Theo cuốn “Từ điển họa sĩ” của NPBMT Quang Việt, họa sĩ Lê Huy Hòa quê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Học trường Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa kháng chiến”.
Chân dung họa sĩ Lê Huy Hòa (1932- 1997)
Giải nhất về trình bày sách, cuốn “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1953). Từng đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hòa bình lập lại, ông là họa sĩ chính của xưởng phim hoạt hình Việt Nam.
Thời kỳ đầu, ông chủ yếu vẽ tĩnh vật và phong cảnh (sơn dầu hoặc sơn mài), bút pháp thiên về đồ họa trang trí.
Từ 1972, ông thực hiện hai loạt tranh sơn dầu khổ lớn: “Bài ca về ngã ba Đồng Lộc” (giải nhất TLMTTQ 1990) và “Khát vọng” – như để mở một lối đi vào khuynh hướng hiện thực “thần diệu” của phái siêu thực bằng kỹ thuật tạo ảo giác với những màu dịu lạnh…
Thời kỳ cuối, ông trở lại với tranh phong cảnh, thiếu nữ hoặc thể hiện các motif biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc cổ.
Lê Huy Hòa.(1932- 1997). Đoan trang. Lụa. 45×65 cm
Đây là một trong những bức tranh đẹp nhất trong sự nghiệp sáng tác của Lê Huy Hòa. Bao nhiêu năm nay, ảnh chụp bức tranh này dù đã được in trong nhiều cuốn sách nhưng mấy người đã được ngắm nhìn trực tiếp. Không những thế, trải qua nhiều lần chỉnh sửa, ảnh chụp bức tranh đã bị cắt đi một trong những chi tiết quan trọng nhất là chữ ký cùng lời tựa đề tặng trong tranh của tác giả. Trong cuốn “Tranh lụa Việt Nam” – Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 1992, ghi chú thích “Thiếu nữ ngồi trên đôn bên bức tranh hổ cổ”.
Trên thực tế, bức tranh có tựa đề “Elegant – Đoan trang”. Chi tiết này được ghi rất rõ trên 2 nhãn giấy dán phía sau tấm gỗ mặt sau tranh. Một nhãn có vẻ là “danh thiếp” ghi rõ “ELEGANCE” Silk…by LE HUY HOA họa sĩ. Đề tài “ĐOAN TRANG” chất liệu lụa. Khuôn khổ 65x45cm. Không những thế còn có địa chỉ 38 Hoàng Hoa Thám (nhà riêng của họa sĩ Lê Huy Hòa) với giá bán 1600 usd. Nhãn giấy thứ hai có nội dung tương ứng ghi rõ Hội Văn nghệ Hà Nội. Đây chắc là phiếu nhận tranh gửi của Hội những năm thập niên 80, 90.
Khi được nhìn ngắm, tiếp xúc trực tiếp với bản tranh lụa gốc, ngoài chữ ký của Lê Huy Hòa, còn có dòng chữ đề tặng quý giá “Tặng T.B.L”…Chỉ dựa vào 3 chữ quý giá ấy, biết chút ít về cuộc đời của ông, chúng ta có thể hiểu ngay câu chuyện trong bức tranh. T.B.L là viết tắt của tên gọi “Trần Bạch Liên”, người phụ nữ hết mực yêu thương ông từ những năm 1973; ở cùng và chăm sóc ông cho đến tận khi ông qua đời vào năm 1997.
Bức tranh khắc họa hình ảnh một thiếu nữ đang ngồi trên chiếc đôn trong tà áo dài màu vàng tươi sáng bừng bên cạnh bức tranh hổ. Chiếc đôn (sứ) được cách điệu với những họa tiết trang trí rất độc đáo, đẹp đến lạ kỳ. Có lẽ, nếu không có hình ảnh chiếc đôn sứ gam màu xanh ấy thì chưa chắc bức tranh đã có hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt như thế.
Thế mạnh của Lê Huy Hòa là những sáng tác mang tính “trang trí đồ họa”. Ông thường tạo không gian xa gần trong tranh bằng tương quan đậm nhạt với cách vờn sáng tối trên khối hình. Ở bức tranh “Đoan trang”, ông chỉ dùng các mảng phẳng đặt nối tiếp. Các chi tiết, hình thể trên mặt tranh được tạo bằng không gian ước lệ. Gần với ngôn ngữ của tranh dân gian Đông Hồ.
Sự nữ tính, dịu dàng rất đỗi đoan trang, thanh lịch của nhân vật nữ cảm giác được tạo khởi từ yêu thương trong chính họa sĩ. Nó điều khiển nét bút trở nên nhẹ nhàng, đong đầy tình cảm.
Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời bức tranh, bà Bạch Liên giọng trầm xuống: “Ngày đó không có nhiều việc để làm thêm, nên họa sĩ dành nhiều thời gian sáng tác với tâm thế thảnh thơi”. Bà cũng cho biết thêm, tại sao con hổ trong tranh được Lê Huy Hòa tạo hình gần như nhân vật chính bởi đấy là năm tuổi của bà (bà sinh năm 1938, Mậu Dần).
Thoạt tiên, bức tranh thuộc sở hữu một nhà sưu tập nổi tiếng ở Hà Nội. Nhà sưu tập này rất thích bức tranh, đã qua lại nhà họa sĩ nhiều lần để hỏi mua mà không được. Theo lời kể của bà Trần Bạch Liên, vào những năm tháng cuối đời, họa sĩ đã phải bán bức tranh mà ông yêu quý đi để có thêm tiền trang trải chữa bệnh.
Họa sĩ Lê Huy Hòa chỉ sáng tác một bản tranh lụa “Đoan trang” duy nhất này thôi – bà Trần Bạch Liên khẳng định.
Cuối cùng tất cả mọi thứ sẽ đi qua, sẽ vào quá khứ. Chỉ còn tình yêu thương ở lại trong tâm trí người đang sống.
Đó là sự kỳ diệu của tình yêu.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View