Logo loading

TỪ BI HỒNG: 15 ĐIỀU VỀ HỌA SĨ BẬC THẦY CỦA TRUNG QUỐC

Từ Bi Hồng (1895-1953) là họa sĩ tiên phong của nghệ thuật Trung Quốc thế kỷ 20, nổi tiếng với những bức tranh thủy mặc truyền thống vẽ ngựa và chim. Ông đặc biệt chịu ảnh hưởng của trào lưu Hiện thực, là một trong những họa sĩ Trung Quốc đầu tiên khám phá kỹ […]
|Viet Art View

Từ Bi Hồng (1895-1953) là họa sĩ tiên phong của nghệ thuật Trung Quốc thế kỷ 20, nổi tiếng với những bức tranh thủy mặc truyền thống vẽ ngựa và chim. Ông đặc biệt chịu ảnh hưởng của trào lưu Hiện thực, là một trong những họa sĩ Trung Quốc đầu tiên khám phá kỹ thuật vẽ sơn dầu.

Từ Bi Hồng viết chữ và vẽ tranh.

1 Người thầy đầu tiên của Từ Bi Hồng là cha ông

Sinh năm 1895 tại Nghi Hưng, Giang Tô, Từ Bi Hồng là con trai cả trong gia đình và được cha mẹ cưng chiều. Khi còn nhỏ, ông đã học Tứ thư, Ngũ kinh dưới sự dạy dỗ của cha, một thầy giáo và một họa sĩ. Thể hiện niềm yêu thích nghệ thuật từ khi còn nhỏ, Từ Bi Hồng đã bắt chước tác phẩm của các họa sĩ cuối triều đại nhà Thanh, như Wu Youru và Ren Bonian, ông còn vẽ chân dung của những người xung quanh mình.

Một tác phẩm kích thước nhỏ. Vịt. Vẽ năm 1947 cho con trai của Yuan Shikai [Viên Thế Khải], Yuan Kean. 11.2 × 23.2 cm. Đã bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 4, 2015, đạt 2,120,000 HKD.

2. Ông đã đổi tên khai sinh của mình thành một cái tên mang nghĩa buồn hơn sau khi trải qua hàng loạt những khó khăn

Ngoài việc theo đuổi học tập và nghệ thuật, Từ Bi Hồng trẻ tuổi còn dành nhiều thời gian để làm việc trong trang trại của gia đình. Họ gặp khó khăn nghiêm trọng vì lũ lụt xảy ra thường xuyên ở quê hương ông. Từ Bi Hồng cùng cha mình đã đến những thị trấn lân cận để bán tranh. Đến năm 1912, cha ông lâm bệnh, họ phải trở về nhà, Từ Bi Hồng trở thành trụ cột của gia đình, ông bắt đầu công việc dạy học [nghệ thuật] ở nhiều trường khác nhau. Những khó khăn này cùng với cái chết của đứa con đầu lòng những năm sau đó đã khiến ông đổi tên từ ‘Thọ Khang’- với nghĩa sống lâu và khỏe mạnh, thành ‘Bi Hồng’- mang nghĩa một người ngốc nghếch buồn bã.

Từng thuộc bộ sưu tập của gia đình Lim Keng Lian, Singapore. Trâu. 1936. 113.8 × 108 cm. Đã bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2011, đạt 18,020,000 HKD.

3. Phạm vi chủ đề trong tranh Từ Bi Hồng rất rộng lớn

Từ Bi Hồng vẽ chân dung, sự kiện lịch sử, động vật và phong cảnh. Từ nhỏ, ông đã vẽ những gì ông quan sát trong tự nhiên. Những bức tranh ông vẽ ngựa, bò, gà, đại bàng, sư tử… thường mang nhiều tầng ý nghĩa. Năm 1935, ông cùng Trương Đại Thiên- lúc đó đang giảng dạy tại Đại học Trung ương, đưa sinh viên đến Hoàng Sơn, phác họa những hình ảnh trường tồn của sông Li và dãy Himalaya. Những thắng cảnh tuyệt mỹ này trở thành chủ đề thường xuyên trong tranh ông.

Mười hai con giáp. Vẽ năm 1946, món quà tạm biệt cho một sinh viên của ông, Zhang Qianying. 28 × 36.5 cm × 12. Đã bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2006, đạt 5,496,000 HKD.

4. Từ Bi Hồng gặp nhiều ân nhân, những người nhận ra tài năng của ông.

Huang Jingwan Huang Zhenzhi: Trong những ngày đầu ở Thượng Hải khi chưa thành danh, Từ Bi Hồng đã may mắn gặp được Huang Jingwan, làm việc cho Báo Thương mại, người đã cung cấp chỗ ở cho nghệ sĩ trẻ đang gặp khó khăn. Một người bạn khác, doanh nhân Huang Zhenzhi đã cho ông sử dụng phòng giải trí của mình để vẽ tranh. Ông đã sử dụng tên ‘Huang Fu’ để biểu lộ sự cảm kích đối với họ.

Gao Jianfu Gao Qifeng: Tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng đã được đón nhận bởi Gao Jianfu và Gao Qifeng, họ đã đặt bốn tác phẩm cho Shenmei Shuguan (Công ty Sách Mỹ thuật), khoản thù lao lúc đó đã đến kịp thời với ông, khi đang vô cùng túng quẫn.

Kang Youwei: Năm 1916, doanh nhân giàu có Silas Aaron Hardoon thành lập trường Cang Sheng Ming Zhi ở Thượng Hải, và dành cho ngôi trường, ông muốn đặt một bức chân dung của Thương Hiệt, nhân vật truyền thuyết đã tạo ra chữ Hán. Từ Bi Hồng đã gửi tác phẩm của mình, nó được chọn, và ông ở lại trường với tư cách họa sĩ của trường. Khi đó ông đã gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như Kang Youwei và Wan Gouwei. Kang đã đặt hàng ông vẽ chân dung của bạn bè, đồng thời cho ông mượn bộ sưu tập của mình để học hỏi. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tầm nhìn nghệ thuật của ông — xa rời những truyền thống và bước chân vào hành trình của những ý tưởng táo bạo mang tính cách mạng.

5. Từ Bi Hồng tinh thông nghệ thuật Trung Quốc và phương Tây, ông đã kết hợp các yếu tố từ cả hai phía trong tác phẩm của mình

Từ Bi Hồng trong xưởng vẽ của ông.

Từ Bi Hồng là một chuyên gia về tranh thủy mặc Trung Quốc, thư pháp, sơn dầu, màu nước, ký họa và các chất liệu khác. Ông đến Paris để học phác họa tại Académie Julian vào năm 1919 và sau đó được nhận vào École nationale supérieure des Beaux-Arts, là học trò của François Flameng và sau đó là Pascal Dagnan-Bouveret. Trong thời gian ở nước ngoài, ông thường đi khắp châu Âu để thăm các triển lãm và bảo tàng, tìm hiểu kiệt tác của các nghệ sĩ nổi tiếng trong quá khứ và đương đại và đối chiếu những đóng góp của họ. Ông bị ảnh hưởng đặc biệt bởi phong trào chủ nghĩa hiện thực khi khởi xướng ‘Cuộc cách mạng hội họa Trung Quốc’, thoát khỏi các phương pháp bắt chước tranh cổ truyền thống và thay vào đó — lấy cảm hứng từ quan sát thực tế để nắm bắt các biểu cảm và chi tiết của chủ thể.

Chú bé chăn trâu ngồi ở gốc cây. Vẽ năm 1937 cho Huang Manshi, một người bạn ở  Singapore. 130.6 × 77 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2019, đạt 15,775,000 HKD

6. Tác phẩm của Từ Bi Hồng đã có mặt trong những triển lãm quan trọng của nước ngoài ngay từ những năm 1920

Năm 1923, bức tranh sơn dầu ‘Chân dung một người phụ nữ cao tuổi’ của Từ Bi Hồng được trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia Pháp. Năm 1927, chín tác phẩm được chọn khác do ông tặng đã được trưng bày ở đó. Sau những triển lãm này, ông đã nhận được lời mời từ Brussels, Berlin và Frankfurt để tổ chức các triển lãm cá nhân nhằm giới thiệu sự kết hợp của hội họa Trung Quốc và phương Tây với thế giới.

Gà bên tảng đá. Vẽ năm 1939 cho một người bạn, kiến trúc sư nổi tiếng người Singapore He Guangyao. 91.5 × 34.4 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2018, đạt 3,720,000 HKD.

7. Từ Bi Hồng đã thành lập ‘Câu lạc bộ Heavenly Dog’ cùng các bạn sinh viên nước ngoài ở Paris

Cùng với Chang Taofan, Sanyu, Xie Shoukang, Liu Chiwen, Shao Xunmei và các sinh viên nước ngoài khác, Xu Beihong đã thành lập ‘Câu lạc bộ Heavenly Dog’. Các thành viên nắm giữ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Ví dụ, Xie chuyên về chính trị và kinh tế, trong khi Sanyu tập trung nghiên cứu về hội họa. Họ là một nhóm rất kết dính và tận tụy, thường tụ tập để thảo luận về văn học và nghệ thuật, cũng như triển vọng tương lai của đất nước.

Từ bộ sưu tập của họa sĩ châu Âu Arthur Haffkin. Sư tử gầm. Vẽ năm 1943. 109.4 × 61.6 cm. Bức tranh mô tả một con sư tử kiêu hãnh trên ngọn đồi, nơi nó nhìn được bao quát thế giới. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2008, đạt 5,300,000 HKD

8. Từ Bi Hồng đi đầu phong cách giáo dục đào tạo mới về nghệ thuật

Sau khi về nước, ông tích cực tham gia vào việc dạy nghệ thuật, liên tiếp tại các Trường Cao đẳng Nghệ thuật Nanguo, Khoa Nghệ thuật Đại học Trung ương Quốc gia, Cao đẳng Nghệ thuật Đại học Bắc Kinh, cùng các học viện khác. Ông ủng hộ việc ký họa từ các vật thể sống là phương pháp đào tạo nền tảng cho hội họa, tập trung vào việc trau dồi óc thẩm mỹ và khả năng sáng tạo. Trong nhiệm kỳ là giáo sư và Trưởng khoa Nghệ thuật Đại học Trung ương Quốc gia, ông đã thiết lập các khóa học tự chọn và bắt buộc như phác họa, sơn dầu, hội họa Trung Quốc, lý thuyết nghệ thuật, điêu khắc đất sét. Bằng cách kết hợp hệ thống giảng dạy trên lớp và studio, ông đặc biệt chú ý đến khuynh hướng cá nhân của sinh viên, đồng thời đảm bảo rằng ai cũng nhận được sự hướng dẫn tích cực. Ông cũng nhấn mạnh việc tuyển dụng những giáo viên có tầm nhìn sâu sắc, chẳng hạn như Huang Junbi dạy phong cảnh, cũng như Fu Baoshi dạy lý thuyết nghệ thuật và lịch sử. Thỉnh thoảng, ông tổ chức các buổi thuyết trình giới thiệu các họa sĩ nước ngoài để khuyến khích phát triển khả năng đánh giá nghệ thuật của sinh viên.

Ngựa phi nước đại. Đặt hàng bởi Viện hàn lâm Sinh học và Nhân chủng học Sinica. Vẽ năm 1944 cho nhà hóa sinh, tiến sĩ Joseph và Dorothy Needham. 100 × 62 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 4, 2012, đạt 14,100,000 HKD.

9. Từ Bi Hồng đã hỗ trợ Fu Baoshi, Wu Zuoren và nhiều người ra nước ngoài học tập

Từ Bi Hồng tích cực ủng hộ những tài năng, ông đã giúp đỡ nhiều nghệ sĩ du học. Ông thuyết phục Xiong Shihui, tỉnh trưởng Giang Tây tài trợ cho Fu Baoshi- tài năng nhưng nghèo khó, sang Nhật học nghệ thuật. Ông cũng bảo lãnh cho Wu Zuoren sang Pháp học tập.

Viết năm 1927, một món quà cảm ơn cho người bạn Wang Shaoling vì lòng mến khách. Câu đối kích thước lớn. Thư pháp Hành thư. Mỗi bên 235 × 48 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2011, đạt 3,020,000 HKD.

Dành cho người bạn, kiến trúc sư nổi tiếng người Singapore He Guangyao, trước khi tổ chức một triển lãm ở Mỹ. Mèo bắt bướm. 110.8 × 54.5 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2017, đạt 7,300,000 HKD.

10. Từ Bi Hồng đã tích cực quảng bá nghệ thuật Trung Quốc tại châu Âu

Năm 1933, Từ Bi Hồng tập hợp tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc, chẳng hạn như Trương Đại Thiên, Tề Bạch Thạch, cho ‘Triển lãm hội họa Trung Quốc hiện đại’ ở Paris. Triển lãm gây phấn khích và thu hút rất nhiều sự chú ý, chỉ riêng danh mục triển lãm đã in đến lần thứ ba. Triển lãm sau đó được chuyển sang Bỉ, Milan, Moscow và những nơi khác.

Từ Bi Hồng trong triển lãm tổ chức tại Liên bang Xô Viết.

11. Từ Bi Hồng và Tề Bạch Thạch đã phát triển một tình bạn dài lâu

Sau khi Tề Bạch Thạch định cư ở Bắc Kinh, nền tảng nghệ thuật và phong cách hội họa mới của ông đã khiến ông xa lánh phần còn lại của thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, Từ Bi Hồng nổi tiếng là vô cùng trân trọng nghệ thuật của Tề Bạch Thạch và thường ghé thăm để mua các tác phẩm. Dù chênh lệch gần 30 tuổi nhưng họ rất đồng điệu. Từ Bi Hồng không chỉ mời Tề Bạch Thạch làm giáo sư tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Bắc Kinh mà còn tiến cử ông cho Công ty sách Zhonghua, đích thân viết lời tựa và giúp ông xuất bản một bộ sưu tập tranh. Tề Bạch Thạch đã đề cập đến tình bạn này trong nhiều câu thơ của mình.

Từ Bi Hồng và Tề Bạch Thạch.

12. Trong Thế chiến thứ hai, Từ Bi Hồng đã đến Nanyang để gây quỹ cho Kháng chiến chống Nhật

Năm 1938, Từ Bi Hồng đi lại giữa Trùng Khánh và Quế Lâm. Vào thời điểm đó, đã có ý tưởng tổ chức một cuộc quyên góp chống lại sự xâm lược của Nhật Bản. Chính trong bầu không khí này, ông đã tiếp xúc với những người Trung Quốc yêu nước có ảnh hưởng ở nước ngoài, tặng họ những tác phẩm thư pháp và nghệ thuật. Một ví dụ là ‘Ba con vịt,’ vẽ năm 1938 (Sotheby’s Hong Kong, tháng 10, 2012, Đấu giá hội họa Trung Quốc, Lô 1375). Nó được tặng cho ông Tan Chinhean ở Singapore, người cũng tình cờ là thành viên ủy ban trù bị của Hiệp hội cứu trợ Singapore năm 1939. Trong những năm sau đó, Từ Bi Hồng tiếp tục đóng góp cho quốc gia, liên tiếp đến Singapore, Kuala Lumpur, đảo Penang, Ipoh và những nơi khác để tổ chức triển lãm. Ông cũng vẽ nhiều tranh cho người Trung Quốc ở những khu vực này, thu thập tất cả các khoản quyên góp để cứu trợ người tị nạn Trung Quốc. Do đó, theo thời gian, các tác phẩm dành riêng cho các gia đình nổi tiếng ở Nanyang vẫn xuất hiện trên thị trường ngày nay.

Ba con vịt. Vẽ năm 1938 cho Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc Singapore, Tan Chinhean. 69 × 54.5 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2012, đạt 6,500,000 HKD.

13. Từ Bi Hồng đã kết nối với nhiều nhà tài trợ quan trọng trong triển lãm Chiến tranh chống Nhật của ông

Từ Bi Hồng và Huang Manshi.

Anh em nhà Huang- Menggui và Manshi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hành trình nghệ thuật của Từ Bi Hồng, ông gọi họ là “những người bạn tâm giao đầu tiên trong đời”, hay “Anh cả” và “Anh hai”. Trước khi hết học phí vào năm 1925, ông gặp Huang Menggui, lúc đó đang ở Pháp. Huang đã sắp xếp để ông vẽ chân dung cho các nhà lãnh đạo Hoa kiều ở Singapore để có thêm thu nhập và nhờ em trai Huang Manshi quan tâm, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc hành trình đến Nanyang của ông. Năm 1939, ông một lần nữa trở lại Singapore để gây quỹ và tổ chức triển lãm Chiến tranh chống Nhật. Trong quá trình này, ông đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp địa phương, cũng như sự tài trợ từ giới văn học và nghệ thuật. Ví dụ, kiến ​​trúc sư nổi tiếng người Singapore thời tiền chiến Ho Kwong Yew là một trong những nhà tài trợ như vậy. Trong thời kỳ chiến tranh hỗn loạn, anh em Huang cũng đã cất giấu một phần lớn các bộ sưu tập quan trọng của Từ Bi Hồng và tổ chức tại Singapore một triển lãm sau khi ông qua đời, tưởng nhớ người bạn thân của họ.

Đại bàng tung cánh. Vẽ năm 1939 cho người bạn, kiến trúc sư nổi tiếng người Singapore He Guangyao, được tặng vào thời điểm nguy cấp để khích lệ và nâng cao tinh thần. 154.7 × 82 cm, bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2017, đạt 16,900,000 HKD.

14. Từ Bi Hồng có ba mối tình đáng nhớ với Jiang Biwei, Sun Duoci và Liao Jingwen

Khi ở Thượng Hải, Từ Bi Hồng thường đến thăm Jiang Meiche, người cùng làng. Qua những chuyến thăm, ông nảy sinh tình cảm với Biwei, con gái của Jiang. Tuy nhiên, cô đã đính hôn mặc dù không quan tâm đến cuộc hôn nhân sắp xếp đó, và cuối cùng Jiang Biwei đã đưa ra quyết định bất chấp gia đình, đến Nhật Bản với ông. Jiang cũng theo ông trong thời gian học ở Paris và hai người đã có với nhau một con trai và một con gái. Năm 1930, khi là giáo sư tại Khoa Nghệ thuật Đại học Trung ương Quốc gia, ông yêu sinh viên của mình, Sun Duoci, và năm 1938, ông tuyên bố ly thân với Jiang. Do sự phản đối kiên quyết của cha Sun về mối quan hệ này, hai người cuối cùng đã chia tay. Sau đó, ông nhiều lần quay lại với Jiang, nhưng họ không hòa giải được và chính thức ly hôn vào năm 1945. Người vợ cuối cùng của ông là Liao Jingwen, một thủ thư tại Học viện Nghệ thuật Trung.

Cô gái bên cây tre. Vẽ năm 1938 cho bài thơ ‘Cô gái đẹp’ của Đỗ Phủ. Bức tranh mô tả một cô gái theo lối cổ, mắt nhìn xa xăm trong trạng thái mong chờ. 109.7 × 42.6 cm. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2019, đạt 7,975,000 HKD.

Dựa tre. Vẽ năm 1943 cho bài thơ của Shao Ling. Bức tranh mô tả người phụ nữ với vẻ cương nghị của phụ nữ hiện đại. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2011, đạt 11,636,000 HKD.

15. Từ Bi Hồng cũng là một nhà sưu tập đam mê

Trong bộ sưu tập ấn tượng của Từ Bi Hồng, có lẽ những tác phẩm mà ông chú tâm nhất là tranh của Ren Bonian và Tề Bạch Thạch. Ông đã từng tuyên bố trong một bài bình luận về Ren rằng “… một họa sĩ chân chính của quá khứ và hiện tại chắc chắn sẽ nhận ra sự hoàn hảo trong tác phẩm của Ren.” Bộ sưu tập của ông bao gồm thư pháp và tranh mọi thời đại. Trong một triển lãm tổ chức tại Hồng Kông năm 1936, ông đã có được một bức tranh Trung Quốc nhiều người săn lùng- ‘Tám mươi bảy người bất tử’- ông quý bức tranh này như chính cuộc đời mình, với một con dấu ‘Cuộc đời của Từ’. Sau khi ông mất, bộ sưu tập của ông, gồm hơn 1000 tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng, được dành tặng cho công chúng.

Những dấu ấn của Từ Bi Hồng. Những con dấu của Huang Menggui được Từ Bi Hồng dịch và chú thích. Bán tại Sotheby’s Hong Kong tháng 10, 2016, đạt 1,125,000 HKD.

Do nhu cầu với tranh Từ Bi Hồng cao, giá trị của chúng tại các phiên đấu giá ngày càng tăng

Từ Bi Hồng là một trong những họa sĩ được săn lùng nhiều nhất trên thị trường nghệ thuật hiện đại Trung Quốc. Tranh ông được sưu tập rộng rãi bởi người yêu nghệ thuật tại Trung Quốc, Đông Nam Á, cũng như các nhà ngoại giao tới Trung Quốc.

Nguồn: Sotheby’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top