Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984). Chơi ô ăn quan. 1930. Lụa. 62×85 cm
Đỉnh cao nổi bật trong gia tài hội hoạ Nguyễn Phan Chánh phải kể đến tác phẩm Chơi ô ăn quan. Bức tranh lụa ra đời năm 1930 được nhìn nhận và tôn vinh đạt tới nấc thang cổ điển, nghĩa là đạt tới giá trị mẫu mực trong một mô hình thẩm mỹ của người nghệ sĩ, hài hoà hai dòng chảy Đông – Tây.
Chơi ô ăn quan hình thành trong thời gian gia đình Nguyễn Phan Chánh định cư tại Hà Nội. Những ngày lang thang đi vẽ ở ngoại ô phía Nam Hà Nội, làng Kim Liên đã để lại nhiều kỷ niệm trong đời Nguyễn Phan Chánh. Kim Liên là một làng quê yên bình, có đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại vương (Thần núi), một vị thần bảo trợ kinh thành Thăng Long trong hệ thống Thăng Long Tứ trấn xưa. Nguyễn Phan Chánh đến đây nhiều lần vẽ đền Kim Liên. Trên đường đi, như một duyên phận, ông gặp các em gái làng Kim Liên đang chơi ô ăn quan vào một chiều thu nắng ấm bên vệ đường gần cổng đền.
Đó là bốn em gái nông thôn tuổi 12, 13 đang chăm chú chơi trò “ăn quan” hấp dẫn hồi hộp. Các em thì mải chơi, người hoạ sĩ thì mải miết ghi lại cảnh đáng yêu như thế.
Nhóm có bốn em nhưng bố cục lệch, một em ở riêng biệt lại là trung tâm để thấy hình dáng, trang phục, cách ngồi, bàn tay đang rải những viên sỏi vào ô trống trong bàn cờ vẽ trên nền đất. Sắc nâu đen là màu chủ đạo trên tác phẩm này. Các em bé tuy dấu mình trong màu nâu sồng mà vẫn chứa chan tình cảm, chiếc khắn mỏ quạ trên đầu hai em có lẽ gợi lên sự hiện hữu của một chiều thu ấm áp. Một mảng trắng từ quần một em gái ngồi chống chân, tì cằm vào đầu gối, mắt liếc nhìn bạn đang rải những viên sỏi giống như đang mách nước. Ở Nguyễn Phan Chánh, sắc trắng được dùng rất nhuần nhị trong trang phục, phá vỡ vẻ nặng nề. Kỹ thuật hoà sắc nâu đen, hoà sắc trắng đã trở thành da thịt với nhiều chất gợi cảm khác nhau, từ những khuôn mặt để nền lụa trắng hoặc vờn nhạt áo quần để có màu lụa trắng trong Chơi ô ăn quan. Cái thanh nhã của sắc trắng hoà quyện với những mảng nâu nổi bật mà nhuần nhị. Tác phẩm Chơi ô ăn quan thể hiện cách nhìn và trình bày giản dị trong sáng, không có những nhân vật ở lớp xa tít trong chiều sâu không gian thấu thị theo luật Viễn cận Châu Âu.
Chơi ô ăn quan với sắc nâu trầm lắng cổ điển, lại điểm thêm bài thơ chữ Nho vịnh tinh thần bức tranh càng làm tăng thêm nét cổ kính, trân trọng.
“Si hám vị am chi phấn xảo
Thôn trang lưu trú ngọc lâu xuân
Tranh hoa trục điệp Tây viên sự
Bất hướng Dương đài tác vũ vân”
Nội dung bài vịnh qua bản dịch của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ năm 1970 như sau:
“Ngày thơ chưa biết dồi son phấn
Thiên nhiên thôn quê giữ được hơn cô gái lâu đài
Giành hoa đuổi bướm vui đùa trong vườn Tây
Không biết chi việc mây mưa trên Dương đài”.
Chơi ô ăn quan là tác phẩm duy nhất Nguyễn Phan Chánh trau chuốt Thi – Hoạ trên mặt tranh. Bốn khổ thơ ở bên phải, chữ ký cũng đều bằng chữ Nho: Hồng Nam – Nguyễn Phanh Chánh viết theo hàng dọc bên trái bức tranh, không đề niên đại. Chữ ký kiểu này có mặt hầu hết trên những tranh chủ đề nông thôn với sắc nâu đen trầm lắng ở giai đoạn sáng tác đầu tiên của tác giả những năm 30 của thế kỷ XX.
Với bút hiệu Hồng Nam, Nguyễn Phan Chánh giải thích là kết hợp giữa tên quê hương ông ở phía Nam núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam, nơi thấm đẫm giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984)
Với nghệ thuật vẽ tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh có một kỹ thuật rửa lụa tuyệt vời. Sau khi vẽ xong một lớp lại rửa và lại vẽ khiến cho lụa rất mềm. Kỹ thuật này làm cho màu thấm đậm vào từng thớ lụa, gạt bỏ cặn màu vẽ, mặt lụa trong trẻo, khi để xa người xem đã biết là tranh lụa.
Cách hồ lụa trước khi vẽ và cách phác hình bằng mực nho rất nhạt cũng là những kỹ thuật riêng biệt của người nghệ sĩ từng không thành công trong buổi đầu tiếp xúc với nghệ thuật sơn dầu châu Âu nhưng đã mở ra một phương pháp hội hoạ đặc biệt của Việt Nam trên nền lụa tao nhã.
Trở lại với tác phẩm Chơi ô ăn quan, một minh chứng cho sự thành công vượt bậc của Phan Chánh là khi ông tìm thấy một phương pháp điển hình dựa vào kỹ thuật dựng hình châu Âu nhưng vẫn giữ được bố cục, hoà sắc, bút pháp phương Đông gần gũi với thẩm mỹ người Việt. Hình ảnh các em bé trong trò chơi dân gian thể hiện đậm nét tạng chất (tempérament) của tác giả, một tạng chất hiền lành êm ả, bình dị, yêu thương gắn bó từ những sự vật hình ảnh quen thuộc tự chốn quê nhà. Chơi ô ăn quan, một trò chơi “đấu trí đấu tình”, phe cánh nhưng không ồn ào xô lệch, toát lên một không khí yên bình nhường nhịn. Nét mặt các em gái đôi chút căng thẳng trong nước đi của bạn, tính nhẩm bước đi của mình, khuôn mặt bầu bĩnh trông nghiêng đã rõ nét thiếu nữ với dáng ngồi ra vẻ người lớn.
“Người xem có thể hình dung là không bao lâu nữa, có thể là xong ván ô này thôi, những người con gái ấy sẽ bước ra khỏi bức tranh, gửi lại cho sân đình đám chơi ô ăn quan, gửi lại mãi mãi cả thời ấu thơ để đi lấy chồng”, tâm sự của bà Nguyệt Tú con gái cả hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh tâm sự thay cha cảm xúc về tác phẩm này.
Nhắc tên Nguyễn Phan Chánh là nhắc đến Chơi ô ăn quan, kể cả người nước ngoài. Hiện tượng này diễn ra gần một thế kỷ và sẽ là mãi mãi bởi Nguyễn Phan Chánh vừa là một tài năng, vừa sở hữu bút pháp độc đáo. Tuy phương pháp, kỹ thuật châu Âu tạo cho tác giả một cách nhìn bao quát nhưng mảng màu Chơi ô ăn quan đã thay thế cho khối và nét ở các hoạ sĩ khác. Những mảng màu sâu thẳm đã thay lối vờn xa gần đậm nhạt hay phải có phối cảnh đệm thêm vào.
Trong Chơi ô ăn quan, không gian, thời gian ngưng đọng đóng khung bốn em gái ngây thơ với bàn cờ ô dưới nền đất mà lại nói lên rất nhiều điều. Ở bức tranh hiện diện cách sử dụng đậm nhạt từ phương pháp vẽ thuỷ mặc của các hoạ sĩ Nhật Bản, Trung Hoa thời xưa. Cách sử dụng bút lông đề thơ trên tranh cũng là ảnh hưởng của nghệ thuật viết chữ mà những người học Hán Nôm ngày xưa phải luyện tập rất nhiều. Nghệ thuật Thư Hoạ với Nguyễn Phan Chánh là của riêng ông, không giống một nền nghệ thuật hay hoạ sĩ Việt Nam nào trên bước đường sáng tạo.
Chơi ô ăn quan không sa đà vào phong cách hội hoạ Trung Hoa cổ điển đang ảnh hưởng lớn vào nghệ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX với lối vẽ công bút hàn lâm, tỉa tót trên những tranh thuỷ mặc hay lối tả ý phong bút tung hoành gây cảm giác khoáng đạt sâu sắc. Hội hoạ Trung Hoa còn mơn trớn thẩm mỹ từ những khoảng trống vô hình trên bức tranh, mang ý nghĩa cái Vô trong hội hoạ.
Yếu tố Vô là nơi ẩn chứa một đại lượng mà mắt thường không nhìn thấy được, là những khoảng trống vắng không ma quái mộng mị mà thanh nhã trong lành của cảnh đời yên tĩnh. Tìm kiếm trên Chơi ô ăn quan chỉ thấy hiện hữu một không gian ấm áp chân chất quê mùa mà người hoạ sĩ miền Trung đã đem lại cho hội hoạ cận đại Việt Nam.
Chơi ô ăn quan không phải ngẫu nhiên được nhắc đến nhiều qua năm tháng, khởi nguồn từ triển lãm lần đầu tiên tại đấu xảo Paris 1931 cùng các tranh Thiếu nữ rửa rau cầu ao, Em cho chim ăn và Lên đồng. Sau đấu xảo Paris 1931 Chơi ô ăn quan trở về Việt Nam là tài sản của nhà sưu tập Đức Minh, định cư tại Hà Nội biệt thự số 53 phố Quang Trung, nơi cất giữ những tác phẩm đẹp nhất của một thời Hà Nội hào hoa thanh lịch.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View