‘Les Puissantes’ cho Marie Claire Pháp
Stefania Tejada lớn lên ở một thành phố nhỏ của Colombia và theo học một trường Công giáo nghiêm khắc ở đó, quan điểm của cô về quyền phụ nữ đã bị giới hạn suốt thời niên thiếu. Hiện tại, sống ở Paris, được truyền cảm hứng từ các trang Vogue và cách tiếp cận của các nhà thiết kế thời trang mà cô yêu thích, cô đang vẽ nên một quân đoàn những người phụ nữ quyền lực với cả thế giới dưới chân họ. Bao quanh bởi thiên nhiên và thường hướng ánh nhìn về phía người xem, nhân vật trong tranh của cô muốn gửi một thông điệp rằng phụ nữ có thể thoát khỏi những giới hạn đặt ra cho họ nếu họ tìm cách hiểu con người thật của mình. Stefania trò chuyện với Alix-Rose Cowie, chia sẻ cách làm thế nào cô đã phát triển những hiểu biết về tiềm năng, năng lực của phụ nữ, và cô cảm thấy cần phải tạo ra một hình ảnh vượt trội gây cảm hứng cho mọi người.
Khi đang theo học ngành thiết kế thời trang tại trường đại học ở Bogotá, Stefania Tejada có một người bạn bị ám ảnh bởi Alexander McQueen. Điều này khơi dậy sự tò mò của chính cô. Nghiên cứu sâu hơn, cô tìm thấy một câu nói của nhà thiết kế người Anh mà cô không bao giờ quên: “Tôi muốn mọi người sợ những phụ nữ mà tôi chọn trang phục cho họ”. “Nó cho tôi một tầm nhìn mới về những gì một người phụ nữ có thể trở thành,” cô nói. “Một người phụ nữ có thể mạnh mẽ hoặc hung dữ.” Giờ đây, là một họa sĩ sống ở Paris, cô vẽ những người phụ nữ với đầy đủ sức mạnh của họ, áo giáp của họ là lụa và sa tanh của các nhà thời trang đỉnh cao — bao gồm cả Alexander McQueen.
‘Chơi nhạc cụ’
Lớn lên ở thành phố nhỏ Tuluá ở Colombia, Stefania theo học tại một trường Công giáo giới hạn do các nữ tu phụ trách. “Bạn không thể là chính mình,” cô nói, “Bạn phải mặc bộ đồng phục tinh khôi này. Bạn không thể nhuộm tóc hay sơn móng tay. Tất cả chúng tôi đều phải trông giống nhau”. Những lựa chọn mà cô có với tư cách một phụ nữ trưởng thành ở đó dường như cũng có giới hạn. Cô muốn biết những gì đang xảy ra bên ngoài thành phố nhỏ của cô. Tạp chí quốc tế duy nhất trên kệ trong cửa hàng tạp hóa địa phương của cô là Vogue. Khi cô lén bỏ cuốn tạp chí vào giỏ hàng khi đi mua sắm cùng cha mẹ, nó đã trở thành cửa sổ mở ra thế giới mới – thời trang – sẽ là tấm vé đưa cô ra khỏi thành phố nhỏ của mình.
Học tập ở thủ đô và sau đó là ở Mexico, xung quanh là những người bạn đến từ nhiều nơi khác nhau, cô dần buông bỏ những quan điểm truyền thống về quyền phụ nữ đã nuôi dưỡng cô khi lớn lên và bắt đầu nhận ra những khả năng vô hạn cho cuộc sống của mình. Cô cần những người phụ nữ truyền cảm hứng, vì vậy cô bắt đầu vẽ họ. “Sự tham chiếu này không tồn tại trong cuộc sống của tôi, vì vậy tôi nhìn thấy khả năng vẽ ra những người phụ nữ này, những nữ chiến binh Amazon, những người có thể nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự là ai, người có thể cho chúng ta thấy chúng ta có thể mạnh mẽ và thần thánh như thế nào,” cô nói.
‘Lạc tiên’
‘Hoang dã’
Tác phẩm của cô bắt đầu gây được tiếng vang với những phụ nữ khác, và cô sớm được công nhận bởi ấn phẩm nữ quyền Lenny Letter ở New York, do Lena Dunham và Jenni Konner thành lập. Cô đã minh họa một bài báo về Kesha cho họ sau khi nữ ca sĩ chia sẻ kinh nghiệm bị tấn công tình dục. Bài báo và hình ảnh đã được những người nổi tiếng như Anne Hathaway và Reese Witherspoon đăng lại, dẫn đến nhiều cơ hội làm việc hơn cho Stefania, trong đó có dự án United State of Women [Hợp chúng quốc của phụ nữ] của Michelle Obama. Những cơ hội xuất hiện tiếp theo đều được cô nắm lấy bất kể thời hạn. Công việc của cô tiếp tục tập trung vào phụ nữ, giờ là cho các thương hiệu như Cartier, Nike và Netflix.
Khi Stefania bắt đầu vẽ, cô luôn bắt đầu với khuôn mặt, đặc biệt tập trung vào đôi mắt. Những người phụ nữ của cô luôn nhìn về phía người xem. Điều này gắn liền với nghệ thuật mà cô được tiếp xúc lần đầu tiên khi còn nhỏ, ngồi trên cầu thang trong ngôi nhà của bà, nhìn chăm chăm vào những người phụ nữ trong tranh in của Fernando Botero, những người luôn đáp lại ánh mắt của cô. “Tôi sẽ cố hiểu những gì họ đang cố gắng nói với tôi,” cô nói. Câu hỏi đầu tiên của cô lúc này luôn là đối tượng của cô phải nói gì.
‘La Triomphante’ cho Marie Claire Pháp
‘Le Mal de Mères’ cho Marie Claire Pháp
Thật dễ dàng để nghĩ về các truyền thống như cách mà mọi thứ luôn diễn ra, chúng đã được xây dựng theo cách đó, thường là với một chương trình nghị sự gia trưởng hoặc tôn giáo. Eve, quả táo và con rắn có vai trò định kỳ trong tác phẩm của Stefania. Tuy nhiên trong các phiên bản của cô, phụ nữ không phải là người để đổ lỗi cho sự sa sút của ân sủng, họ nắm giữ chìa khóa để thức tỉnh khỏi sự thiếu hiểu biết.
Stefania muốn phụ nữ được giải phóng khỏi cái gọi là vai trò và quy định truyền thống. “Dưới áp lực của xã hội bảo chúng ta phải ăn mặc như thế nào và phải trở nên như thế nào, tôi nghĩ chúng ta đã đánh mất chính mình từ rất lâu rồi, và tôi nghĩ cách duy nhất để hoàn toàn tỉnh lại là quay trở lại, kết nối lại với bản thân hoang dã và tìm ra con đường của mình, là một người phụ nữ.”
Bản thể tượng trưng: Chân dung La Toya Montoya cho Cartier – Pasha Generation
Người đàn bà hoang dã: Chân dung Natalia Montero cho Cartier – Pasha Generation
Chúng ta đều ngập tràn những khao khát hoang dã
Hơn cả những trang phục in hoa, thời trang thực sự là một vùng đất màu mỡ của Stefania. Tính đến những biến đổi khí hậu trong đó ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất, cô hi vọng tiếp cận được với những khán giả quan tâm đến cả thiên nhiên và thời trang — đủ để tạo ra những thay đổi và tồn tại bền vững.
Trong tác phẩm Stefania sáng tác cho Marie Claire, một nhóm phụ nữ ngồi cùng nhau trên một khung cảnh xanh mướt của dương xỉ. Eve mặc chiếc áo khoác da màu đen và legging ren với một con trăn trên vai. Ở phía trước, một người phụ nữ xinh đẹp đang ngả mình trên bãi cỏ trong bộ đồ trắng như thạch cao và đôi giày Tabi màu đen. Đôi mắt của cô, thật tự nhiên, dán chặt vào người xem. “Đối với tôi,” Stefania nói, “Chúa trông sẽ như thế”.
Nguồn: WePresent
Lược dịch bởi Viet Art View