Logo loading

 TRIỂN LÃM “ĐẤT NƯỚC TÔI” THƯỞNG THỨC, TIẾP CẬN TÁC PHẨM THEO KIỂU THỨC MỚI

Sáng ngày 24/8/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm chuyên đề “Đất nước tôi” nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023). Đất nước là tiếng gọi thiêng liêng, là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ […]
|Viet Art View

Sáng ngày 24/8/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm chuyên đề “Đất nước tôi” nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023).

Đất nước là tiếng gọi thiêng liêng, là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ nghệ sĩ. Hình ảnh đất nước đi vào thơ ca, điện ảnh, văn học, âm nhạc, hội họa một cách tự nhiên bởi đã nằm trong tâm thức. Đặc biệt, các thế hệ họa sĩ đã tái hiện lại hình ảnh đất nước vô cùng đẹp đẽ trong nhiều tác phẩm về đề tài này với tất cả tình yêu, lòng tự tôn dân tộc trong trái tim mình.

Triển lãm “Đất nước tôi” là sự tập hợp đa dạng về bút pháp, ngôn ngữ tạo hình, chất liệu qua từng tác phẩm. Hơn 80 tác phẩm được chọn lọc trong Bộ sưu tập Mỹ thuật Hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trải dài qua nhiều thời kỳ, từ trước năm 1945 đến năm 2007. Các tác phẩm được sáng tác với đa dạng chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, khắc gỗ, màu nước… bởi các họa sĩ tiêu biểu trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam; từ thời kỳ Đông Dương như: Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An… đến khóa Kháng chiến như: Lưu Công Nhân, Đào Đức… và các thế hệ họa sĩ sau như: Đường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu.

Mỗi một tác phẩm thể hiện một góc nhìn rất riêng của người nghệ sĩ để làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng và đa sắc của các vùng miền theo dọc chiều dài đất nước từ phong cảnh Tây Bắc, đến Ba Vì, Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Huế, Tây Nguyên, cho đến vùng sông nước Miền Tây… Ở đó không chỉ khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn ngợi ca nét đẹp lao động, con người, phong tục tập quán truyền thống của người Việt.

Đặc biệt, phải kể đến tác phẩm sơn mài “Nhớ một chiều Tây bắc” rất nổi tiếng của họa sĩ Phan Kế An, sáng tác năm 1955. Bức tranh sau khi được trưng bày đã được sự đón nhận tích cực. Dù còn một vài ý kiến cho rằng màu xanh giống màu của sơn dầu. Nhưng đa phần cho rằng chính hòa sắc xanh mới trong “Một chiều Tây Bắc” khiến cho bảng màu của sơn mài được tươi mới hơn, đặc tả được đúng tinh thần “hùng vĩ hoàng tráng của đại ngàn thiên nhiên vùng Tây Bắc”. Kết hợp với ánh sáng từ chất vàng càng làm cho bức tranh trở nên sâu thẳm, xanh mát với một ấn tượng thị giác đặc biệt.

Phan Kế An. Nhớ một chiều Tây Bắc. 1955. Sơn mài. 

Hay tác phẩm “Buổi sáng trên sông Hương” của họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác năm 1980. Bảng màu xanh cốm pha chút hoe vàng rất riêng của Lương Xuân Nhị như làm cho bức tranh bừng sáng, từ mặt nước đến rặng cây đều được ông nhấn nhá bởi những mảng màu vàng sáng khiến người xem như cảm nhận được ánh nắng dịu nhẹ, chan hòa, trong trẻo của tiết trời mỗi sớm mai. Hình ảnh sông Hương, nhịp sống sinh hoạt của con người xứ Huế trở nên nhẹ nhàng, êm dịu, thơ mộng hơn trong tranh Lương Xuân Nhị.

Lương Xuân Nhị (1914 – 2006). Buổi sáng trên sông Hương. 1980. Sơn dầu. 72,5×91,5 cm

Bức tranh “Phố Gia Ngư” của họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng tác năm 1980. Đây là một trong những tác phẩm nằm trong sê-ri phố cổ Hà Nội mang sự biến chuyển về hòa sắc rõ rệt trong tranh Bùi Xuân Phái. Đó là giai đoạn tươi sáng với gam màu xanh lam trong trẻo, khác hẳn với thời kỳ “Phố nâu” những thập niên 50, hay thời kỳ kí họa, vẽ màu chì than đen trắng những thập niên 60, 70. Nếu có chút hiểu biết về cuộc đời Bùi Xuân Phái, ta có thể nhận thấy ngay những năm 80, tranh của ông rất được yêu mến. Chính điều đó là nguồn động lực, tạo sự hân hoan, cởi mở hơn trong cảm xúc của người nghệ sĩ, vì vậy hòa sắc trên mặt tranh mang sắc thái tươi vui bởi những gì người nghệ sĩ thể hiện trên bề mặt tranh cũng chính là tự họa lại nội tâm bên trong con người họ.

Bùi Xuân Phái (1920 – 1988). Phố Gia Ngư. 1980. Sơn dầu. 50,5×70,5 cm

Với bút pháp tạo hình hiện đại, chất liệu sơn dầu, ở bức “Phố Gia Ngư” ông đã khắc họa hình ảnh góc phố cổ Hà Nội thân thuộc, mộc mạc bởi những kiến trúc xưa, ngôi nhà cổ nguyên vẹn cùng những con người và cuộc sống thường ngày truyền thống. Những ký ức êm đềm về một Hà Nội xưa, mộng mơ những thập niên 80 như hiện diện sống động trước mắt chúng ta khi xem tranh ông.

Đến bức tranh màu nước “Thác Bản Giốc” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Dưới bàn tay sở hữu kỹ thuật cổ điển căn bản của một bậc thầy, cảnh thiên nhiên núi rừng Đông Bắc hùng vĩ được thu gọn lại trong một bức ký họa nhỏ xinh nhưng đầy tình cảm. Khác với các tác phẩm có kích thước lớn được họa sĩ sáng tác tại xưởng, ký họa là cái nhìn trực quan của tác giả để ghi chép lại thiên nhiên, quang cảnh và con người bởi mạch cảm xúc tự nhiên, chân thật tại thời điểm đó.

Ở “Thác Bản Giốc”, các lớp lang giữa cảnh vật và con người dường như làm cho bức tranh có chiều sâu hơn, tạo hiệu ứng bắt mắt về thị giác người xem. Giữa thiên nhiên rộng lớn con người bỗng hóa bé nhỏ. Sắc xanh lam đặc trưng của Nguyễn Văn Tỵ là điểm nhấn nổi bật trong tác phẩm.

Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992). Thác Bản Giốc. Màu nước. 36×49 cm 

Hay bức sơn mài “Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên” sáng tác năm 1975 – đề tài lịch sử cách mạng của họa sĩ Xu Man. Bản thân họa sĩ Xu Man là một người con dân tộc Ba Na của vùng đất Tây Nguyên được thấm nhuần tư tưởng, chủ trương đường lối của Đảng, chính vì thế phần lớn các sáng tác của ông đều tập trung vào đề tài cách mạng, cuộc sống và con người nơi cao nguyên.

Toàn bộ bức tranh với hòa hòa sắc chủ đạo nâu đỏ trầm ấm điểm xuyết thêm chất vàng vật lý lộng lẫy làm nổi bật không khí tươi vui, hân hoan, phấn khởi của toàn thể bà con vùng Tây Nguyên ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong tác phẩm, ảnh Hồ Chủ Tịch được đặt ở vị trí trên cao nhằm thể hiện sự kính yêu của tác giả cũng như toàn thể nhân dân Tây Nguyên đối với Người. Bình minh của núi rừng Tây Nguyên cũng chính là bình minh của cách mạng, cho một khởi đầu mới tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

Xu Man (1925 – 2007). Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên. 1975. Sơn mài. 98,5×122,5 cm

Với tất cả tình cảm yêu mến quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc gửi gắm tinh tế qua từng tác phẩm của người nghệ sĩ, triển lãm mang lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, yêu non sông gấm vóc và yêu con người Việt Nam. Ngắm tranh, chúng ta thấy có một Việt Nam rất đẹp, rất đáng tự hào. Triển lãm “Đất nước tôi” cũng là dịp để quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, đất nước đối với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, đây cũng là triển lãm đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng song song hai hình thức: Trưng bày tác phẩm gốc kết hợp trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ đồ họa chuyển động.

Phòng trưng bày kết hợp trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ đồ họa chuyển động Cinemagraph

Trong thời gian gần đây, công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới cũng đã được tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số toàn cảnh Cinemagraph trong chuỗi triển lãm nghệ thuật Van Gogh tại Châu Âu, Mỹ và cả Châu Á. Đây là công nghệ ứng dụng các phép chiếu kỹ thuật số 360 độ giúp những bức tranh trở nên sống động, bao phủ toàn bộ không gian, trải dài từ sàn rộng tới các trần cao và những bức tường lớn đưa du khách đến một thế giới khác thông qua sự kết hợp sống động như thật, hàng chục phép chiếu đầy màu sắc cùng với âm thanh nền. Bước vào từng khu vực triển lãm, khách tham quan sẽ được chìm đắm trong hơn 300 bản thảo, bản phác họa và tranh vẽ của Vincent Van Gogh.

Đây cũng là một sự mới lạ khi ứng dụng công nghệ vào tác phẩm nghệ thuật để mang đến một phòng trưng bày kiểu mới, đem đến những trải nghiệm mới, phục vụ nhu cầu giải trí cho người xem. Tuy nhiên, trên một phương diện nào đó, trưng bày triển lãm tác phẩm nghệ thuật thực sự sẽ giúp người xem được tương tác, nhìn trực diện tác phẩm và hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Công nghệ Cinemagraph được ứng dụng trong triển lãm “Đất nước tôi” cũng là một sự thay đổi, tạo tiền đề mới để bắt kịp với xu hướng của thời đại, mang đến những trải nghiệm mới lạ, thú vị hơn, người xem được tiếp cận với nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và đáng nhớ.

Triển lãm mở cửa từ ngày 24/8 đến hết ngày 10/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Một số hình ảnh tác phẩm tại triển lãm:

Trần Văn Cẩn (1910 – 1994). Thuyền sông Thương. 1954. Chì. 34,5×52,5 cm

Trần Đình Thọ ((1919 – 2011). Xuống chợ. 2005. Sơn mài. 61×91 cm

Mai Văn Hiến (1923 – 2006). Một vùng Pác Bó. 1986. 80,5×120 cm 

Trần Thế Giới (1933 – 2004). Vườn Bách Thảo. 1970. Sơn dầu. 73×92 cm 

Bài viết bởi Viet Art View 
Bản quyền thuộc về Viet Art View 

 

 

Chia sẻ:
Back to top