Logo loading

Nhớ lại thời kỳ vẽ tranh “Nam Bắc một nhà”

|Nguyễn Văn Tỵ

Nhớ lại thời kỳ vẽ tranh “Nam Bắc một nhà”

Nguyễn Văn Tỵ. Nam Bắc một nhà. Sơn mài.

Nhân kể lại thời kỳ vẽ bức tranh “Nam Bắc một nhà” tôi nhớ lại những chuyến đi vẽ vùng giới tuyến những năm 59 – 60. Thời kỳ đó, tình hình vùng tuyến căng thẳng do bọn Mỹ Diệm mở chiến dịch tố cộng. Chúng để máy chém đi khắp nơi để khủng bố đồng bào ta, truy bức cán bộ. Chúng bắc loa suốt dọc bờ Nam sông Hiền Lương ra rả nói xấu miền Bắc suốt ngày. Bờ Bắc chúng ta vẫn đấu tranh bình tĩnh, dùng lý lẽ thuyết phục bọn lính Ngụy đóng sát bờ Nam. Tôi đi vẽ cùng một số anh em Trường Mỹ thuật, suốt từ Cửa Tùng lên Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thái,… Bờ Nam vắng bóng dân làng, trừ những tên lính Ngụy đóng bốt ở bãi cát bên kia Cửa Tùng hay bờ Nam Cầu Hiền Lương. Chính ở nơi đây, ở hai đầu Cầu Hiền Lương này đã diễn ra bao cảnh chia ly và gặp gỡ vào ban đêm hay những buổi nhọ mặt người. Con tiễn cha, vợ tiễn chồng, mẹ gặp con, chị gặp em. Vào những buổi chiều giáp Tết âm lịch, những cuộc gặp gỡ trên càng dạt dào tình cảm. Có những tên lính Ngụy cố tình ngăn cản không cho bà con vượt khỏi cầu, nhưng trước cảnh gặp gỡ chứa chan tình nghĩa chúng cũng không ngăn nổi xúc động, đứng nhìn cảnh gia đình được sum họp dù chỉ trong giây lát. Có những ai đã từng đau nỗi đau chia cắt trong dòng máu mình, trên đất nước mình, mới thấy hết niềm vui, phút giây hạnh phúc trong nước mắt chan hòa của những bà mẹ vượt tuyến gặp con, vợ gặp chồng, chị gặp em,… chỉ trong mươi, mười lăm phút những ngày 30 Tết.

Thế mà trước sau những năm 60 việc đó xảy ra ngay trên đất nước mình, ngay ở đôi bờ một dòng sông, ở đầu Cầu Hiền Lương, ở một thôn Vĩnh Sơn. Thôn này bị xẻ làm đôi, nửa ở bờ Nam, nửa bờ Bắc. Những ngọn cờ đỏ sao vàng vẫn bay cao trên nền trời bờ Bắc, cờ này hàng tháng lại được hạ xuống, vá lại hay thay vải mới một lần. Lá cờ Tổ quốc, lá cờ cách mạng vẫn lộng gió tung bay, bất chấp gió sương, mưa bão. Lá cờ đỏ là niềm tin, là lòng tự hào, là lòng son sắt của bà con cô bác bờ Nam Bến Hải khi đứng trước mũi súng, lưỡi dao quân thù, trong lúc chúng đang ra sức tố cộng, lùng đục, bắt bớ tra tấn cán bộ và đồng bào ta.

Sau chuyến đi xuống xã, chúng tôi trở về Ty Thông tin Hồ Xá. Các đồng chí ở Ty cho biết đang cần vẽ những bức tranh cỡ lớn về đề tài tình cảm Nam Bắc, về cảnh đấu tranh chặn tay bọn Mỹ Diệm khát máu ở bờ Nam. Chúng tôi dựng phác thảo, vẽ màu những anh chị em có gia đình ở bờ Nam, có chồng, em công tác bên nớ. Chúng tôi nghiên cứu hình các nhân vật, chị M- thợ may ở Hồ Xá có chồng công tác bên kia sông, anh S- đánh cá ở Di Loan, anh T- du kích bí mật ở Cửa Tùng. Các anh chị kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện Mỹ Diệm tàn bạo ở bờ Nam, về tính kiên trì thuyết phục của cán bộ ta, về những phút gặp gỡ, gặp chồng, gặp con, gặp anh chị em ở bên kia giới tuyến. Chúng tôi dựng thành hai bức tranh cổ động cỡ lớn cao trên 10 mét, dựng ở bờ Bắc thôn Vĩnh Sơn với những dòng chữ: Thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà và chặn tay bọn Mỹ Diệm. Trước kia thôn Vĩnh Sơn có cái chợ họp ở bờ Nam thuộc cả bờ Bắc mà bà con vẫn qua sông đi về chợ mua bán. Bây giờ tuy thôn bị chia cắt làm đôi nên dân bờ Nam bị cấm ra bờ sông, nhưng bà con vẫn chờ đến ngày phiên chợ, lén ra sau bụi tre, lùm cây lén nhìn sang bờ Bắc lén tìm người thân, họ hàng, dù chỉ được nhìn từ xa hàng hai, ba trăm mét. Tranh chúng tôi dựng lên để đáp ứng nhu cầu đó của lòng tin và tình cảm đôi bờ, đáp ứng nhu cầu đấu tranh ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Mỹ Diệm ở bờ Nam.

Nhớ lại thời kỳ vẽ tranh “Nam Bắc một nhà”

Với những kỷ niệm sâu đậm của chuyến đi, về xưởng vẽ tôi dựng lại bức tranh về nội dung tình cảm của cuộc gặp gỡ Bắc Nam giữa nhân dân đôi bờ vốn cùng xã, cùng tỉnh, cùng một dân tộc. Tôi chuyển nhân vật lên tranh sơn mài, nâng cao tính khái quát, sử dụng những chất thô sơ nhất để diễn tả hình dáng nhân vật: vỏ trứng, vỏ trai làm đậm nhạt, làm áo hoa với những nét viền đen rắn chắc. Thiếu nữ tượng trưng cho miền Bắc bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội có nét mặt tươi vui hơn, trong bộ áo hoa khá lộng lẫy, chị miền Nam đằm thắm mà đượm tình nghĩa trong gian khổ đấu tranh. Mẹ bận áo nâu cánh gián, em bé ngây thơ níu áo mẹ chứng kiến cuộc gặp gỡ vữa trữ tình vừa bi tráng. Cảnh tình ở ngay bên bờ bắc Cửa Tùng đằng sau là lưỡi cát kéo dài trước hàng dương thuộc huyện Giao Linh. Cảnh trí đó rất thân thuộc với bà con Cửa Tùng ở Di Loan, ở Hồ Xá, Vĩnh Sơn, nơi hàng ngày có những cuộc gặp gỡ bí mật giữa những người thân đôi bờ. Tranh vẽ xong năm 63. Sáng tối của bức tranh được diễn tả bằng vỏ trứng, lấy điển hình đen trắng làm chính trên một nền biển xanh lam, gợn sóng bạc đầu cũng gắn bằng vỏ trứng. Những nét vàng điểm sáng trên áo thiếu nữ, trên hàng dương bờ Nam quyện vào biển mây đầy sóng gió và giông bão. Tôi muốn những hình tượng nhân vật và bối cảnh bức tranh phù hợp với cuộc sống đấu tranh lúc đó và gợi được một tương lai tươi đẹp về thống nhất đất nước. Tình cảm lúc đó của tôi nhìn đất nước đôi bờ là như vậy. Có phần vui lại có phần lắng đọng trầm ngâm. Vui vì dù địch có chia cắt tàn bạo đến mấy thì chị em Nam Bắc vẫn nhất định gặp nhau, Nam Bắc vẫn là một nhà. Lắng đọng vì những sự mất mát tất nhiên không tránh khỏi, vì nỗi đau chia cắt của mỗi con người, mỗi gia đình của toàn thể dân tộc.

Nhớ lại thời kỳ vẽ tranh “Nam Bắc một nhà”

Cũng phải mười lăm năm sau, từ ngày tôi vẽ bức sơn mài Nam Bắc một nhà tình cảm nhân vật mới thực hiện được đầy đủ trong niềm vui toàn thắng. Lần này tôi lại được chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đoàn tụ sau hai ba mươi năm ngăn cách, lần này ở ngay trên đất miền Nam tổ quốc. Tràn đầy nước mắt và hạnh phúc như thế. Niềm hạnh phúc đó trong những ngày vui thống nhất cũng là niềm hân hoan của tôi, người nghệ sĩ sáng tác đã từng chia sẻ vui buồn, chia sẻ gian lao với nhân dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhớ lại thời kỳ vẽ tranh “Nam Bắc một nhà”

19 – 8 – 1976
NGUYỄN VĂN TỴ

 

Chia sẻ:
Back to top