi mà hỏi như cha mình đã hỏi mình?

Bé Chánh lớn lên trong tình thương của ông ngoại, bà ngoại ở trên phố chợ mà Chánh hay gọi là “ông chợ, bà chợ”. Mấy lần ông ngoại xuống chơi, bế Chánh vào lòng, ngâm thơ. Bà ngoại, nhiều khi xuống thăm cháu, dắt mất quả nhãn lồng vào thắt lưng sồi.

Mấy gian nhà gỗ cha mẹ vừa dựng lên bên sông Tân Giang. Trước bến sông, những con đò đậu sát bến. Một buổi gia đình làm lễ kỳ yên, bé Chánh ngồi trong lòng ông ngoại còn trông rõ ánh nến, ánh đèn phản chiếu xuống bóng nước, hình người nhấp nhô đi lại trước bến, đốt vàng hương.

Tiếng cha nghe to và âm vang khi cha bảo mẹ:

– Mẹ hắn sắp quần áo cho con, tôi đem nó đi chơi.

Vừa nghe tiếng cha nói, bé Chánh đã lon ton chạy ra sau nhà, vục đầu vào chậu nước rửa mặt, rồi rửa tay sạch sẽ, chạy đến bên mẹ đòi thay quần áo mới và tìm chiếc nón lá con con chụp lên đầu, chạy nhanh theo cha.

Ngày Tết Nguyên đán, bé Chánh được diện bộ áo lương thâm, quần trắng và nhất là đôi dép da cong mũi, theo cha đi chúc Tết ông bà ngoại ở trên phía chợ. Nhiều lần đi chơi với cha, chạy sau cha, nên sau này mỗi khi nhớ đến cha là Chánh nhớ ngay dáng người cao cao với chiếc nón trắng, nhớ nhất chiếc lưng dài, thẳng của người. Còn gương mặt người ra sao, bé không tài nào hình dung ra trong trí nhớ.

Chánh mê nhất những tập giấy của cha có những dẫy hình tròn bằng đồng tiền và cái đầu dùi. Chánh thường quấn quýt bên chân cha, nhìn cha lấy cây đầu dùi gỗ gõ gõ nhẹ lên những hình tròn có các miếng giấy thấm nước để phía trên. Mãi sau này, bé Chánh mới biết đó là cách xóa những con số sai trong khi làm tính. Nghề tính toán của cha là thế.

Cố nội bé Chánh là một nhà nho nghèo, đỗ tú tài, quê xã Văn Thư, ở phía tây thị xã Hà Tĩnh. Cố xuống dạy học ở làng Tiền Bạt thuộc xã Trung Tiết, rồi cưới người con gái một của gia đình ngồi dạy học. Vì không có con trai thừa kế, nên đến mấy đời sau, của cải ruộng nương chẳng còn lại gì. Bé Chánh thường nghe bà cố móm mém ăn trầu kể lại:

– Hồi Lương, giáo đánh nhau, văn tự gia phả bị cháy hết, nên hào lý người ta không cho mẹ con đàn bà mảnh ruộng nào cả, các đám ruộng ông bà vẫn cày cấy ấy.

Bé Chánh biết rằng chỉ nhờ cha có chữ viết tốt, lại giỏi tính toán nên các quan trong thành thuê đi đạc điền. Cuốn sách đầu tiên cha mua cho Chánh hồi lên năm tuổi để học ở nhà là cuốn Tam tự kinh, nét chữ ngang bằng sổ thẳng. Trong sách có câu: “Thủ hiếu dễ, thứ kiến văn”, theo sách dạy là: “làm người trước hết phải có hiếu với cha mẹ, hòa thuận với anh em, rồi mới đến việc học hành để rộng đường tai nghe mắt thấy”. Lời văn trong cuốn sách đầu tiên cùng với giọng nói nghiêm nghị của cha đã ảnh hưởng dài lâu trong suốt cuộc đời của Chánh.

Chánh nhớ nhất một cậu bạn nhỏ, con một gia đình nọ trên đường vào kinh, đã ghé ở tạm vài tháng trong nhà Chánh. Hình ảnh người bạn ấy không tách rời kỷ niệm về chiếc đồng hồ quả quýt của gia đình bạn bỏ quên trên chiếc phản trong gian nhà giữa. Hai vợ chồng ông khách và đứa con trai nhỏ đã khăn gói lên đường được một lúc, bé Chánh vào nhà chợt nhìn thấy trên chiếc phản kê sát tường có một vật gì tròn tròn, to bằng quả quýt và vàng óng ánh. Bé vội cầm lấy, chạy ra sân đưa cho cha, cha bảo:

– Chạy ngay đưa cho ông khách. Người ta vội đi, bỏ quên cả đồng hồ đấy!

Ba năm sau, cả gia đình người khách trẩy kinh ra lại Hà Tĩnh, tìm đến thăm cha mẹ Chánh thì…vật đổi sao dời. Ba gian nhà gỗ đóng đố bức bàn đã gần như trống trải với người vợ góa và ba con dại. Cám cảnh, họ khuyên giải rồi cho Chánh một món quà nhỏ như để nhớ lòng em và gia đình ba năm về trước…

“Hò ơ…

Hai bên hai mạn đàn ông,

Kéo dây cho thẳng, ông đốc công đã vào!

Hò ơ…

Hai bên hai mạn đàn bà,

Kéo dây cho thẳng, ông ác quà đã vô…”

Tiếng hò kéo trụ đứt quãng, nặng nề, vang lên, ngân mãi bên bờ con sông đào Tân Giang. Câu hò khôi hài làm mọi người bật cười. Nỗi mệt nhọc dường như vợi bớt.

Con đường đất đỏ dọc bờ sông lên tỉnh đang được rải đá dăm. Bé Chánh theo mẹ cùng bà con nghèo trong xóm ra bờ sông đập đá dăm, lấy tiền công về đong gạo. Lên tám tuổi, mập mạp, cứng cáp, bé Chánh đã bê được những hòn đá vừa phải, lê đến bên mẹ để mẹ đập nhỏ, chất riêng góp đống lấy tiền công thuê.

Đá dăm đã được rải lên mặt đường. Hai bên trục có hai đầu dây dài buộc vào cốt trục. Hai dây người mình trần, quần cộc ngắn ngủn, rách rưới, chân đất. Mỗi dây có khoảng vài chục người, thừng chão to quàng qua vai, mồ hôi vã đầy mặt. Họ đang lấy hết gân cốt kéo chiếc trục đá dằn lên mặt đường. Tiếng hò cất lên, ngắt quãng, lại cất lên nữa. Hai sợi dây kéo rất căng. Chiếc trục đá lăn nặng nề, chầm chậm. Đám đàn ông kéo trục đã thấm mệt, lăn ra ngủ, mặc cho nắng đốt. Đám đàn bà mặc yếm trần, xắn chiếc váy nâu bạc vá đụp nhiều mảnh cao quá bắp chân, cũng đứng làm hai dãi hai bên chiếc trục, cũng thững chão quàng vai, còng lưng ra sức kéo. Các bác, các dì, ấy còn khỏe. Chánh thấy rõ vậy. Mẹ Chánh không đủ sức kéo trục, chỉ ngồi đập đá dăm, tiền công chỉ bằng một nửa tiền công mọi người.

Bỗng một bóng người cao lớn, đen thui hiện ra ở đầu đường. Đốc công đã ra. Mọi người đang ngồi nghỉ chốc lát, vội vàng sợ hãi đứng ngay dậy, xúm lại bên chiếc trục, nặng nhọc kéo. Tiếng hò lặng ngắt.

Đống công lục lộ là một người Ấn Độ vào làng Tây, to béo, mà bé Chánh trông giống như ông hộ Pháp đứng gác ở trước sân đình làng Trung Tiết. Cũng bộ mặt dữ tợn, đôi mắt trắng dã. Lại còn thêm chiếc doi da cầm tay, vừa nhác trông đã chết khiếp. Thấy ông đốc công đi lên, bé Chánh vội lảng xa, không dám sấn đến gần mẹ nữa.

Có lần đi ngang qua phố tỉnh, nhìn thấy bà Xua vợ ông đốc công ngồi trong nhà gác sang trọng, Chánh về nhà hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, bà ấy là người mình, tóc dài da trắng mà chịu lấy ông ác quá, mẹ hỉ?

Mẹ cười, trả lời:

– Người ông ấy đen nhưng bạc ông ấy trắng.

Chánh chỉ biết ông Xua có nhiều bạc trắng nên ông ấy sung sướng. Và ông muốn gì cũng được. Còn Chánh cũng như bà con trong xóm Tân Giang không có bạc trắng nên phải khổ, phải đi kéo trục và đập đá dăm mà vẫn không được ăn no mặc lành.

Đồng bạc hoa xòe, to hơn lỗ đáo, có hình mụ đầm ấy, Chánh đã có lần nhìn thấy chiếc chõng tre của bà đổi tiền ngồi ở cổng chợ. Vào mùa sưu thuế, tháng sáu tháng bảy, gió Lào thổi nóng như thiêu, ai cũng phải có đồng bạc trắng ấy để nộp sưu, nên mua nó đắt lắm. Mắt Chánh đã nhìn thấy từng vác quan tiền nặng mang đi chỉ đổi được vài đồng bạc trắng ấy thôi.

Con đường Chánh cắp sách đến lớp thầy đồ chạy suốt dọc bờ con sông đào tới chợ, cũng là con đường từ nhà lên ông bà ngoại. Con đường đất mòn vàng vàng, hai bên cỏ xanh mởn. Chánh kiếm được đoạn tre dài đẩy làm ngựa trên đường tới lớp.

Sông Tân Giang chảy qua nhà trước kia chỉ là con kênh đào nhỏ. Mỗi ngày sông đào rộng thêm để tiện việc đò, thuyền chở lúa ở các làng quê lên tỉnh nộp thuế. Con đường đất mòn chạy dọc sông ấy được rải đá xong thì ba gian nhà gỗ có bức tường vôi mà bé Chánh vẽ con cá mắc câu bằng than ấy, đã phải dỡ bán. Cha mất đúng lúc em trai chưa đầy hai tháng. Một túp lều tranh vách đất, hai gian chật chội, được dựng lên trên mảnh đất góc khu vườn cũ. Mái lều dột nát, mỗi lần mưa, nước chảy tràn nền nhà, chân dẫm nước lép bép:

“Có cha gót đỏ như son

Một mai cha thác, gót con đen sì”

Tiếng mẹ ru em nghe thật buồn và làm cho Chánh càng thêm nhớ cha. Mẹ không muốn Chánh bỏ học đi chơi lang thang mãi. Mẹ mua cuốn Tam tự kinh thứ hai còn mới, dắt Chánh đến gửi một ông đồ đang dạy năm sáu trò nhỏ. Ông đồ ở trọ nhà một người bán thịt gần chợ.

Một hôm, có người khách trong xóm ra thăm lớp học. Người khách hỏi:

– Trò nào đọc được ngay hết các bài trong tháng, tôi sẽ thưởng một trăm giấy và ba quản bút.

Người khách muốn thử tài học trò. Cả lớp đưa mắt nhìn nhau. Đọc ngay đi bài ôn cả tháng không phải chuyện thường. Những cặp mắt rụt rè, e ngại. Chánh không ngần ngừ, đứng ngay dậy:

– Thưa thầy, con xin đọc.

Chánh đọc lầu lầu những bài học trong tháng qua mà Chánh từng vừa đưa võng ru em vừa học. Cả lớp trố mắt ngạc nhiên. Người Khách lạ phải đưa tiền thưởng cho em.

Thầy đồ nói luôn với cả lớp:

– Trò Chánh nhà nghèo, nhà trò ấy chỉ có hai gian nhà tranh xiêu vẹo, trên không tranh dưới không liếp. Mẹ trò đi chợ đầu tràng đầu trẹt, cắn cổ tơi cổ nón, đi hết chợ gần chợ xa. Sao các trò nhà giàu có, chờ cha mẹ cơm no áo lành lại học hành lười dốt, không biết lấy trò Chánh làm gương?

Trường học chia làm ba lớp: một, hai, ba. Chánh đứng đầu lớp một. Tuy là học trò giỏi, nhưng vì con nhà nghèo, nên không phải là học trò được thầy yêu nhất. Biết phận mình Chánh chỉ lo học, nhưng trong lòng không khỏi ấm ức.

Hàng năm, bốn năm trường chung lại tổ chức một kỳ thi, có xướng danh cờ biển, có thưởng bánh kẹo. Chánh vui biết mấy mỗi khi đứng lên nhận lá cờ thưởng đuôi nheo xinh xắn màu đỏ. Lá cờ nhỏ là niềm vui và cũng là điều hãnh diện của Chánh đối với lũ học trò con nhà giàu hung hăng, ngạo mạn. Quần áo, sách vở, nhà cửa, cái gì mình cũng thua kém chúng nó. Chỉ có lá cờ thưởng màu đỏ, nên lần nào Chánh cũng cố giành cho kỳ được.

Mấy lần liền, Chánh nhận cờ, thầy đồ không nói gì. Nhưng một hôm, thầy gọi Chánh ra sân, vừa vò đầu Chánh vừa bảo nhỏ:

– Trò đầu nhiều lần rồi. Lần này để cho trò Xuân đầu vì trò ấy sắp cưới vợ.

Câu nói của thầy làm Chánh ấm ức quá. Chánh biết rõ, nếu trò Xuân được đầu, được nhận cờ thì mẹ Xuân sẽ khao các thầy một bữa ăn uống to. Còn mấy lần qua, Chánh đỗ đầu, mẹ Chánh nghèo đâu có tiền mời các thầy một bữa cơm xoàng, nói chi khao cỗ.

Chánh cố nén, trả lời thầy:

– Thưa thầy, cưới vợ thì anh Xuân cưới, sao con đang đầu lại phải tụt xuống?

Câu hỏi của Chánh thầy đồ khó trả lời, nhưng phần thưởng đầu lần ấy vẫn cứ vào tay con trai nhà chủ trọ nuôi thầy.

Ở cái vườn nhỏ sau nhà bà ngoại, Chánh thích ra nhìn ngắm mấy chùm hoa cải to. Hoa vàng đẹp quá. Đó là hoa cây cải để giống, bà không cho ai hái. Dưới nắng, chùm hoa càng vàng chói. Mấy con bướm lạ, cánh cũng vàng, bay vờn trên hoa cải. Màu vàng cánh bướm lẫn với màu vàng hoa cải. Bướm đậu trên hoa, không phân biệt được đâu là hoa, đâu là bướm.

Chánh đương mải mê nhìn bướm với hoa thì tiếng ông ngoại gọi to làm Chánh giật mình:

– Chánh! Thầy đồ cho trò Bá đến gọi cháu ra nhà thầy, thầy hỏi chuyện gì đó.

– Cháu biết rồi, ông ạ. Cháu đến thì chắc bị đánh thôi. Ông chủ nhà nói oan cho cháu là cháu xúi bọn học trò làm sập rèm cửa nhà chủ rồi rủ các bạn bỏ học về.

Ông ngoại hiền từ, hút xong điếu thuốc lào, chậm rãi bảo cháu:

– Cháu sang thưa với thầy cho rõ, thầy không đánh cháu đâu.

Chánh nghe ông, theo Bá sang nhà thầy đồ. Sợ roi quá, Chánh rón rén đứng ngoài cổng. Thầy biết Chánh đã đến, ở trong nhà hét ầm lên:

– Bá, sao trò hầu anh ấy mãi ngoài đó?

Chánh biết không xong rồi, đánh liều bước vào. Vừa trông thấy thầy đồ đang nằm xem sách, Chánh chưa kịp nói “thưa thầy”, đã thấy thầy ngồi vùng dậy, thét Bá bắt mình. Bá nể sợ bạn, còn ngần ngừ. Thầy liền chộp luôn cây roi vẫn để sẵn trên chiếc tráp cạnh bàn, nhảy ngay xuống đất. Chánh hoảng quá, ú té chạy về nhà. Hú vía! Thế là lại bỏ học lần thứ hai.

Cha mất, mãi mới được đi học. Mới học được mấy năm, đã bỏ học hai lần. Lần trước, chỉ vì đánh rơi mất sách mà mẹ thì chưa có tiền mua lại ngay cuốn khác. Lần này chỉ vì ông chủ nhà không ưa gì mẹ chánh nghèo xác nghèo xơ mà cũng đòi cho con đến học nhà ông, nên bịa chuyện. Muốn được lòng chủ nhà, thầy đồ chẳng cần đếm xỉa gì đến lòng tự trọng của trẻ. Lẽ phải thuộc về người có quyền thế. Chánh không thể đến trường để cho họ khinh rẻ và bắt nạt mình như vậy.

Thì giờ, năm tháng cứ trôi đi mà Chánh không học thêm được buổi nào. Chiều đến, ra đứng trước sân nhà, Chánh nhìn lũ bạn cắp sách đi về mà lòng thấy thèm học vô cùng. Chánh mượn sách, tự học lấy. Nhưng mỗi lần trông em cho mẹ đi chợ, Chánh không khỏi vẩn vơ nhìn con tò vò bay đi bay về làm tổ không biết đến bao nhiêu lần. Trời sắp nổi cơn giông. Chánh lại nhìn mãi đàn kiến đen kìn kìn kéo nhau đi.

 (Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)

Chia sẻ:
Back to top