Vị trí địa lý chính xác của bức tranh này được nhìn từ bên số chẵn về phía ngã ba Lò Đúc – Trần Xuân Soạn, phía hàng cây sao đen tuyệt đẹp, thẳng tắp kéo dài từ số 1 đến số nhà 77 (dãy số lẻ với hiệu Phở Thìn lẫy lừng số 13) phố Lò Đúc, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên, che mát cho cả khu phố…
Trần Duy (Trần Quang Tăng, 1920-2014). Đường Lò Đúc. 2002. Lụa. 53x36cm
Bức tranh “Đường Lò Đúc” được họa sĩ Trần Duy sáng tác vào mùa đông 2002, cách đây đúng 20 năm. Hồi ấy, ông vẫn đang sống trong ngôi nhà ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm. Căn nhà tuy đã sang tên cho người chủ mới, nhưng ông tạm thời vẫn ở đó. Năm 2003, ông chuyển về sống ở phố Đội Cấn. Chủ của căn nhà trên phố Đội Cấn chính là người đã mua ngôi nhà ở làng Kiêu Kỵ của ông. Thời điểm quyết định bán căn nhà ở Kiêu Kỵ để chuyển vào Sài Gòn là lúc tâm hồn, cảm xúc của ông bị chênh vênh bởi chuyện tình cảm riêng tư. Trong khoảng thời gian lưu trú trong căn nhà đã bán tại Kiêu Kỵ, họa sĩ Trần Duy được hai bạn trẻ là con của chủ nhà mới yêu quý. Cậu con trai chủ nhà đã đèo họa sĩ bằng xe máy đi nhiều nơi để ông ngắm cảnh và sáng tác. Ngoài nội đô, các làng ven ngoại thành Hà Nội là địa danh quen thuộc, yêu thích của ông, hai ông cháu còn đi mãi vào tận Huế, rồi lại Tràng An-Ninh Bình,Tam Đảo, …để ông thưởng cảnh, ký họa, ghi chép tư liệu để sáng tác. Chính vì tình cảm chân thành của gia đình người chủ mới cùng một vài biến cố tình cảm, ông đã quyết định ở lại Hà Nội.
Chân dung họa sĩ Trần Duy (Trần Quang Tăng, 1920-2014)
Họa sĩ Trần Duy, tên thật là Trần Quang Tăng, sinh 1920, ở Huế, trong một gia đình quan lại. Sau khi học hết tú tài toàn phần trường Khải Định (Ban Triết học), ông theo học hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Năm 1945, ông tham gia hoạt động Việt Minh. 1946 tham gia đánh Trường bay Gia Lâm. Trong kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại Ban địch vận Khu 10, tham gia làm báo “Vệ quốc quân”, báo “Vui sống”, công tác địch vận Chiến dịch đường 4. Ông là người hoạt động cách mạng đúng nghĩa.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Trần Duy
Họa sĩ Trần Duy, với tư cách thư ký tòa soạn báo “Nhân văn” đã có mặt trong danh sách phong trào “Nhân văn – Giai phẩm”. Việc này đã có tác động rất lớn đến cuộc sống của ông và cả của gia đình. Ông đã sống, làm việc, sáng tác trong một sự “quản thúc vô hình” bởi chính cụm từ “Nhân văn – Giai phẩm” ấy. Họa sĩ Trần Duy chọn cho mình lối sống lặng lẽ, kiên nhẫn, khoan thai, ôn hòa để làm việc. Ông đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, ghi dấu tên tuổi với những bức tranh lụa phong cảnh nổi tiếng.
Để có tư liệu, cậu thanh niên trẻ đã đèo ông đến phố Lò Đúc nhiều lần để ông ghi chép, ký họa. Tác phẩm “Đường Lò Đúc” được ra đời từ những bản ký họa ghi chép trực tiếp ấy chứ không chép theo ảnh chụp.
Tranh mô tả cảnh phố Lò Đúc vào mùa đông năm 2002. Hàng cây sao đen đứng thẳng tắp, đều đặn, thân cây chắc nịch, cao vút, vươn cao với đặc trưng mùa đông là các cành mảnh khảnh, gầy guộc, ít lá… Hàng cây quý và mát là biểu tượng của phố Lò Đúc, không biết được trồng từ năm nào. Nhiều người ước chừng, hàng cây sao đen này có tuổi đời… hơn một đời người. Cuối phố Lò Đúc, đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu là Ô Đống Mác, một trong năm cửa ô của Hà Nội…
Với “Đường Lò Đúc” ông sử dụng lối vẽ sở trường với kiểu thức tranh lụa tỉ mỉ, giản dị, mộc mạc nhưng vẫn tinh khéo, tài hoa; ngọn bút lông tỉa nét mềm mại, khéo léo đan xen vào nhau liên tiếp như dệt thảm. Đó là một hệ thống nét tinh tế, vừa tả, vừa gợi liên tiếp. Các sắc màu dịu nhẹ chỉ đủ để gây cảm giác về màu cho không gian tranh trở nên ấm áp, tình cảm.
Đây có thể là bức tranh duy nhất sáng tác về phố Lò Đúc của họa sĩ Trần Duy. Ông chọn Lò Đúc bởi những năm ấy hình như có dự án chặt hàng cây sao đen. Vì thế, ông quyết định phải vẽ lại để lưu giữ.
Tranh phong cảnh của ông đa dạng, phong phú nhưng tập trung nhất vào những nơi ông yêu thích và gắn bó. Đó là Tràng An, Ninh Bình với Tam Cốc – Bích Động đẹp như tranh vẽ. Đó là những con phố Hà Nội, đặc biệt là đường Yên Phụ thơ mộng, biến ảo vẻ đẹp qua các mùa. Đó là làng Thúy Lĩnh, Thanh Trì mộc mạc, một trong những căn nhà, nơi ông đã từng sống một thời gian trong suốt quá trình xê dịch các nơi ở khác nhau của mình.
Sau này, tác phẩm “Đường Lò Đúc” được ông tặng lại “người bạn an ninh”, là người được giao nhiệm vụ “thăm dò” mọi việc liên quan đến “tư tưởng chính trị” của ông trong nhiều năm. Người bạn này ngoài nhiệm vụ chính được giao, trong quá trình hoạt động nghiệp vụ đã trở nên gần gũi, thân thiết với ông như một người bạn tâm giao, thấu hiểu con người ông. Họ thực sự trở thành bạn bè…
Nhà dân tộc học Từ Chi, một người bạn thân tình của họa sĩ Trần Duy đã viết về ông như sau: “Hình ảnh hiện lên trong tranh anh là hình ảnh đất nước, là bóng dáng trong dĩ vãng mà đồng thời lại là truyền thống muôn đời của dân tộc. Anh luôn luôn bám được điều đó…Chính là vì anh vẽ rất thật, thật là không giả, không tự huyền hoặc mình, và không vô tình huyền hoặc người khác”.
Họa sĩ Trần Duy là một họa sĩ của trường phái hiện thực – lãng mạn. Ông sinh ra trong một gia đình có nguồn gốc hoàng tộc cung đình Huế, học trường của Pháp, giỏi tiếng Pháp, hệ thống nghiên cứu lý luận nghệ thuật sâu sắc, đã tham gia hoạt động cách mạng, lại cũng đã từng vấp phải điều tiếng về mặt tư tưởng. Tất cả điều ấy đã tạo nên một họa sĩ Trần Duy tinh tế, lãng mạn, trầm lặng, khoan nhã, rất đời…
Tư liệu về họa sĩ Trần Duy còn nhiều điều để viết, Viet Art View xin để dành cho việc giới thiệu những tác phẩm tiếp theo trong gia tài sáng tác mà ông để lại. Bài viết này chỉ xin kể một khía cạnh rất nhỏ về hoàn cảnh ra đời của bức tranh….
Trong video có sử dụng tư liệu:
- Sách “Tranh ký họa trên đất Pháp” của tác giả Trần Duy – Nhị Hà, NXB Văn hóa-Thông tin, năm 1996
- Sách “Trần Duy”, năm 1997 của NXB Mỹ thuật
- Sách “Trần Duy, người xem và tác phẩm”, năm 2010 của NXB Mỹ thuật
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View