Logo loading

Những nàng thơ hiện đại, biểu tượng trường tồn của cái đẹp

|Viet Art View

“Có lẽ vì sự mơ hồ về khái niệm ‘cái đẹp’, các nhà sử học nghệ thuật hay né tránh từ này,” Richard R. Brettell viết trong cuốn sách Về vẻ đẹp hiện đại. Tuy nhiên, ông cam kết đạt được hiểu biết sâu sắc hơn về hiện đại và cái đẹp thông qua nghiên cứu về hai khái niệm này đem lại nhờ bàn tay của các nghệ sĩ quan trọng trong kỷ nguyên hiện đại. Đó là một ý tưởng mới lạ, một cách để dung hòa cái đẹp hiện thân trong một tác phẩm nghệ thuật: như nó được thể hiện bởi nghệ sĩ và như nó được trải nghiệm bởi người thưởng thức.

Trước buổi đấu giá buổi tối hiện đại của Sotheby’s ([đã diễn ra] ngày 27 tháng 4, Hồng Kông), chúng ta cùng xem qua tuyển chọn tranh của các bậc thầy nghệ thuật hiện đại tôn vinh những nàng thơ đã là nguồn cảm hứng nghệ thuật của họ. Thông qua những tác phẩm này, chúng ta cảm nhận được sự cộng hưởng và phản ứng tình cảm từ các mối quan hệ của nghệ sĩ với đối tượng của họ, được thể hiện qua một tuyên bố mạnh mẽ về cái đẹp trường tồn.

Dora Maar

Pablo Picasso ‘Dora Maar’

Những người phụ nữ trong cuộc đời Pablo Picasso là yếu tố cơ bản của quá trình sáng tạo và tư tưởng, những điểm tựa cho thiên tài của ông. Với Picasso, Dora Maar không chỉ là một nàng thơ. Khi họ gặp nhau lần đầu vào năm 1935, Picasso vẫn đang trong cuộc hôn nhân với Olga Khokhlova và có người tình là Marie-Thérèse Walter. Dora Maar là một nhiếp ảnh gia triển vọng, nhỏ hơn ông 26 tuổi, đã gây dựng được tên tuổi trong nhóm Siêu thực Ý. Với phong thái quyến rũ và năng khiếu tiếng Tây Ban Nha, cô trở thành một thách thức, nhanh chóng lôi cuốn Picasso, một nguồn kích thích với cả nghệ thuật và tư tưởng. Tác phẩm Dora Maar được vẽ năm 1939, khi sự hiện diện của cô trở nên bao quát. Mối tình lãng mạn của họ đầy biến động và bất an, khiến Picasso hay vẽ khuôn mặt cô theo kiểu đượm một nỗi u sầu dai dẳng.

“Với tôi, cô ấy là người phụ nữ khóc,” Picasso nói. “Trong nhiều năm, tôi đã vẽ cô ấy trong những bộ dạng bị tra tấn, không phải vì tính bạo dâm, và cũng không phải vì khoái lạc; chỉ tuân theo một ảo ảnh áp đặt lên mình. Đó là một thực tại bí ẩn, không chỉ là vẻ bề ngoài”. Bức tranh phản ánh sức mạnh của Maar. Nhìn vào nó, người xem cảm nhận được bầu không khí xung quanh Dora Maar thấm đượm sự tự tin và tao nhã của cô. Đôi mắt tách rời, đôi môi hơi mím đầy suy tư và bí ẩn. Đó là một bức chân dung tuyệt đẹp về sự tương phản, thể hiện cả xung đột và cảm hứng trong mối quan hệ giữa Dora Maar và Picasso.

Aline Charigot

Pierre-Auguste Renoir ‘Baigneuse accoudée’ 1882.

Baigneuse accoudée (1822) của Pierre-Auguste Renoir đã báo trước cho chủ đề khỏa thân, sẽ trở thành biểu tượng cho tác phẩm của ông. Bố cục này đã thoát khỏi phong cách Ấn tượng, một nhân vật nữ khỏa thân với vẻ đẹp của một tác phẩm điêu khắc, tương phản với màu nền. Nàng thơ của Renoir, Aline Charigot, người phụ nữ sau này sẽ trở thành vợ ông, được mô tả trong một phong thái hững hờ không kiểu cách. Làn da đẹp như sứ tiếp giáp với bầu không khí “lung linh với sắc vàng, ngọc lục bảo và hồng ngọc”, như lời của Arsène Alexandre, chủ sở hữu đầu tiên của bức tranh. Có lẽ, bức tranh với tông màu trang sức là một phép ẩn dụ cho chủ thể vàng — một người đã trở thành điểm tựa trong cuộc đời và những bức tranh của Renoir. Charigot tỏa sáng với tư cách là nhân vật chính đối lập trực tiếp với phong cách được những người cùng thời với Renoir áp dụng, các đường nét trở nên gợi cảm dưới những nét cọ tinh tế.

Camille Claudel

Auguste Rodin ‘Esteernel printemps, second estat. 2 ème réduction dite aussi “Taille no 4”’

Éternel Printemps (1884) của Auguste Rodin là một khoảnh khắc sâu đậm đóng băng trong dòng thời gian: Một chàng trai và người yêu của anh ta đắm chìm trong nụ hôn say đắm; phần lưng cong đầy gợi cảm của cô và phần thân nghiêng của chàng trai kết hợp lại như hai nửa của tổng thể. Tác phẩm điêu khắc có thể được lấy cảm hứng từ mối quan hệ của Rodin với nhà điêu khắc trẻ tuổi Camille Claudel, người mà ông gặp lần đầu tiên vào năm 1882 khi cô mười tám tuổi. Ban đầu đảm nhận vai trò gia sư của Claudel, Rodin nhanh chóng bị thu hút bởi ánh mắt của cô, kỹ năng khéo léo và sự quyết tâm cứng rắn. Như anh trai của Claudel đã mô tả, “một vầng trán trác tuyệt, đôi mắt xanh thẳm tuyệt đẹp hiếm thấy ngoại trừ trong tiểu thuyết… [và] mái tóc màu hạt dẻ thực sự mà người Anh gọi là auburn [màu nâu vàng]”. Mang sự khêu gợi thường trực, mối quan hệ thật sự là một bước ngoặt với Rodin.

The Fiancée [Hôn thê]

Mai Trung Thu ‘Quý cô bên ban công (La fiancée)’ 1953.

Người phụ nữ đang chờ đợi trong Lady at Balcony (La Fiancée) [Quý cô bên ban công] (1953) là một người phụ nữ trong tưởng tượng hoặc là có thật trong quá khứ của Mai Trung Thứ. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Việt Nam, Mai Trung Thứ rời quê hương sang Pháp năm 1937, né tránh một cuộc hôn nhân sắp đặt. Trong Lady at Balcony (La Fiancée), người phụ nữ đằm thắm với tà áo dài, thanh thản nhìn ra ban công với cảm giác mong chờ. Phía sau cô, một bầu trời xanh ngọc vô định che khuất mọi thứ bên ngoài. Đôi mắt chứa đầy nỗi buồn nhưng tổng thể vẫn duyên dáng và trang nghiêm, ngay cả khi đối mặt với sự tàn nhẫn. Nét vẽ uyển chuyển mềm mại, khắc họa dáng vẻ bâng khuâng của nhân vật. Từ cuối những năm 1940, Mai Trung Thứ đã thay đổi phương tiện — từ bỏ sơn dầu trên toan để chuyển sang bột màu trên lụa, và ông sẽ quay lại nhiều lần với những chủ đề gắn liền với bản sắc Trung- Việt của mình. Lady at Balcony (La Fiancée) có thể là sự bày tỏ lòng kính trọng đối với một người phụ nữ trong quá khứ của ông, hoặc có lẽ người phụ nữ ấy là đại diện cho nỗi mong nhớ từ quê hương mà ông đã để lại.

Cô gái Bali

Cheong Soo Pieng ‘Cô gái Bali’ 1978.

Năm 1952, họa sĩ người Singapore gốc Hoa Cheong Soo Pieng đã đến đảo Bali của Indonesia với hy vọng tìm kiếm những phong cảnh và con người mới cho các tác phẩm của mình. “Tôi bị mê hoặc bởi phong cảnh và phụ nữ Bali. Tôi phát hiện ra rằng phụ nữ Bali là đối tượng lý tưởng đối với tôi, và tôi đã vẽ rất nhiều bức tranh, theo cảm nhận hiện đại và theo ý thích của riêng tôi, nhiều bức tranh trong số đó tôi không nghĩ là sẽ bán,” ông nhớ lại. Cô gái Bali (1978) là hình ảnh bất tử của những người phụ nữ Bali mà ông quan sát trong các chuyến du lịch của mình, và phản ánh tư tưởng nghệ thuật Nanyang nổi tiếng của ông, đặc biệt là sự kết hợp ảnh hưởng từ các phong trào bên châu Âu — Lập thể và Dã thú, với hình ảnh của Đông Nam Á. Những họa tiết nhuốm màu đất trong Cô gái Bali thể hiện một người phụ nữ duy nhất, bán khỏa thân với hình ảnh bản địa, là một ví dụ tiêu biểu cho bản sắc Bali. Thân hình mảnh mai và đôi mắt nai của cô gợi nhớ đến những con rối bóng truyền thống của Indonesia, làn da với sắc vàng phản chiếu ánh nắng Bali ấm áp. Chiếc xà rông làm từ vải batik rực rỡ, mang hình ảnh cách điệu của những bông hoa râm bụt. Hình dáng cô gái có những nét tương đồng với những hình dáng thon dài trong tác phẩm của Amadeo Modigliani. Phía sau là một cái cây, có lẽ là biểu tượng của chính Pieng, một nơi ẩn náu, một biểu tượng che chở cho nhân vật.

Jeune Fille au Chat Blanc

Le Pho ‘Jeune fille au chat blanc’

Trong giai đoạn thứ ba của sự nghiệp, được gọi là thời kỳ Findlay, những sáng tác của họa sĩ người Pháp gốc Việt Lê Phổ được lấy cảm hứng từ những người phụ nữ hoặc gia đình từ quê hương Việt Nam của ông, tái hiện theo phong cách Lãng mạn và Ấn tượng. Trong Jeune fille au chat blanc, nàng thơ, một người phụ nữ với một chú mèo trắng, tay cầm bút, cuốn sổ mở đang chờ đợi dòng chữ tiếp theo. Phong thái của cô trầm ngâm và thanh thản; những đường nét thể hiện một dáng hình mềm mại, đắm trong hào quang Siêu thực. Bố cục thu hút ánh mắt người xem vào những món nội thất tươi sáng. Lê Phổ đã kết hợp kỹ thuật hội họa truyền thống của Trung Quốc với phong cách Hậu Ấn tượng mà ông đã phát triển khi sống ở châu Âu. Có lẽ nàng thơ của ông không chỉ là một nàng thơ, mà còn là sự phản chiếu bản thân ông: hội tụ những yếu tố của cả phương Đông và phương Tây.

Người bán mít

Hendra Gunawan ‘Người bán mít’ 1958.

Nàng thơ của Hendra Gunawan trong Người bán mít (1958) không phải là người quen hay bạn bè, mà là một phụ nữ trong cộng đồng ở quê hương Indonesia của ông. Bức tranh thâu tóm hình ảnh một người phụ nữ bán hàng tròn trĩnh với những quả mít, bàn tay, bàn chân to khỏe của cô đặc biệt đáng chú ý, gợi nhớ về sự rắn chắc đặc trưng của con người Indonesia. Chiếc Kebaya mỏng cùng hoa văn Batik truyền tải năng lượng sống trong một khung cảnh đời thường. Tách khỏi những bức tranh chỉ có duy nhất một nhân vật của Gunawan, Người bán mít mô tả hai nhân vật nữa, dường như một Indonesia đã hiện ra với nhiều avatar. Những người phụ nữ mặc những chiếc Kebaya đầy màu sắc như ánh nắng mặt trời, thể hiện cả sự thịnh vượng của đảo quốc. Bầu trời nung chảy một màu cam bao bọc những người phụ nữ vươn mình vào quên lãng, ngụ ý vễ những khả năng vô hạn của Indonesia.

Nguồn: Sotheby’s

Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top