Logo loading

Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật

Để tiếp nối chuyên mục “Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật” Viet Art View xin chia sẻ đến quý bạn câu chuyện thứ tư trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú và Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn hóa 1979, là một tập hợp những bài viết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Phan Chánh.
|Viet Art View
Câu chuyện thứ tư:

BỒ TRANH TẾT

Phiên chợ tỉnh 26 tháng chạp đông nghịt người đi sắm Tết. Mấy gian đình chợ ních chật hàng họ. Người bán phải đem bày hàng ra cả vỉa hè và hai bên đường phía phố trước chợ.

Chánh và một anh bạn cùng xóm thuê một chỗ ngồi trong đình hàng xén để bán tranh Tết. Anh bạn bỏ tiền mua giấy hồng, giấy tím và thuê chỗ ngồi ở chợ. Bán được tranh, tiền chia đôi.

Ba hôm trước phiên chợ Tết cuối năm đông đúc ấy, hai mẹ con Chánh đã lo sắp sửa hai bồ tranh Tết đầy ắp. Mỗi năm Tết đến, bồ tranh lại có thêm mặt hàng mới.

Từ tháng một, tháng chạp, Chánh đã lo mua mực đen, thuốc vẽ màu. Đi đò dọc ra Vinh, mua được thuốc vẽ tốt, lại được nhìn phong cảnh núi Quyết, sông Bến Thủy, xa gần ẩn hiện đẹp như một bức tranh, lòng Chánh rất vui.

Có thuốc, có giấy rồi, suốt ngày Chánh miệt mài vẽ tranh Tết. Cả nhà mừng rằng Tết năm nay, bán đắt tranh thì mua được nhiều thứ để ăn Tết. Ngoài pháo và hương trầm ra, còn có thể có cả giò, thịt nữa.

Chánh lấy giấy trắng dán kết lại cho dài, rộng. Cứ ba tờ giấy học trò là thành một bức liễn. Bút chì phác trước, sau đó vào mực, rồi tô các màu. Bốn bức liễn làm một bộ, vẽ những tuồng Mã Long, Mã Phụng, Sơn Hậu, Tam Quốc, Hồng Môn, hội ẩm. Về tranh thờ có khảm khổ to Thần Trà, Uất Lũy, Tiến Tài, Tiến Lộc.

Chánh lại dán giấy, bôi thuốc cánh sen làm hoa sen, búp sen, có cuống cắm vào chậu cảnh. Lại lấy cây con khô về chắp hoa giấy làm cành mai, cành đào giả.

Đứng bên cạnh hai bồ tranh, các chú bé đi chợ Tết thích thú chọn mấy con giống bôi vôi, chấm son, miệng ngậm chiếc còi bằng nứa. Mấy con giống ấy, lúc đầu Chánh chỉ làm cho em chơi, sau lũ trẻ trong xóm hỏi mua, Chánh mới làm thêm bán kèm theo tranh Tết.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Thiếu nữ chơi cá vàng. 1939. Lụa. 40×60. Sách “Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, xuất bản năm 1992

Các cụ thích mua loại tranh Tùng- Cúc- Trúc- Mai, tranh Hạc đứng trên lưng rùa hoặc tranh Sơn Hậu. Những bức Tiến Tài, Tiến Lộc,… cũng được bà con đi sắm Tết chọn lựa. Mẹ con Chánh giở tung hai bồ tranh, bày ra mặt đình cho bà con tha hồ chọn.

– Anh bán cho tôi hai Mã Long, Mã Phụng.

Một bà tay bưng rổ đầy cam, pháo, tay cầm hai bức tranh giơ lên xem. Tranh buông dài như đôi câu đối.

Hai bố con một người ở quê lên, quần nâu, áo vải ngắn, chỉ tay vào mấy bức tranh nhỏ:

– Bà cuộn hộ hai bức Tiến Tài, Tiến Lộc này.

Cùng với tranh Tết, Chánh còn vẽ những bức tranh sơn thủy, lâu đài, có bụi cây xa gần, có sông, có đò, vẽ người câu cá, em mục đồng cho trâu ăn, người đi củi, kẻ đi cày. Một tờ tranh đẹp dán tường hay một cành hoa giấy cắm bàn thờ tổ tiên, ba ngày Tết ai cũng cố cho có.

Gần cuối buổi chợ, một cụ già đầu tóc bạc phơ nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, đến trước hàng tranh Tết.

– Mời cụ mua bức tranh này.

Chánh giới thiệu với cụ già một bức tranh phong cảnh.

Lựa theo một bức tranh xưa, Chánh vẽ một ông già chống gậy, tay cầm bầu rượu, hỏi đường em bé chăn trâu, đang đi qua một chiếc cầu trong làng. Em mục đồng chăn trâu ở phía trước. Đằng xa thấp thoáng những bụi tre làng và những mái nhà nhấp nhô. Trên một bụi tre có một cây nêu cắm lá cờ nhỏ…

Có một bức tranh Chánh bày lẫn tranh Tết, nhưng xếp phía dưới, có ý tiếc không muốn bán. Đó là bức tranh vẽ một cô gái khoảng chừng 14, 15 tuổi ngồi dựa gốc cây giữa cảnh hoàng hôn đang buông xuống. Màu sắc bức tranh không rực rỡ như tranh Tết, trái lại rất kín đáo với màu nâu dịu dàng. Phảng phất như một bức tranh cổ, nhưng người trong tranh lại là một cô gái bình thường vẫn gặp ở thôn quê.

Cụ già nhìn ngắm hai bức tranh hồi lâu, rồi cười rộng rãi:

– Tôi muốn mua cả hai.

Tranh đã gói trao cho khách rồi, mà Chánh vẫn nhìn theo, trong lòng bâng khuâng như đánh mất một vật quý. Mẹ Chánh an ủi:

– Rồi con lại vẽ cái khác.

Nhưng Chánh biết rằng mình sẽ không vẽ lại được một bức nào giống hệt như vậy nữa. Bức tranh màu nâu dịu dịu ấy là một kỷ niệm không bao giờ quên của buổi gặp gỡ trong ngày hội làng Nam Hà vào mùa xuân năm trước, một mùa xuân nhiều hoa mộc.

Hoa mộc trắng tinh, thơm mát. Hương mộc trước cổng chùa làng Nam Hà năm ấy dường như đã thu hút được nhiều thanh niên nam nữ từ các làng bên về đi hội.

Tuổi thanh niên mới lớn có nhiều nỗi ngỡ ngàng. Chánh được bạn bè kéo đi xem hội, tất bật mượn được chiếc áo the thâm dài quá đầu gối và một chiếc quần trắng có nếp, đầu chít khăn xếp, tay cầm ô che nắng. Cần đôi giày hạ mà không kiếm đâu ra. Chánh đành đi đôi guốc mộc mới. Đôi guốc khá cao giúp cho người Chánh cao hơn một ít.

Bước qua chiếc cầu tre bắc ngang sông Tân Giang, Chánh và mấy bạn cùng lứa tuổi mười sáu, mười bảy rủ nhau đi hội. Từ xa, đã nghe tiếng trống tùng tùng. Muốn đến chỗ đông người tụ họp trên cồn cao, còn phải băng qua một quãng đồng rộng. Mấy cánh cò đang sục sạo dưới ruộng nước, thấy tiếng người, vỗ cánh xao xác bay vút lên cao, vẽ lên mấy nét chấm phá trên bầu trời xanh trong.

Ngồi dạy học ở thôn Đồng Môn năm qua, trong một gia đình có ba trẻ nhỏ, Chánh đã có dáng nhà giáo. Trong lúc bạn bè xô nhau vào các quán rượu, quán nước tán tỉnh, đùa cợt với mấy cô bán hàng từ tỉnh về, quần áo xanh đỏ lòe loẹt, thì Chánh thẩn thơ đi ngắm cảnh chùa. Dưới bóng cây si to cành lá xum xuê, ngôi chùa cổ đẹp như trong tranh. Chánh đi dạo một mình bên cạnh những lùm cây mộc.

– Anh nho ơi anh nho! Cho chị nho miếng trầu nào…

Tiếng ai thanh thanh sau lưng làm Chánh giật mình ngoảnh lại. Đôi mắt đen, nụ cười hiền hòa của một cô gái chừng mười bốn, mười lăm làm Chánh thấy xao xuyến trong lòng. Chiếc nón quai thao nghiêng nghiêng che đôi gò má ửng hồng.

– Ả nói chi lạ rứa.

Cô gái có đôi mắt đen nép vào vai người bạn đang hỏi xin trầu cho mình và có ý trách bạn.

Người bạn đẩy cô gái ra trước mặt người mà mình gọi là anh nho. Chánh vừa cảm động vừa lúng túng, vội vàng chạy đến bên chõng hàng một bà cụ già, xin miếng trầu têm cánh phượng, đưa tận tay người bạn mới quen. Dáng dấp e lệ thẹn thùng, nhưng miếng trầu trao tay vẫn nhận. Miếng trầu nên hẹn nên hò. Tay đưa miếng trầu, mắt Chánh liếc nhìn cô gái có đôi má ửng hồng vẫn e lệ nấp sau lưng bạn.

“Người đâu gặp gỡ làm chi”…

Hai cô gái đi rồi mà Chánh còn đứng ngơ ngẩn một mình.

Trên đường trở về nhà, buổi chiều ngày hội ấy, nghe tiếng gió thổi xào xạc, Chánh thấy lòng trống trải, bâng khuâng. Qua cánh đồng rộng, gió càng thổi mạnh. Một người đàn bà gánh gánh hàng đi chợ về muộn, nhìn thấy cậu con trai lủi thủi trên bờ ruộng vắng, buông theo một câu ví. Đã buồn, Chánh lại buồn thêm. Người học trò nghèo nhìn cảnh làng quê lúc ấy sao mà tẻ ngắt.

Bạn bè rủ Chánh đến làng dệt Đồng Môn hát ví. Vừa đến đầu làng đã nghe tiếng thoi đưa lách cách như reo vui:

Tiếng hát của các cô gái đậm đà, tha thiết:

“Khuyên Chàng đọc sách, ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu”

Dưới ánh đèn, các cô ngồi trên khung dệt ví hát với các thầy nho ở tỉnh về. Chánh thoáng thấy một cô nhìn mình và nói với bạn:

– Cậu ấy đến xem mặt đó à?

Anh thanh niên Chánh biết rằng các cô chú ý đến mình không phải mẹ mình có nhà ngói sân gạch hay không, mà vì cái tiếng thầy nho hiền lành chăm chỉ, được học trò yêu mến. Chánh cùng hát ví với bạn bè, nhưng vẫn cảm thấy lòng mình chưa để trong câu hát.

Cuối năm ấy, khi vẽ tranh Tết, Chánh đã mải mê vẽ lựa theo một bức tranh xưa mà Chánh rất thích. Đó chính là bức tranh mà cụ già đã mua mất trong phiên chợ Tết ngày 26 ấy. Bức tranh vẽ một cô thôn nữ vấn khăn, mặc áo dài nâu đồng lầm, quần lụa đen, đang ngồi dưới gốc cây bên đường. Gương mặt trái xoan, hiền hậu. Chiếc nón quai thao bên người. Xa xa, mặt trời sắp lặn sau đỉnh núi. Giữa trời, một đàn chim đang bay về ngàn. Phía dưới bức tranh, có đề mấy dòng chữ nôm:

“ Chim bay về núi, tối rồi,

Bạn không lo liệu, còn ngồi chi đây?”

Chánh đã để cả tâm hồn minh họa lại bức tranh của các cụ ngày xưa và mường tượng ra người con gái trong tranh… Không phải ai xa lạ. Chính là cô gái anh đã gặp trong ngày hội Nam Hà mùa xuân ấy.

(Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)

 

 

Chia sẻ:
Back to top