Bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, Mona Lisa, cần một không gian đủ rộng để chào đón những người ngưỡng mộ. Bởi vậy nó được đặt trong căn phòng lớn nhất của Louvre, Salle des États, cũng là nơi trưng bày những bức tranh Venice đáng chú ý khác như ‘The wedding feast at Cana’ (Tiệc cưới ở Cana) của Veronese.
Ngôi nhà cho một Biểu tượng
Một siêu sao xứng đáng với một khung cảnh thích hợp. Đó là lí do tại sao vào năm 1966, Louvre đã chọn trưng bày kiệt tác của Leonardo trong Salle des États, căn phòng lớn nhất trong cung điện.
Nụ cười bí ẩn nổi tiếng của nàng Mona Lisa đã làm người xem mê đắm qua nhiều thế kỷ. Một trong số những người ngưỡng mộ đầu tiên của nàng là Vua François I, người đã mời Leonardo da Vinci đến Pháp và mua bức tranh từ ông vào năm 1518. Đây là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới lọt vào bộ sưu tập hoàng gia được trưng bày tại Louvre kể từ Cách mạng Pháp.
Từ năm 2005, Mona Lisa đã được trưng bày trong một tủ kính bảo vệ, trong sự lộng lẫy đơn độc ở trung tâm của căn phòng. Qui trình đặc biệt này một phần xuất phát từ nhu cầu đảm bảo an toàn cho kiệt tác, nhưng cũng do yêu cầu về bảo tồn: tác phẩm không được vẽ trên vải, mà trên một tấm gỗ dương đã bị cong vênh qua nhiều năm, những vết nứt đã xuất hiện. Nhằm tránh hư hại thêm, Mona Lisa phải được giữ trong tủ kính kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm.
Bạn có biết?
Mona Lisa
Đây là bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới. Người trong tranh được cho là Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn lụa Florentine Francesco del Giocondo – do đó tên tiếng Ý của nàng là La Gioconda và tên tiếng Pháp là La Joconde. Được vẽ trên nền phong cảnh xa xăm, nàng nhìn vào chúng ta với nụ cười bí ẩn nổi tiếng. Một khía cạnh khác của bức tranh khiến nó trở nên đặc biệt là kỹ thuật sfumato của Leonardo da Vinci, dựa trên việc sử dụng nhiều lớp màu trong mờ để tạo hiệu ứng “khói” với các đường nét và sự tương phản cực kì tinh tế. Leonardo đã để nàng Mona Lisa ngồi và quay mặt về phía người xem, một chuyển động tự nhiên, mang lại sức sống kì lạ cho bức tranh.
Vụ trộm thế kỷ
Vào ngày 21 tháng 8 năm 1911, sự hoảng loạn phá vỡ bầu không khí của Louvre, nàng Mona Lisa đã biến mất. Tin tức lan truyền như cháy rừng, những phần thưởng cực kì hào phóng được hứa hẹn cho sự trở về của nàng, nhưng tất cả đều vô ích. Hơn hai năm không có bất cứ tin tức gì về bức tranh. Rồi một ngày, Vincenzo Peruggia, một thợ lắp kính từng làm việc cho Louvre, cố gắng bán bức tranh nổi tiếng nhất thế giới cho một nhà buôn tranh người Ý, người đã báo cho nhà chức trách. Sau đó Mona Lisa đã trở về, và danh tiếng của nàng càng vang xa hơn.
Một màu xanh lam mới mẻ
Năm 2019, Salle des États đã trải qua một loạt các đợt chỉnh trang, các bức tường được sơn lại bằng màu xanh lam đậm, tăng độ tương phản với các màu đỏ, vàng, cam, xanh lá cây trong các kiệt tác của Venice được trưng bày tại đây.
Căn phòng của lịch sử
Salle des États được thiết kế bởi kiến trúc sư Hector Lefuel, xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1855 đến 1857. Trong thời kì Đế Chế thứ hai, nó phục vụ các phiên lập pháp quan trọng do Napoleon Đệ tam chủ trì, người nhất định muốn trang trí xa hoa để tôn vinh Đế chế. Sau khi ông mất quyền lực vào năm 1870, căn phòng trở thành một phần của Bảo tàng và được trưng bày các bức tranh Pháp thế kỷ 19. Đầu thời Đệ tam Cộng hòa, kiến trúc sư Edmond Guillaume đã điều chỉnh căn phòng cho phù hợp với mục đích mới: các cửa sổ được đóng lại để có thêm không gian cho các tác phẩm nghệ thuật, một trần kính được thêm vào, đưa ánh sáng từ trên cao xuống, tránh phản chiếu vào các bức tranh. Sau Thế chiến thứ hai, các tác phẩm của Pháp được thay thế bởi các bức tranh của Venice.
Hội họa Venice
Titian, Tintoretto, Veronese… những họa sĩ vĩ đại nhất của Venice đều có chung sự yêu thích những màu rực rỡ. ‘Tiệc cưới ở Cana’ với kích thước hoành tráng lấp đầy không gian đối diện với Mona Lisa, xung quanh là những bức tranh nổi tiếng khác, bao gồm ‘Buổi hòa nhạc đồng quê’ và ‘Người đàn ông với chiếc găng tay’ của Titian, bản vẽ đầy sức sống của Tintoretto cho ‘Lễ đăng quang của Đức mẹ đồng trinh’ hay ‘Thiên đường’ (một phần của kế hoạch trang trí khổng lồ cho Sala del Maggiore Consiglio trong Dinh Tổng trấn ở Venice), những bức chân dung nguy nga như ‘Chân dung người phụ nữ Venice’ của Veronese hay còn gọi là La Bella Nani, và nhiều bức tranh khác… một chùm ánh sáng và màu sắc, thể hiện tài năng phi thường của các họa sĩ Venice thời Phục Hưng.
Leonardo da Vinci, ‘Chân dung của Lisa Gherardini, vợ Francesco del Giocondo’, hay ‘Mona Lisa’
Veronese (Paolo Caliari), ‘Tiệc cưới ở Cana’
Titian (Tiziano Vecellio), ‘Buổi hòa nhạc đồng quê’
Titian (Tiziano Vecellio), ‘Người phụ nữ và chiếc gương’
Veronese (Paolo Caliari), ‘Bữa tối ở Emmaus’
Titian (Tiziano Vecellio), ‘Người đàn ông với chiếc găng tay’
Veronese (Paolo Caliari), ‘Chân dung một phụ nữ Venice’ hay ‘La Bella Nani’
Veronese (Paolo Caliari), ‘Thần Zeus tung sấm sét vào Sự đồi bại’
Titian (Tiziano Vecellio), ‘Đức mẹ Đồng trinh với Chúa Hài đồng, thánh Catherine và một người chăn cừu’ hay ‘Đức Maria và chú thỏ’
Tintoretto (Jacopo Robusti), ‘Lễ đăng quang của Đức mẹ Đồng trinh’, hay ‘Thiên đường’
Veronese (Paolo Caliari), ‘Khổ hình của Chúa’
Nguồn: Bảo tàng Louvre
(Lược dịch bởi Viet Art View)