Logo loading

THIẾU NỮ HÁI SEN CỦA HỌA SĨ NGUYỄN THỊ CHÍN (sinh 1937) MỘT BỨC TRANH THUỘC SƯU TẬP HOÀNG GIA

Trước mắt chúng ta là hình ảnh một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp trong tà áo dài tha thướt giữa đầm hoa sen bát ngát hương. Một khung cảnh thần tiên, liêu trai chỉ thấy trong những giấc mơ… NGUYỄN THỊ CHÍN (1937).Thiếu nữ hái sen. 1958. Lụa. 67x50cm Khi ngắm nhìn người thiếu […]
|Viet Art View

Trước mắt chúng ta là hình ảnh một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp trong tà áo dài tha thướt giữa đầm hoa sen bát ngát hương. Một khung cảnh thần tiên, liêu trai chỉ thấy trong những giấc mơ…

NGUYỄN THỊ CHÍN (1937).Thiếu nữ hái sen. 1958. Lụa. 67x50cm

Khi ngắm nhìn người thiếu nữ trong tranh quá đỗi mềm mại, quá đỗi dịu dàng, Viet Art View muốn tìm hiểu về họa sĩ Nguyễn Thị Chín, người đã sáng tác bức tranh.

Họa sĩ Nguyễn Thị Chín là ai? Theo cuốn “Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn-Gia Định 1900-1975” của tác giả Uyên Huy có viết: “Họa sĩ Nguyễn Thị Chín sinh năm 1937. Bà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa 1955-1959, cùng học với: Lê Bá Đáng, Nguyễn Minh Hoàng, Vĩnh Phối, Nguyễn Văn Minh, Đỗ Thị Tố Oanh, Đặng Hoài Nam. Từ 1959-1964, giảng dạy tại trường Mỹ nghệ Biên Hòa”.

Triển lãm của thầy Trương Văn Ý (từ phải qua): Bà Nguyễn Thị Chín, bà Hoa (Y tế), bà Vũ Thị Ngà

Tiếp tục kiếm tìm thêm tư liệu, hình ảnh về tiểu sử của bà qua một số nhà nghiên cứu, nhà sưu tập phía Nam. May mắn thay được Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Anh (hiện đang định cư tại Mỹ) gửi thêm thông tin quý giá từ kho tư liệu của mình.

“Cô CHÍN là hoạ sĩ trong Trường Mỹ thuật, dáng người cô gầy mảnh mai, trung bình không cao mà cũng không thấp rất hiền hoà … Cô Chín đã có nét vẽ rất mạnh. Cô vẽ những đường công -tua (outline) vững chắc và luôn luôn đi lòng vòng trong lớp người mẫu (studio class) để sửa bài cho từng học sinh”.

Nhà nghiên cứu Minh Anh còn cho biết thêm, họa sĩ Nguyễn Thị Chín vẫn còn sống và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, tiểu bang Loussiana.

Một người bạn khác trong giới nghiên cứu và sưu tầm gửi Viet Art View lý lịch tác phẩm “Thiếu nữ hái sen”. Bức tranh này đã được đấu giá năm 2018 tại Mỹ.

Đến đây, điều bất ngờ thực sự đã xảy ra. Nguyên văn lời giới thiệu từ Nhà đấu giá như sau: “Bức tranh vẽ người phụ nữ Việt Nam bên hoa sen ký tên Nguyễn Thị Chín, 1958, Sài Gòn, một bức tranh màu nước trên lụa đẹp đến mê hồn về một người phụ nữ Việt Nam thanh thoát với mái tóc đen buông dài đang cúi xuống đầm sen, viền gấm, khung kính, chưa tháo khung để kiểm tra. Kích thước tranh: 26,5×19,5 inch; Kích thước cả khung: 36×25,25 inch. Là tài sản của bà Trần Lệ Chi Oggeri Rodriguez, Việt Nam, Fayetteville, Bắc Carolina. Là hậu duệ trực hệ của Hoàng đế An Nam, Lệ Chi sinh ra tại Hà Nội, Việt Nam, con gái của Công chúa Nam Trân và Đại sứ Trần Văn Chương”.

Như vậy, “Thiếu nữ hái sen” đã từng thuộc quyền sở hữu của một trong những gia tộc nổi tiếng nhất Việt Nam.

Bà Trần Lệ Chi ( (1929-2011)

Ngược theo dòng lịch sử đôi chút. Bà Trần Lệ Chi xuất thân trong một gia đình hoàng gia lẫy lừng. Mẹ của bà là công chúa Thân Thị Nam Trân – là con gái của ông Thân Trọng Huề và Công nữ Như Phiên; em gái các vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Như vậy, bà Nam Trân gọi các vua như trên là “cậu”; còn Lệ Chi và Lệ Xuân thì gọi các vị vua trên là “ông cậu ngoại”.

Ông Bà Trần Văn Chương, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ tại triển lãm thủ công mỹ nghệ Việt Nam

Chồng của bà Nam Trân là ông Trần Văn Chương (1898 – 1986) là một luật sư Việt Nam, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa trước khi được bổ nhiệm là đại sứ tại Mỹ. Ông là anh của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ và là cha của Đệ Nhất Phu nhân (thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam) Trần Lệ Xuân.

Không có thế lực như em gái Trần Lệ Xuân – vợ của Ngô Đình Nhu, cũng không có tiếng nói chung với Trần Lệ Xuân nên năm 1962, Trần Lệ Chi cùng chồng là đại tá Enrique Rodriguez và hai con gái của cô, Ledzung Larned và Levan Kuck rời Việt Nam sang Mỹ định cư.

Trong gia tài của mình, bà Trần Lệ Chi sở hữu một số tranh quý. Điển hình nhất là bức tranh lụa “Lady resting – Quý bà đang nghỉ ngơi”, của Lương Xuân Nhị sáng tác những thời kỳ 1930-1940. Năm 2019 đã đấu giá tại Sotheby’s với giá 2,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm ấy, theo các chuyên gia đánh giá, bức “Quý bà đang nghỉ ngơi” đạt mức giá kỷ lục như vậy do hai lý do. Đầu tiên là từ nguồn gốc Hoàng gia của nó, sau đó mới đến tên tuổi họa sĩ.

Ngài Jonathan Rendel, Phó Chủ tịch Nhà đấu giá Christie’s đã từng phát biểu: “Nếu bạn là một chủ ngân hàng ở Manhattan, bạn có muốn sở hữu một chiếc kẹp tiền từng thuộc về Rockefellers không? Nó đặt bạn, người mua, vào cùng mối quan hệ với đối tượng như những người đã sở hữu nó trước đó. Đó là lý do tại sao xuất xứ là rất quan trọng. Trên thực tế, xuất xứ là tất cả: nơi một tác phẩm xuất phát cũng quan trọng như bản thân nó.”

Quay trở lại với bức tranh “Thiếu nữ hái sen” của Nguyễn Thị Chín. Đây là một bức tranh lụa rất đẹp. Được sáng tác khi nữ họa sĩ 21 tuổi, chưa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (khóa 1955-1959).

Bức tranh mô tả người thiếu nữ có khuôn mặt thần tiên, đang ngồi giữa đầm sen, hai bàn tay đang nhẹ nhàng nâng niu một cành sen trắng. Để nhìn được bông sen trắng một cách kỹ càng, để ngắm trọn vẹn được đường nét hình cơ thể tuyệt đẹp dưới nét bút lông điêu luyện, tinh tế phải nhìn thật kỹ, thật sâu bởi toàn bộ bề mặt bức tranh như được phủ nhẹ một lớp sương mỏng.

So với khá nhiều bức tranh có tuổi đời sâu hơn, sau 64 năm, bề mặt “Thiếu nữ hái sen” nhuốm nhiều màu thời gian hơn. Không biết do bảo quản hay do bà Chín vẽ tông màu nhạt, hoặc vẽ bằng loại màu gì đó khiến cho tranh trở nên hư ảo, sương khói. Nhưng trên thực tế, đó chính lại là điểm đặc biệt tự nhiên làm cho bức tranh trở nên đẹp lạ kỳ.

Mô-típ thiếu nữ mặc áo dài tha thướt, với mái tóc dài xõa quá thắt lưng (thậm chí ngang đầu gối) hái sen giữa đầm, ngồi chơi nghỉ ngơi, chải tóc, gội đầu, sinh hoạt gia đình…khá phổ biến thập niêm 40, 50, 60 ở Việt Nam nhưng có lẽ phổ biến hơn ở miền Nam.

Các họa sĩ nổi danh như Lê Văn Đệ, Phạm Tăng, Nguyễn Văn Minh, hai chị em Tố Oanh – Tố Phượng, Trương Thị Thịnh,  Lưu Tấn Phước, Trương Đình Quế… đều vẽ thiếu nữ như thế. Đặc biệt họa sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966), học khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh xây dựng nhiều tác phẩm theo tạo hình nữ tóc dài.

Xu hướng mô tả chủ đề những phụ nữ có mái tóc dài tha thướt đầy mê hoặc như vậy có thể xuất phát từ cảm thụ xu hướng thời đại khi một hình tượng tiêu biểu được yêu thích được coi là biểu tượng của cái đẹp. Cũng như vẻ đẹp chuẩn mực thời Hy Lạp, La Mã thời cổ đại hay vẻ đẹp phồn thực thời Phục Hưng, thế kỷ 15-16.

Bên tay phải dưới góc tranh có dòng chữ ký “Nguyễn Thị Chín, 1958, Sài Gòn”. Về thời điểm mua bức tranh có hai khả năng. Thứ nhất bức tranh có thể được mua ở Việt Nam trước năm 1962. Bởi sau đó, gia đình bà Trần Lệ Chi đã sang Mỹ. Thứ hai: tranh được mua tại Mỹ từ bà Nguyễn Thị Chín bởi sau đó (chưa rõ năm nào) bà Chín cũng sang định cư tại Mỹ.

Nếu xét về tâm thế, “Thiếu nữ hái sen”của Nguyễn Thị Chín và “Quý bà đang nghỉ ngơi” của Lương Xuân Nhị cũng như một số tác phẩm nghệ thuật khác có khả năng được mua tại Việt Nam lúc gia đình đang trên đỉnh cao của quyền thế gia tộc. Và Trần Lệ Chi đã mang theo bộ sưu tập nghệ thuật sang Mỹ trong tư trang đồ đạc của gia đình khi rời Việt Nam.

Dù ở bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì “Thiếu nữ hái sen” của bà Chín đã trở nên đặc biệt bởi đã từng được lưu giữ trong một gia đình Hoàng gia – vương giả quyền lực một thời ở Việt Nam.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

Chia sẻ:
Back to top