Phạm Hậu (1903-1994), “Hương mùa hạ”, 1948, Mực nho, mực màu trên giấy, Ký và đề năm ở góc dưới bên trái, 42×62 cm
Phạm Hậu, nguyên quán làng Đông Ngạc (còn gọi là làng Vẽ), Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa V, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1929-1934) cùng Nguyễn Văn Lăng, Nguyễn Văn Long, Trần Bình Lộc. Ông cũng từng tốt nghiệp Trường Bách nghệ Hải Phòng, là thành viên sáng lập Hợp tác xã các Nghệ sĩ Đông Dương (La coopérative des artistes indochinois). Năm 1954, ông được vua Bảo Đại thưởng Long Bội tinh và sắc phong Hàn Lâm trước tác. Năm 1927, Hiệu trưởng Victor Tardieu và Giáo sư Joshep Inguimberty đưa nghề sơn truyền thống vào chương trình giảng dạy của trường. Trong thời gian học ở trường, ông cùng Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân cùng nghiên cứu kỹ thuật sơn ta, tìm cách pha chế để có thể vẽ nhiều lớp sơn chồng lên nhau. Kỹ thuật mới này đã thành công, được đưa vào sáng tác.
Với chất liệu sơn mài, Phạm Hậu đạt được nhiều thành tựu lớn và là một trong những người quan trọng trong việc tìm tòi và phát triển các kỹ thuật sơn mài mới sau này. Ngoài sơn mài, ông cũng sáng tác trên một vài chất liệu khác như lụa, màu nước, mực nho, pastel. Phạm Hậu được biết đến với danh xưng bậc thầy sơn mài với những bức tranh “vi tế” diễn tả những cảnh vật lớn trong một diện tích mặt tranh khiêm tốn. Sự nghiệp của ông phần lớn gắn liền với sơn mài. Vì vậy, những tác phẩm trên chất liệu khác xuất hiện khá ít. Trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức “Gió mùa hạ”, sáng tác năm 1940, là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất trên chất liệu sơn mài của Phạm Hậu.
Bức “Hương mùa hạ” ở phiên đấu này được Phạm Hậu sáng tác năm 1948, lại cho chúng ta một tạo hình hoa sen trên một chất liệu khác của ông. Theo quan niệm dân gian, chuồn chuồn đậu hoa sen tượng trưng cho sự may mắn. Hoa sen, tượng trưng cho hệ mộc, từ nước mọc lên – tượng trưng cho hệ thủy. Chuồn chuồn tượng trưng cho gió – cũng là hệ thủy. Thủy tương hợp thủy, thủy dưỡng mộc nên yếu tố tương sinh ngũ hành rất hợp. Không những thế, hoa sen lại tượng trưng cho sự thanh khiết, trong trắng. Chuồn chuồn lại mang ý nghĩa may mắn, sự nhanh nhẹn, linh hoạt. Vì vậy, ngoài tên tuổi nổi tiếng của Phạm Hậu, vẻ đẹp của tạo hình nghệ thuật, bức tranh này ẩn chứa thông điệp về sự may mắn, tốt lành. Bức tranh “Hương mùa hạ” được vẽ năm 1948 là một bức tranh hiếm. Chữ ký và triện trên mặt tranh tương đồng với bức “Chân dung con gái”, phấn màu trên giấy, sáng tác năm 1948. Điều này cho thấy đây là một tác phẩm chân bản của họa sĩ.
“Hương mùa hạ”, chất liệu mực nho, mực màu trên giấy, được Phạm Hậu sáng tác theo lối vẽ tranh thủy mặc thanh thoát, chấm phá đậm nhạt đan xen linh hoạt. Nó khẳng định tính quy chuẩn về tạo hình hàn lâm, kỹ thuật bậc thầy và nét tài hoa của Phạm Hậu trên nhiều chất liệu. Phạm Hậu sáng tác “Hương mùa hạ” khi ông mới ngoài 40 tuổi, đang ở thời kỳ nghệ thuật sung sức. Một năm sau đó, Trường Quốc gia Mỹ nghệ được thành lập bởi các sáng lập viên Phạm Hậu, Trần Văn Du, Trần Quang Trân vào ngày 12 tháng 8 năm 1949. Phạm Hậu đã giảng dạy ở đây đến tận khi về hưu vào năm 1962.