Logo loading

“THIẾU NỮ TẾT TÓC” MỘT BỨC TRANH SƠN DẦU QUÝ HIẾM CỦA LƯU CÔNG NHÂN (1931-2007)

Trong nền hội họa Việt Nam, Lưu Công Nhân là một họa sĩ có tâm hồn nhạy cảm bậc nhất, đồng thời ông cũng là một họa sĩ bậc nhất của đời sống nhạy cảm. Tính cách của ông rất gần với tính cách của các họa sĩ Trường phái Paris. Có những thời kỳ ngắn, ông đã từng vẽ tựa như một Modigliani hay một Van Dongen, nhưng thực ra lại rất Việt Nam về mặt cảm thức và tâm tính.

Sinh thời, Lưu Công Nhân luôn luôn mong ước và phấn đấu vẽ được những con người sinh động, có sức sống như những nhân vật của Renoir, khiến cho người xem có thể thấy họ như “đang có mặt, đứng ngồi, đi lại giữa cuộc đời”.

Nhân vật trong tranh là một cô gái trẻ, có thể xuất thân từ nông dân, nhưng đã là một sinh viên, một giáo viên, một y tá, một nhân viên cán bộ hành chính hay một người lao động gián tiếp nào đó. Cái vẻ đẹp này là chân chất, tự nhiên, không kiểu cách, không trang sức, mang đậm nét “thời nghi” của một thời nay đã lùi xa, và người họa sĩ đã ghi lại được đúng tinh thần của nó, và cũng chỉ bằng mấy nhát bút đơn giản, mạnh mẽ, đầy xung lực.

Nền tranh, thực lạ thay, hình như là “vách đất”, đất trộn rơm trát trên cốt tre, vật liệu xây dựng điển hình ở nông thôn nghèo xưa, bao giờ cũng có những sợi rơm và những vết rạn, mà người vẽ đã nhìn thành những bông hoa màu nâu đỏ nhạt. Từ hình đến màu vậy là đều đến từ cái tình ấm áp của người họa sĩ, không chỉ trân trọng, cảm thương con người mà còn trân trọng, cảm thương môi trường sống và quê hương của con người.

 

Back to top