VŨ CAO ĐÀM (1908-2000)
“Ở chùa”, 1964
Sơn dầu trên toan
Ký và ghi năm ở góc dưới bên trái
66 × 55 cm
Vũ Cao Đàm học khóa II (1926-1931) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sang Pháp tu nghiệp năm 1931, sau đó chọn Pháp làm nơi sinh sống và lập nghiệp. Đầu thập niên 1950, ông may mắn được tiếp xúc và làm bạn với hai danh họa lừng danh là Matisse và Marc Chagall. Từ đây, phong cách hội họa của Vũ Cao Đàm chuyển sang một giai đoạn mới, mang màu sắc của Chủ nghĩa Ấn tượng.
Ngoài một số ít tranh phong cảnh vùng Vence, nơi Vũ Cao Đàm sống, ông dành hết thời gian, tâm trí và tình cảm cho những sáng tác về quê hương. Ông đặc biệt thích các tích cổ như Kiều, Chinh phụ Ngâm. Hình ảnh chị em Thúy Kiều; chàng Kim Trọng; thiếu nữ trẻ; phụ nữ và những đứa con; những con ngựa và các chiến binh; những chú gà xuất hiện trong hầu hết các sáng tác. Các nhân vật xuất hiện trong bối cảnh kiến trúc pha trộn kiểu thức giữa quê nhà và nơi đang sinh sống trong một tiềm thức mơ màng giữa quá khứ và hiện tại.
Tác phẩm “Ở chùa” thể hiện sự ảnh hưởng từ hội họa Ấn tượng cùng các nhân vật đậm chất Việt. Có thể ông đã lấy cảm hứng từ hình ảnh chàng Kim Trọng và nàng Thúy Kiều. Sắc trắng nền nã trên trang phục của cô gái ở hậu cảnh tỏ ra rất phù hợp với câu chuyện trong bức tranh. Nhân vật ở tiền cảnh dường như đang tọa thiền với bầu rượu được giữ bởi hai tay. Không gian xung quanh nhân vật này mang vẻ trầm mặc, một bầu không khí tĩnh tại từ đó tỏa ra bao trùm bức tranh.