Từ sự kiện Giải phóng Thủ đô Hà Nội năm 1954…
Lê Thanh Đức (1925 – 2004). Hà Nội đêm giải phóng. 1954. Bột màu
Năm 1954, họa sĩ Lê Thanh Đức đã sáng tác bức tranh “Hà Nội đêm giải phóng 1954”. Tác phẩm trở thành một sáng tác mẫu mực về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng không hề có hình ảnh vũ khí, xe cơ giới quân sự hay những bi thương mất mát. Tranh mô tả đêm đầu tiên giải phóng Hà Nội năm 1954 với rất nhiều người dân Hà Nội từ trẻ tới già đang hân hoan, tíu tít hướng về nhân vật trung tâm là chàng chiến sĩ trẻ, trên người vẫn mặc nguyên bộ quân phục. Từ ánh mắt, cử chỉ, động tác tư thế các nhân vật đến quang cảnh đường phố đầy ắp ánh sáng, cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Tác phẩm toát lên một không gian ngập tràn niềm vui tiếng cười, đầy sự ấm áp thân thương…
…Đến ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 1975
Quách Phong (1938). Nắng tháng Năm. 1975. Bột màu. 38x49cm
Và 21 năm sau, năm 1975, dân tộc Việt Nam lại bước lên một đỉnh cao chiến thắng mới khi đã giành hoàn toàn độc lập, Bắc Nam nối liền một dải.
Được là một trong rất nhiều người dân Sài Gòn tận mắt chứng kiến sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử đã là một may mắn, vinh dự và tự hào. Nhưng với tư cách một nghệ sĩ, họa sĩ Quách Phong đã biến tất cả những điều ấy thành một động lực sáng tạo mãnh liệt. Ngay trong đêm đầu tiên của ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông đã hoàn thiện bức tranh “Nắng tháng Năm”.
Cảm xúc của một người chứng kiến
Việc sáng tác bức tranh chỉ trong một đêm không đơn thuần là tốc độ mà là dấu hiệu rõ ràng cho thấy người họa sĩ đang ở trong một trạng thái thăng hoa của cảm xúc.
Ngày chiến thắng đến, và như hàng triệu người dân Sài Gòn, đồng bào trên khắp cả nước, họa sĩ Quách Phong cũng không thể ngủ được. Không phải vì lo âu, mà vì niềm hạnh phúc vỡ òa, trào dâng trong lồng ngực: Non sông nối liền một dải, Bắc – Nam từ nay xum họp một nhà, đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập, tự do.
Để rồi trong đêm tháng Tư lịch sử ấy, người họa sĩ không “vẽ” theo cách thông thường mà là “giải phóng cảm xúc” của chính mình lên trên giấy. Những đường cọ không còn bị ràng buộc quá nhiều bởi lý trí hay kỹ thuật, mà hoàn toàn được điều khiển bởi trái tim. Nét vẽ vì thế mà gấp gáp, tuôn trào, như viết ra một bản giao hưởng thị giác bằng nét, hình, màu từ cảm xúc.
Là một họa sĩ – chiến sĩ từng sống và chiến đấu, từng tận mắt chứng kiến những mất mát, hi sinh, chia ly vì chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, thế nên với Quách Phong, ngày 30 tháng 4 không chỉ là “ngày chiến thắng” mà còn là ngày để tưởng nhớ cho những người đã nằm xuống và nụ cười cho những gì đã được giữ lại.
Quách Phong chọn vẽ niềm vui, đoàn tụ, tuổi trẻ và ánh sáng. Bởi lẽ, ngay trong đêm chiến thắng, ông không cần mô tả chiến tranh. Ông cần hân hoan, cần một minh chứng cho lý tưởng mà bao người đã sống trọn vì nó.
Nắng tháng Năm là nắng trong tâm hồn người họa sĩ
“Nắng tháng Năm” trong tranh không phải ánh nắng mặt trời thông thường – đó là ánh sáng trong lòng người họa sĩ, là thứ ánh sáng mà người họa sĩ – chiến sĩ Quách Phong đã ấp ủ bao năm trời. Khi chiến thắng đến, ánh sáng ấy tuôn ra, phủ lên bức tranh bằng thứ cảm xúc thanh sạch, trong trẻo và đầy hy vọng. Người họa sĩ khi vẽ trong đêm đó như đang sống lại cả cuộc đời mình, vẽ với tâm thế của một người nghệ sĩ yêu nước đang nói với quá khứ: “Chúng ta đã đi đến ngày này, không uổng phí”.
HỌA SĨ QUÁCH PHONG BÊN GIÁ VẼ
Không có đơn đặt hàng. Không ai yêu cầu ông vẽ. Nhưng ông đã không thể không vẽ. Đó là điều làm cho bức tranh trở thành một chứng tích của tâm hồn, chứ không chỉ là tác phẩm hội họa.
Ông đã không tìm đến chi tiết, không cố vẽ gương mặt từng người – bởi trong ông là cảm giác tất cả đều đẹp, tất cả đều đáng được khắc ghi. Chính vì vậy, hình ảnh thiếu nữ, bộ đội, cờ đỏ… đều mang tính biểu tượng, nhưng sống động như chính khoảnh khắc lịch sử ông vừa bước qua.
Ba màu trắng – xanh – đỏ được họa sĩ dùng chủ đạo trong tranh. Màu trắng của các tà áo dài nữ sinh, hiện thân cho nhân dân, cho cái đẹp, hòa bình và tương lai. Đoàn quân với màu áo xanh lá cây, màu của sự sống, của hy vọng. Và màu đỏ của cờ Tổ quốc, tượng trưng cho lý tưởng cách mạng, chiến thắng.
Việc lựa chọn bột màu là chất liệu để thể hiện tác phẩm “Nắng tháng Năm” cũng đơn thuần xuất phát từ bối cảnh họa sĩ cần một chất liệu phù hợp về mặt kỹ thuật để chuyển tải nhanh cảm xúc.
Cảm xúc xuất phát từ trái tim. Và người nghệ sĩ, khi vẽ bằng trái tim, có thể lưu giữ khoảng khắc ánh sáng niềm tin chiến thắng của cả một dân tộc – ánh sáng của hòa bình trong “Nắng tháng Năm”.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền bởi Viet Art View