Logo loading

“PHỐ ĐÊM THÁNG BA” CỦA TRỊNH THÁI (1941-2020)

Trịnh Thái (1941-2020). Phố đêm tháng Ba. 1994. Sơn dầu. 120x140cm Mọi sáng tác hội họa về phố cổ Hà Nội dường như đều có thể được liên hệ và so sánh với “Phố Phái”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Bùi Xuân Phái vốn được xem là họa sĩ đầu tiên và cũng là […]
|Viet Art View

Trịnh Thái (1941-2020). Phố đêm tháng Ba. 1994. Sơn dầu. 120x140cm

Mọi sáng tác hội họa về phố cổ Hà Nội dường như đều có thể được liên hệ và so sánh với “Phố Phái”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Bùi Xuân Phái vốn được xem là họa sĩ đầu tiên và cũng là họa sĩ thành công nhất ở mảng đề tài này. Ông gần như đã đưa “tranh phố” lên tầm của một thể loại riêng, độc lập với khái niệm chung có tên gọi là “tranh phong cảnh”.

Đúng vào năm Bùi Xuân Phái ra đi – 1988, Trịnh Thái, tác giả của bức tranh “Phố đêm” chúng ta đang thấy ở đây, đã có triển lãm cá nhân lần đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm sau – 1990, ông có triển lãm cá nhân lần thứ hai ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1991, tại Nhà Việt Nam ở Thủ đô Paris, nước Pháp, ông lại có triển lãm cá nhân lần thứ ba, tiếp ngay sau các triển lãm cá nhân cũng tại đó của Nguyễn Trung và Trần Lưu Hậu.

Trong mấy năm “Đổi mới” đầu tiên, có thể nói, Trịnh Thái là một trong những họa sĩ năng động nhất, nổi bật nhất.

Giống như một số họa sĩ khác ở giai đoạn này, noi gương Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm hay Bùi Xuân Phái – người họa sĩ ngoài 40 tuổi Trịnh Thái, dẫu có hơi muộn, nhưng đã thực sự bắt đầu đi vào khuynh hướng “hội họa biểu hiện cá nhân”. Ông hầu như chỉ sáng tác xoay quanh các thể loại-đề tài vĩnh cửu: chân dung, tự họa, thiếu nữ, khỏa thân, phong cảnh, biển, hoa, tĩnh vật, sinh hoạt vùng cao, và đặc biệt có sở thích vẽ phố. Vì vậy, khi tìm hiểu về hội họa Trịnh Thái, chúng ta có thể tìm thấy một số điểm tham chiếu trong hội họa của Bùi Xuân Phái, đặc biệt trong “Phố Phái”.

Chân dung họa sĩ Trịnh Thái (1941-2020)

Sự tương đồng thứ nhất và đáng chú ý nhất trong nghệ thuật vẽ tranh phố của hai họa sĩ – là về căn bản – họ đều dựa trên cái nền hiện thực chung của Hà Nội nửa sau thế kỷ 20, pha trộn tinh thần của phố phường Hà Nội cổ vào hương vị của thời đại mới, với những kiến trúc cổ, ngôi nhà cổ hầu như còn khá “nguyên vẹn”, cùng những con người và cuộc sống thường ngày còn tương đối “truyền thống”- thời của xe lửa đốt than, tàu điện, xe bò, xe đạp, xích-lô, áo công nhân, quần lụa đen, nón trắng, vân vân; chưa có xe máy, ô-tô đời mới, bảng hiệu đèn led, Internet hay điện thoại thông minh…

Cũng trong nghệ thuật vẽ tranh phố của hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Trịnh Thái, sự tương đồng thứ hai có thể là ở chỗ, cho dù lấy quá khứ làm nguồn cảm hứng chủ đạo hoặc tìm cảm hứng hướng về quá khứ, song cả hai ông đều đã đạt tới một lối tạo hình hiện đại, trên cơ sở khai thác các mảng-nét, các yếu tố trang trí-đồ họa hóa có đủ điều kiện biểu hiện tính thơ, trong mối quan hệ cân bằng giữa khách quan và chủ quan, giữa thực và ảo, giữa không gian và thời gian.

Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực vẽ phố, có lẽ phải thừa nhận rằng: Cái khác biệt của Bùi Xuân Phái so với các họa sĩ khác khiến “Phái” trở thành một họa sĩ bậc thầy – chủ yếu là ở tính chủ động, tự chủ hiếm có của ông. Ông vẽ phố tựa như vẽ những “tĩnh vật lớn”, hoàn toàn nằm trong tầm tay, coi các sự vật như là những quân cờ trên bàn cờ nghệ thuật lớn của riêng ông, để rồi tạo ra các kiệt tác thông qua các ván cờ thắng.

Và bởi vậy, ở đây, chính cách nhìn mang tính tự sự và cảm xúc bình dị của một họa sĩ lớp sau như Trịnh Thái mới có thể là cái đã đem đến cho tranh phố một giá trị đặc thù ở bên ngoài cái bóng quá lớn của Bùi Xuân Phái.

Trịnh Thái vẽ rất nhiều. Ông lao động liên tục từ khi còn trẻ cho đến tận những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Không đi tìm những đột biến, đột dị ồn ào, khoa trương – vẻ lộng lẫy cá nhân của hội họa ông xuất hiện một cách tự nhiên và kín đáo trên cái nền chung của “tính độc đáo tập thể” Việt Nam, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan rất Việt Nam, đời mà không phàm, chứa chan tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu con người. Kỹ năng hội họa của ông cũng khá tốt, là kết quả của sự dung hợp hai kỹ thuật chất liệu Á-Âu tưởng như trái ngược nhau song về thực chất là bổ túc cho nhau: sơn dầu và lụa, nhằm tới mục tiêu phi vật chất hóa theo truyền thống tiết độ trong sử dụng phương tiện tạo hình ảnh của người Á Đông.

Sự trải nghiệm, năng lực cảm thụ của một họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh như Trịnh Thái cũng là những nhân tố làm nên cái khác lạ. Ông vẽ không chỉ ở tư cách người thể hiện, mà còn vẽ ở tư cách của người thiết kế, người đi tìm “đất diễn”, đưa các cảnh tượng, sự vật vào mạch của những câu chuyện đầy tình ý, bao phủ lên chúng ánh sáng của nhận thức và suy tưởng. Các bức tranh cứ thể hiện ra, tựa như những “khuôn hình tĩnh” được chọn giữ đúng thời điểm, để ngân nga những âm vọng của tâm hồn, ấn định những khoảnh khắc xao xuyến khó phai.

Bức tranh sơn dầu “Phố đêm” đang hiện diện trước mắt chúng ta đã được Trịnh Thái vẽ vào năm 1994, tức là ở thời điểm nước ta sắp bước ra khỏi một thời kỳ tròn 20 năm bị “cấm vận” và đang sẵn sàng hội nhập vào kỷ nguyên của Internet.

Có nhiều cơ sở để cho rằng đây có thể là một cảnh trên phố Hàng Mắm, đoạn giáp với phố Hàng Muối rồi xuôi xuống phía bờ đê. Đây cũng là một “mô-típ” rất điển hình của phố cổ Hà Nội mà Bùi Xuân Phái rất hay vẽ.

Vào thời kỳ ấy, phố Hàng Mắm vẫn được coi là một trong những quần thể kiến trúc ít nhiều còn nguyên vẹn nhất ở Thủ đô Hà Nội. Cái ánh đèn điện vàng vàng hơi yếu ớt phát ra từ các ô cửa này là một trong những nét đặc trưng của thời kỳ đó. Những bóng người thấp thoáng, không đông, nhưng cũng đủ ấm áp. Các sắc xám ngả nâu gợi nên chất thổ mộc, cũ kỹ, rêu phong của những ngôi nhà cổ, được người vẽ lồng gọn trên những hình mảng khúc chiết, chỗ nhô ra, chỗ thụt vào, xô lệch, nhấp nhô, uyển chuyển hòa trong một nhịp điệu và lan tỏa dần theo những vệt sẫm của những cành cây điểm lá vàng lấp lánh.

Và rồi, trên cái phông nửa sáng nửa tối màu uôm uôm ấy, đột ngột hiện lên một vầng trắng tinh khiết, hình như là một cây sưa đang trổ hoa, rung rinh kỳ ảo dưới ánh trăng tháng Ba lành lạnh. Nó làm người xem có thể liên tưởng đến một bức tranh siêu thực của René Magritte, “Phòng khách của Thượng đế” (God’s salon), nơi mà người nghệ sĩ “có thể tưởng tượng ra một khung cảnh nắng dưới bầu trời đêm”. Thật là tuyệt diệu!

Một đời sống tình cảm và nội tâm “không thông thường” dường như đã tạo trong tranh Trịnh Thái những giai điệu trầm, đôi khi sục sôi ở bên trong. Ông cũng là tác giả của một vài tạp văn rất hay viết về “người tình” Paris, về “quà và phở Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh”… Giữa không gian náo loạn, xô bồ của những quán bia bình dân Hà Nội, ngồi bên cạnh những người bạn, nhiều hôm ông không nói câu nào trong suốt 7-8 tiếng đồng hồ. Về thực chất và trong sâu thẳm, ông thuộc tuýp họa sĩ trầm tư mặc tưởng. Và chính điều này đã tách ông ra khỏi số đông các họa sĩ có vẻ có chung cùng một phong cách. Cái bề ngoài, “cái biểu lộ” tưởng như sáo cũ ở đây, trong tranh Trịnh Thái, ẩn chứa bên trong “cái được biểu lộ” sâu sắc. Hội họa ông có ranh giới tế nhị giữa cái thực và cái ảo, cái bình thường và cái đặc biệt, không bình thường. Có thể vì thế mà nó luôn luôn đáp ứng được thị hiếu bao giờ cũng cực kỳ đa dạng của đông đảo người xem.

Họa sĩ Trịnh Thái và những người bạn 

Họa sĩ – Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Thái sinh năm 1941 ở Phnom Penh, nguyên quán huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Năm hai tuổi ông đã theo gia đình về nước. Từ năm 1962 ông là họa sĩ của Xưởng phim truyện Việt Nam, từng làm thiết kế mỹ thuật cho một số bộ phim kinh điển nổi tiếng như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”, “Mẹ vắng nhà”… Năm 1973, ông sáng tác tranh khắc gỗ “Nữ tự vệ”, là một trong những tác phẩm đồ họa có giá trị nghệ thuật cao của thời kỳ mỹ thuật kháng chiến.

Ông mất năm 2020. Một cuộc triển lãm tưởng niệm ông đã được người thân và bạn bè tổ chức vào cùng năm tại Hà Nội, với tiêu đề: “Thu cuối – cùng Trịnh Thái”.

Poster Triển lãm “Thu cuối cùng Trịnh Thái” được tổ chức vào năm 2020

Hình ảnh tại Triển lãm “Thu cuối cùng Trịnh Thái”

Bài viết của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top