1. Tề Bạch Thạch (1863-1957)
Tác phẩm của Tề Bạch Thạch có ảnh hưởng sâu sắc đối với Picasso, những bức tranh sống động tràn đầy năng lượng đã trực tiếp truyền cảm hứng cho khoảng 200 phác họa của Picasso. Trong đó, cọ và mực được sử dụng với phong cách Trung Quốc đặc trưng.
Sự tự do, tính chính xác trong tác phẩm của Tề Bạch Thạch là nguồn cảm hứng cho Picasso, với khám phá về hội họa Trung Quốc trong thấu cảm về thế giới, được ông ưa thích hơn nhiều so với chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt của hội họa phương Tây truyền thống. Ông đã mô tả sự thôi thúc đằng sau hội họa Lập thể bằng những thuật ngữ: “Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng theo cách của người Trung Quốc — tôi không mô phỏng tự nhiên, tôi làm việc mà tự nhiên làm.”
Tề Bạch Thạch. Tôm.
Tề Bạch Thạch. Côn trùng và lá.
2. Trương Đại Thiên (1899-1983)
Việc Picasso đánh giá cao nghệ thuật Trung Quốc có thể sẽ không được biết đến nếu không có chuyến thăm của Trương Đại Thiên, tới studio và nhà của Picasso, biệt thự La Californie, gần Cannes, vào ngày 28 tháng 7 năm 1956. Sau hai cuộc triển lãm thành công ở Paris, Trương Đại Thiên đã viết thư cho Picasso và đề nghị một cuộc gặp, được nhắc đến trong hồi ký của ông.
Hai họa sĩ đã dành nhiều giờ để thảo luận về nghệ thuật Trung Quốc, và Trương Đại Thiên đã rất ngạc nhiên khi thấy Picasso rất quen thuộc với hội họa truyền thống của đất nước mình. Hai người đã tặng quà cho nhau, Trương Đại Thiên tặng Picasso sáu cây cọ, danh mục triển lãm, một số bản vẽ lại bộ sưu tập của ông. Picasso tặng ông một số phác họa, trong đó có những bức vẽ bằng cọ ông tặng.
Cuộc gặp lịch sử là khoảnh khắc hiếm hoi của sự tiếp xúc giữa hai họa sĩ lớn, giữa phương Đông và phương Tây. Đó không chỉ là ảnh hưởng một chiều, dù Trương Đại Thiên kiên quyết rằng kỹ thuật của ông bắt nguồn từ lịch sử hội họa Trung Quốc, nhưng phong cách của ông lại cho thấy những ảnh hưởng khác.
Trương Đại Thiên. Sen.
Trương Đại Thiên. Phong cảnh.
3. Lin Fengmian (1900-1991)
Năm 1918 Lin Fengmian chuyển đến Thượng Hải, nơi ông nhìn thấy một quảng cáo cho một chương trình vừa học vừa làm ở Pháp. Năm 1920, ông đã ở Pháp và làm một họa sĩ vẽ bảng hiệu, vào Học viện Mỹ thuật Dijon, trở thành một phần của làn sóng những nghệ sĩ Trung Quốc đầu tiên học tập ở châu Âu.
Trong vòng sáu tháng, ông được giới thiệu đến Trường Mỹ thuật cao cấp Quốc gia, nghiên cứu những tác phẩm phương Tây kinh điển của bảo tàng Louvre, những tác phẩm hội họa hiện đại trong các phòng trưng bày ở Paris. Khi trở về Trung Quốc vào năm 1925, ông thành lập Học viện Nghệ thuật Quốc gia (nay là Học viện nghệ thuật Trung Quốc) ở Hàng Châu.
Là người tiên phong hòa trộn phong cách hội họa phương Đông với phương Tây, năm 1951, ông dự buổi diễn nhạc kịch cấp quốc gia, lấy đó làm chất liệu cho series ‘Nhạc kịch Bắc Kinh’ nổi tiếng của mình. Ông nói: “Trong những vở kịch cổ, có một cách giải quyết những xung đột thời gian và không gian, như đối với Picasso, ông xử lý các đối tượng bằng cách gấp chúng vào một không gian phẳng. Mục tiêu của tôi không phải là thể hiện những nhân vật và đối tượng này ghép lại với nhau, tôi muốn thể hiện một cảm giác tổng thể liên tục.”
Lin Fengmian. Chim và lá mùa thu.
Lin Fengmian. Làng chài.
4. Fang Ganmin (1906-1984)
Fang Ganmin rời Trung Quốc năm 20 tuổi, theo học Trường Mỹ thuật cao cấp Quốc gia, Paris, theo bước các họa sĩ Pan Yuliang, Từ Bi Hồng, Sanyu.
Khi trở về Trung Quốc vào năm 1929, ông đảm nhận vị trí tại Học viện Nghệ thuật Quốc gia mới thành lập của Lin Fengmian ở Hàng Châu. Ở đó, ông dạy nghệ thuật phương Tây, tập trung vào tranh khỏa thân được vẽ theo phong cách gợi nhớ đến chủ nghĩa Lập thể và các tác phẩm của Picasso mà ông đã từng xem ở Paris. Vì phong cách và họ của ông- ‘Fang’ tiếng Trung Quốc cũng là ‘khối lập phương’- các sinh viên đã gọi ông bằng biệt danh mang nghĩa ‘Lập thể’.
Học viện Quốc gia vào những năm 1930 là một trung tâm của sự đổi mới, với hội họa truyền thống dưới thời Huang Binhong và một khoa nghệ thuật phương Tây gồm Lin Fengmian, Fang Ganmin và Wu Dayu. Trong số các sinh viên có Zao Wou-Ki, Chu Teh-Chun và Wu Guanzhong.
Fang Ganmin. Phong cảnh Chiết Giang.
5. Zao Wou-Ki (1920-2013)
Trong suốt quá trình học tập tại Học viện Nghệ thuật Quốc gia, Zao Wou-Ki nghiêng về phong cách hội họa phương Tây, được khuyến khích bởi những người thầy cách mạng của mình. Triển lãm đầu tiên của ông vào năm 1942 được tổ chức cùng người thầy Wu Dayu. Dựa trên những tấm bưu thiếp do người chú gửi từ Paris và các bản vẽ trên các tạp chí Mỹ như Life, Harper’s Bazaar và Vogue, Zao Wou-Ki đã trưng bày một loạt các bức vẽ đáng kinh ngạc chịu ảnh hưởng của các họa sĩ như Cézanne, Matisse và Picasso.
Với mong muốn nhìn thấy những tác phẩm phương Tây vĩ đại này bằng xương bằng thịt, Zao Wou-Ki chuyển đến Montparnasse, Paris, vào năm 1948, sống gần studio của Giacometti trên phố Hippolyte-Maindron. Trong vòng ba năm, tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Galerie Pierre, và giành được sự ngưỡng mộ của chính Joan Miró và Picasso.
Trước khi qua đời vào năm 2013, Zao Wou-Ki là một trong những họa sĩ Trung Quốc quan trọng nhất của thế kỷ 20, ông đã thu hẹp khoảng cách giữa nền hội họa của phương Đông và phương Tây.
Zao Wou-Ki. 24.12.59.
Zao Wou-Ki. 29.09.64.
Nguồn: Christie’s, Invaluable.