Logo loading

Gà trong văn hóa nghệ thuật

Gà là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử phát triển nhân loại, là một linh vật xuất hiện trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.
|Vũ Hiệp

Do có khí chất dũng cảm nên gà (trống) được người Hy Lạp cổ đại tượng trưng cho thần chiến tranh Ares, thậm chí họ còn tin rằng gà trống dũng cảm hơn cả sư tử. Do có tiếng gáy thần thánh vào lúc sáng sớm để gọi mặt trời mà người La Mã cổ đại tin rằng gà (trống) tượng trưng cho thần Mercury, người đưa tin của các vị thần và cũng là vị thần dẫn dắt linh hồn người chết về thế giới bên kia.

GÀ TRỐNG TRONG TRANH MOSAIC LA MÃ,
BẢO TÀNG QUỐC GIA ROME

Trong sách Talmud của người Do Thái, người ta khuyến khích việc học tập đức tính lịch thiệp đối với bạn đời của gà (trống), vì gà trống sẽ gọi các gà mái đến ăn trước mỗi khi tìm thấy thức ăn. Trong Thiên Chúa giáo, gà (trống) được coi là sự cảnh giác đối với phản bội, bởi Chúa Giê-su đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phê-rô rằng: “Thầy bảo thật anh, trong đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã từ chối thầy ba lần”. Vào thế kỷ 6, giáo hoàng Gregorius I đã tuyên bố rằng gà trống là biểu tượng của Thiên Chúa giáo. Người Pháp chọn gà trống Gaulois là biểu tượng của nước mình.

Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp, với biểu tượng Dậu. Cũng như 12 vị thần trên đỉnh núi Olympia, mỗi vị có một khả năng đặc biệt chỉ riêng mình có, hoặc 12 chòm sao trên cung hoàng đạo, mỗi chòm sao biểu trưng cho một tính cách nổi trội nào đó của con người, mỗi một con trong 12 con giáp của lịch pháp phương Đông cũng có một tính chất đặc biệt và nổi trội nào đó, hơn hẳn hàng ngàn con vật khác để tượng trưng cho các “pha” vận hành của vũ trụ và con người.

Ở gà (trống) có 5 đức: Thứ nhất, mào đỏ trên đầu tượng trưng cho văn; thứ hai, chân đạp đất tượng trưng cho võ; thứ ba, thấy kẻ thù thì đánh nhau quyết liệt tượng trưng cho dũng; thứ tư, tìm được thức ăn thì chia cho các con khác cùng ăn tượng trưng cho nghĩa; thứ năm, hàng sáng cất tiếng gáy báo hiệu mặt trời mọc tượng trưng cho tín.

Gà trống cũng là một linh vật, nó có thể trừ ma, đánh đuổi tà khí. Trong truyện Tây Du Kí có đoạn Tỳ Bà Tinh bắt Đường Tăng đòi làm chồng, đánh cho Tôn Ngộ Không thua te tua. Tỳ Bà Tinh vốn là một con rết ở Lôi Âm Tự, nghe giảng kinh mà có năng lực biến hình thành thiếu nữ xinh đẹp. Ngộ Không bị thua, phải nhờ Mão Nhật Tinh Quân (thần gà trống) đến mới có thể thu phục được yêu quái. Một con yêu quái khác mà Tôn Ngộ Không cũng bị thua là Bách Nhãn Ma Quân, sư huynh của 7 con yêu tinh nhện, vốn là một con rết đực, do học đạo mà thành tinh. Mão Nhật Tinh Quân cũng không diệt nổi con yêu tinh này nên phải nhờ tới mẹ mình là Tỳ Lam Bồ Tát (con gà mái đã tu đắc đạo) mới có thể thu phục được nó. Như vậy, theo Ngô Thừa Ân, tác giả của Tây Du Ký, gà mái còn mạnh hơn cả gà trống.

Theo phong thủy của người Trung Quốc, gà thuộc Kim, phương vị ở Chính Tây, hợp với Tỵ, Sửu (tam hợp) và Thìn (lục hợp). Vì vậy, treo tranh gà trong nhà nên ở tường phía Tây là tốt nhất, và rất phù hợp với những người tuổi Tỵ, Sửu, Thìn.

Người Trung Quốc cũng cho rằng tranh vẽ một con gà đứng trên tảng đá sẽ mang ý nghĩa đại cát cho tất cả mọi người trong nhà. Gà, theo âm Hán Việt là “kê”, viết là 雞 , trong tiếng Hoa đồng âm với (cát – tốt lành). Còn đá (thạch) viết là 石 đồng âm với (thất – nhà). Từ Bi Hồng vẽ nhiều tranh gà trống đứng trên tảng đá hoặc núi đá, tượng trưng cho gà báo điềm lành cho gia chủ, cũng là thể hiện khí chất mạnh mẽ oai phong của người quân tử.

TRANH GÀ TRỐNG CỦA TỪ BI HỒNG, THỦY MẶC, 1943

Tranh gà thường có các chủ đề sau: Thứ nhất, một con gà trống, thể hiện đức của người quân tử hoặc thần khí xua đuổi tà ma. Thứ hai, gà trống và gà mái, thể hiện hài hòa âm dương, tình nghĩa vợ chồng, chia ngọt sẻ bùi. Thứ ba, gà mái mẹ với một đàn gà con thể hiện cho phúc đức, sinh nở phồn thực, cát tường. Thứ tư, hai gà trống chọi nhau, thể hiện sự dũng mãnh, quyết chiến đối thủ.

“CHỌI GÀ” CỦA VŨ CAO ĐÀM, SƠN DẦU, SƯU TẬP NƯỚC NGOÀI

 

“TRỐNG-MÁI” CỦA NGUYỄN HUYẾN, SƠN MÀI, 1980, 70 × 102 CM

 

“GÀ TRỐNG” CỦA NGUYỄN TƯ NGHIÊM, PHẤN MÀU TRÊN GIẤY, 1969, 32 × 39 CM

Nhưng trong không ít nền văn hóa, gà (trống) cũng là biểu tượng của một hiện tượng sinh lý không mấy hay ho gì, đó là đồng tính nam. Trong tiếng Hán, “kê gian” () nghĩa là hành vi đàn ông dâm dục với nhau. Người Hy Lạp cổ đại vẽ tranh Ganymedes, cậu thiếu niên đẹp nhất trần gian bị Zeus “lạm dụng”, bằng hình ảnh một tay cầm vòng tròn, một tay cầm con gà. Theo Thần thoại Hy Lạp, Ganymedes, hoàng tử thành Troy, có mái tóc vàng thong thả giữa đàn cừu trắng, làm cho thần Zeus chao đảo. Thần biến thành con đại bàng và bắt cóc cậu lên đỉnh Olympia để tiện bề âu yếm. Zeus đã ban cho Ganymedes sự bất tử và ở hình dạng thiếu niên mãi mãi, thần còn biến cậu thành chòm sao Bảo Bình (Aquarius) để cậu ở trên thiên đàng mãi mãi. Ganymedes là biểu tượng của tình yêu và ham muốn đồng giới, được thể hiện trong hình ảnh một thiếu niên với con gà trống trên tay.

TRANH GỐM GANYMEDES THỜI HY LẠP CỔ ĐẠI

Khi xem bức tranh gốm Ganymedes của người Hy Lạp, chúng tôi tự hỏi: Tại sao vòng tròn và con gà trống lại biểu trưng cho tình yêu đồng giới? Chúng tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ là vì hình ảnh chọi gà đã ảnh hưởng đến việc hình thành biểu tượng đó của người Hy Lạp. Chọi gà, tức là coi đối phương cũng là mình. Hai con gà trống đánh nhau đến mức không còn biết mình là ai, đối phương là ai; chỉ đánh cho đến chết thì thôi. Trong hoàn cảnh ấy, cái tôi bị biến mất, con gà (hay con người) không thể suy nghĩ gì và cái bản thể hiện sinh phát lộ ra ngoài một cách mạnh mẽ nhất. Lúc đó, tất cả hòa vào làm một, được biểu tượng bởi hình tròn. Tình yêu, cũng là sự hòa hợp của hai tâm hồn vào làm một, và quả thực, không hình ảnh nào có thể hay hơn để biểu tượng cho tình yêu đồng giới bằng vòng tròn và con gà trống. Các nghệ sĩ Hy Lạp cổ xưa thật đáng kinh ngạc!

Từ xa xưa người Việt Nam đã coi trọng gà, chả thế mà lễ vật thách cưới công chúa của Hùng Vương thứ 18 là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Ngày nay, chẳng có ngày lễ giỗ nào mà người Việt Nam lại không dùng gà để tế cúng thần linh, tổ tiên. Trong dân gian có rất nhiều những câu ca dao tục ngữ về gà, ví dụ: Con gà cục tác lá chanh; Bút sa gà chết; Gà trống nuôi con; Ông nói gà, bà nói vịt; Con gà tức nhau tiếng gáy; Cõng rắn cắn gà nhà; Trông gà hóa cuốc; Như gà mắc tóc… Ngày nay, chúng ta cũng dùng gà để diễn tả một số hiện tượng xã hội, ví dụ như anh chàng nào trông khờ khạo thì bị chê là “gà”, như diễn viên “Hiệp gà”, hoặc các cô gái mại dâm được gọi là “gà móng đỏ”… Điều đó cho thấy vai trò hình ảnh của con gà đã đi sâu vào văn hóa, ngôn ngữ, lối sống của người Việt. Người Việt Nam ta ưa nói bóng gió ẩn dụ, và con gà như một “chiếc gương” phản chiếu tâm tư, ước vọng của mình.

Như trong tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh cậu bé ôm gà hoặc một đàn gà tíu tít quây quần thể hiện ước vọng cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Vâng, ngay cả cụm từ “con cháu đầy đàn” chắc có lẽ cũng từ hình ảnh đàn gà mà ra. Cuộc sống và triết lý của con người đôi khi được biểu trưng một cách rất giản dị thông qua những con vật nuôi bình thường xung quanh ta. Và nghệ thuật cũng vậy.

TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ “ĐÀN GÀ”

BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ VŨ HIỆP

Chia sẻ:
Back to top