Logo loading

Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật

Để tiếp nối chuyên mục “Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật” Viet Art View xin chia sẻ đến quý bạn câu chuyện thứ ba trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú và Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn hóa 1979, là một tập hợp những bài viết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Phan Chánh.
|Viet Art View
Câu chuyện thứ ba:

CẬU GIÁO

– Trò Xân đọc câu đầu.

Cậu bé gọi là Xân đưa tay kéo lưng quần, lên giọng:

– “Khoa mục triều đình mở rộng thay”

Chánh giơ roi chỉ sang đứa trẻ đứng ở góc bên cạnh. Cậu bé thứ hai gần như hét lên:

– “Khuyên con bấm chí học cho hay”

Chánh chỉ tiếp sang đứa trẻ thứ ba:

– “Cơm ngày ba bữa cha cày cấy”

Cứ thế, mấy đứa trẻ đứng lom khom, tay khoanh trước ngực, lo lắng nhẩm sẵn trong miệng chờ người trước mình đọc xong là đọc nối ngay câu tiếp theo vào:

“Áo mặc bốn mùa mẹ vá may

Câu phú, câu thơ thường đọc miệng

Sách kinh, sách sử chớ rời tay

Một mai thi đậu ngôi hoàng bảng”

Đến câu cuối cùng, Chánh chưa kịp giơ roi chỉ thì một trò tên là Thanh nhanh miệng, sợ bạn đọc tranh mất, đã gân cổ:

– Thưa thầy, Nổi tiếng tiên nhân đẹp mặt thầy ạ!

Cô gái nhà chủ đang nấp sau cánh cửa xem cậu giáo dạy học, không nén được, bật cười. Chánh phải làm nghiêm, nhân nghĩ đến chữ “Thoa” có nghĩa là “đẹp”, anh hỏi lảng:

– Thầy đố các trò, trong lớp ta ai là người đẹp nhất?

Mấy đứa trẻ chưa đứa nào kịp trả lời thì người con gái nhà chủ đã từ sau cánh cửa vừa nói vừa bỏ chạy ra vườn:

– Thầy ạ!

Chánh đỏ mặt. Từ ngoài vườn đã loáng thoáng giọng hát dặm của cô gái:

“…Quạt chợ Nghệ một chiếc đôi quan

Mua cho em được mấy

Gửi cho nàng được mấy.”

Cứ mỗi sáng, biết Chánh thích hoa, cô con gái nhà chủ dọn phòng học cho cậu giáo, lại mang theo khi thì một cụm hoa lý giàn nhà, khi thì một bó hoa đồng nội còn lẫn mấy lá cỏ.

Tan buổi học, cô con gái mang nước vào, còn mình chánh trong gian nhà rộng:

– Sao nói thế cho rầy.

Người con gái cúi đầu e thẹn:

– Thật đó ạ!

…Cảnh nhà ngày càng sa sút. Mẹ mới ngoài ba mươi, trong làng nhiều người đến hỏi. Nhà không vốn liếng gì, nhiều khi mẹ đã nghĩ đến một chỗ nương tựa. Nhưng nhìn Chánh, nhìn hai em, mẹ không muốn bước đi bước nữa. Mẹ đi vay lãi, lấy tiền chạy chợ, nhà lâm vào cảnh tiền ngày nợ góp. Vay một đồng bạc, cứ mỗi ngày phải trả một hào lãi. Từ gà gáy mẹ đã phải dậy thổi cơm, kịp đi chợ Dau, chợ Cừa, tối mịt mới về. Đôi quang, cái mẹt, dúm muối, sợi thừng… được vài hào, phải trừ ra một hào trả lãi. Ngày mưa không đông chợ, không trả được lãi thì nợ con lại đập vào nợ mẹ, thành đồng mốt đồng hai.Và từ hôm sau, lãi đã lên hào mốt hào hai một ngày.

Tối về, chị láng giềng lại ỡm ờ cất tiếng ru con thật to, cốt cho mẹ nghe thấy:

“Ăn no nằm ngả tang bồng,

Ai nuôi con cho chị, chị lấy chồng chị ơi?

Trong đêm thanh vắng, tiếng ru lách qua làn liếp mỏng, xoáy vào người.

Chánh nhận lời ngồi dạy học ở chợ Chùa, đỡ miệng ăn cho mẹ. Nhà chủ có mấy trẻ, quanh xóm gửi thêm vào ít đứa nữa cho cậu giáo.

Sáng ra, khi cả nhà đã đi làm, Chánh lại cầm lấy chiếc roi song chỉ vào bốn góc phòng, mỗi đứa bước ra một góc, lần lượt đọc thuộc lòng bài “Khuyến học” mà mười năm về trước các thầy đã dạy Chánh.

Tiếng gà gáy làm Chánh tỉnh giấc mơ màng: ta ngủ nhà ai đây nhỉ? Giường màn tử tế, chăn kép mền đơn. Nhưng nghĩ đến mẹ giờ này đã phải dậy chạy chợ nuôi con, Chánh hiểu là hai gia đình chênh lệch nhau quá. Còn mình thì mười bảy, mười tám tuổi đầu mới đỡ mẹ miệng ăn, chưa nói là đã giúp mẹ được gì, công danh sự nghiệp còn chưa đâu vào đâu. Bạn cùng lứa con nhà giàu đứa học Huế, đứa học Vinh, đứa được cảnh ngộ tốt đã làm nên thầy nọ thầy kia cả rồi. Nghĩ buồn vì đèn sách dang dở mà mình đang còn đầu xanh tuổi trẻ, Chánh lấy roi đánh vào mình, tự răn bảo là có rồi được chút thì giờ nên cố học đi đã. Mấy ngày sau, anh quyết xin thôi dạy trẻ từ giã tất cả cảnh đẹp tình vui để về tỉnh học.

Tờ mờ sáng ngày chủ nhật, nhà chủ cho một chú người nhà quảy hòm sách, áo, hai thầy trò hướng đường cái ra đi. Cô con gái chủ nhà lấy cơ đưa cậu giáo cái bút bỏ quên, chạy theo, nước mắt lưng tròng. Ven đường, những hạt sương sớm còn đọng trên những cánh hoa sim màu tím.

Chánh về thị xã thì các trường Pháp- Việt đã bắt đầu mở. Anh vừa vẽ tranh ảnh kiếm tiền vừa học lấy tiếng Pháp, thi Sơ học, đỗ loại đầu trong số hàng trăm thí sinh. Chánh được bổ trợ giáo phủ Thạch Hà, một trong hai phủ của toàn 8 phủ huyện Hà Tĩnh.

Đúng vào dịp dân phủ mở hội đánh cờ người, người lớn trẻ con khắp nơi kéo về xem đông nghịt. Chánh cũng khoác chiếc áo lương thầy trợ, tay cầm chiếc quạt lụa mà trong những lúc rỗi rãi anh đã vẽ lên những cảnh chim hoa rất đẹp, cùng các bạn đồng liêu đi xem. Đến nơi, một cảnh tượng vừa hùng vĩ vừa nên thơ như trong câu chuyện thần tiên bày ra trước mắt Chánh. Trên một bãi đất rộng đã dọn quang đãng, bao nhiêu là ô vuông được chia thẳng tắp. Hàng chục nam thanh nữ tú ăn mặc quần áo theo kiều quan quân, người quản tượng, quân kỵ, lính đẩy xe…, đứng thẳng tắp trong những đường kẻ, tay cầm các tấm biển trên đề tên của quân cờ “Sĩ”, “Tượng”, “Xe”, “Pháo”… Người được bầu làm tướng nữ trong trận cờ là một thiếu nữ rất mực xinh xắn, khuôn mặt trái xoan ửng đỏ, một tay cầm chắc chiếc cán tấm biển trên đề chữ “Tướng”, một tay mân mê chiếc giải lưng lụa vàng thắt lệch thả dài xuống tận gót chân. Quanh bãi là những hàng cờ đuôi nheo đủ màu tím, đỏ, vàng, xanh nõn chuối… đang phần phật bay trước gió. Những tay cao cờ về đây tỷ thí, đứng trang nghiêm trên sàn chiếc sạp dựng tạm trước bãi đất, mắt lướt nhìn lên các ô vuông, tay ra hiệu cho người phất cờ lệnh. Cứ dứt một hồi trống giục, cờ lại đi lên mấy bước hay đi chéo vài ô theo đúng “mã nhật, tượng điền. xe liền, pháo cách”: quân mã ăn chéo hình chữ nhật, con tượng thì hình vuông chữ điền, xe ăn liền, pháo ăn cách. Nhìn nét mặt đằng đằng sát khí của những người đóng vai quân “Tốt” đang chực qua “hà”, Chánh thấy rõ tiếng trống giục, tiếng người reo hò, cờ xí rợp trời đã làm cho những người cầm biển quên cái quân cờ trong tay mà cảm thấy như đang sống thực một trận giao binh ngút trời khói lửa vậy. Càng về trưa, ván cờ càng đến lúc quyết liệt. Trống giục liên hồi. Chánh đang xòe chiếc quạt che ngang mắt để nhìn cho rõ nước cờ vừa đi, thì nghe một giọng nhỏ nhẹ bên tai:

– Thầy trợ cho cô tướng mượn nhờ chiếc quạt.

Anh quay lại và hiểu ra. Người thiếu nữ làm tướng đứng mãi một chỗ bị nắng, cô bạn đi theo chạy tìm hộ cái che, thấy chiếc quạt của Chánh đẹp quá, đánh bạo hỏi mượn. Chánh trao chiếc quạt cho người con gái, mắt dõi về phía người thiếu nữ đóng vai tướng. Cô gái len vào trao cho bạn mình chiếc quạt, miệng cười tay chỉ về phía rạp nơi Chánh đứng. Chánh không nhớ là ván cờ đã kết thúc như thế nào nữa. Đầy vẻ trẻ trung của ngày hội, người thiếu nữ đóng vai tướng môi son má phấn đang đi về phía rạp với cô bạn gái, thì Chánh cũng vừa bước tới. Người thiếu nữ bối rối. Cô gái nói hộ bạn mình:

– Em xin thầy trợ, cô tướng không may sơ ý để quạt vướng vết son… Thầy trợ cho chúng em về nhà, chúng em sẽ mang đến trả thầy trợ.

Thì ra, có lẽ trong một lúc quá vui, người thiếu nữ đã đưa quạt lên che miệng, để lại vết son trên nền lụa trắng.

Chánh đem lòng yêu thiếu nữ.

Cô thêu. 1957. Lụa. 38×49. Tranh được in trong sách “Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam in năm 1992.

Dò hỏi, Chánh biết ông thân sinh của người thiếu nữ cũng là một thí sinh hay chữ, hơn Chánh dăm bảy tuổi. Mồ côi mẹ, cô gái sống với bà ngoại. Chánh thưa với mẹ rồi nhờ người mối manh. Tuy Chánh đã là chân trợ giáo phủ, người bà nghe miệng thế dèm pha “Gả con vào nhà vô bản, chả bằng cho không con gái rứt ruột đẻ ra”, chê nhà Chánh nghèo. Nghe mấy tiếng “vô bản” mà lòng Chánh quặn lại. Quả thật thế, nhưng nghèo đâu phải tội. Những người rỗi miệng lại còn bàn ra tán vào, chê anh nhiều tuổi. Một bữa đi ngang qua phố, Chánh nghe câu ví đuổi theo mình:

“Khen cho con bướm dài râu

Thấy vườn hoa rậm, bướm đâm đầu bướm vô”

mà lòng buồn vô hạn. Một học trò lớn tuổi trong lớp mang đến mừng thầy ngày lễ chai rượu Ích thọ. Không hay rượu, Chánh đã uống gần hết chai Ích thọ trong cái đếm rất dài ấy.

Chánh đọc tất cả mọi cái đến trong tay cho khuây khỏa. Một bữa, anh mượn được cuốn “Quốc sắc thiên hương”, và câu chuyện tình buồn “Quỳnh Nam” trong đó như chia sẻ cảnh ngộ với anh, đã làm Chánh say mê. Trong mấy tháng liền, câu chuyện xưa đã gợi anh cảm hứng viết nên mấy nghìn câu lục bát “Quỳnh Nam tân truyện” lên giấy bản xén.

…Chàng thư sinh hay chữ nọ, một hôm đến thăm người cô và bỗng đem lòng yêu dấu con gái của cô mình. Thơ từ xướng họa, người con gái cũng nặng lòng với chàng thư sinh. Đã đến tuổi cập kê, bố mẹ thúc ép nơi phú hào, mà nàng thì đã quá gắn bó. Chàng nghèo, phải ra đi. Và đây là tình cảnh của người ở lại:

“Nỗi nàng gác dạ trang đài

Tơ duyên trăm năm mối viễn hoài vấn vương.

Nào người ăn tuyết nằm sương

Chiều chiều lại nhớ cành dương mái ngoài,

Quyên rầu giục một giục hai

Xuân sâu dường bể, khắc dài tựa năm,

Ve sầu như khắc như thăm

Giốc bầu nhớ bạn ôm cầm đợi ai,

Đầu bồng bối rối tóc mây

Xa xôi trâm lược cho ai bây giờ?

Vương tôn sao nỡ bơ thờ

Tình rơi phương thảo đợi chờ đầy sân…”

Chuyện đến tai ông thân sinh ra người thiếu nữ. Thương người sỹ hạnh, trọng tài thơ họa, ông thưa bà ngoại cho cháu nhận trầu cau.

Con đò dọc ra bến Hạ Hoàng, theo sông Trung Lương, Văn Chàng xuôi Phù Thạch về Thuận Hòa. Ít hôm nữa, bên nhà vợ chưa cưới của Chánh có giỗ. Bà ngoại vợ, mấy người bà con ông nhạc cùng người vợ chưa cưới thuê thuyền về làng. Chánh cùng về làm kỵ, cũng để họ hàng bên vợ biết mặt. Thế là Chánh được dịp cùng đi với vợ chưa cưới trên một con đò.

Trời tháng sáu không một gợn mây. Mọi người rủ nhau lên cả mui thuyền. Những người trai bạn vạm vỡ tỳ cán sào vào ngực, men theo mạn thuyền đi về phía lái, đẩy con đò vươn lên trước. Hết chiều dài mạn thuyền, sào rút lên, chân sào bịt sắt loang loáng, nước theo con sào giọt xuống trên sóng. Ánh đèn thấp thoáng từ các khoang thuyền chiếu xuống lòng sông. Một con thuyền đi ngược lại, một giọng đò đưa cất lên:

“Thuận buồm cho gió theo mây

Thuyền tìm bến cũ, em nay đợi chàng…”

Trong cảnh mênh mông của một đêm mùa hạ, khi lòng người được chút thư nhàn sau một ngày nặng nhọc, giọng hò lan ra như quyện chặt lấy sóng nước, tỏa trên sông đến tận mãi các bên đang thấp thoáng ánh đuốc đón đò xa xa. Lòng Chánh xao động. Anh bẽn lẽn liếc nhìn người vợ chưa cưới đang ý tứ ngồi quá về phía mũi thuyền và bỗng thấy trên mãi tóc, trên má, trên tà áo, trên đôi bàn tay của người con gái toàn ánh trăng là ánh trăng. Trăng đã lên từ lúc nào.

(Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)

Chia sẻ:
Back to top