NGƯỜI THẦY
Đám trẻ khu Tân Giang mấy hôm nay không ngớt kháo nhau về ông thầy vẽ vừa mới đến tỉnh. Đối với cái thị xã nhỏ và yên tĩnh này, một ông thầy vẽ rong quảy tráp đến cắm lều trên bãi chợ, vẽ giống như thật, cũng đủ là một chuyện ghê gớm trong đầu óc đầy tưởng tượng của đám trẻ. Một đồn năm, năm đồn mười. Thế là lũ trẻ Tân Giang rủ nhau chạy đi xem ông thầy vẽ mới tới.
Chánh đang ngồi tha thẩn lấy que vạch xuống đất hình chim hình hoa, thì một bạn cùng xóm đã nắm lấy cánh tay:
– Đi xem đi Chánh!
Chánh vứt que chạy theo các bạn.
Nắng sớm trải vàng trên bãi cỏ cạnh khu họp chợ. Những con sáo nhảy nhảy tìm mồi trên thảm cỏ. Gió nhẹ thổi lên chiếc lều vải xinh xắn. Chánh len vào.
Ông thầy vẽ gần như nằm rạp trên chiếc ván gỗ làm sàn, trước một tờ giấy khổ lớn trải rộng. Những nét đầu tiên của bức tranh Tố Nữ hiện trên giấy. Một cô thiếu nữ tóc bỏ đuôi gà, duyên dáng trong chiếc áo dài, đang đưa tay che quạt mỉm cười. Ông thầy lướt nhẹ tay trên giấy, và một đôi mày cong điểm thêm vào khuôn mặt đẹp. Cứ thế, đôi mắt hạt huyền, cái miệng chúm chím… dần dần nổi rõ. Ông tô lên tấm áo dài một mảng màu nâu non, rồi vừa nheo nheo mắt vừa dầm ngòi bút nho vào nghiên mực và đề lên góc tranh mấy dòng thơ.
Trước đình Kim Liên. 1957. Lụa. 40x54cm. Tranh được in trong sách “Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam in năm 1992.
Chánh đứng sững nhìn cảnh vẽ tranh, vô tình cũng đưa tay theo cánh tay đưa bút của ông thầy vẽ mà không hay biết.
Ông thầy vẽ ngồi dậy, lấy chiếc cặp kẹp bức tranh, rồi đứng lên đem treo vào sợi dây gai chăng ngang cửa lều. Chánh ngó lui, mới hay các bạn đã lần lần ra về hết. Hoảng quá, em co chân chạy theo các bạn.
Nắng lên cao. Những con sáo đã thôi không nhảy trên thảm cỏ xanh.
Đầu tiên là nét vẽ ở đôi lông mày. Chúng cong lên, cử động. Rồi đôi mắt nhấp nháy như bị chói nắng. Kế đến cái miệng đương mỉm cười bỗng cười lên vui vẻ. Thế là nàng Tố Nữ đưa tay gỡ nhẹ tà áo đang dính chặt vào mặt giấy, từ từ đứng dậy bước ra khỏi trang sách. Vừa đi, nàng vừa xòe chiếc quạt lụa, đưa lên che mắt. Nắng chiếu qua lần lụa mỏng, in những hình chim hoa rất đẹp vẽ trên mặt quạt lên chiếc áo nâu non…
Chánh dụi mắt liên tiếp. Thì ra là một giấc mơ!
Ánh trăng chiếu qua những kẽ hở trên mái nhà dột nát, dọi xuống trang sách mà Chánh ngủ quên vẫn đặt trên ngực. Cả ngày mải mê với cảnh ông thầy vẽ tranh, tối ngủ Chánh đã nằm mơ thấy bức Tố Nữ của ông thầy vẽ. Có điều là nàng Tố Nữ không phải ở trong tranh, mà là đang nằm ép mình giữa các trang sách. Chánh tiếc giấc mơ quá. Sao lại tỉnh giấc đúng vào lúc Tố Nữ sắp cất tiếng nói kia chứ? Chánh cứ loay hoay mãi với ý nghĩ ấy.
Sáng hôm sau, chính Chánh lại rủ đám trẻ chạy lên khu họp chợ xem ông thầy vẽ. Nắng lại trải vàng trên thảm cỏ có những con sáo nhảy nhảy tìm mồi. Chánh đứng lặng trước cửa lều, cạnh bức tranh Tố Nữ, trên chiếc dây gai chăng ngang cửa, đã thêm mấy bức tranh mới được treo lên. Một con cá chép rất to nhưng vẫn lượn nhẹ nhàng trên toàn bề mặt một bức tranh. Đôi mắt tròn của cá đang chăm chú nhìn bóng trăng lung linh trong mặt nước hồ. Góc trái bức tranh có đề bốn chữ nho “Lý ngư vọng nguyệt”. Cạnh đấy là bức Tiến tài vẽ một ông đội mũ cánh chuồn với ba chòm râu vắt vẻo quanh cái miệng rất buồn cười.
Hôm nay ông thầy không vẽ tranh. Ông đang một tay cầm chiếc kính phóng đại có gắn tay cầm soi lên chiếc ảnh nhỏ đã cũ, một tay cầm chì phóng to ra giấy cứng căng trên giá vẽ.
Một cậu bé, dân phố chính thị xã, ra vẻ ta đây với đám trẻ Tân Giang:
– Truyền ảnh đấy!
Rồi đưa tay ra dáng giảng giải:
– Nghĩa là truyền cái ảnh ra ấy…
Và dường như để thuyết phục hơn, cậu bé thêm: “Cha tao bảo thế”.
Từ hôm đó, gần như không ngày nào Chánh không luẩn quẩn bên chiếc lều vải của ông thầy vẽ mà mỗi buổi sáng trước cửa lều lại có thêm các tấm tranh mới, khi thì một đám cưới chuột vui không chịu được, khi thì cảnh Tùng- Cúc- Trúc- Mai thanh thoát, nhẹ nhàng.
Ông thầy vẽ bắt đầu chú ý đến cậu thiếu niên 13, 14 tuổi mê tranh này.
Một hôm khi nắng đã lên cao, chỉ còn mình Chánh ở lại xem vẽ, ông thầy dừng tay bút:
– Cháu tên gì?
Chánh đáp:
– Thưa ông, cháu tên Chánh.
Thấy cậu bé lễ phép, khôi ngô, ông thầy vẽ như bỗng nghĩ ra điều gì. Nhìn lại cậu bé một lượt từ đầu đến chân, ông hỏi tiếp:
– Thế nhà cháu ở đâu?
– Dạ ở Tân Giang.
– Cháu thích vẽ lắm à…
Chánh đỏ mặt, đưa tay vân vê góc tà áo cánh nâu. Ông thầy vẽ ý tứ, không gặng hỏi thêm, chỉ lật mặt sau một tờ giấy vẽ nháp, trao chiếc bút chì cho cậu bé:
– Cháu vẽ ông xem.
Chánh ngần ngừ. Ông thầy vẽ gỡ cặp mục kỉnh, nhìn em như hỏi tại sao.
– Dạ cháu chỉ biết vẽ lên tường nhà thôi ạ.
Ông thầy vẽ “À” một tiếng sảng khoái, làm cho Chánh cũng cười theo. Nhưng rồi Chánh cũng vẽ lên giấy cho ông thầy xem một cảnh núi sông. Ông thầy vừa nhìn Chánh vừa vẽ vừa gật gật đầu.
Chánh dần dần được ông thầy vẽ sai bảo các thứ lặt vặt. Hoặc xách chiếc thùng con đi lấy nước, hoặc được vào hẳn trong lều giữ góc giấy cho ông vẽ.
Thấm thoắt thế mà đã mấy phiên chợ tỉnh. Những tấm ảnh khách đưa, ông thầy đã truyền hết. Tranh đã bán vợi đi nhiều. Và đám trẻ con thị xã thì đã chạy ùa theo đám người mãi võ vừa đến tỉnh quảng cáo thuốc, để lại bên lều vải của ông thầy vẽ một mình Chánh với những con sáo và cả một thảm cỏ xanh.
Nhìn cảnh nhìn người, ông thầy vẽ biết là đã đến lúc phải cuốn lều ra đi. Đã bao lần căng lều rồi lại dỡ lều, ông thầy vẽ bôn ba kia không nghĩ rằng lại có chút bịn rịn với chú thiếu niên này. Hình ảnh cậu bé mê màu sắc, nét vẽ đã làm cho ông thầy vẽ trong một phút bất chợt, chạnh nhớ đến thời thơ ấu của mình, nghĩ đến cuộc đời người, đến cái chữ tài huyền bí mà cay cực. Và một tình cảm thanh sạch vẫn giấu kín đáy lòng tưởng như không bao giờ còn được giãi bày, đã dâng lên mạnh mẽ trong người nghệ sĩ phong trần:
– Hay là cháu về xin mẹ đi theo ông học nghề…
Mẹ Chánh thấy con đã lớn, nghĩ rằng cho con theo thầy học vẽ, trước kiếm miếng ăn sau nữa học nghề, cũng là một cách. Đến khi thấy Chánh dẫn ông thầy vẽ về nhà, nhìn người, mẹ bằng lòng cho Chánh đi theo.
Lần đầu phải xa nhà, xa mẹ và các em, Chánh cứ thút thít mãi. Nhưng rồi hình ảnh những người, những vật trong tranh của ông thầy đã lôi cuốn em. Việc nàng Tố Nữ thức dậy giữa các trang sách đã làm cho Chánh như thấy cả con cá chép cũng quẫy ra khỏi tờ tranh, rồi thì ông đội mũ cánh chuồn cũng xanh đỏ tím vàng óng ánh cả lên trong nắng.
Ông thầy vẽ là người hay chữ, ngày vẽ, đêm về lại dạy chữ cho Chánh. Ra Nghi Xuân, ngược Hương Sơn, vào Kỳ Anh, gặp nơi thắng cảnh, hai thầy trò lại dựng lều ghé thăm, vẽ cảnh đề thơ. Từ núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn hùng vĩ đến khe Hau-hau có thác nước như giải lụa bạch, từ một cánh đồng nước bạc ngao ngán cho đến một vừng trăng trong trắng vút lên từ mặt biển, tất cả đã để lại trong tâm trí tuổi thơ của em bé học vẽ những ấn tượng mạnh mẽ.
Những ngày đầu theo thầy, Chánh chỉ được hồ giấy. Vừa bày cho Chánh cách hồ giấy bồi tranh, ông thầy vẽ vừa cười:
– Người đời vẫn nói “Thợ may bớt giẻ, thợ vẽ bớt hồ”. Cháu phải nhớ phết hồ đều suốt mặt giấy. Có thế, khi bồi mới đuổi hết được bọt khí ra ngoài, tranh mới không bị rộp.
Ông cầm lên một chai con đựng những viên gì như đá trăng trắng:
– Lại phải nhớ cho thêm ít phèn chua vào hồ để gián khỏi nhấm tranh.
Lần đầu, Chánh được cầm bút tô cả mảng màu trong những đường viền do thầy vẽ sẵn. Tô cho đều một mảng giấy lớn không phải chuyện dễ. Màu phải pha đặc vừa phải, tay cầm bút phải đưa nhanh, đưa dứt. Rồi Chánh được thầy cho vẽ hẳn cả một bức tranh theo mẫu. Mới đầu còn phải đồ bằng chì rồi mới vào nét, sau thành thục rồi là có thể vào nét ngay.
Chánh nhớ mãi cái hôm ông thầy vẽ mang bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” của em xếp chung vào tập tranh của thầy, đem bán ở phiên chợ Thượng.
Chiều hôm ấy, thuận gió, hai thầy trò theo sông La ngược phố. Qua chợ Cầu, chợ Trổ, thuyền bè san sát. Những cột buồm cao trên các mành đi biển to lớn như đâm thẳng lên bầu trời. Mấy em bé ngang tuổi Chánh ngồi câu tôm trên kè đá, bốn năm chiếc cần câu nhỏ xíu quanh người. Mỗi lần dây câu văng lên, các cậu bé lại giơ cao chiếc cần về phía mình. Những chú tôm càng mắc câu vùng vẫy quẫy tung, nhưng rồi cuối cùng cũng bị kéo khỏi mặt nước, bật kêu tanh tách, râu càng cứ vung tứ linh cả lên. Cầu chợ Thượng đang đào móng, phu phen tấp nập hai bên bờ sông.
Trên khúc sông đến chợ Hạ, cứ một quãng lại gặp một bến, trông như những nét vẽ nối dòng sông với con đê uốn khúc. Nước sông La mát rượi, trong xanh, từ trên thuyền có thể nom rõ cát trắng dưới lòng sông. Những cô gái làng dệt gần như suốt ngày không ra nắng, đang vỗ lụa bên sông. Sóng từ bến nước loang dần ra, càng xa bờ càng mờ dần, cho đến khi hòa với những đường sóng vỗ từ mạn thuyền vào.
Phiên chợ Thượng hôm ấy đông nghịt người. Treo xong tranh, Chánh hồi hộp nhìn từng người mua hàng. Khách mua hàng cầm lấy tờ tranh này, bỏ xuống, lại cầm tờ tranh khác. Theo thầy đi mãi, Chánh có lạ gì chuyện đó. Thế mà tại sao lần này cái việc chọn hàng ấy lại trở nên hệ trọng như vậy. Và khi một khách hàng chọn mua tờ tranh em vẽ, thì Chánh đã tíu tít cả lên. Khách đi rồi, Chánh mới để ý đến ánh mắt của thầy. Lạ lắm. Cái ánh mắt ấy Chánh chỉ gặp trước đây có một lần, hôm thầy cười sảng khi nghe câu trả lời của Chánh “Dạ cháu chỉ biết vẽ lên tường nhà thôi ạ”. Rồi hôm nay.
Còn quá nhỏ tuổi, Chánh làm sao có thể hiểu được những gì đang đến trong lòng người nghệ sĩ giang hồ: một niềm tự hào chính đáng về Chánh, xen lẫn chút xót xa cho số phận em mà cuộc đời ông chẳng lẽ lại là điềm báo trước?
Cho đến một buổi chiều mùa thu năm ấy, nhìn lá vàng rụng đầy mái lều phong sương, ông thầy vẽ chợt thấy thèm quá một làn khói mỏng trên mái tranh nghèo. Ông dọn lều, về quê.
Chỉ vào tờ tranh Tố Nữ đang vẽ dở, ông nói với người học trò nhỏ nay đã đủ lông đủ cánh:
– Con vẽ nốt…
(Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)