Lấy cảm hứng từ những ngọn núi và bầu trời Bắc Cực mùa đông, các họa sĩ Bắc Âu đã nắm bắt được điều kỳ diệu trong sự tàn khốc của thiên nhiên
Khi bóng tối nghiêm trang của tháng mười hai bao trùm khắp Na Uy, một tâm trạng nhẫn nại buồn bã nhuộm màu đất nước tĩnh lặng. Mặt trời đi khỏi vùng cực trong nhiều tháng và mùa đông khắc nghiệt bọc lấy mặt đất trong băng tuyết. Phía nam của lớp sương giá vĩnh cửu, những thân cây đen nhánh và trơ trụi xẻ đôi bầu trời, cơn gió lạnh thấu xương thổi xuống từ những ngọn núi phía Bắc, thổi qua những hòn đảo, những vịnh hẹp và hồ, quét qua những miền quê hẻo lánh và đưa những tinh thể đi trong cơn mưa băng giá rực rỡ lấp lánh. Không gian giữa trái đất của chúng ta với những chiều kích ma thuật và thần thoại khác bị nén lại ở đây, căng thẳng chờ đợi ánh sáng quay về, đối chọi với khung cảnh tàn nhẫn, khắc khổ và lãnh đạm. Không thiện, không ác, vùng đất này sẽ giết chết những kẻ thiếu chuẩn bị. Con người sẽ phải chịu đựng sự kinh hãi, trở nên rất nhỏ bé và bị nguyền bởi sức nặng của thiên nhiên.
August Cappelen, Rừng nguyên sinh chết, 1852, sơn dầu trên toan, 93 cm × 136 cm,
Bộ sưu tập Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế, Oslo
Các họa sĩ Na Uy ngắm nhìn bầu trời trang nghiêm và những ngọn núi không thay đổi. Mùa đông phương Bắc dạy chúng ta rằng Trái đất không hề tàn khốc, nó đơn giản là thờ ơ, tất yếu và siêu phàm. August Cappelen vẽ trên mép nước, nơi những thân cây cứng cáp bị tách ra và nứt, vỡ vụn dưới sức nặng và áp lực băng giá của bầu trời nặng nề. Rừng nguyên sinh chết của ông nhìn sự sống trong cuộc chiến sinh tồn tuyệt vọng. Đây không phải là nơi dành cho sự ngây thơ. Phong cảnh từ Telemark của Joachim Frich cho thấy trận chiến tương tự của những thân cây vững chãi đã cằn cỗi vì tranh đấu, gục ngã ở rìa khu rừng trống, nơi các vũng nước tích tụ, một con tuần lộc cô đơn đi qua đám thân cây mục nát.
Joachim Frich, Phong cảnh từ Telemark, sơn dầu trên toan, 1852, 93cm × 136cm,
Bộ sưu tập Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế, Oslo
Chứng kiến sự siêu phàm là đứng ở điểm vượt qua một ngưỡng cửa, ở ranh giới ngăn cách các thế giới, nhìn thấy điều gì đó nằm giữa phạm vi của con người và cõi thần thánh. Đối với Edmund Burke, sự siêu phàm được đặc trưng bởi sự ngạc nhiên, sợ hãi, đau đớn, dữ dội và mù mờ, trong khi cái đẹp được bộc lộ ở sự điềm tĩnh, an toàn, êm ái và trong sáng. Cả hai đều có thể được trải nghiệm một cách lý thú – nhưng sự kinh ngạc là hiệu ứng ở mức độ cao nhất của tính siêu phàm, nó tạo ra trạng thái đông cứng, kinh ngạc và kinh hoàng. Quy mô rộng lớn là điều cơ bản – đại dương lớn đến mức gây ra nỗi sợ, độ sâu tự nhiên đáng sợ hơn nhiều so với chiều cao, và sự vô tận cũng là nguồn gốc của sự kính sợ.
Peder Balke, Cảnh Torghatten và Nhà thờ ở Brön Öe, sơn dầu trên bìa, 27.8cm × 37.2cm
Chắc chắn Peder Balke biết rằng không một nhà thờ nào có thể cạnh tranh với khoảng không gian vĩnh cửu của thiên nhiên khi ông vẽ Torghatten, phiến đá granit vĩ đại được chiếu sáng bởi mặt trời đang lặn dưới nền thẫm màu của mùa đông – một con mắt rực sáng giữa bầu không khí và đại dương đang nhìn về phía nhà thờ nhỏ ở Brön Öe, một biểu tượng tôn giáo khắc khổ của con người nhỏ bé trong cuộc đối đầu ngớ ngẩn với sức mạnh của sự siêu phàm tự nhiên và vĩnh cửu, một sự tự phụ buồn cười ở đây, nơi vòm đá vĩnh cửu với những băng giá đã bao phủ khung cảnh này trong ba mươi nghìn năm, trước khi loài người thời đồ đá cũ tìm cách đi trên con đường vận mệnh về phương Bắc.
Từ sự kính sợ, con người phải tạo ra những ẩn dụ và ngụ ngôn để làm dịu đi cái siêu phàm: Mang lại nhân tính cho những vách đá vô tư và những vịnh hẹp sâu thẳm; kể những câu chuyện thiêng liêng để đơn giản hóa những điều không thể tưởng tượng được; thu nhỏ quy mô của khung cảnh chết chóc cho đến khi những bí ẩn của vùng đất không khoan nhượng, hơi nước bốc lên từ biển băng và những vị thần tàn ác dường như hòa quyện vào nhau – những câu chuyện như vậy đã tạo không gian cho các anh hùng du hành trong vùng đất thần thoại của sự kỳ diệu và kinh ngạc. Trên thực tế, loài người là kẻ mới đến, lướt qua bề mặt của đá, băng và đại dương. Các nghệ sĩ tạo hình biết rằng núi mới là kẻ bảo vệ thực sự cho vùng đất.
Harald Sohlberg, Đêm mùa đông ở vùng núi, sơn dầu trên toan, 1914, 160.4 × 180 cm,
Bộ sưu tập Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế, Oslo
Ở trên những ngọn núi sống động, Harald Sohlberg đã tìm thấy vực thẳm và ngôi sao xa xôi cho Đêm mùa đông ở vùng núi của ông. Bóng đen của cây và lá mượn từ bệ thờ thần thánh của Da Vinci, khoác trên mình lớp áo đêm, cắt vào hình dạng gợi cảm của những đỉnh núi đang ngủ say.
Peder Balke, Ngọn Stetind trong sương, sơn dầu trên toan, 58.5 × 71.5cm, 1864,
Bộ sưu tập Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế, Oslo
Bức tranh Ngọn Stetind trong sương của Balke làm nổi bật phiến đá mang tính biểu tượng của ngọn núi với một sự tự tin phù hợp với sự căng thẳng giữa loài người và hàng thiên niên kỷ đã trôi qua. Ngọn Stetind, cái nêm, cái đe, địa tầng và minh chứng của các thời đại, là một đài tưởng niệm nguyên khối cho thời gian.
Anna Boberg, Bắc Cực quang, nghiên cứu từ Bắc Na Uy, sơn dầu trên toan, 97cm × 75 cm
Phong cảnh của Na Uy vẫn có một khía cạnh nhẹ nhàng hơn, ngập tràn ánh sáng, một cuộc sống hữu cơ đầy rung động, mặc dù nó vẫn chìm trong những chiều kích của sự siêu phàm. Vào những đêm quang đãng, bầu trời chạng vạng đầy sao được nhuộm màu bởi ánh sáng thanh thoát đầy màu sắc khi những cơn bão từ của mặt trời bị che khuất đổ xuống hành tinh, tắm thế giới im lặng trong phép thuật êm dịu của chúng. Bắc Cực quang là tinh hoa của các lực lượng tự nhiên, là hiện thân của thiên đường, một dấu hiệu thần bí cho những người tìm kiếm. Những người Sami lần đầu tiên đến miền Bắc Na Uy khi kỷ băng hà rút lui không thích nhìn quá lâu vào cực quang vì sợ ảnh hưởng của chúng.
Đối với người Viking, chúng là hình ảnh phản chiếu từ những tấm khiên của các Valkyrie và chỉ cho những chiến binh con đường vinh quang đến Valhalla. Anna Boberg đã cố gắng tìm kiếm những uy nghi của chúng trong Bắc Cực quang, Nghiên cứu từ Bắc Na Uy, vẽ nên màn trình diễn trong bầu trời màu xanh và tím treo trên quần đảo Lofoten, và Balke đã phác họa chúng trong Bắc Cực quang trong phong cảnh bờ biển, với mong muốn thể hiện cảnh tượng nghiêm trang trên những hòn đảo rải rác gần bờ Biển Bắc khi những tảng đá nổi lên từ làn nước đóng băng và những vệt sáng đổ xuống từ bầu trời. Họ dường như đều hiểu rằng sự huy hoàng và những dải ánh sáng lung linh chuyển động ấy không bao giờ có thể bắt lại được bằng chất liệu tĩnh của mình.
Peder Balke, Bắc Cực quang trong phong cảnh ven biển, sơn dầu trên giấy, 1870, 10.5 cm × 12 cm
Trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của loài người, phong cảnh là một cuốn sách. The Tarn [Hồ trên núi] của Lars Hertervig đi theo con đường của Cappelen vào vùng đất hoang vắng ẩm ướt, nơi hơi nước bốc lên từ những hồ nước thời kỳ đồ đá cũ và tạo thành những đám mây kỳ lạ. Ông theo đuổi vẻ đẹp và sự bí ẩn của đất nước đầy mây với tác phẩm Đảo Borgøya, nơi khối đá granit màu xám nổi lên trên một đại dương phản chiếu ánh sáng mùa xuân. Nhưng ngay cả ở đó, mặc dù những đám mây tạo thành những hình dạng tinh tế hơn, và Hertervig đã tìm thấy những hình dạng nhẹ nhàng hơn khi băng nhường chỗ cho sự xuất hiện của vùng đất mùa hè của ngày không màn đêm, thiên nhiên siêu phàm vẫn giữ quyền năng. Không có vị thần nào ở đó, ngoại trừ chính vùng đất.
Lars Hertervig, The Tarn [Hồ trên núi], 1865, nguồn: Nasjonalmuseet
Lars Hertervig, Đảo Borgøya, 1867, nguồn: Nasjonalmuseet
Bài viết của Michael Pearce
Nguồn: Mutual Art
Lược dịch bởi Viet Art View