Leonardo da Vinci, ‘Cô gái với chú chồn éc-min’ (1489–1491).
Bộ sưu tập Bảo tàng Czartoryski, Kraków, Ba Lan.
Vào thời điểm nhà bảo trợ nghệ thuật Phục hưng người Ý Isabella d’Este hỏi Cecilia Gallerani liệu cô có thể mượn bức Cô gái với chú chồn éc-min của Leonardo da Vinci, bức chân dung vẽ Gallerani gần một thập kỷ trước đó hay không, Gallerani đã bị thuyết phục bởi hai điều. Một, rằng Leonardo là một bậc thầy vô song, và hai, rằng cô ấy không còn giống cô gái được vẽ trong tranh với chiếc ferronnière trên trán, tay ôm một con chồn éc-min.
“Tôi sẽ gửi nó đến với một niềm vui lớn hơn nếu nó giống tôi hơn. Nhưng Điện hạ không thể nghĩ rằng điều này là do thiếu sót nào đó về phía bậc thầy, vì thực sự tôi tin rằng không có họa sĩ nào sánh bằng ông ấy,” Gallerani viết trong một bức thư gửi d’Este năm 1498. “Bức chân dung được thực hiện khi tôi còn rất trẻ. Kể từ đó, tôi đã thay đổi hoàn toàn, đến mức nếu Điện hạ nhìn thấy bức tranh và tôi cùng nhau, sẽ không thể tưởng tượng được rằng nó là vẽ về tôi.”
Leonardo da Vinci, Chân dung Isabella d’Este (1499–1500).
Bộ sưu tập Bảo tàng Louvre.
Leonardo đã thực hiện bức chân dung này vào khoảng giữa năm 1489 và 1491 sau khi ông thăng tiến từ một nhạc sĩ và nhà sáng chế cung đình sang làm họa sĩ cung đình chính thức cho Công tước Milan, Ludovico Sforza (người đã đặt hàng Bữa tối cuối cùng nổi tiếng). Gallerani trong bức chân dung khoảng 17 tuổi và bản thân đã chuyển từ cô hầu gái thành người tình của Công tước (có thể đã mang thai đứa con của ông).
Trong bức chân dung sơn dầu trên tấm gỗ óc chó này, một trong bốn bức chân dung phụ nữ còn lại của họa sĩ (cùng với Mona Lisa), Leonardo đã giải quyết vấn đề về việc làm sao để tạo ra một bức chân dung đôi danh giá của một cặp đôi ngoài giá thú.
Về sau họ đã chia tay, Gallerani chuyển đến cung điện của Công tước dành cho con trai của họ và kết hôn với một Bá tước. Cô đã giữ bức chân dung của Leonardo cho đến khi qua đời vào năm 1536, treo nó trong phòng của mình.
Dưới đây là ba điều bạn có thể chưa biết về Cô gái với chú chồn éc-min nổi tiếng của Leonardo.
1, Chú chồn éc-min không phải lúc nào cũng ở đó (và nó có thể ngụ ý nhiều điều)
Bản vẽ Cecilia Gallerani của Leonardo da Vinci (Thế kỷ thứ 15).
Chồn éc-min dường như không phải là một phụ kiện tự nhiên cho một cô gái trẻ, nhưng nó không quá kỳ lạ ở Ý thời Phục Hưng. Người bạn có lớp lông mềm mại của Gallerani đã được diễn giải theo nhiều cách.
Chú chồn này có thể là cách chơi chữ ngụ ý tên của người mẫu, “gale” trong phần đầu của họ Gallerani có nghĩa là chồn éc-min, hoặc con chồn trong tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, nó cũng có thể đề cập đến người đã đặt hàng bức tranh, Công tước Sforza, vì ông thường được gọi là “Éc-min trắng” sau khi được Vua Naples ban phẩm cấp “Order of the Ermine” năm 1448. Và nó cũng có thể ngụ ý kết quả mối quan hệ của Gallerani và Công tước, cô đã mang thai con trai là Cesare. Trong văn hóa Ý thời Phục Hưng, chồn là hình tượng bảo hộ phụ nữ mang thai và sự xuất hiện của chúng trong các bức tranh Phục Hưng có thể ngụ ý hoặc dự đoán việc mang thai.
Chân dung Ludovico Sforza tại Pala Sforzesca (1494–1495).
Bộ sưu tập Pinacoteca di Brera, Milan.
Một thập kỷ trước, các công nghệ mới tiết lộ rằng Leonardo không phải luôn luôn có kế hoạch đưa con chồn éc-min vào, cho thấy rằng nó được thêm vào để truyền tải một thông điệp có chủ đích nào đó. Nhà khoa học người Pháp Pascal Cotte đã nghiên cứu bức tranh trong ba năm bằng cách sử dụng “phương pháp khuếch đại lớp” (LAM), tiết lộ rằng Leonardo đã thêm một con chồn nhỏ màu xám trong bản chỉnh sửa cho bố cục đầu tiên, không có chồn, mà cuối cùng biến thành một con lớn màu trắng. Sự tiến triển này có thể cho thấy cặp đôi mong muốn khẳng định mối quan hệ của mình một cách công khai hơn.
2, Một bài sonnet [thể thơ của Ý] của một nhà thơ Ý được dùng để xác định thời gian mà bức tranh được thực hiện
Năm chính xác mà Leonardo thực hiện và làm lại bức tranh này không được biết rõ ràng nhưng chúng ta biết ngày nó được hoàn thành nhờ vào một bài sonnet. Nhà thơ cung đình người Ý Bernardo Bellincioni đã viết những đoạn thơ về bức chân dung vào năm 1492 và xuất bản chúng vào năm 1493, có nghĩa là ông ấy hẳn đã xem bản hoàn thiện trước đó.
Danh dự là của ngài, trong bức tranh của ông ấy
Ông ấy làm cho cô dường như đang lắng nghe chứ không nói.
Hãy nghĩ xem nó sẽ sống động và đẹp đẽ như thế nào –
Vì vinh quang lớn hơn của ngài – mãi mãi,
Đoạn thơ thứ hai trực tiếp nói với tự nhiên:
Vì vậy bây giờ người có thể cảm ơn Ludovico,
Cùng với thiên tài và kỹ năng của Leonardo,
Người muốn cô thuộc về hậu thế.
Người thấy cô như vậy, dù đã quá muộn
Để thấy cô đang sống, sẽ nói: đối với chúng tôi thế là đủ
Để hiểu tự nhiên và nghệ thuật.
3, Một gia đình hoàng gia Ba Lan đã cứu bức tranh một lần (và đánh mất nó một lần)
Những thành viên của Đội quân Bảo vệ di sản cùng với ‘Cô gái và chú chồn éc-min’ của Leonardo da Vinci.
Hình ảnh: Wikimedia Commons.
Quá trình đổi chủ của Cô gái với chú chồn éc-min sau khi Gallerani qua đời vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên hoàng tử Ba Lan, Adam Jerzy Czartoryski, đã mua nó vào khoảng năm 1800 và tặng nó cho mẹ ông là Izabela Czartoryska, người đang nghiên cứu xây dựng bảo tàng đầu tiên ở Ba Lan (giờ là Bảo tàng Quốc gia ở Kraków). (Tình tiết của việc mua bán rất mơ hồ, không có xuất xứ liên quan.) Khi Izabela viết về bức tranh cho bảo tàng của mình, vào năm 1809, bà đã xác định nhầm Gallerani là người tình của Vua Pháp Francis I. “Cô được gọi là La Belle Ferronnière, và được cho là vợ của một nhà buôn sắt,” bà viết. “Những người khác nói rằng chồng cô là nhà bảo trợ.” Việc xác định sai lầm người mẫu mãi đến thế kỷ 20 mới được sửa chữa.
Bức chân dung ở Ba Lan cho đến những năm 1830 khi Hoàng tử Czartoryski phải sống lưu vong sau khi lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại Nga. Ông mang nó đến khách sạn Hôtel Lambert ở Paris và nó vẫn ở đó cho đến khi gia đình trở về Ba Lan vào những năm 1870. Vào năm 1878, bức tranh được trưng bày trước công chúng cùng với việc khai mạc bộ sưu tập Czartoryski.
Tuy nhiên, gia đình hoàng gia đã không thể bảo vệ Cô gái và chú chồn éc-min lần thứ hai, nó đã bị Đức Quốc xã chiếm giữ khi Đức chiếm đóng Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Bức chân dung được trưng bày một thời gian ngắn tại Bảo tàng Kaiser-Friedrich ở Berlin và sau đó được mang đi bởi Hans Frank, Toàn quyền Đức Quốc xã tại Ba Lan, luật sư riêng của Adolph Hitler. Frank đã treo nó trong văn phòng của mình ở Lâu đài Wawel, Kraków trong một năm.
Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, bức tranh được trả lại cho Bảo tàng Quốc gia (vào thời điểm đó đã tiếp quản Bảo tàng Czartoryski). Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1991, gia đình Czartoryski đã giành lại quyền đối với các tác phẩm nghệ thuật và một số tài sản của mình và cuối cùng quyết định bán toàn bộ bộ sưu tập vô giá (bao gồm cả Cô gái với chú chồn éc-min) cho chính phủ Ba Lan với số tiền 100 triệu euro, thấp hơn đáng kể so với giá trị thị trường, như một món quà cho người dân Ba Lan.
Bài viết của Karen Chernick
Nguồn: artnet
Lược dịch bởi Viet Art View