Vẹt là một loài chim có bộ lông đẹp, không những thế chúng lại thông minh và có thể nhại được một số từ thuộc ngôn ngữ con người. Theo quan niệm văn hóa phương Đông, loài vẹt tượng trưng cho sự phồn thịnh, trí tuệ, tự do, phóng khoáng.
Một số nghệ sĩ thời kỳ Đông Dương đã dùng hình ảnh con vẹt trong tác phẩm của mình như Nguyễn Phan Chánh với “Cô gái trẻ với con vẹt”, lụa, 1933.
Lê Phổ cũng vậy, ông đưa hình tượng loài chim trong đó có vẹt vào các sáng tác của mình. Những bức tranh nổi tiếng của ông có sự xuất hiện của loài chim như “Cậu bé và con chim vàng”, sơn mài, 1936; một số tác phẩm lụa như “Chim bồ câu và hoa phù dung”, “Uyên ương hý liên”, “Chim và hoa phù dung” rất được yêu thích. Và đặc biệt, bộ tranh hai bức “Quý bà và con vẹt”, chất liệu lụa, sáng tác năm 1938 đã gây được sự mến mộ đặc biệt với người yêu nghệ thuật vào năm 2022, tại Hong Kong, một bức đã được với giá 635,434 USD, tương đương 15 tỷ đồng.
LÊ PHỔ (1907-2001). QUÝ BÀ VÀ CON VẸT. Khoảng 1938. Mực và màu trên lụa.
Nguồn gốc: Từ Bộ sưu tập tư nhân ở Pháp. Được truyền theo dòng dõi.
Bức còn lại sẽ được đấu giá trong phiên “Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương” của Nhà đấu giá Millon ngày 12 tháng 10 năm 2024.
Về mặt thị giác, có thể nhận thấy bức tranh “Quý bà và con vẹt” là một sáng tác lụa tuyệt đẹp của Lê Phổ. Thoạt nhìn, có cảm giác hai bức tranh giống hệt nhau, nhưng trên thực tế, hai bức tranh là hai nhân vật với hai trạng thái cảm xúc riêng biệt. Phải chăng, Lê Phổ phải sáng tác hai bức với hai tâm ý khác nhau, nhằm diễn tả trọn vẹn những suy nghĩ trong lòng mình.
Có mấy chi tiết quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm đặc biệt để hiểu thông điệp và tâm ý của Lê Phổ trong tác phẩm này.
Mặt sau của tác phẩm
Người nữ – nhân vật chính được tác giả chủ ý đặt ở vị trí trung tâm, lớn nhất, đến 3/4 bề mặt tranh. Dựa theo phục trang, từ chiếc mũ mấn màu sáng trên đầu, áo dài lụa xanh, khăn voan mỏng mềm mại cho thấy đây là một phụ nữ thuộc tầng lớp văn minh ở Việt Nam – thời điểm đó.
Nhân vật thứ hai là con vẹt, một giống chim quý, có bộ lông đẹp, màu sắc rực rỡ nên thường được nuôi để làm cảnh. Cành cây khô, nơi con vẹt đậu có chiều cao gần bằng nhân vật nữ cho thấy đường kính của cây cần chỗ đủ rộng. Điều này cho thấy chim và cây phải được bố trí trong một phòng khách có diện tích lớn. Ngoài ra, chiếc bát đựng thức ăn cho vẹt có màu vàng – màu của sự trưởng thành. Có phải chăng, Lê Phổ đã có ý khi dùng màu vàng để ngụ ý mô tả một phụ nữ độc lập và tự tin.
Bối cảnh tác phẩm tại không gian bên trong nhà. Đây là một không gian ước lệ tinh tế khi bên trong và bên ngoài được ngăn chia bởi tấm rèm che hai mặt vàng và xanh. Lấp ló sau tấm rèm là mấy chiếc lá nhỏ, vừa mang tính trang trí, vừa là chi tiết bổ sung hoàn hảo cho gợi ý một thiên nhiên xanh mát, mà không cần thêm bất cứ loài hoa nào như phù dung hay hoa trà thường thấy trong tranh Lê Phổ.
Và điểm quan trọng nhất, trọng tâm chính của bức tranh là tâm trạng, tâm thái của nữ chủ nhân. Chúng ta hãy nhìn con vẹt đang dướn cổ, mở rộng cái mỏ hướng lên cao. Dường như nó đang líu lo hoặc đang nói một vài từ theo ngôn ngữ đã được dạy. Sự cố gắng cho thấy đang tương tác một mình và muốn gây sự chú ý. Nữ chủ nhân đứng ngay đó, một bàn tay đang nâng lên hướng về con vẹt; một bàn tay cầm bát thức ăn cho nó. Cô ấy vẫn đang có động thái quan tâm đến nó, nhưng dường như sự ồn ào của con vẹt không ảnh hưởng đến tâm trạng của cô. Bởi đôi mắt của nữ chủ nhân không hướng ánh nhìn về phía con vẹt. Cô ấy đang tập trung trong dòng suy nghĩ của riêng mình. Cô dường như không để ý đến trang phục trễ nải, áo chưa cài hết khuy, khăn voan choàng qua vai như đang sắp tuột…
Tất cả những chi tiết chủ ý ấy đều tập trung diễn tả tâm thái một người phụ nữ trưởng thành, độc lập, có tính cách mạnh mẽ. Con vẹt phải chăng hàm ý “đóng vai” một xã hội ồn ào, lộn xộn… nhưng nó vẫn không thể làm chủ nhân mất tập trung suy nghĩ và có thể là đang giải quyết mọi việc của chính cô ấy. Đây là không gian riêng của cô ấy, cô ấy là chủ và hoàn toàn làm mọi việc theo chủ ý của mình.
Để hoàn thiện cho tất cả những ý tưởng trên một cách sâu sắc bằng nghệ thuật tạo hình, Lê Phổ đã sử dụng kỹ thuật cổ điển hàn lâm được tôi luyện của mình để đi đến tận cùng độ mềm, độ sâu của chất liệu lụa. Đặc biệt, tư duy về hình, về màu cộng với tài năng thiên bẩm tuyệt vời về hòa sắc đã khiến cho bức tranh hoàn hảo trong sự duyên dáng, đằm thắm, nhuần nhụy và tươi mới. Tất cả tạo nên một sức hút kỳ lạ, say đắm cho người thưởng thức.
Và điều ấy, chúng ta chỉ có thể thấy ở những tác phẩm được sáng tạo bởi những bậc thầy hội họa như Lê Phổ.
Bài viết của Bùi Hoàng Anh từ Viet Art View