Logo loading

TRIỂN LÃM “CHA VÀ CON” CỦA HAI HỌA SĨ TRẦN TUẤN LÂN VÀ TRẦN TUẤN LONG

Triển lãm “Cha và con” là một sự kiện đặc biệt họa sĩ Trần Tuấn Long dành để tưởng nhớ tới 90 năm ngày sinh của cha mình – họa sĩ Trần Tuấn Lân (1933 – 2010), qua đó giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật hơn 60 tác phẩm của hai cha con […]
|Viet Art View

Triển lãm “Cha và con” là một sự kiện đặc biệt họa sĩ Trần Tuấn Long dành để tưởng nhớ tới 90 năm ngày sinh của cha mình – họa sĩ Trần Tuấn Lân (1933 – 2010), qua đó giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật hơn 60 tác phẩm của hai cha con trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật. Triển lãm được trưng bày từ ngày 26/10/2023 – 31/10/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Cha và con cùng là họa sĩ nhưng thuộc hai thế hệ khác nhau, định hình phong cách bút pháp khác nhau nhưng ở họ đều cho thấy sự say mê nghệ thuật, nghiêm túc với nghề để mang lại cho công chúng những bức tranh đẹp, giàu giá trị nghệ thuật.

Thoạt tiên, họa sĩ Trần Tuấn Lân bước chân vào con đường hoạt động nghệ thuật bằng âm nhạc thế nhưng sau đó ông chuyển hướng sang mỹ thuật, lựa chọn sáng tác và giảng dạy để theo đuổi đến suốt cuộc đời. Những tác phẩm của ông ghi dấu hành trình sáng tạo liên tục trên mọi nẻo đường tổ quốc bởi các đề về chiến tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hay cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất nơi ông sinh sống – vùng mỏ Quảng Ninh.

Xem triển lãm, một phần hồi ức trong quá khứ như vọng về bởi những bản phác thảo chì, mầu nước đầy sống động về chiến trường Lào trong những năm chiến tranh, về Tây Trường Sơn, về vùng Đông Bắc, biên cương, từ hơn nửa thế kỷ trước được họa sĩ Trần Tuấn Lân ghi chép lại tỉ mỉ, tinh tế bằng ngôn ngữ của hội họa. Những ký họa ấy không chỉ bộc lộ cảm xúc trực tiếp của người nghệ sĩ khi đứng trước cảnh đẹp, sự vật, con người mà còn chứa đựng tình cảm chân thành từ họa sĩ. Ký họa là tâm thức của người nghệ sĩ tại thời điểm đó.

Ngoài trưng bày các ký họa, còn có các bức tranh chất liệu sơn mài, sơn khắc và sơn dầu có khuôn khổ lớn, như bức sơn mài ba tấm “Mỏ than Mạo Khê” được Trần Tuấn Lân sáng tác năm 1996. Toàn bộ khu công nghiệp khai thác than đồ sộ được ông bao quát lại trong một tác phẩm sơn mài có kích thước vừa phải hài hoà về mặt màu sắc, tinh tế trong tạo hình. Ông quan sát, tái hiện tỉ mỉ từng chi tiết, làm cho lớp lớp cảnh vật hiện lên trong tranh vô cùng sinh động. Giữa gam màu xanh đen nổi bật lên các toà nhà lớn nhỏ được tạo hình bởi vỏ trứng như những điểm sáng hút mắt, tạo hiệu ứng thú vị về mặt thị giác. Có thể thấy ông đã phải dày công nghiên cứu hình, phác họa trên hàng chục ký họa để xây dựng nên một tác phẩm hài hòa, chặt chẽ về mặt bố cục tạo hình, giúp người xem có thể hình dung được hoạt động khai thác khoáng sản sầm uất của khu công nghiệp.

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Mỏ than Mạo Khê. 1996. Sơn mài. 275×156 cm

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Tuần Châu. 2003. Sơn mài. 120×160 cm

Ngoài đề tài về chiến tranh, lao động sản xuất, mảng đề tài về văn hóa truyền thống dân gian cũng được ông thể hiện nhiều trong các sáng tác như bức “Ca trù”, “Thạch Sanh”, “Đu xuân”,… nét đẹp truyền thống từ các loại hình nghệ thuật, lễ hội, các tích cổ được ông tái hiện lại vô cùng sinh động bởi sự làm chủ về mặt kỹ thuật từ kinh nghiệm của một người thầy đã có nhiều năm giảng dạy trên giảng đường.

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Đu xuân. 1990. Sơn dầu. 100×86 cm

Trong bức “Ca trù” sáng tác năm 1998, hai nhân vật ca nương và nhạc công được họa sĩ đặt bố cục trung tâm trong tác phẩm. Từ trang phục áo tứ thân, bộ gõ phách, cây đàn đáy hay sắc diện, thần thái của các nhân vật đều được ông gợi tả rất chi tiết. Hòa sắc đỏ trầm được ông sử dụng khéo léo trong tranh làm cho không gian có sự sâu lắng về mặt cảm xúc, đúng với tinh thần và tính chất của ca trù – một loại hình nhạc thính phòng phổ biến tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Ca trù. 1998. Sơn mài. 91×77 cm

Tiếp nối truyền thống nghệ thuật từ cha mình, họa sĩ Trần Tuấn Long đã có khoảng thời gian gần 30 năm theo đuổi sự nghiệp sơn mài và 10 năm trở lại đây anh ghi dấu trong lòng người yêu nghệ thuật bằng các bức tranh sơn mài khổ lớn với chủ đề đạo Mẫu – một tín tưỡng dân gian lâu đời của người Việt Nam.

Lựa chọn để theo đuổi đề tài này là một sự “mạo hiểm” dành cho người nghệ sĩ bởi đây vốn là một mảng đề tài khá nhạy cảm vì liên quan đến văn hoá tín ngưỡng. Tuy nhiên, với góc nhìn nghệ thuật và cách tiếp cận vấn đề phù hợp, hoạ sĩ Trần Tuấn Long đã chứng minh được sự lựa chọn của anh là đúng đắn, các sáng tác của anh gợi cho người xem thêm nhiều nhãn quan về tín ngưỡng trong văn hoá dân gian Việt.

Trần Tuấn Long (Sinh 1967). Thoải Phủ công chúa. 2017. Sơn mài. 120×120 cm

Trần Tuấn Long (Sinh 1967). Lễ cấp sắc người Dao. 2020. Sơn mài. 120×160 cm

Các bức tranh được trưng bày trong triển lãm xoay quanh nghi lễ “lên đồng”, các giá hầu thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Các trang phục sặc sỡ của giá hầu với vô vàn họa tiết hoa văn trang trí, khăn áo tầng tầng lớp lớp, nữ trang, đều được anh khai thác tối đa để đưa vào hội họa sơn mài. Sự làm chủ về mặt kỹ thuật, ngôn ngữ tạo hình giúp anh biểu đạt nét đẹp tổng hòa, từ sắc diện, thần thái, tinh thần, cả tính linh thiêng vào trong mỗi một tác phẩm. Qua đó làm nổi bật hình tượng tín ngưỡng, những nét cổ trong dân gian về hầu thánh, khi đi vào hội hoạ tín ngưỡng dân gian này dường như được cụ thể hoá, không khí thiêng liên nơi cửa Mẫu, đền phủ cũng trở nên gần gũi hơn nơi cõi trần.

Trần Tuấn Long (Sinh 1967). Đông A hiển thánh. 2019 Sơn mài. 120×120 cm

Sáng tác về đề tài văn hóa cũng là một phương tiện để người họa sĩ lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp lâu đời của văn hóa dân tộc, gìn giữ cho thế hệ tương lai. Để tạo dấu ấn trong lòng người xem, một bức tranh chỉ đẹp về mặt tạo hình thôi chưa đủ mà bên cạnh đó còn phải chứa đựng những thông điệp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cả hai họa sĩ Trần Tuấn Lân và Trần Tuấn Long đã làm được điều đó, họ đã thành công khi mang bản sắc văn hóa đến gần hơn với công chúng bởi chính tài năng và lòng say mê nghệ thuật của họ.

Triển lãm “Cha và con” là sự tưởng nhớ tri ân sâu sắc của họa sĩ Trần Tuấn Long dành cho cha của mình. Đó là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống nghệ thuật từ gia đình, qua đó góp một phần vào dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Một số tác phẩm khác tại triển lãm:

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Đảo Hà Nam. 1990. Sơn khắc. 60×90 cm

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Tây Trường Sơn. Sơn mài. 83×112 cm

Trần Tuấn Long (Sinh 1967). Ban lộc. 2021. Sơn mài. 120×80 cm 

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Tự họa. 

Trần Tuấn Lân (1933 – 2010). Bệnh viện ở Sầm Nưa. Lụa. 60×80 cm

Trần Tuấn Long (Sinh 1967). Mẫu tử. 2018. Sơn mài. 90×120 cm 

Bài viết bởi Viet Art View 
Bản quyền bởi Viet Art View 

 

Chia sẻ:
Back to top